Những căn bệnh truyền nhiễm trẻ dễ mắc phải khi trời mưa

Cúm, sốt xuất huyết, tả, sốt virus hay thương hàn là những căn bệnh phổ biến thường gặp ở trẻ nhỏ khi trời mưa, thời tiết ẩm ướt.

 Trẻ nhỏ có thể nhiễm phải nhiều loại virus, vi khuẩn khi trời mưa. Ảnh: Abcnews4.

Trẻ nhỏ có thể nhiễm phải nhiều loại virus, vi khuẩn khi trời mưa. Ảnh: Abcnews4.

Mưa giúp làm hạ nhiệt thời tiết nắng nóng, nhưng kèm theo đó là nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng. Đây là thời điểm có nhiều độ ẩm trong không khí, thúc đẩy sự phát triển và lây lan của vi khuẩn và virus. Chúng ta có thể bị nhiễm trùng qua nước, thức ăn và muỗi.

Đặc biệt, trẻ em thích vui chơi bên ngoài và có thể bị cám dỗ để thưởng thức các món ăn đường phố. Điều này có thể khiến trẻ có nguy cơ mắc các bệnh truyền qua thực phẩm hoặc do muỗi thường gặp trong mùa mưa. Nguyên nhân là cơ thể trẻ đột ngột tiếp xúc với sự biến động lớn của khí quyển và số lượng lớn vi sinh vật mà cơ thể phải chống chọi. Dưới đây là những căn bệnh phổ biến vào ngày mưa trẻ em có thể mắc phải.

Cúm, cảm lạnh

Một trong những bệnh phổ biến nhất khi trời mưa là virus cúm. Đây là bệnh rất dễ lây lan do sự phát tán của các vi sinh vật trong không khí, lây nhiễm qua đường hô hấp trên, ảnh hưởng đến mũi họng.

Các triệu chứng bao gồm nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, đau họng, đau nhức cơ thể, đau nhức và sốt. Tốt hơn hết, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ và dùng thuốc cần thiết để chữa khỏi nhiễm trùng.

Bệnh thương hàn

Bệnh thương hàn do loại vi khuẩn có tên là salmonella gây ra. Đây là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn trong nước, do thức ăn hoặc nước uống bị ô nhiễm bị dính phân của người bệnh.

Các triệu chứng của bệnh này bao gồm sốt dai dẳng, đau bụng dữ dội, đau đầu. Nôn mửa là triệu chứng phổ biến của bệnh này. Điều tồi tệ nhất là sự lây nhiễm của căn bệnh này có thể vẫn còn trong túi mật của bệnh nhân ngay cả khi đã hồi phục. Điều trị sốt thương hàn bao gồm thuốc kháng sinh như azithromycin, fluoroquinolones hoặc cephalosporin.

Viêm gan A

Viêm gan A do virus viêm gan A gây ra và là bệnh nhiễm trùng gan rất dễ lây lan. Đây là bệnh nhiễm virus thủy sinh thường do nước uống bị ô nhiễm hoặc thức ăn có chứa phân của người nhiễm bệnh có thể lây lan qua ruồi. Việc tiêu thụ trái cây, rau quả hoặc thực phẩm khác bị ô nhiễm trong quá trình xử lý có thể làm lây lan virus.

Các triệu chứng của bệnh này liên quan trực tiếp đến tình trạng viêm gan do virus gây ra. Các triệu chứng bao gồm vàng da (vàng mắt và da, nước tiểu sẫm màu), đau bụng, chán ăn, buồn nôn, sốt, tiêu chảy và mệt mỏi.

Không có phương pháp điều trị đặc hiệu nào cho bệnh viêm gan A. Trong hầu hết trường hợp viêm gan A, gan sẽ lành lại trong vòng 6 tháng mà không gây tổn thương vĩnh viễn.

Bệnh tả

Theo Tổ chức Y tế châu Phi (AHO), tả là bệnh do vi khuẩn phổ biến và gây chết người lây lan suốt mùa mưa. Bệnh này gây ra bởi thức ăn, nước uống bị ô nhiễm và điều kiện vệ sinh kém. Trẻ được xác định mắc bệnh tả nếu bị tiêu chảy nhiều lần và cơ thể mất nước nhanh chóng. Các triệu chứng khác bao gồm nôn mửa, co cứng cơ.

Tiêu chảy có thể nghiêm trọng đến mức có thể gây mất nước quá nhiều và mất cân bằng điện giải trong nhiều giờ. Các xét nghiệm nhanh chóng có sẵn để xác định sự hiện diện của virus tả từ các mẫu phân.

Bệnh tả cần được điều trị ngay lập tức vì bệnh này có thể khiến trẻ tử vong trong vòng vài giờ. Cha mẹ cần cho trẻ bổ sung chất lỏng và chất điện giải bị mất bằng dung dịch bù nước đơn giản, muối uống bù nước (ORS).

 Bệnh tả có thể khiến trẻ bị tiêu chảy nhiều lần và mất nước nghiêm trọng. Ảnh: Firstcryparenting.

Bệnh tả có thể khiến trẻ bị tiêu chảy nhiều lần và mất nước nghiêm trọng. Ảnh: Firstcryparenting.

Sốt xuất huyết

Một trong những bệnh thường gặp ở trẻ em là sốt xuất huyết. Bệnh này lây truyền do muỗi tích tụ trong nước đọng. Sốt xuất huyết lây lan từ loài muỗi hổ (Aedes aegypti), có sọc đen và trắng.

Các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết bao gồm số lượng tiểu cầu thấp, sốt cao, đau khớp và cơ dữ dội, sưng hạch bạch huyết, đau đầu, sốt, mệt mỏi và phát ban. Căn bệnh này có thể gây biến chứng như đau dạ dày, xuất huyết (chảy máu) và trụy tuần hoàn.

Không có thuốc kháng sinh đặc biệt hoặc thuốc kháng virus để điều trị sốt xuất huyết. Thông thường, các bác sĩ sẽ điều trị làm giảm các triệu chứng bệnh. Nghỉ ngơi và bổ sung chất lỏng là điều cần thiết cho người bệnh. Chỉ nên sử dụng thuốc giảm đau như thuốc chống viêm không steroid dưới sự giám sát y tế vì chúng có khả năng làm trầm trọng thêm biến chứng chảy máu.

Sốt rét

Một trong những căn bệnh phổ biến khi trời mưa, thời tiết ẩm ướt là sốt rét, do một số loài muỗi sinh sản ở vùng nước bẩn gây ra. Do có vấn đề về nguồn nước trong mùa mưa, muỗi có điều kiện sinh sản tốt.

Muỗi Anopheles truyền vi khuẩn gây sốt này. Hầu hết trường hợp tử vong do Plasmodium falciparum gây ra, đây là loại sốt rét nguy hiểm nhất, còn được gọi là sốt rét thể não. Các dạng sốt rét khác bao gồm Plasmodium vivax, bệnh sốt rét ovale.

Các triệu chứng là sốt cao, đau người, lạnh và vã mồ hôi. Nếu không được điều trị, người bệnh có thể xảy ra các biến chứng như vàng da, thiếu máu trầm trọng hoặc thậm chí là suy gan, thận. Bệnh sốt rét đã được điều trị thành công bằng thuốc chống sốt rét.

Sốt siêu vi

Thay đổi thời tiết đột ngột thường gây ra sốt siêu vi, biểu hiện là mệt mỏi, lạnh, đau nhức cơ thể và sốt. Bệnh này dễ lây lan qua các giọt nhiễm trùng trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết bị ô nhiễm. Người bệnh có thể nhiễm virus trong 3-7 ngày, với mức độ nghiêm trọng nhất của bệnh xảy ra trong vòng 3 ngày đầu tiên.

Sốt siêu vi xảy ra quanh năm, nhưng thường phổ biến nhất vào mùa mưa. Các triệu chứng là sốt nặng, chảy nước mũi và ho. Các bệnh do virus gây ra thường tự lành và không cần dùng thuốc kháng sinh trừ khi có một bệnh nhiễm trùng thứ phát. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi điều trị sốt siêu vi cho trẻ.

Phương Mai

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-can-benh-truyen-nhiem-tre-de-mac-phai-khi-troi-mua-post1360628.html