Những cái nhất 'trái ngược' tại World Cup 2022
Không chỉ đắt đỏ nhất và hiện đại nhất, World Cup 2022 ở Qatar còn là kỳ World Cup gây tranh cãi nhất lịch sử.
Những cái nhất đáng ngưỡng mộ
Dù có diện tích nhỏ (gấp khoảng ba lần thủ đô Hà Nội) nhưng Qatar là quốc gia sở hữu tiềm lực tài chính lớn nhờ tài nguyên năng lượng phong phú. Vì vậy, đất nước bên bờ vịnh Ba Tư này đã đầu tư rất nhiều tiền của để tổ chức một kỳ World Cup hoành tráng.
Theo thống kê, Qatar đã chi tới 220 tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng gồm 7 sân vận động mới có hệ thống điều hòa nhiệt độ hiện đại, mở rộng sân bay quốc tế, xây dựng một thành phố mới phục vụ bóng đá, cùng hàng loạt dự án nâng cấp đường xá và hệ thống tàu điện ngầm…
Là kỳ World Cup đắt đỏ nhất trong lịch sử, chi phí dành cho World Cup Qatar 2022 cao cấp hàng chục lần chi phí tổ chức các kỳ World Cup ở Nga năm 2018, Brazil năm 2014 và Nam Phi năm 2010.
Với chi phí đầu tư cao chưa từng có, giá vé mà người hâm mộ phải trả để được thưởng thức World Cup trên sân cỏ cũng đắt tương ứng. Giá vé loại 1 cho trận khai mạc của World Cup 2022 là 618 USD. Trận chung kết là 1.607 USD. Giá vé này đắt hơn từ 12% cho đến 46% so với loại vé tương tự trong kỳ World Cup năm 2018 tại Nga.
Tại kỳ Qatar, những công nghệ tiên tiến nhất đã được ứng dụng trong công tác tổ chức. Đây là lần đầu tiên một hệ thống đánh giá an ninh dựa trên trí tuệ nhân tạo được áp dụng cho một kỳ World Cup. Hệ thống này có một trung tâm chỉ huy đồ sộ, nơi khoảng 80 nhân viên nhận dữ liệu từ hệ thống lên tới hơn 15.000 camera được lắp đặt ở 8 sân vận động World Cup để theo dõi, điều phối và đảm bảo an ninh cho tất cả các hoạt động.
Trên sân cỏ, lần đầu tiên công nghệ bắt việt vị bán tự động được sử dụng, với trái bóng có gắn chip định vị và hệ thống máy tính có thể mô phỏng vị trí từng bộ phận cơ thể cầu thủ trên sân, hạn chế tối đa tình huống gây tranh cãi.
Những "hạt sạn"gây tranh cãi
Không chỉ đắt đỏ nhất và hiện đại nhất, World Cup 2022 ở Qatar còn được coi là kỳ World Cup gây tranh cãi nhất lịch sử.
Vấn đề gây tranh cãi nổi bật là mối lo ngại về việc những người đồng tính tại Qatar bị kỳ thị đối xử và tình cảnh tồi tệ của những người lao động nhập cư tham gia xây dựng các công trình phục vụ World Cup 2022.
Bên cạnh đó, tư cách để tổ chức World Cup của Qatar cũng bị nghi ngờ. Cựu Chủ tịch FIFA Sepp Blatter phát biểu rằng, trao quyền đăng cai World Cup cho Qatar là một sai lầm vì “Qatar là một quốc gia nhỏ và không tương xứng với quy mô của giải đấu như World Cup”.
Ngay sát giờ khai mạc, giới chức Qatar đã khiến hàng vạn cổ động viên quốc tế phẫn nộ khi bất ngờ cấm các quầy bán bia rượu hoạt động quanh các sân vận động diễn ra World Cup, điều mà trước đó nước này đã cho phép. Bia rượu giờ chỉ được phép bán hạn chế ở khu vực dành riêng cho cổ động viên tại thủ đô Doha.
Chất lượng dịch vụ dành cho khách dự World Cup cũng hứng chịu nhiều lời phàn nàn. Theo hãng tin BBC, giá qua đêm tại mỗi căn lều ở làng cổ động viên Doha là 175 bảng. Tuy nhiên, những gì người hâm mộ nhận được chỉ là một căn lều nhựa bí bách với hai chiếc giường cùng một chiếc quạt cây cỡ nhỏ.
Vào chiều tối ngày 20/11, khi lễ khai mạc World Cup 2022 diễn ra trên sân Al Bayt với sức chứa 60.000 chỗ ngồi, hình ảnh linh vật La'eeb màu trắng bay lơ lửng trong không gian lại gây ra tranh cãi trong cộng đồng mạng. Nhiều người cho rằng linh vật này khá đáng sợ vì trông giống một... hồn ma.
Gạt sang một bên những vấn đề gây tranh cãi, ông Nasser Al Khater, Giám đốc điều hành của World Cup 2022 tuyên bố sự kiện thể thao này sẽ mang tới những trải nghiệm tuyệt vời chưa từng có. Dĩ nhiên, người hâm mộ bóng đá trên toàn thế giới mong rằng lời khẳng định này sẽ trở thành sự thật.