Những cái Tết ở chiến trường
Làm phóng viên ở chiến trường miền Trung Trung bộ (Khu V), tôi đã trải qua 7 cái Tết với bao kỷ niệm. Sau đây là đoạn trích trong tác phẩm 'Bê trọc' về những cái Tết đáng nhớ ấy.
NGÀY 2/2/1969 - 27 TẾT KỶ DẬU
Cơ quan di chuyển đã gần hết, chuyến đi này là chuyến cuối cùng. Không làm sao khác được, tôi phải hành quân. May được chia ít sữa, uống được một ít cho đỡ kiệt sức. Sáng, tôi dậy lấy một cốc cháo, hòa đường, sữa vào và hạ quyết tâm: phải ăn hết cốc cháo này. Nhắm mắt lại mà húp cháo, mà nuốt vội vàng cho nó khỏi chạy thốc trở lại. Và cốc cháo đã hết. Này, đừng mửa nghe, gắng đừng mửa. Giữ lấy số cháo ấy trong bụng như giữ sức khỏe mình vậy. Khoác ba lô lên vai, lảo đảo bước đi. Đường xá, cây cối nhòa nhòa và quay cuồng, nghiêng ngả trước mắt tôi. Khát nước vô kể. Bi đông cạn nước. Tôi bụm tay vục nước suối uống. Nước chảy tới đâu thấy mát tới đó. Chao, mát, ngọt đến tận gan ruột. Mai sẽ tiếp tục chiến đấu!
Hành quân trong cơn sốt ly bì
Mệt quá chẳng buồn ăn uống chi.
Nhưng núi cứ ép hoài “ăn” dốc
“No” quá cho nên thở phì phì.
Ngủ một giấc, dậy thấy đỡ choáng. Họa sĩ Hồng Chinh Hiền cùng nghỉ lại với tôi (anh bị sai khớp chân), săn sóc tôi thật chu đáo. Anh đem sữa của anh ra ép tôi uống. Rồi anh rang gạo, nấu một ăng gô nước đặc như cà phê, pha đường, sữa cho tôi. Tôi không muốn uống - sữa của anh đã hết rồi. Nhưng anh không chịu, bắt buộc tôi phải uống. Nằm trên võng, Hồng Chinh Hiền nói cho tôi nghe về các loại tranh, làm tranh sơn mài kỳ công thế nào... và đọc bài thơ anh mới sáng tác cho tôi nghe. Anh chuyên nghiên cứu về Tây Nguyên, có nhiều bức tranh mầu, ký họa rất sinh động, có một số bài thơ hay. Tôi thấy khuây khỏa dần. Chiều, đã tỉnh táo hơn, tôi ăn được ít cơm với cá - cá do anh em nhà in cho.
NGÀY 13/2/1969 - 28 TẾT
Mùa xuân ở đây không có mưa phùn. Trời trong xanh. Nắng trải vàng tươi khắp núi đồi. Từng đàn chim bay chuyền, nhảy nhót hót líu lo nghe vui nhộn.
Cơn sốt lui dần, người khỏe lại.
Chim rừng hót rộn thật dễ thương.
Nắng rực núi đồi, mùa xuân trải.
Vai khoác ba lô lại lên đường.
Chúng tôi đi ngược miết theo bờ sông Thanh. Sông này có nhiều đá, nhiều thác, nước chảy ào ào, réo sùng sục. Lại nhớ con sông Hồng những mùa nước. Đứng trên cầu Long Biên nhìn xuống thấy sông rộng bát ngát, nước đỏ ngầu, cuồn cuộn chảy với sức sống mãnh liệt. Mùa nước đến cũng là mùa hoa phượng vĩ nở đỏ rực trời, là mùa thi. Mấy đứa học sinh chúng tôi thường kéo ra bờ sông Hồng, ngồi trên các tảng đá mà học bài. Trời nước mênh mông, khoáng đãng khiến cho tâm trí thêm minh mẫn, học rất chóng thuộc bài. Song cũng đôi lúc để lòng mơ mộng theo dòng sông. Sóng nước dập dờn. Mỗi khi có một chiếc ca nô lướt qua, dòng nước lại rẽ đôi ra, chạy ào ào vào bờ với những con sóng vồ vập. Sóng trào lên các phiến đá, tung bọt trắng xóa. Chúng tôi để mặc nước bắn vào người mát lạnh. Có những buổi tôi cùng bọn thằng Giang, Hiến - mấy đứa bạn thân - chạy ào trên những bãi cát tràn nước, đạp nước bắn tung tóe, té nước nhau ướt đầm đìa mà cười vang. Tuổi thơ ấu của tôi đã trôi qua bằng những ngày học tập rất mải miết; bằng những phút vinh dự lĩnh phần thưởng của nhà trường, bằng những ngày nô đùa hồn nhiên với bè bạn và bằng cả những ngày hè lao động cật lực trên các công trường nắng lửa. Giờ đây, tôi đã xa những ngày ấy, xa những nơi ấy, xa những người bạn thân ấy để vào chiến trường này góp thêm sức chiến đấu. Tôi đã đi qua bao dòng sông. Và nhiều dòng sông đã để lại cho tôi những ấn tượng khó phai mờ.
Rảo bước bên dòng sông Thanh ấy
Nghe nước đuổi nhau réo ào ào.
Ra biển gặp sông Hồng không đấy?
Có gặp, cho ta gửi lời chào.
Quặn thắt lòng, nhớ Hà Nội sao!
Lội băng qua sông Thanh, rồi chúng tôi đóng tăng nghỉ lại bên một dòng suối lớn. Đã khỏe hơn.
NGÀY 15/2/1969 - 29 TẾT
Tiếp tục hành quân về nơi ở mới. Núi đồi trập trùng. Sao không có chút mưa phùn cho mát lòng ta, cho khuây nỗi nhớ thương nhỉ. Xuyên rừng, chợt đụng phải một cành lá. Tôi dừng lại và bỗng lặng người, sững sờ. Mùa Xuân, mùa Xuân đây chứ đâu. Cành lá ấy đang nẩy ra những nhành lộc non tươi mơn mởn. Mùa Xuân gieo mầm sống và thúc đẩy sự sống hãy vươn lên mãi!...
Lội suối, trèo núi, băng rừng
Là những công việc ta mừng đón Xuân.
Đường đi bao nỗi gian truân
Mà lòng nghe vẫn lâng lâng lạ thường.
Gửi về miền Bắc quê hương
Nỗi nhớ da diết, niềm thương vô vàn.
Mong ngày thống nhất Bắc Nam
Gia đình sum họp Xuân càng vui hơn.
Gặp mấy anh em cùng Ban mang gùi đi ngược lại - anh em ra suối lớn để bắt ốc, lấy chuối rừng về nấu ăn tết!
Đến nơi, vội vàng đóng một cái nhà tăng nhỏ để ở.
Đêm nay là đêm giao thừa ở miền Bắc. Tôi và Minh ao ước được chất một đống lửa rõ to để ngồi bên mà nghe đài Hà Nội. Song không thể được, căn nhà quá trống trải, đơn sơ, không thể đốt lửa lên được, bọn giặc trời có thể phát hiện ra ánh sáng... Một ước mơ nho nhỏ và giản dị vậy thôi cũng bị hoàn cảnh khắc nghiệt không cho biến thành hiện thực. Chúng tôi đành treo võng nằm đón giao thừa. Anh Minh là người phụ trách tổ Thông tấn chúng tôi. Anh đã có vợ và một con trai, vào Nam từ năm 1960. Anh và vợ anh - chị Tú - có một chuyện tình thật cảm động: Khi anh đi B, chị công tác ở Thông tấn xã, nhưng kiêm cả phát thanh viên cho buổi đọc chậm của Đài Tiếng nói Việt Nam, để anh luôn được nghe giọng nói của chị khi chép tin cho cơ quan. Rồi chị gửi con thơ cho gia đình và vào Nam, cùng anh chiến đấu trên mặt trận tư tưởng ở cùng một chiến trường. Lúc này, chị đang ở cơ sở sản xuất, cách chỗ chúng tôi mấy buổi đường, nên hai vợ chồng không được cùng đón xuân...
Đêm đen mịt mùng. Không đèn lửa. Không mứt, chè...
Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi buổi phát thanh ca nhạc Hội diễn làn sóng. Anh chị em công nhân hát hay quá. Nhất là Bích Việt - công nhân mỏ Quảng Ninh - có giọng hát mượt mà, tha thiết, và Ngọc Bé, công nhân Hà Nội, có giọng hát mạnh mẽ, truyền cảm. Mọi năm trước đây, những buổi tối giao thừa, gia đình tôi thường quây quần bên đài nghe hát, ăn mứt và chúng tôi thường tíu tít giúp mẹ đun nồi bánh chưng cho sôi lên ùng ục.
Đài truyền đi bài ký của Lưu Quý Kỳ. Bài có đoạn nói đến những người chiến sĩ hy sinh cả tết xuân, đón xuân trên đường hành quân, giữa rừng âm u... đúng hoàn cảnh chúng tôi quá. Miền Bắc yêu thương vẫn nhớ đến chúng tôi, vẫn ở bên chúng tôi, tâm sự với chúng tôi.
Đến giờ giao thừa rồi. Rừng già bỗng xao xuyến. Vào những năm trước đây, trong những giờ phút này, gia đình tôi đều thức dậy hân hoan đón năm mới và chờ nghe lời chúc tết của Bác Hồ, sau đó bố mẹ tôi chúc chúng tôi và mừng tuổi chúng tôi bằng những gói mứt, kẹo.
Lời Bác Hồ đã vang lên rồi. Giọng Bác vẫn ấm áp, hiền hậu, song nghe không được khỏe như các năm trước. Chúng tôi cầu mong Bác Hồ khỏe mạnh, sống lâu, mong ngày thống nhất Người vào thăm miền Nam chúng tôi!
Tôi nhớ lại đêm giao thừa năm 1964, lúc ấy tôi học lớp 10. Đêm ấy, tôi cùng mấy đứa bạn thân cùng lớp đón giao thừa ở Bờ Hồ, người đông nườm nượp, áo quần sặc sỡ, đèn điện đủ màu rực rỡ, hoa nở khắp đường phố, khắp công viên, pháo bông, pháo hoa sáng rực trên bầu trời đen sẫm... Cảnh nhộn nhip ấy trái hẳn với cảnh tĩnh mịch này. Ở đây chỉ có rừng cây bạt ngàn và con suối nhỏ chảy róc rách.
NGÀY 15/2/1969 - 1 TẾT KỶ DẬU
Sáng, chúng tôi dậy sớm đón năm mới. Ai nấy chỉnh tề trong bộ quân phục, tập họp ở sân nghe lời chúc tết của các đồng chí lãnh đạo. Rồi chúc lẫn nhau, đọc thơ, ca hát ... Sau đó ăn bữa cơm mừng năm mới. Đây, bữa liên hoan của chúng tôi ấm tình rừng núi: cơm gạo trắng do đồng bào miền Băc tiếp tế, nồi canh ốc ngọt lừ nấu với bắp chuối rừng. Anh em húp ốc nghe chùm chụp, rất vui tai. Rồi họa sĩ Hồng Chinh Hiền mang tranh ra trưng bày. “Phòng triển lãm” ngoài trời với những bức tranh mầu hay ký họa sinh động làm rực tươi thêm cảnh núi rừng.
Tết chúng tôi nghèo quá: không thịt, xôi, không mứt, kẹo và rất đáng buồn là không có bánh chưng xanh. Chiếc bánh chưng lúc này đối vói tôi rất đáng yêu, không chỉ vì hương vị thơm ngon của nó, mà chính vì nó chứa đựng nhiều tình nghĩa. Tết đến, gia đình nào chả có bánh chưng. Bánh chưng mang tính dân tộc nhuần nhuyễn, chứa đựng cái ấm cúng của gia đình sum họp, gợi nhớ quê hương, tổ tiên ông bà. Lúc này đây không phải tôi thèm bánh chưng, mà là nhớ, nhớ da diết, nhớ như nhớ người thân yêu.
Cuộc sống trở lại nếp bình thường của nó. Chúng tôi lại chặt cây, chặt lá dựng nhà. Nơi này khá nhiều cây cọ. Tôi trèo tuốt lên ngọn cây, chặt được khá nhiều lá cọ về lợp nhà. Căn nhà của tổ Thông tấn xã chúng tôi xinh xinh, nằm sát bờ suối, con suối nông nhưng rộng, lòng bằng phẳng, toàn cát, nước trong vắt.
Khu vực này có khá nhiều thú rừng. Có hôm đi trực, tới một đoạn suối, tôi gặp một con nai lớn với cặp sừng nghênh ngang đang lần xuống bờ suối. Thấy tôi, nó giật mình kêu "tét" một tiếng và chạy bổ lên rừng. Có hôm, anh Thống gùi về một gùi thịt voi, cả cơ quan được ăn "thí xác" (có nghĩa là ăn thỏa thuê, không hạn chế). Thịt voi toàn nạc, ăn không ngon lắm nhưng lành, có thể thay cơm. Có hôm anh em bắn về được hai con dộc lớn, bắt theo một con dộc con. Con dộc con quanh quẩn bên xác mẹ, không biết sợ là gì. Nhưng khi con dộc mẹ bị cạo sạch lông, thui vàng, thì nó kêu lên mấy tiếng "chóe... chóe..." rồi leo lên tít ngọn cây...
1970 - NGÀY MỒNG 1 VÀ MỒNG 2 TẾT
Chúng tôi đón Tết Nguyên đán trong không khí bận rộn, khẩn trương vô cùng. Họp suốt sáng, tối mùng một và sáng mùng 2. Chủ yếu là bàn việc sản xuất. Vấn đề lương thực vẫn luôn là vấn đề trọng yếu. Phải tích cực sản xuất, tự túc lương thực, nếu không sẽ đói ngay. Phải coi sản xuất ngang chuyên môn. Với tinh thần khẩn trương đó, ngay trưa mùng 2 tết, chúng tôi tỏa đi các ngả đường: cõng gạo, sản xuất. Tôi vào nóc ông Chanh tham gia sản xuất ở cơ sở một.
TỪ 24 ĐẾN 30/1/1971 - XUÂN TÂN HỢI
Chúng tôi đón xuân mới tại cơ quan. Trời chẳng có gì là xuân cả vì cứ u ám suốt và lạnh vô cùng.
Thật là tai hại, cái con heo to lớn mập mạp của cơ quan lại bị bệnh gạo - phải chôn. Do vậy quá nghèo thịt. Anh em kháo nhau rằng đó là điều may, năm mới sẽ tha hồ gạo mà ăn.
Tuy nhiên, về tinh thần thì khá thoải mái. Chúng tôi họp tiểu ban, đại hội chi bộ trước tết, còn đến giao thừa và ngày 1, 2 đều được nghỉ. Tôi và Vượng thức suốt đêm nghe đài, tán chuyện tào lao.
Đồng bào cũng vào ăn tết với chúng tôi. Cơ quan đãi bà con một bữa khá thịnh soạn. Bọn tôi cũng dành kẹo bánh đem biếu nhà ông Xây - cơ sở của chúng tôi.
15/2/1972 - MỒNG 1 TẾT NHÂM TÝ
Con đường 5 hôm nay tràn ngập ánh nắng, nườm nượp người qua lại và rộn ràng tiếng xe chạy, tiếng cười nói. Con trai, con gái, quần áo đủ mầu cưỡi xe đạp đi ngược lên. Thỉnh thoảng, một chiếc Honda chở 4, 5 người lại phóng vụt lên. Phía trên đó là “điểm” tết của huyện. Huỳnh gặp mấy đứa nhỏ quen, mượn xe đạp. Cậu ta leo lên xe chở một chú nhỏ phóng vụt đi. Tôi chở một cô bé chừng 16, 17 tuổi. Cùng đi với chúng tôi còn có một toán 5, 6 cô gái chừng 16, 17 tuổi. Đi với họ, trước cảnh rộn ràng và những tiếng cười nói ríu rít, tôi lại nhớ những ngày còn là học sinh, những ngày lễ, chủ nhật đi chơi với bè bạn.
Tôi hy vọng ở điểm Tết này sẽ khai thác được nhiều chuyện hay. Nhưng cách tổ chức của huyện làm tôi thất vọng. Một chiếc cổng chào dựng cẩu thả trên đường. Hàng khẩu hiệu căng trên đó rủ xuống, không đọc được chữ. Khi tôi tới, phần mít tinh đã xong, đồng bào đang chuẩn bị ra về, chỉ có thanh niên ở lại. Anh em cán bộ đang phát cho đồng bào thư của Ủy ban Mặt trận tỉnh. Nhiều người cầm lấy, ngồi tại chỗ chăm chú đọc. Tuy nhiên, có một chị không nhận: “Tôi không dám, không dám”. Anh cán bộ đưa lần nữa: “Chị cứ cầm coi thử”, chị vẫn không nhận, lách đi.
Phải mất rất nhiều thì giờ mới tập hợp được một số thanh niên lại để Huyện ủy nói chuyện. Chị Vân kêu gọi thanh niên ổn định chỗ ngồi rồi hô bài chòi. Dưới này, một cậu thanh niên mặc quần ống tuýp, chân đi đất, tay xách đôi giày da nhạo báng:
- Chà, bà ta mới mập làm sao!
Cậu ta và mấy cậu khác đầu tóc bù xù cứ lom khom đi lại giữa bãi, ồn ào. Cậu đi đất bắt từ trên cây một con sâu to tướng làm trò chơi cho mấy cậu kia. Nhiều cô, cậu khác cũng ngồi tản mạn khắp nơi tán gẫu. Trong số đó phần đông là thanh niên từ vùng địch lên. Những hình ảnh đó quá xa lạ với tôi.
Chiều, về thôn Mỹ Thành. Mấy anh bạn ở huyện đội đưa tôi vào chơi nhà người quen. Chui vào nhà dưới mái tôn thấy nóng hầm hập. Gia đình dọn cơm mời chúng tôi. Nói chung cũng khá đầy đủ, có thịt, cá, bánh tét nhưng có lẽ nấu không ngon như các món tết ngoài Bắc. Sau đó nhà bên cạnh mời chúng tôi ăn bánh ngọt. Đang ăn dở dang thì có người báo: “Địch lên”. Thế là tất cả đứng dậy, lui ra ngoài xóm. Tới rìa xóm thì ngồi lại nghe ngóng. Được biết có 8 tên lính lên tới máy nước. Có người lên cho biết chúng đã rút. Lại vào xóm. Đồng bào nói rằng tên quận trưởng vừa tới chúc tết và cho ảnh Thiệu. Anh em du kích đang đi thu ảnh đó lại.
Lại xóm Lò rèn. Xóm này nằm bên trục đường, cách cầu Bến Muồng mấy trăm mét - bọn địch đóng ở cầu này. Vào nhà một chị cơ sở. Chị vồn vã đón chúng tôi:
- Các anh không xuống sớm xem bọn lính gặp, bắt tay với cách mạng. Chà, đồng bào phấn khởi lắm.
Chị lại bàn thờ, bưng mâm cỗ xuống mời chúng tôi. Bàn thờ có đặt một bức ảnh của một người đàn ông còn trẻ - chắc là chồng chị.
Đang ăn thì nghe tiếng pháo dội tới - pháo nổ khá gần. Trên đồn, bọn địch bắn đèn dù sáng rực. Ra sân ngó lên thấy những quả đèn treo lơ lửng đang xuống thấp dần, xì khói trắng ra. Cả cái xóm này sáng bừng lên. Chị chủ nhà nói:
- Không sao đâu, các anh cứ ăn đi.
Chắc bọn địch sợ ta ém đồn nên bắn đèn quan sát. Chúng tôi tiếp tục ăn. Chị đi gọi 2 đứa con về. Tiếng pháo vẫn nổ, ùng oàng ở phía rìa núi. Đèn dù vẫn thay nhau thắp sáng bầu trời. Bọn địch trên đồn gọi loa xuống: “Đồng bào cứ yên tâm, chúng tôi bắn vào núi thôi”. Chúng tôi tránh vào bên đường mà đi. Một cậu bé đứng ở một góc sân nói:
- Bọn địch ăn rồi bắn đèn hầu mấy anh cho mấy anh thấy đường đi!
NGÀY 28/1/1973
Ngày hòa bình đầu tiên.
Sáng sớm, mưa lắc rắc, trời lành lạnh.
Nghe anh Tường giải thích về hiệp định và anh Năm chúc Tết (Anh Năm Công, tức Võ Chí Công, là Bí Thư Khu Ủy). Anh Năm cười vui vẻ nhưng nói rất rắn rỏi, biểu hiện niềm sung sướng, tự hào nhưng rất quyết tâm, cảnh giác. Cuộc chiến đấu sắp tới sẽ hết sức gay go, phức tạp.
Buổi chiều, trời lại hửng nắng. Tôi và hai Cường ra nước Y. Dòng suối vẫn chảy đều đều và reo róc rách. Những tia nắng xuyên qua những bông lau làm chúng óng lên, mỡ màng. Không còn nghe tiếng máy bay chiến đấu, chỉ có tiếng máy bay vận tải nặng nề. Nằm trên đá ngắm thiên nhiên, lại nhớ Hà Nội, nhớ gia đình da diết. Ôi, mới ngày nào, nghĩ đến hòa bình còn thấy xa vời quá. Vậy mà nó đã đến, đến thực sự rồi. Nghĩ lại cứ thấy ngỡ ngàng như vừa ngủ mơ xong! Tuy nhiên, cho tới nay, tôi vẫn hiểu rằng ngày về thăm nhà (thăm thôi) vẫn còn xa xôi lắm! Biết bao công việc đã bầy ra trước mắt. Không thể vắng mặt trong cuộc chiến đấu mới này.
Gặp đoàn cán bộ tập trung để đi Quảng Ngãi phục vụ việc trao trả tù binh. Ở đây có Xuyến, y sĩ ở bệnh viện một. Cô người Phú Thọ nhưng sống ở Hà Nội từ nhỏ. Cô gái 22 tuổi ấy có vóc người khỏe mạnh, có tác phong mạnh bạo. Lần này là lần thứ 3 tôi gặp và nói chuyện với Xuyến. Buổi tối, cùng ngồi xem phim với Xuyến, nói chuyện nhiều. Tất nhiên, chỉ nghe tiếng nói nhẹ nhàng, thanh thoát của con gái Hà Nội thôi, cũng đủ thấy ấm áp và êm dịu rồi. Cô gái này có những nét độc đáo: đối với một số người thì rất bướng bỉnh, với một số khác lại rất tình cảm; yêu nhạc, thích thể thao và tâm hồn cũng khá lãng mạn.
NGÀY 2 ĐẾN 10/2/1973
Những ngày chờ đợi sốt ruột. Nằm ở gần sân bay mà đón Tết, một cái Tết long đong, nghèo về vật chất mà háo hức. Đêm 30, ngồi trên võng, dưới những lùm chuối, đón giao thừa. Bắt đầu từ ngày một, sáng nào cũng ba lô gọn gàng chờ ra sân bay mà hụt mãi. Cơm thì chỉ có rau với mắm.
Trong những ngày rỗi rãi này, có dịp ngồi suy nghĩ về những niềm riêng. Giữa những ngày xuân này, tôi có bước ngoặt khá lớn: bước vào một tình yêu! Thúy Ngân đã trở thành người yêu của tôi. Nghĩ lại mối quan hệ giữa hai đứa, cũng có nhiều cái lạ: hình như chẳng có khi nào tán tỉnh, tấn công lẫn nhau, như nhiều đôi trai gái khác, mà chỉ phát triển dần dần từ sự thông cảm lẫn nhau thành tình yêu. Cũng như nhiều cô gái miền Nam khác, Ngân không có được niềm hạnh phúc gia đình toàn vẹn và phải vất vả từ nhỏ. Má chết sớm, ba bị bom đạn Mỹ giết hại, Ngân chỉ còn ba nuôi hiện đang ở miền Bắc. Thoát ly địa phương từ 15, 16 tuổi, Ngân đã lớn lên với cuộc sống đầy gian khổ ở căn cứ. Khi ở quân đội chuyển qua, Ngân làm y tá ở cơ quan này và tỏ ra rất siêng năng, tận tâm với công tác. Trong những ngày mưa, thấy Ngân chạy hết nhà này đến nhà khác chăm sóc anh em đau, người ướt lướt thướt, tôi thấy thương cô bé quá. Ngân thỉnh thoảng cũng lên chỗ tôi chơi. Cô rất mến anh em trong bộ phận này và cũng được anh em rất mến. Ngân hay kể chuyện về gia đình, về người cha nuôi nghiêm khắc, về những năm tháng gian truân bên quân đội. Ngoài những lúc chuyện trò chung với anh em khác trong nhà, tôi và Ngân rất ít khi nói chuyện riêng với nhau. Vậy mà thấy có cảm tình với nhau đặc biệt. Rồi Ngân chuyển về Xưởng phim. Xa, thấy nhớ lạ lùng. Trong những lá thư gửi Ngân, tôi cũng chẳng rào đón, giấu giếm gì tình cảm đặc biệt của mình với Ngân.
Mãi tới gần Tết chúng tôi mới lại được gặp nhau. Khi ấy, tôi sắp lên đường công tác. Ngân cuống quýt lên khi biết tin ấy. Nhưng chúng tôi không có thời giờ để nói chuyện riêng với nhau - tôi phải giải quyết gấp nhiều công việc, mà thời gian thì quá ít. Khi chia tay nhau, Ngân đưa tôi một lá thư và một chiếc khăn tay. Trong thư, Ngân đã đáp lại tình cảm của tôi bằng tình cảm thật đằm thắm, sôi nổi. Ôi, giá như chúng tôi được ngồi chuyện trò với nhau trong ít chục phút thì hạnh phúc biết mấy. Vậy mà không được, cuộc sống khắc nghiệt quá.
Chính trong những ngày này, khu V chúng tôi lại diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt với kẻ địch. Chỉ sau khi Hiệp định Pari về Việt Nam có hiệu lực 3 ngày, địch dã giở mặt, lấn chiếm vùng giải phóng. Ta phải chống lấn chiếm. Địch nống ra vùng giải phóng. Ta tổ chức nhiều mũi nhọn thọc sâu vào các thị trấn, thành phố tạm thời dưới quyền kiểm soát của chúng, làm cho hậu cứ của địch mất ổn định. Khẩu hiệu của chúng ta là Một tấc đất, một tấc vàng - Một góc giáng san, một dòng máu đỏ, quyết giữ các chốt điểm, nơi cắm cờ Mặt trận dân tộc giải phóng. Chiến sự diễn ra phức tạp và ác liệt. Địch đã chiếm được chốt điểm Bàn Tân - Lâm Phụng trên tuyến đường 14 của ta, nằm trên vùng đất Đại Lộc. Chiến sự tiếp tục ác liệt. Mười ngày sau, chúng chiếm chốt điểm trên đồi Dương Thông thuộc huyện Duy Xuyên.
NGÀY 22/1/1974 (THỨ BA - 30 TẾT QUÝ SỬU)
Đêm giao thừa này tôi ở C.9 (Nhà máy in của Ban) - nơi mà Ngân mới chuyển về công tác. Anh em tổ chức đón xuân thật vui. Cùng đón giao thừa, vui văn nghệ. Sau đó về nhà. Lần đầu tiên được cùng Ngân đón giao thừa. Ngân nói rằng đây là giao thừa đầu tiên Ngân không khóc. Thức với nhau tới 2 rưỡi sáng.
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-cai-tet-o-chien-truong-a22153.html