Những ca phẫu thuật hy hữu
Thời gian qua, các bệnh viện trong tỉnh tiếp nhận và thực hiện nhiều ca phẫu thuật để cứu chữa cho nhiều bệnh nhân bị tai nạn hy hữu.
Nhờ đó, nhiều bệnh nhân thoát khỏi “cửa tử”, may mắn trở về với cuộc sống đời thường.
* Nuốt... cây lục giác lúc nào không hay
Mới đây, sau 45 phút cẩn trọng thực hiện ca phẫu thuật nội soi, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã lấy ra khỏi dạ dày bệnh nhân T.V.D. (38 tuổi, ngụ xã Phước Thiền, H.Nhơn Trạch) một cây lục giác hình chữ L có tổng chiều dài khoảng 15cm. Dụng cụ này bằng kim loại, dùng để mở bulong, đai ốc, tháo lắp các loại ốc vít có đầu lục giác. Đây là ca phẫu thuật hy hữu mà BS Huỳnh Phúc Hưng, Phó trưởng khoa Tiêu hóa lần đầu thực hiện trong suốt 11 năm làm việc tại bệnh viện.
Theo đó, bệnh nhân D. nhập viện ngày 26-3 trong tình trạng sốt cao, đau bụng, đi cầu phân đen và nôn ra máu số lượng từ 500-1.000ml máu. Sau khi điều trị nội khoa, các bác sĩ tiến hành nội soi thì phát hiện trong dạ dày bệnh nhân có 2 dị vật. Một vật là ống dẫn lưu đặt stent đường mật bằng nhựa (bệnh nhân bị ung thư đường mật, ống dẫn lưu do các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đặt) và một thanh kim loại hình chữ L có 2 đầu cắm vào 2 thành dạ dày của bệnh nhân.
Do chưa biết 2 đầu sắc nhọn của thanh kim loại cắm vào tới đâu của thành dạ dày nên các bác sĩ chưa vội thực hiện phẫu thuật lấy thanh kim loại ra mà cho bệnh nhân đi chụp CT để đánh giá tổn thương chỗ đầu thanh kim loại đâm vào. Qua hội chẩn với các bác sĩ ngoại khoa, ban đầu các bác sĩ dự kiến sẽ mổ hở để lấy thanh kim loại ra ngoài.
Tuy nhiên, do sức khỏe bệnh nhân suy kiệt, nếu thực hiện ca mổ hở sẽ ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân, vết mổ cũng dễ bị nhiễm trùng nên các bác sĩ thống nhất sẽ thực hiện ca phẫu thuật nội soi dạ dày lấy dị vật để hạn chế thương tổn cho bệnh nhân.
Trong 45 phút, BS Hưng cùng ê-kíp đã tiến hành gây mê, nội soi để lấy thanh kim loại ra ngoài qua đường hầu họng của bệnh nhân. Đáng lưu ý, trong quá trình nội soi, bác sĩ phát hiện 2 đầu thanh kim loại rất sắc nhọn, cắm vào trong dạ dày của bệnh nhân.
Để lấy được thanh kim loại này ra ngoài rất khó khăn. Một mặt vì thanh kim loại đã hoen gỉ, nhọn 2 đầu, mặt khác kích thước của đầu thanh kim loại hình chữ L khá lớn và dài. Nếu thực hiện không khéo léo, chỉ một chút sơ sẩy, 2 đầu sắc nhọn sẽ đâm thủng dạ dày bệnh nhân và đi tới đâu sẽ gây thủng tới đó. Rất may, nhờ sự khéo léo và kỹ thuật tốt, BS Hưng cùng ê-kíp đã đưa được lục giác ra khỏi dạ dày bệnh nhân.
Nhìn thanh kim loại đã hoen gỉ và bị bào mòn bởi axit, BS Hưng nhận định, khả năng cao bệnh nhân đã nuốt cây lục giác này vào bụng khá lâu trước đó. Trường hợp này nếu không lấy dị vật ra ngoài, để lâu sẽ gây thủng dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, nhiễm trùng gây nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân.
* Chiếc xương cá, tăm tre và “hành trình” kỳ lạ
Nhớ lại quá trình hành nghề của mình, BS CKI Trần Ngọc Lưỡng, Khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai cho biết, anh khá ấn tượng với một trường hợp hóc dị vật rất hiếm gặp vào giữa năm 2019.
Bệnh nhân là anh T.H.A. (35 tuổi, ngụ P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) nhập viện trong tình trạng đi đứng không thoải mái, không dám ngồi vì rất đau và khó chịu ở vùng hậu môn.
Qua nội soi hậu môn, các bác sĩ phát hiện trong ống trực tràng của bệnh nhân có một dị vật đang làm ổ và gây viêm, dị vật dài khoảng 3cm và có nhiều góc cạnh. Bệnh nhân sau đó được đưa lên phòng phẫu thuật để bác sĩ gây tê tủy sống làm cho ống hậu môn dãn ra, xẻ ống hậu môn và gắp dị vật ra ngoài, làm sạch ổ viêm. Sau khi lấy dị vật ra ngoài, các bác sĩ xác định đây là một chiếc xương cá ở vùng đầu của con cá hường, rất sắc nhọn.
Theo BS Lưỡng, thông thường khi ăn thức ăn vào miệng, nếu không may bị hóc thì chiếc xương sẽ vướng ở họng, thực quản. Nếu chiếc xương trôi xuống thì sẽ dừng ở dạ dày, vào được ruột non sẽ thường gây thủng ruột non. Còn trường hợp của bệnh nhân A., chiếc xương cá đã đi qua được tất cả các bộ phận trên một cách suôn sẻ và xuống được đến đại tràng. Nhưng khi chui xuống phần ống trực tràng thì bị mắc lại do có nhiều góc cạnh. Rất may bệnh nhân chưa bị thủng ruột như nhiều trường hợp khác. Nếu không, sẽ rất nguy hiểm.
Sau đó 1 năm, BS Lưỡng lại tiếp tục thực hiện một ca phẫu thuật lấy cây tăm tre đâm thủng ruột, xuyên qua thành bụng và xuống đến bẹn cho một bệnh nhân người Mỹ.
Bệnh nhân cho hay, ông nhập viện với một khối u sưng đau ở vùng bẹn trái. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện ở vùng bẹn có khối viêm lớn nên tiến hành chụp CT và thấy khối viêm từ khu vực thành bụng xuống đến rốn và bẹn trái. Theo dõi trên đường đi của khối viêm, bác sĩ thấy có dị vật nhưng không rõ. Sau khi điều trị bằng thuốc kháng sinh, khối viêm sưng to, mưng mủ, bệnh nhân đau, sốt, mệt mỏi, bạch cầu tăng rất cao, dấu hiệu của nhiễm trùng.
Các bác sĩ ngay lập tức làm phẫu thuật, xẻ bẹn trái của bệnh nhân và hút ra 500ml mủ. Kiểm tra ở ổ áp xe, bác sĩ phát hiện có một dị vật là cây tăm tre nhọn 2 đầu, dài khoảng 5cm.
“Ca nuốt dị vật này khá hy hữu vì đa số các dị vật như tăm tre khi nuốt vào bụng sẽ gây thủng ruột, viêm phúc mạc ổ bụng. Tuy nhiên, trường hợp này cây tăm đã đâm thủng ruột bệnh nhân nhưng không gây viêm phúc mạc ổ bụng mà đi xuyên qua thành bụng xuống đến bẹn” -
BS Lưỡng nói.
Bệnh nhân có nguyện vọng không nhận máu truyền trong mổ
Năm 2020, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã thực hiện thành công các ca phẫu thuật cứu một nữ bệnh nhân bị tai nạn giao thông, đã đi qua 5 bệnh viện nhưng không thể tiến hành can thiệp điều trị vì bệnh nhân và người nhà có nguyện vọng không nhận máu trong mổ.
Bệnh nhân vào Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất trong tình trạng đa chấn thương (gãy xương chậu, gãy xương đùi, vỡ bàng quang), mất khoảng hơn 1/2 lượng máu trong cơ thể. Các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất sau đó đã hội chẩn và chẩn đoán bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi hai bên, gãy xương đùi phải, gãy xương chậu, theo dõi vỡ bàng quang.
Bệnh nhân được mổ cấp cứu dẫn lưu màng phổi hai bên, nội soi bàng quang thám sát, cố định các vùng xương gãy. Đồng thời theo dõi tổn thương bàng quang, bất động khung chậu, xuyên đinh kéo tạ xương đùi, chăm sóc chế độ dinh dưỡng đặc biệt, tập phục hồi chức năng tại giường. Các y, bác sĩ đã theo dõi sát tiến triển của bệnh nhân, trao đổi với chuyên gia tuyến trên để có hướng điều trị tốt nhất.
Ít ngày sau đó, các bác sĩ tiếp tục mổ nội soi bàng quang cho bệnh nhân, chăm sóc với chế độ dinh dưỡng đặc biệt. Sau khi bệnh nhân có kết quả đủ điều kiện để thực hiện cuộc mổ thứ 3, các bác sĩ đã tiếp tục mổ kết hợp xương đùi bằng phương pháp mổ kín qua máy C-ARM cho bệnh nhân.
Cả 3 cuộc mổ đều được các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao của bệnh viện thực hiện, áp dụng các kỹ thuật y học hiện đại nhằm hạn chế mất máu cho bệnh nhân. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được nuôi dinh dưỡng, tập phục hồi chức năng tích cực và được xuất viện sau hơn 1 tháng điều trị.