Những cách làm sáng tạo, hiệu quả

Kết quả ấn tượng trong công tác giảm nghèo đã cho thấy những cách làm sáng tạo, đột phá, quyết tâm, quyết liệt của tỉnh Quảng Ninh mà không phải địa phương nào cũng thực hiện được. Đặc biệt, là những chính sách đặc thù riêng có nhằm tập trung nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo.

Xóa bỏ được tư tưởng trông chờ, ỷ lại

Những cơ chế, chính sách, cách làm sáng tạo được tỉnh triển khai quyết liệt, liên tục, hiệu quả trong công tác giảm nghèo đã giúp hàng nghìn hộ dân vươn lên thoát nghèo bền vững. Giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh và các địa phương đã triển khai không ít chính sách đặc thù; điển hình là: thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, ngoài mức hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã hỗ trợ thêm 70.000 đồng/người/năm (Trung ương hỗ trợ 80.000 đồng) cho người dân thuộc hộ nghèo ở khu vực II và 100.000 đồng/người/năm (Trung ương hỗ trợ 100.000 đồng) cho người dân thuộc hộ nghèo ở khu vực III.

Niềm vui mùa thu hoạch quế của người dân tộc Sán Chỉ (huyện Bình Liêu). Ảnh: Khánh Giang

Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh chủ động vận dụng cách làm đổi mới, sáng tạo để nâng cao đời sống của đồng bào sinh sống tại địa bàn vùng sâu, vùng khó khăn thông qua Chương trình 135. Trong đó, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 50/2016 về phân bổ nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 196/QĐ-UBND phê duyệt đề án "Nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh" (Đề án 196).

Trong giai đoạn này, tỉnh đã bố trí hơn 1.776 tỷ đồng và hơn 397 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách xã hội để thực hiện Đề án 196. Sau 3 năm thực hiện Đề án 196, đến hết năm 2019, tất cả 22 xã, 11 thôn của tỉnh đã ra khỏi diện ĐBKK (hoàn thành trước kế hoạch 1 năm). Không những thế, nhiều xã đã hoàn thành mục tiêu kép khi đồng thời "về đích" chương trình xây dựng nông thôn mới. Thành công lớn nhất của Đề án 196 chính là đã xóa bỏ được tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân. Trong đó, toàn tỉnh đã có 475 hộ nghèo tại các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Chú trọng tạo sinh kế

Từ kết quả đã đạt được, bước vào nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh Khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh tại các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND phê duyệt chương trình tổng thể đối với nội dung này.

Sau 2 năm triển khai, bằng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đầu tư đồng bộ, hiện đại, liên thông. Hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ, đã tạo điều kiện để đời sống, việc làm, thu nhập của người dân được nâng lên.

Một trong những “chìa khóa” giảm nghèo vùng đồng bào DTTS hiệu quả ở Quảng Ninh là các địa phương đã triển khai hiệu quả nguồn vốn tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác để phát triển kinh tế. Trong năm 2021 và 2022, tỉnh đã phân bổ gần 200 tỷ đồng vốn ngân sách ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm tại 64 xã thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.

Trong suốt hành trình thực hiện công tác giảm nghèo, Quảng Ninh luôn nhận được sự đồng thuận, ủng hộ, tích cực tham gia của các tầng lớp Nhân dân. Sự tham gia của các hộ nghèo trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chủ động vay vốn, tiếp cận khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu đã giúp tỉnh sớm hoàn thành được mục tiêu đề ra. Người dân các địa phương hài lòng về các quyết sách lớn của tỉnh về giảm nghèo bền vững và ưu tiên bố trí nguồn lực tập trung, quy mô lớn cho các vùng ĐBKK, đồng bào DTTS, các đối tượng chính sách, yếu thế, nhằm nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng miền.

BẢO TRÂM

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/nhung-cach-lam-sang-tao-hieu-qua-i344611/