Những cách phỏng vấn sáng tạo khiến người nổi tiếng 'dốc bầu tâm sự'

Các cuộc phỏng vấn hỏi và trả lời theo truyền thống đôi lúc trở nên khá đơn điệu và thậm chí nhàm chán. Bởi vậy, những cách phóng vấn sáng tạo đang được giới truyền thông sử dụng để thu hút nhiều khán độc giả hơn, cũng như giúp người được phỏng vấn cởi mở, đặc biệt những người nổi tiếng.

Những cuộc phỏng vấn này đã thể hiện sự hiệu quả trong loạt video trên các nền tảng như YouTube hoặc Instagram. Các trang web báo chí cũng có thể thêm những video tương tự như vậy vào bài viết của mình.

Dưới đây là một số ví dụ hay nhất về các cách phỏng vấn sáng tạo. Những video này có hàng nghìn, thậm chí hàng triệu lượt xem, và có thể là gợi ý nếu các nhà báo muốn phỏng vấn một cách sáng tạo.

 Ảnh: Journalism

Ảnh: Journalism

Những thử thách độc đáo

Các video thử thách đang là xu hướng trên mạng xã hội, đặc biệt các chủ đề liên quan đến thể thao. Thử thách "Blind rank challenges" là một ví dụ, trong đó yêu cầu người được phỏng vấn tham gia một trò chơi hoặc thử thách, yêu cầu họ xếp hạng hoặc lựa chọn những nhân vật theo ý kiến hoặc sở thích của mình. Điều này có thể dẫn đến một số khoảnh khắc hài hước khi các ngôi sao bóng đá được phỏng vấn như trong video do trang tin bóng đá Goal.com thực hiện dưới đây.

Kaka, Yaya Toure & John Terry tham gia một thử thách độc đáo có tên là "Impossible Imposfootball challenges" của kênh Goal trên YouTube.

Phỏng vấn "10 thứ cần thiết"

Bạn có thể biết nhiều điều về một người dựa trên 10 món đồ mà họ không thể sống thiếu. Đó là ý tưởng trong loạt bài Ten Essentials của tạp chí GQ, nơi khách mời giới thiệu và kể về những tài sản quý giá nhất của họ.

Một chương trình phóng vấn theo kiểu Ten Essentials của Tạp chí GQ

Người hâm mộ sẽ thích thú khi thấy khía cạnh con người của thần tượng mình. Và chắc chắn sẽ có những tiếng cười và khoảnh khắc vui vẻ.

GQ cũng thực hiện một loạt bài có tên Actually Me, nơi những vị khách nổi tiếng trả lời các câu hỏi của người hâm mộ thông qua các nền tảng mạng xã hội. Trong đó, Tattoo Tour là một cách thú vị để những vị khách nổi tiếng nói về ý nghĩa đằng sau hình xăm của họ.

Ý nghĩa những chiếc áo

Bất kỳ người hâm mộ thể thao nào cũng đồng ý rằng áo thi đấu mang rất nhiều ý nghĩa. Đối với các cầu thủ, một chiếc áo có thể nhắc nhở họ về những thăng trầm, đột phá và thất bại, những khoảnh khắc đặc biệt cũng như những ngày đáng quên.

Một chương trình phỏng vấn cựu danh thủ người Anh Steven Gerard về những chiếc gắn liền với sự nghiệp của anh do BT Sport thực hiện.

Đó là cách tiếp cận mà BT Sport áp dụng với chương trình "What I Wore" (Tạm dịch: Những gì tôi mặc). Người dẫn chương trình dẫn dắt các ngôi sao bóng đá kể về câu chuyện sự nghiệp của họ qua bộ sưu tập áo đấu ấn tượng. Đó có thể là chiếc áo họ mặc cho câu lạc bộ đầu tiên, chiếc áo cho một trận đấu nổi bật, thậm chí là áo đấu của đối thủ lớn nhất của họ. Chương trình thúc đẩy khách mời hồi tưởng và bộc lộ cảm xúc sâu sắc nhất.

Người dẫn chương trình, Andrew Mensah, cũng luôn hỏi một câu hỏi vào cuối buổi phỏng vấn: Nếu bạn ở trong một tòa nhà đang cháy và bạn có thể giữ lại hai chiếc áo, một chiếc có giá trị tình cảm và một chiếc có giá trị thẩm mỹ, bạn sẽ chọn hai chiếc nào?

"Sự thật hay hư cấu"?

Các trích dẫn từ Wikipedia thường không được chấp nhận trích dẫn vào bài luận trong các trường đại học, vì nó nổi tiếng là không đáng tin cậy.

Một chương trình của tạp chí âm nhạc Loudwire cho phép những vị khách nổi tiếng xác nhận hoặc bác bỏ những thông tin về mình trên Wikipedia, và nhiều người vui mừng khi được trao cơ hội để làm như vậy.

Một chương trình "Fact or Fiction" về nữ ca sĩ chính của Evanescence, Amy Lee do kênh Loudwire thực hiện trên YouTube

Trong chương trình phỏng vấn "Fact or Fiction" (tạm dịch: Sự thật hay hư cấu), những khách mời sẽ được cung cấp một loạt thông tin của họ lấy từ các mục Wikipedia, và họ có thể bác bỏ hoặc xác nhận chúng, đồng thời thêm vào những giai thoại cá nhân sâu sắc.

Cách quay zoom chậm

Có nhiều cách khác để thu hút khán giả vào một cuộc phỏng vấn. Một là bằng các câu hỏi cá nhân, cách còn lại là thông qua các kỹ thuật quay phim. Vanity Fair sử dụng cả hai trong series 'Slow Zoom'.

Kênh Vanity Fair sử dụng hiệu ứng "Slow Zoom" khi phỏng vấn ca sĩ Billie Eilish.

Camera sẽ rất chậm rãi phóng to vào một vị khách nổi tiếng (sử dụng máy quay trên một đường trượt), trong khi vẫn đặt ra những câu hỏi ngày càng sâu sắc và riêng tư. Hiệu ứng này có hai mặt: người xem bị kéo vào cuộc phỏng vấn về mặt thị giác và cảm xúc.

Phỏng vấn trên bàn ăn

Loạt chương trình ăn khách "Chicken Shop Date" của diễn viên Amelia Dimoldenberg phỏng vấn những nghệ sĩ nhạc rap và nhạc sĩ nổi tiếng trong một cửa hàng gà rán như thể một buổi hẹn hò.

Kênh Amelia Dimoldenberg phỏng vấn diễn viên Paul Mescal trong một quán gà rán.

Dimoldenberg cho biết cô muốn tránh những cuộc phỏng vấn thông thường, nhàm chán, nơi các nghệ sĩ âm nhạc thường nói về những ảnh hưởng và chuyến lưu diễn.

Trong bối cảnh này, khách mời có thể hạ thấp sự cảnh giác và thoải mái chia sẻ. Dimoldenberg cũng đã thu hút được các cầu thủ bóng đá và những người có sức ảnh hưởng khác tham gia chương trình.

Khoảng cách thế hệ

Nhà xuất bản kỹ thuật số LADbible có thể được biết đến với nội dung vui tươi, lan truyền, nhưng nó cũng có một số loạt video nghiêm túc như "The Gap", đưa hai người cách nhau một thế hệ nhưng có chung trải nghiệm lại gần nhau.

Một cuộc phỏng vấn giữa 2 thế hệ được ưa thích của LADbible TV

Cuộc trò chuyện giữa hai người thuộc hai thế hệ khác nhau có thể đề cập đến việc mọi thứ đã thay đổi như thế nào theo thời gian. theo hướng tốt hơn hoặc xấu hơn, và những thách thức vẫn còn tồn tại.

Điều này có thể thúc đẩy một số cuộc trò chuyện mở mang tầm mắt về tình trạng vô gia cư, sức khỏe tâm thần của các vận động viên, tội phạm và cuộc sống của một người lính.

Trải nghiệm đầu tiên

Lần đầu tiên làm điều gì đó thường sẽ để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí. Series "First" của kênh Soccer AM đã khai thác ý tưởng này bằng cách hỏi khách mời về những trải nghiệm đầu tiên của họ, ví dụ như trận đấu đầu tiên trong vai trò quản lý, chiếc cúp đầu tiên và sai lầm đầu tiên. Điều đó mở ra nhiều câu hỏi tiếp theo và tiết lộ những hiểu biết sâu sắc.

Cuộc phỏng vấn với chủ đề "Sai lầm đầu tiên của Pep Guardiola trong sự nghiệp HLV là gì?" của Soccer AM.

Gần đây, Sky Sports đã làm điều tương tự, nhưng với tựa đề "Cùng một cuộc phỏng vấn, 8 năm sau". Ý tưởng là xem lại một cuộc phỏng vấn từ 8 năm trước và đặt những câu hỏi tương tự để xem quan điểm của khách mời đã thay đổi như thế nào.

Ngọc Ánh (theo Journalism)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-cach-phong-van-sang-tao-khien-nguoi-noi-tieng-doc-bau-tam-su-post311337.html