Những cánh chim không mỏi trên hành trình đồng hành cùng 'Việc tử tế' VTV
'Càng đi, chúng tôi càng hiểu rằng, những nhân vật 'Việc tử tế' của mình đã hi sinh nhiều như thế nào để mang đến những điều tốt đẹp cho cuộc sống. Cũng từ đó, chúng tôi luôn tâm niệm, phải nỗ lực hết mình để tạo ra những phóng sự chân thực và ý nghĩa nhất' BTV Nguyễn Nga tâm sự.
Với hơn 4 năm gắn bó với “Việc tử tế”, BTV Nguyễn Nga - Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTV Digital) Đài Truyền hình Việt Nam đã có rất nhiều chuyến công tác dài ngày. Chị và ê kíp không ngại lặn lội tìm kiếm câu chuyện tử tế ở mọi vùng miền trên cả nước, từ đồng bằng đến những miền núi cao xa xôi. Phóng viên báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trò BTV Nguyễn Nga để hiểu rõ hơn về công việc của chị và các thành viên trong ê kíp “Việc tử tế”.
+ Việc tử tế ra đời và có sức lan tỏa lớn, để chương trình luôn có sức hấp dẫn, các nhân vật cần có những chi tiết “đắt”, vậy làm sao chị và ê kíp có thể tìm kiếm phát hiện ra những điều tuyệt vời đó?
Chúng tôi tìm kiếm những nhân vật bằng niềm tin và trái tin, đó là cách mà chúng tôi phát hiện ra những chi tiết đắt trong mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật của chương trình. Tôi tin rằng, mỗi phóng viên, biên tập viên của bất kì 1 chương trình nào cũng cần có 1 sợi dây gắn kết, đồng cảm hay còn gọi là cái duyên với chương trình đó.
Chúng tôi là những người đã và đang đồng hành cùng “Việc tử tế”. Chúng tôi cảm thấy mình may mắn, bởi sau mỗi khi gặp 1 nhân vật, chúng tôi được sống cùng câu chuyện của họ, được cùng họ trải qua những cung bậc cảm xúc trong hành trình việc tử tế của họ. Và sau mỗi cuộc gặp gỡ như vậy, chúng tôi cảm thấy mình như có thêm 1 người bạn, 1 người thân, gần gũi và tri kỉ,… Chúng tôi thường giữ liên lạc với các nhân vật của mình, cập nhập sự đổi thay trong cuộc sống của họ và dường như niềm vui của họ, sự phát triển của họ khiến chúng tôi cảm thấy đó là niềm hạnh phúc của chính mình.
Biên tập viên Nguyễn Nga (áo đỏ) và ê kíp thực hiện Chương trình "Việc tử tế"
Nói cụ thể hơn về cách tìm ra những chi tiết đắt trong mỗi nhân vật, đúng là chúng tôi phải cảm nhận bằng “trái tim” chứ chẳng thể có 1 cách làm hay 1 công thức nào được. Khi lắng nghe và tìm câu chuyện của họ, có những thông tin chúng tôi thấy rung động, có những thông tin khiến chúng tôi “sởn gai ốc”, chúng tôi thán phục và ngưỡng mộ. Đã rất nhiều lần tôi thử đặt chính địa vị của mình vào họ. Nếu tôi là họ, trong khoảnh khắc ấy, giây phút ấy, hoàn cảnh ấy, tôi có quyết định như họ không? Tôi có làm được như họ không? Và tôi đều tự ngả mũ thán phục những hành động, việc làm ấy của họ.
Như 1 lời thúc giục từ trái tim, chúng tôi quyết định liên hệ, thuyết phục bằng được nhân vật và ghi hình. Chúng tôi mong muốn câu chuyện ấy đến với nhiều người hơn, bởi mỗi 1 việc tốt khi được lan tỏa thì có 1 sức mạnh thật phi thường.
Và thật hạnh phúc, những điều xuất phát từ “trái tim” đã được đến với “trái tim”. Chúng tôi đến với nhân vật của mình bằng trái tim, họ chia sẻ với chúng tôi bằng trái tim, và rất nhiều những trái tim của khán giả mọi miền tổ quốc cũng đã chia sẻ với chúng tôi bằng những cánh thư, những bài thơ,.. Chúng tôi hạnh phúc vì điều đó.
+ Nhiều tấm gương, nhiều việc làm tốt, nhưng quá trình tiếp cận nhân vật để ghi hình lại là câu chuyện khác, có những người làm được nhiều việc tốt nhưng họ lại không thích lên hình… Vậy bạn có cách nào để thuyết phục, để mỗi hình ảnh trên sóng đều chân thật, khách quan nhất?
Đây là 1 bài toán khó với những người thực hiện chương trình. Chúng tôi thường nhận được những lời từ chối khéo như thế này: “Đã làm việc tốt, lại còn đem khoe thì còn ý nghĩa gì nữa?” hay “Việc của cô chú bé lắm, không đáng gì so với mọi người đâu”. Chúng tôi cũng nhận thấy 1 thực tế rằng, ở đâu đó trên đất nước Việt Nam mình, vẫn có những suy nghĩ hơi lạc hậu 1 chút là: “Nhà ấy lên tivi để khoe đó, để kể công đó,…” nên sẽ khiến cho các nhân vật e dè, và ngại ngùng.
Gala Việc tử tế - Không để ai bị bỏ lại phía sau vừa được tổ chức để tôn vinh những câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
Là 1 phóng viên thì mỗi người bằng những cách khác nhau mỗi người sẽ tìm cách thuyết phục những nhân vật của mình, còn việc họ có đồng ý hay không thì đó là quyết định riêng của mỗi người. Chúng tôi luôn tôn trọng và chúc mọi người có thể bằng nhiều cách khác nhau vẫn có thể lan tỏa những điều tốt đẹp.
+ Phải đến nhiều vùng xa xôi của Tổ quốc, có những trường hợp nào toàn bộ ê kíp gặp những khó khăn, như: đường giao thông, phải điều kiện ăn ở, mùa mưa lũ…?
Nghề làm truyền hình nói chung và làm chương trình Việc tử tế nói riêng cho chúng tôi cơ hội được đi đến nhiều nơi, gặp nhiều những người thú vị và đặc biệt lại toàn việc tốt. Ít nhiều, chúng tôi như được truyền cảm hứng từ những công việc họ làm.
Chuyến tác nghiệp đặc biệt nhất với tôi là chuyến đi “bắt” học sinh cùng những thầy cô giáo tại Trường tiểu học Đắc Roong, huyện KBang, tỉnh Gia Lai. Ở đây có 99% học sinh dân tộc Ba Na, nhà lại cách xa trường 20-30 km, cuộc sống vô cùng khó khăn nên nhiều em còn chưa có ý thức đi học. Gần 10 năm qua, 28 thầy cô giáo nơi đây vẫn tự nguyện đưa đón các em đến trường. Không chỉ là những chuyến đi ban ngày, đặc biệt hơn đó còn là những chuyến đi đêm (Do các em đi trốn, các thầy phải lựa lúc các em đi ngủ để đến tận nơi “bắt”).
Chúng tôi đã phải cùng nhân vật trèo đèo, lội suốt, đi trong đêm để ghi lại được những hình ảnh “bắt” học sinh đầy ấn tượng. Chúng tôi thấy thương các thầy. Làm giáo dục ở vùng sâu vùng xa không chỉ là phải cho học trò con chữ mà cả những việc mà chúng tôi chưa từng tưởng tượng trước đó.
Long Nhi Đường - Đoàn múa lân của tình yêu thương.
Hay câu chuyện của “Long nhi đường” tại thành phố Hồ Chí Minh. Đó là 1 mái nhà của 1 người anh lớn tên Nam 28 tuổi nhưng đã nuôi hàng trăm em nhỏ. Các em ấy đều giống Nam, đều là những đứa trẻ lang thang đường phố, đứa không cha, đứa không mẹ,… Nhiều người tỏ ra nghi ngờ khi Nam nhận nuôi những đứa trẻ khi không có gì trong tay, họ nói: “Ăn chưa no, lo chưa tới, sao có thể nuôi từng ấy đứa” thế nhưng chàng trai ấy đã làm được. Đó là điều tôi cảm thấy rung động bởi câu chuyện về Nam.
Tôi thường nói vui rằng nghề làm truyền hình này rất gây “nghiện”. Bởi nói không mệt sau mỗi chuyến đi là không đúng. Có những đợt công tác triền miên, chúng tôi thấy kiệt sức, rồi nhiều khi tự hỏi, có phải mình đang đam mê nhiều quá không? Nhưng lạ kì thay, khi mỗi nhân vật lên sóng, họ gọi điện cảm ơn chúng tôi là họ được mọi người quan tâm, được xã hội chú ý tới và cùng họ lan tỏa. Rồi chúng tôi nhận được những bức thư từ mọi người gửi về, bày tỏ sự ngưỡng mộ với các việc tốt. Những động viên, khích lệ của lãnh đạo cơ quan Trung tâm tin tức VTV24 cũ và Trung tâm sản xuất và Phát triển Nội dung số mới của chúng tôi. Bởi vậy, đó chính là những nguồn năng lượng tuyệt vời, chúng tôi như được sạc đầy pin sau mỗi chuyến đi và lại tiếp tục hừng hực khí thế đến với những vùng đất mới.
+ Là người vợ, người mẹ trong gia đình làm sao chị có thể cân bằng giữa công việc đầy áp lực, những chuyến đi dài ngày?
Khó thật đấy! Cân bằng không phải là điều dễ dàng với những cô gái làm nghề truyền hình. Có những hôm em bé mình sốt đi viện, còn mẹ thì cách xa cả chặng bay. Thế nhưng, hiện tại tôi thấy may mắn vì có 1 người chồng hiểu và cảm thông với công việc của mình, tôi có bố mẹ luôn động viên mình vững vàng trước công việc, và 1 cô công chúa kháu khỉnh và đã biết tự lập.
BTV Nguyễn Nga - Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTV Digital) Đài Truyền hình Việt Nam.
Tôi hay nói đùa rằng: “Là con của 1 biên tập viên truyền hình không sớm thì muộn cũng phải tự lập thôi”. Vẫn biết còn nhiều khó khăn nhưng tôi sẽ cố gắng kiên trì với công việc này, bởi có được 1 công việc vừa vui, vừa ý nghĩa vừa mang lại những điều tích cực cho tâm hồn như vậy! Thì nhất định phải cố gắng.