Những cách hay để xử lý các món đồ cũ
Nhiều người băn khoăn không nên biết làm gì với những món đồ cũ mà họ không dùng tới. Đem tặng các tổ chức từ thiện, đem bán, hoặc tái chế đồ cũ là những cách bạn có thể tham khảo.
Một trong những lý do phổ biến khiến người ta quyết định sống chậm hơn là mối quan tâm đối với môi trường. Chúng ta biết mình cần trở thành những người gìn giữ hành tinh này tốt hơn, bởi thế thật dễ hiểu khi một trong những chướng ngại lớn nhất khi lọc bỏ đồ chính là ta không biết làm gì với những thứ thừa thãi đó.
Có thể chúng ta muốn gỡ gạc lại số tiền của mình hay tặng cho các tổ chức từ thiện. Có thể chúng ta thích cho những người bạn hoặc người thân, hoặc muốn chúng được tái chế thành một thứ gì đó đẹp đẽ. Bởi thế, phần lớn đồ thừa của chúng ta vẫn hoàn toàn tốt và dùng được - chắc chắn chúng vẫn có thể làm được nhiều việc có ích hơn là bị ném vào bãi rác và mục rữa trong đất đúng không?
Cách đơn giản nhất để lọc bỏ đồ với thiệt hại tối thiểu là cho nó đi. Tôi thích chọn một tổ chức từ thiện và cho họ đồ thừa. Tuy nhiên, có thể sự tình sẽ phức tạp hoặc phiền hà nếu tổ chức đó không nhận một số loại đồ nhất định; ngày càng nhiều sách vở, đồ nội thất và các thiết bị điện bị từ chối vì họ đã nhận quá nhiều những thứ đó rồi và do họ quan tâm đến sự an toàn.
Bạn có thể tìm cách khác, thông qua Freecycle hoặc các nhóm mua bán trao đổi trên Facebook, và có nhiều tổ chức địa phương cũng có thể cần chúng: nhà trẻ, trường mầm non có thể muốn những món đồ chơi thừa hoặc đồ làm bếp của bạn; các trung tâm tị nạn, những mái ấm phụ nữ, các tổ chức từ thiện cho cựu chiến binh hoặc các nhà dưỡng lão cũng có thể cần quần áo, đồ đạc, đồ chơi, sách báo.
Thư viện địa phương, những hội sinh hoạt, nhóm làm vườn hoặc nhà văn hóa cộng đồng có thể cũng cảm kích với món đồ quyên góp này, hoặc có thể bán đồ tại một buổi thanh lý đồ đạc để gây quỹ trong khu dân cư. Chỉ cần tìm hiểu một chút, gọi vài cuộc điện thoại là bạn có thể tìm được giải pháp hữu ích cho những món đồ không cần đến nữa của mình.
Nếu bạn muốn bán các món đồ và gỡ gạc chút tiền đã bỏ ra mua nó thì đừng lo, hãy cho mình một thời hạn. Nếu không bán được (trên eBay hoặc trong buổi thanh lý đồ, ví dụ vậy) trước thời điểm đó, hãy cho nó đi.
Nếu bạn có những kế hoạch lớn để sửa chữa, tái chế hoặc tái sử dụng đồ thừa của mình thì rất tuyệt. Tương tự, hãy cho mình một thời hạn để hoàn thành dự án đó và nếu không làm được, hãy cho đi.
Tái chế có thể là lựa chọn tốt cho những món không thể đem làm từ thiện, không bán hay dùng lại được, chúng còn hay hơn rất nhiều so với việc ném đồ vào thùng rác.
Tất nhiên, không phải món đồ nào cũng có thể tái chế được, bởi thế hãy chắc chắn biết rõ các nơi chuyên tái chế chấp nhận vật liệu nào hay hỏi ủy ban địa phương xem họ có chương trình tái chế cho những món đồ như máy chiếu, máy tính, đồ điện cũ hoặc đầu máy quay phim hay không.
Bạn có thể thường xuyên phục hồi điện thoại cũ ở cửa hiệu bạn mua, và nhiều cửa hàng công nghệ sẽ lấy máy tính hoặc laptop cũ của bạn, rồi tân trang chúng để dùng trong các trường học hoặc các chương trình giá rẻ cho những người không có điều kiện tiếp cận công nghệ.
Dù chọn làm gì thì hãy cứ làm đi. Vì những đồ chơi bằng nhựa đã hỏng cũng không thể hỏng hơn hay không còn là nhựa khi chết gí trong gara sáu tháng trời. Tương tự, những chiếc điện thoại thông minh đã hỏng, hoặc đôi giày quá cũ sẽ không thể trở nên hữu dụng nếu bạn cứ ngồi đó mà chờ. Đừng để chuyện này trở thành chướng ngại trên con đường tối giản hóa đồ đạc.
Có thể bạn sẽ cảm thấy rất dằn vặt vì đống đồ thừa thãi này - đặc biệt là những thứ không thể mang làm từ thiện, tái chế hoặc tái sử dụng được, nhưng hãy coi sự dằn vặt đó là cơ hội để bạn đưa ra những quyết định tốt hơn, chỉ mua những thứ bạn cần, đảm bảo chất liệu của chúng bền lâu và có thể tái chế khi không dùng nữa đồng thời cố gắng tối đa có thể.
Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-cach-hay-de-xu-ly-cac-mon-do-cu-post1475266.html