Những cách làm mới gây quỹ Đoàn

Khó khăn về kinh phí hoạt động là tình trạng chung của hầu hết cơ sở Đoàn. Tuy nhiên, nhiều đơn vị đã sáng tạo gây quỹ bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả.

Trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên, vấn đề kinh phí tuy không phải là yếu tố quyết định nhưng lại ảnh hưởng lớn đến chất lượng sinh hoạt cũng như hoạt động Đoàn. Thực tế, quỹ Đoàn ở cơ sở phụ thuộc chủ yếu vào kinh phí do chính quyền sở tại cấp, cùng nguồn vận động từ doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đóng góp của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN). Vì vậy, muốn có kinh phí tổ chức thêm nhiều chương trình, phong trào, các cơ sở Đoàn phải tự tìm nguồn quỹ. Đây là bài toán khó, bởi vậy không ít cơ sở Đoàn phải giảm bớt hoặc tổ chức các hoạt động sơ sài, thiếu hấp dẫn ĐVTN. Để khắc phục tình trạng trên, nhiều tổ chức Đoàn cơ sở trên địa bàn tỉnh đã sáng tạo những mô hình gây quỹ hiệu quả, phù hợp với tình hình của địa phương, đơn vị.

 ĐVTN xã Mai Trung (Hiệp Hòa) tham gia chương trình Rửa xe gây quỹ.

ĐVTN xã Mai Trung (Hiệp Hòa) tham gia chương trình Rửa xe gây quỹ.

Cách đây hơn 10 năm, tận dụng lợi thế của địa phương có diện tích đất rừng rộng lớn, Chi đoàn thôn Mùng, xã Dương Hưu (Sơn Động) đã mạnh dạn xin trồng rừng trên những diện tích đã được cấp phép. Được sự nhất trí của chính quyền địa phương, ĐVTN trong thôn đã đóng góp tiền mua cây keo giống để trồng trên diện tích 2 ha đất hoang hóa. Đều đặn hằng tháng, thanh niên trong thôn thay phiên nhau chăm sóc rừng cây. Đất không phụ công người, từ đó đến nay, rừng cây đã cho thu hoạch 2 lần và thu về gần 200 triệu đồng. Toàn bộ số tiền được Đoàn xã đưa vào Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.

Năm 2019, anh Đặng Văn Quyết (SN 1996) ở thôn Mùng có hoàn cảnh khó khăn được vay 20 triệu đồng để phát triển kinh tế. Anh Quyết nói: “Nhờ số tiền Đoàn xã cho vay, tôi mua phân bón và mua thêm cây giống để trồng gối vào diện tích rừng của gia đình. Hiện tại, cây phát triển tốt, lớn đều, cao khoảng 6 m; cuối năm sẽ được bán. Chắc chắn, lợi nhuận từ bán keo sẽ giúp gia đình tôi trả nợ, có thêm tiền để trang trải cuộc sống”.

Trao đổi với anh Hoàng Văn Thuận, Bí thư Đoàn xã Dương Hưu được biết, trên địa bàn xã đang duy trì 3 mô hình rừng cây gây quỹ Đoàn tại các thôn: Mùng, Bán, Đồng Riễu. Mỗi mô hình có diện tích từ 1 đến 2 ha đã cho thu hoạch từ 1-3 lần. Từ khi có thêm nguồn kinh phí này, các hoạt động, phong trào ở địa phương thêm phần sôi nổi, chất lượng, hiệu quả hơn, khác hẳn so với trước đây cán bộ chi đoàn phải đến từng nhà người dân để vận động quyên góp.

Từ năm 2017, Đoàn xã Mai Trung (Hiệp Hòa) triển khai mô hình rửa xe gây quỹ. Mỗi năm, Đoàn xã tổ chức từ 3-5 đợt nhằm quyên góp kinh phí hỗ trợ những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hoặc gặp tai nạn đột xuất. Chương trình diễn ra ở các điểm trung tâm của xã như trước cổng trường học, nhà văn hóa, sân UBND xã… Trực tiếp tham gia hoạt động này là Ban Thường vụ Đoàn xã, một số ĐVTN ở 12 chi đoàn của xã.

Tại điểm rửa xe, dụng cụ máy móc được các bạn thanh niên tự nguyện mang đến. Mỗi người được phân công một nhiệm vụ nên thời gian rửa xe được rút ngắn. Tuy không phải là những người rửa xe chuyên nghiệp nhưng với sự nhiệt tình của tuổi trẻ, các ĐVTN đều làm việc nhanh nhẹn, chu đáo, kỹ lưỡng nên rất đông người dân đưa xe đến rửa, ủng hộ.

Thực tế cho thấy, câu chuyện gây dựng quỹ hoạt động Đoàn là bài toán khó song vẫn có lời giải nếu tổ chức Đoàn ở cơ sở chịu khó tìm tòi, mạnh dạn hơn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khá nhiều mô hình gây quỹ Đoàn hiệu quả, thể hiện tính tích cực, chủ động của ĐVTN nhằm nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn.

Anh Nguyễn Thành Tiến, Bí thư Đoàn xã Mai Trung cho biết: "Mỗi lần tổ chức chương trình rửa xe, Đoàn xã đều thông báo trên hệ thống loa truyền thanh để mọi người được biết. Qua nhiều năm, số tiền rửa xe thu về hơn 100 triệu đồng. Từ đó, Đoàn xã đã trao tặng hàng chục suất quà cho học sinh vượt khó học giỏi, người già neo đơn, người gặp tai nạn. Đây cũng là nghĩa cử cao đẹp thể hiện tinh thần xung kích của tuổi trẻ xã Mai Trung".

Thực tế cho thấy, câu chuyện gây dựng quỹ hoạt động Đoàn là bài toán khó song vẫn có lời giải nếu tổ chức Đoàn ở cơ sở chịu khó tìm tòi, mạnh dạn hơn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khá nhiều mô hình gây quỹ Đoàn hiệu quả, thể hiện tính tích cực, chủ động của ĐVTN nhằm nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn. Một số mô hình tiêu biểu có thể kể đến như: Em nuôi của Đoàn, vườn ươm thanh niên, thu gom phế liệu, đêm nhạc thiện nguyện... Khi chủ động nguồn quỹ, hầu hết các chi đoàn đều tổ chức hoạt động thăm, tặng quà cho học sinh khó khăn, gia đình chính sách vào dịp lễ, Tết; hỗ trợ thanh niên lúc ốm đau, hoạn nạn; tặng quà động viên ĐVTN nhập ngũ.

Theo anh Giáp Xuân Cảnh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, việc xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình gây quỹ tại cơ sở đã góp phần khắc phục khó khăn trước mắt cho tổ chức Đoàn. Qua đó giúp các phong trào, hoạt động Đoàn trở nên thực chất, hiệu quả hơn, thu hút đông đảo ĐVTN tham gia. Thời gian tới, để tiếp tục duy trì, phát huy những mô hình gây quỹ từ cơ sở, cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương cần quan tâm, tạo điều kiện để các cơ sở Đoàn đảm nhận công trình, phần việc thanh niên. Những “thủ lĩnh” đoàn cần phát huy vai trò “đầu tàu”, sáng tạo và linh hoạt hơn trong gây dựng nguồn quỹ.

Đối với từng tổ chức Đoàn cơ sở cần tích cực khuyến khích, động viên ĐVTN nêu cao tinh thần xung kích, tự lực, không quản ngại khó khăn tham gia lao động tạo quỹ; công khai, minh bạch về thu, chi tài chính; tổ chức nhiều hoạt động phù hợp, hiệu quả, tạo môi trường cho các bạn trẻ rèn luyện, cống hiến và trưởng thành… Từ điểm sáng ở một số đơn vị, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục chỉ đạo duy trì và nhân rộng các mô hình này trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, tuyên dương, khen thưởng những mô hình, cá nhân thực sự tiêu biểu trong các phong trào, hoạt động Đoàn, Hội, Đội.

Thu Thủy

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/nhung-cach-lam-moi-gay-quy-doan-101243.bbg