Những cái tên mà người Việt xem là 'đại kỵ' khi đặt cho con
Dù xã hội đã thay đổi, những quan niệm xưa cũ và thiếu cơ sở khoa học dần bị loại bỏ, nhưng nhiều người vẫn rất 'tín' khi đặt tên cho con.
Các chuyên gia đặt tên đã thống kê một số tên mà người Việt tránh đặt cho con, bởi vì họ cho rằng chúng có ý nghĩa không hay và dễ làm con lớn lên sẽ không thích cái tên đó, hoặc bị “làm khó” trên đường đời bởi tên dễ bị xuyên tạc.
Những tên Hán - Việt ít sử dụng
Những tên Hán – Việt vô nghĩa là những cái tên cha mẹ nên tránh đặt cho con, cũng nên tránh đặt cho con những cái tên theo các từ ngữ cổ, các từ Hán - Việt ít sử dụng. Ví như:
A: Ẩm
B: Bành, bội, báo, bất, bổ, bạng
C: Cạnh, cốt, cữu, cùng
Đ: Đao, đái, đồ, đổ, đố, đoản
Gi: Gian
H: Hỏa, hổ, họa, hung, hủy, hôn, hoạn, hạ, huyệt, huyết.
K: Kinh, khô, không, khuynh, khốn
L: lậu, lung, lao
M: Mệnh, mộ, mã, ma, mi, mô
N: Noãn, nô, nê, nặc, ngưu
O: Oán
Ô: Ô, Ốc
Ph: Phá, phản, phật, phất
Qu: Quỷ
S: Sa, sà, sài, sất, sàng, súc
T: Tán, tàng, tật, tì, tiêu, tranh, thánh, thằng, thai, thải, thôi, thần, thực, thác, tử
V: Vô, vong, vật
X: Xảo, xà
Tên dễ nói lái
Tiếng Việt có hiện tượng nói lái. Chữ lái và chữ được lái đều có thể có nghĩa. Do đó cha mẹ cần thử tất cả các trường hợp nói lái để tránh đặt cho con những cái tên mà khi con lớn sẽ dễ bị nói lái, hoặc xuyên tạc tên họ.
Về tính cách cần tránh
- Tính hỏa khí: Tên đọc lên thấy bừng bừng sức nóng, hỏa khí mãnh liệt (Phạm Mãnh Liệt – Trần Hào Khí, Trịnh Quyết Tử, Lê Ái Tử, Dương Cảm Tử…
- Tính đại ngôn: Tên nêu lên một sự việc quá mức bình thường (Tạ Đại Chí, Trần Bất Tử, Lâm Đại Tiên, Dương Thánh Nhân, Nguyễn Hiền Thần, Phạm Vô Úy…).
- Tính quá thật đến thô thiển (Lê Chân Thật – Nguyễn Mỹ Mãn…).
- Tính vô nghĩa: Chẳng mang một ý nghĩa đặc sắc nào, gần như ghép từ (Lê Khắc Sinh Nhật, Hoàng Kỷ Niệm, Lâm Hoàng HônTên).
Về viết tắt cần tránh
Trình độ xuyên tạc và bóp méo ý nghĩa các tên luôn được “kẻ xấu” vận dụng triệt để vào các chữ viết tắt, ví như chữ viết tắt của cái tên rất đẹp (như Đặng Minh), nếu viết tắt (ĐM) sẽ gây sự hiểu lầm. Cũng không nên đặt tên con liên quan đến tiền, kể cả tên đệm đọc lái liên quan đến tiền.
- Tên dễ gây nhầm giới tính là lỗi đặt tên nhẹ, nhưng sẽ gây cho người có tên nhiều phen lúng túng (như đặt tên con gái là Quý Lộc sẽ dễ bị nhầm là con trai, hay chàng trai tên là Thúy Văn rất dễ bị trân trọng ghi vào giấy mời là “Gửi Cô Thúy Văn”, hay mở đầu cuộc điện thoại là “Chị Văn ơi”.
Ngoài ra cần tránh:
- Đặt tên quá thô tục, tối nghĩa. Những kiểu tên liên quan đến các bộ phận tế nhị của người, động vật, hay tên hàm ý có liên quan đến những thứ không trong sáng.
- Đặt tên con với ý nghĩa nông cạn, hoặc quá khoa trương và dễ bị chế giễu.
- Đặt tên mang ý nghĩa xấu liên quan đến bệnh tật, nhan sắc, tù túng.
- Tránh đặt tên con theo các từ luyến láy vì hài hước nhưng dễ khiến trẻ chán ghét.
- Tránh đặt tên cho con liên quan đến động vật không may mắn trong phong thủy. Những tên không tốt lành như sấm, bão, lũ… cũng cần phải tránh.
- Tránh những tên chứa từ có liên quan đến thứ bậc vai vế trong gia đình.
- Tránh những từ đa nghĩa , đồng âm , tục ngữ hay ngạn ngữ.
- Tránh đặt tên cho con theo người nổi tiếng vì họ rất dễ có những scandal và không nên để con bị “liên quan”. Cũng nên tránh đặt tên con theo các vị lãnh tụ , bậc thánh hiền, tên thần phật, chúa, danh nhân…
- Không nên đặt tên con theo trào lưu, vì rất nhanh lỗi mốt.
- Tránh những tên quá dài, quá ngắn, khó viết hoặc khó đọc. Tránh đặt con tên vần A, hoặc XYZ vì trẻ đi học hay bị đứng đầu sổ, cuối sổ đều bất lợi.
- Tránh đặt tên con theo các đồ vật tế lễ, nghi thức cúng bái.
- Tránh đặt tên con có chứa các thanh bằng , hoặc thanh trắc quá 3 từ liên tục.
- Tránh đặt tên con trùng với bố mẹ, nhiều gia đình đặt tên con trùng bố mẹ và khác tên đệm, điều đó sẽ gây rắc rối về sau.
* Các thông tin trong bài viết chỉ có tính chất tham khảo
T.Giang (tổng hợp)/ Báo Gia đình & Xã hội