Những cải cách mạnh mẽ của Bộ Giáo dục qua góc nhìn của 1 giáo viên

Không còn áp lực về các hội thi, cuộc thi về thành tích, giáo viên sẽ dạy thật, học sinh sẽ học thật chắc chắn chất lượng giáo dục cũng được nâng lên thực chất.

Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều cải cách mạnh mẽ đối với ngành giáo dục, đáng chú ý nhất là việc giảm nhiều áp lực cho giáo viên. Việc làm này, đã hun đúc lòng yêu nghề, thổi bùng lòng nhiệt huyết đối với các nhà giáo và tạo thành đòn bẩy nâng cao chất lượng giáo dục.

Cuộc tọa đàm mang chủ đề: "Áp lực giáo viên - Thực trạng và giải pháp" đã diễn ra sáng nay (14/12) tại Hà Nội.(Ảnh: VTV)

Cuộc tọa đàm mang chủ đề: "Áp lực giáo viên - Thực trạng và giải pháp" đã diễn ra sáng nay (14/12) tại Hà Nội.(Ảnh: VTV)

Những nỗ lực của Bộ Giáo dục

Thứ nhất, Bộ Giáo dục đã ban hành Thông tư số: 22/2019/TT-BGDĐT quy định về Hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cơ sở giáo dục phổ thông. Điều mới của thông tư này là giáo viên không phải viết sáng kiến kinh nghiệm để dự thi.

Đối với tất cả giáo viên mỗi năm phải viết một sách kiến kinh nghiệm chính là điều ám ảnh nhất. Bởi sáng kiến ở đâu ra mà nhiều thế? Nhưng đã là quy định mà không viết sẽ không được.

Thế là, “đói ăn vụng, túng làm liều”, dù biết là không phải, không nên nhưng nhiều thầy cô giáo buộc phải biến mình thành những người đạo văn, ăn cắp ý tưởng và giả dối lừa nhau để biến cái sáng kiến của ai đó thành sáng kiến của mình mang nộp nhiều khi còn được nhận giải.

Vì vậy, bỏ sáng kiến kinh nghiệm trong các hội thi, chính Bộ Giáo dục đã giúp cho các thầy cô giáo cởi bỏ sự gian dối của mình (điều cấm kỵ với tất cả mọi người mà đặc biệt là với các thầy cô hằng ngày đứng trên bục giảng để giáo dục học sinh).

Thứ hai, giảm tần suất, thay đổi điều kiện các hội thi giáo viên giỏi. Trước đây, hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp trường thì mỗi năm giáo viên phải thi một lần. Nhưng quy định mới, 2 năm mới thi một lần và điều kiện được dự thi cũng khó hơn rất nhiều.

Với sự thay đổi này, không phải giáo viên nào cũng phải tham gia hội thi hằng năm mà phải những giáo viên thực sự đủ điều kiện mới được tham gia (vinh dự chứ không chỉ còn là trách nhiệm).

Nhiều giáo viên trường công ngại làm chủ nhiệm vì áp lực đủ thứ dồn lên đầu

Thứ ba, Bộ đã ban hành Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường trung học cơ sở-trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Theo đó, nhiều giấy tờ, hồ sơ sổ sách không cần thiết cũng được loại bỏ. Bộ cũng yêu cầu các địa phương, các nhà trường không được tự đặt ra những hồ sơ, sổ sách trong nhà trường, gây khó khăn cho giáo viên.

Những nỗ lực đổi mới nhằm giảm áp lực cho giáo viên đã được các thầy cô giáo và nhà trường đánh giá cao.

Thứ tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu và được Bộ Nội vụ thống nhất với ý kiến đồng ý với phương án không quy định giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong quy định tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên.

Như vậy, ở tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên hiện chỉ quy định trình độ chuẩn của giáo viên theo Luật Giáo dục 2019. Đồng nghĩa với việc, giáo viên dạy ngoại ngữ không nhất thiết phải có ngoại ngữ 2, giáo viên giảng dạy tại các vùng dân tộc thiểu số không bắt buộc phải có chứng chỉ tiếng dân tộc.

Đây có lẽ là tin vui nhất với các nhà giáo khi không phải bỏ ra một khoản tiền lớn chỉ để đem về 2 tờ giấy chứng nhận có dấu đỏ làm đẹp hồ sơ.

Vẫn còn một số áp lực cần được giảm triệt để trong thời gian tới

a. Áp lực về các cuộc thi, hội thi

Học sinh đang bội thực với rất nhiều cuộc thi, hội thi hàng năm. Việc tổ chức càng nhiều hội thi, cuộc thi thì học sinh càng mất nhiều thời gian học tập của mình.

Giảm áp lực giáo viên, Bộ quyết tâm nhưng có địa phương vẫn ngó lơ

Có thể kể tên một số cuộc thi, hội thi thường diễn ra ở các trường học như kỳ thi học sinh giỏi ở cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông, thi nghiên cứu khoa học; thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng; thi hùng biện tiếng Anh, tiếng Việt; thi viết thư UPU; thiếu nhi kể chuyện theo sách, tiếng hát họa mi, sơn ca…

Điều đáng nói là, để đưa học sinh tham gia các cuộc thi, hội thi cấp huyện thị, cấp tỉnh đặc biệt là cấp quốc gia thì các em đã phải trải qua nhiều cuộc thi, hội thi từ cấp trường. Ví như có mặt trong cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên cấp quốc gia thì học sinh A. trước đó đã tham gia 3 cuộc thi tại trường, cấp huyện và cấp tỉnh.

Để có được đội tuyển đi thi (chưa nói có giải) giáo viên phải đầu tư biết bao công sức hướng dẫn, tập luyện, giám sát và kiểm tra thẩm định. Học sinh cũng phải chấp nhận “hy sinh” một số môn học để tập trung thời gian, trí lực cho cuộc thi.

Kỳ thi học sinh giỏi, học sinh phải đi ôn luyện tối ngày tập trung vào môn học mình sẽ thi. Cũng có một số chuyện bất công dẫn đến bất bình xảy ra như việc một giáo viên kiêm tới 3 vai: người ra đề, phản biện đề, người ôn luyện cho học sinh thi nên bao nhiêu giải cao đều tập trung về nơi đó khiến nhiều học sinh dù bỏ nhiều công sức học tập, ôn luyện nhưng vẫn không thể đạt giải.

Có cuộc thi ý tưởng trẻ thơ hay sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng thì phần đông ý tưởng là của thầy cô, triển khai ý tưởng cũng là giáo viên hoặc có thêm phụ huynh hỗ trợ. Học sinh chỉ là vai “đóng thế” nhận giải.

Rồi cuộc thi hùng biện tiếng Anh giáo viên phải bỏ công luyện cho học sinh từng câu từng chữ. Để đạt được giải hay chí ít vào được chung kết các em phải bỏ không biết bao nhiêu tiết học để tham gia tập luyện.

b. Áp lực chỉ tiêu thành tích

Có thể khẳng định, áp lực chỉ tiêu thành tích trong giáo dục là căn bệnh trầm kha trong giáo dục hiện nay. Ngay như việc học sinh ít được quyền lưu ban, nhiều chỉ tiêu cứ áp xuống như tỷ lệ lên lớp, hiệu quả đào tạo sau 5 năm (cấp tiểu học), tỷ lệ duy trì sĩ số, tỷ lệ học sinh khá giỏi…

Mỗi môn học, nhà trường đều đưa chỉ tiêu khống chế. Có môn phải đạt 98-99% từ 5 điểm trở lên. Thi đua của nhiều giáo viên bị ảnh hưởng bởi thi đua của học sinh. Bởi thế, nhiều thầy cô không dám đánh giá học sinh thực chất.

Vẫn còn chuyện vào mỗi năm học, phòng giáo dục nhiều địa phương tổ chức họp và buộc hiệu trưởng ký cam kết chất lượng giáo dục giao về các trường. Thế là, trường buộc về các tổ, tổ đổ đầu giáo viên và học sinh sẽ là người gánh chịu.

Hệ lụy của bệnh thành tích mang lại là rất lớn, đó là chất lượng giáo dục ảo, nảy sinh ra nhiều học sinh ngồi nhầm lớp, nhiều giáo viên gian dối trong môi trường giáo dục dẫn đến hình ảnh người thầy bị méo mó trong mắt mọi người.

Khi không còn những áp lực về các hội thi, cuộc thi về thành tích trong giáo dục, giáo viên sẽ dạy thật, học sinh sẽ học thật thì chắc chắn chất lượng giáo dục cũng sẽ được nâng lên một cách thực chất nhất.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả, một cô giáo đang dạy bậc tiểu học.

Phan Tuyết

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nhung-cai-cach-manh-me-cua-bo-giao-duc-qua-goc-nhin-cua-1-giao-vien-post214349.gd