Những cánh chim tiếp lửa
Tự hào kể về lực lượng Công an chi viện chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chia sẻ với chúng tôi về những kỷ niệm khó quên trong quá trình thực hiện chương trình 'Những cánh chim tiếp lửa', nữ đạo diễn trẻ Đặng Thúy Quỳnh cũng cho biết, những trang tư liệu lịch sử, những kỷ vật của lực lượng này vẫn còn rất nhiều...
Đã 46 năm kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, những người lính trong lực lượng Công an chi viện cho chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Nhiều người trong số họ đã hòa vào lòng đất. Những người ở lại trở về với cuộc sống thời bình. Nhưng, những câu chuyện về một thời hoa lửa của một thế hệ, một lực lượng đã góp phần làm nên những trang sử hào hùng của đất nước vẫn là niềm cảm hứng sáng tác cho rất nhiều chương trình, tác phẩm nghệ thuật.
Chương trình truyền hình “Những cánh chim tiếp lửa” và ca khúc cùng tên do Truyền hình CAND sản xuất, phát sóng tối 30-4 trên ANTV được làm nên từ cảm hứng đó.
Đội nữ Công an anh hùng
Chia sẻ về “Những cánh chim tiếp lửa” và các nhân vật đặc biệt của chương trình, Trung tá Đoàn Phương Nhung, người trực tiếp chỉ đạo sản xuất chương trình cho biết: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ năm 1955 đến 1975, lực lượng CAND đã thực hiện 20 đợt chi viện cho chiến trường miền Nam với tổng số hơn 11.000 cán bộ. Những cống hiến, đóng góp của lực lượng Công an chi viện chiến trường miền Nam đã được ghi nhận bằng phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước - danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 2020.
Cho đến hôm nay, vẫn còn nhiều chiến công, nhiều câu chuyện đặc biệt về lực lượng này chưa được nhiều người biết đến. Những câu chuyện cảm động, những hành động hy sinh anh dũng với tinh thần tất cả vì miền Nam thân yêu đã thôi thúc các cán bộ chiến sĩ của Truyền hình CAND thực hiện chương trình “Những cánh chim tiếp lửa”.
Sau hơn 2 tháng miệt mài gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, lắng nghe, nỗ lực chuẩn bị, dù đã tích lũy được “kho” tư liệu khá dày trong quá trình làm việc nhiều năm trước đó, ê-kíp thực hiện mới hoàn thành chương trình để kịp phát sóng đúng dịp kỷ niệm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Đại úy Đặng Thúy Quỳnh, đạo diễn chương trình cũng cho hay, trong quá trình thực hiện chương trình, những cán bộ chiến sĩ trẻ như Thúy Quỳnh có điều kiện tiếp cận sâu hơn nhiều tư liệu quý về lực lượng CAND chi viện chiến trường miền Nam năm xưa.
Không ít câu chuyện từ chính các nhân chứng lịch sử đã tiếp tục hé mở thêm nhiều bất ngờ về lực lượng đặc biệt này. Đội nữ công an với 30 người còn rất trẻ, vào chiến trường khi mới khoảng 13-14 tuổi nhưng đã dành cả thanh xuân cho cách mạng, cống hiến cho đất nước là một trong số các câu chuyện như thế. Họ là những nữ sinh đầu tiên được lựa chọn và đào tạo tại một ngôi trường đặc biệt, do đồng chí Trần Quốc Hương (Mười Hương), khi ấy là Cục trưởng Cục Kỹ thuật nghiệp vụ trực tiếp phụ trách. Các học viên của nhà trường được huấn luyện võ thuật, thao tác nghiệp vụ, các kỹ thuật trinh sát, sử dụng thành thạo các phương tiện thông tin điện đài. Quãng thời gian rời xa gia đình, học tập và rèn luyện tại khu sơ tán để sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi cách mạng giao phó... đã trở thành ký ức khắc sâu trong tim của những nữ chiến sĩ công an này.
Trong bối cảnh chiến trường bị chia cắt, công tác thông tin, cơ yếu trở thành mạch máu sống còn của lãnh đạo, chỉ huy an ninh các cấp. Từ cuối những năm 1967, các nữ trinh sát đã xung phong xin được chi viện phục vụ cách mạng ở chiến trường miền Nam. Họ trở thành những cán bộ thông tin, cơ yếu, góp phần đảm bảo mạng lưới liên lạc thông suốt từ Bộ Công an đến Ban An ninh Trung ương Cục cho đến các địa phương. Dù biết rằng vào chiến trường đồng nghĩa với chấp nhận có thể hy sinh, ra đi cũng không dám hẹn ngày trở về nhưng không một ai chùn bước, không một chút ngần ngại, vẫn chung một tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Nhiệt huyết của tuổi trẻ, tinh thần quyết tâm và không sợ hy sinh, đã giúp các nữ chiến sĩ công an vượt qua bao khó khăn, gian khổ để sống và chiến đấu ở tiền tuyến trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Hàng nghìn bức điện mật chứa đựng những tin tức quan trọng liên quan đến chiến dịch, đến vận mệnh dân tộc, đến những bước ngoặt của cuộc chiến được chuyển đến và đi chính xác, kịp thời, bất kể ngày hay đêm...
Dâng hiến thanh xuân của mình cho Tổ quốc, giữa bom đạn chiến tranh, không phải ai cũng may mắn được trở về, được chứng kiến ngày đất nước trọn niềm vui. Thế nhưng, cả 30 nữ công an chi viện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cách mạng và đều may mắn trở về. Cho đến ngày hôm nay, hình ảnh về những người đồng đội, những ký ức về một thời hoa lửa vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những người chiến sĩ công an năm xưa. Bởi, ở đó là máu thịt, là tuổi trẻ và là trái tim, họ đã dành trọn cho Tổ quốc.
Tổ công tác đặc biệt
Một điểm nhấn khác không thể không kể đến trong chương trình “Những cánh chim tiếp lửa” là câu chuyện về một tổ công tác đặc biệt, hành quân vào chi viện cho chiến trường miền Nam năm 1970, nhận nhiệm vụ mang vào cho Trung ương Cục miền Nam một thùng tài liệu đặc biệt bí mật. Hơn 4 tháng cùng nhau băng rừng Trường Sơn thực hiện nhiệm vụ đã hình thành những tình bạn đẹp giữa các cán bộ trẻ, trong đó có người công an vũ trang Nguyễn Anh Lương và nữ an ninh thông tin Phan Thị Thu.
Tuy nhiên, sau đó, do yêu cầu công tác, họ được phân công về những đơn vị mới, hoàn toàn mất tin tức về nhau. Phải gần 50 năm sau, vào khoảng đầu năm 2018, ông Nguyễn Anh Lương vô tình nhìn thấy người nữ đồng hành từng gắn bó trong chuyến công tác năm nào trên... truyền hình. Thông qua Ban liên lạc công an chi viện miền Nam, họ tìm lại được nhau. Bức ảnh chung và câu chuyện về tình bạn của hai người lính trong tổ công tác đặc biệt vô tình được bật ra trong một cuộc trò chuyện của chính ê-kíp thực hiện chương trình với 2 khách mời đặc biệt này.
Khán giả xem truyền hình CAND tối 30-4 có dịp chứng kiến thêm nhiều hình ảnh xúc động. Gặp lại nhau sau gần 50 năm, 2 người bạn, 2 người đồng chí, 2 gia đình của 2 cựu sĩ quan công an chi viện chiến trường miền Nam năm xưa luôn lui tới động viên, thăm hỏi nhau như người thân ruột thịt. Bên mái hiên nhà đơn sơ, giản dị vẫn giữ nguyên nét mộc mạc làng quê Bắc bộ, họ cùng nhau ôn lại những ngày gian khó khi cùng nhau vào chiến trường, cùng nhau thực hiện nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó là mang lại hòa bình và độc lập cho đất nước, cho nhân dân...
Mãi mãi lòng tự hào
Tự hào kể về lực lượng Công an chi viện chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chia sẻ với chúng tôi về những kỷ niệm khó quên trong quá trình thực hiện chương trình “Những cánh chim tiếp lửa”, nữ đạo diễn trẻ Đặng Thúy Quỳnh cũng cho biết, những trang tư liệu lịch sử, những kỷ vật của lực lượng này vẫn còn rất nhiều. Trong phạm vi một chương trình hay một bài báo đều khó có thể chuyển tải hết được.
Nhưng, bất cứ ai muốn tìm hiểu về chiến trường, về lực lượng Công an chi viện chiến trường miền Nam năm nào đều có thể tới địa chỉ số 70 Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là trụ sở Ban liên lạc và phòng trưng bày truyền thống lực lượng Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975). Khách ghé thăm nơi đây không chỉ có dịp tìm hiểu về một lực lượng anh hùng qua các tư liệu, kỷ vật mà còn cảm nhận trực diện qua những câu chuyện, ký ức của chính các nhân chứng lịch sử này.
Cho đến hôm nay, sau rất nhiều năm, những cựu chiến binh ấy vẫn cố gắng giữ khí chất của người công an cách mạng. Những người lính năm nào tiếp tục cống hiến bằng những hoạt động tiếp lửa truyền thống qua tổ chức giao lưu với công an các địa phương, thăm và tặng quà của cho các gia đình thân nhân liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Tình đồng chí, đồng đội gắn bó keo sơn vẫn luôn được phát huy từ thời chiến cho tới thời bình. Họ vẫn luôn thăm hỏi và tặng quà, động viên các cán bộ lão thành, tuổi cao, đau yếu, mắc bệnh hiểm nghèo và các hội viên có hoàn cảnh khó khăn... Những cống hiến của các cán bộ công an chi viện chiến trường miền Nam đã và đang tiếp tục tô thắm thêm truyền thống anh hùng vẻ vang của lực lượng CAND, củng cố niềm tin yêu, sự gắn bó của nhân dân đối với lực lượng Công an và là động lực tinh thần lớn cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ CAND.
Xúc động khi được nghe những câu chuyện chiến đấu, được chứng kiến những câu chuyện về tình đồng chí, đồng đội của các cựu binh công an chi viện chiến trường miền Nam trong quá trình tìm hiểu, thực hiện chương trình “Những cánh chim tiếp lửa”, nữ đạo diễn trẻ Đặng Thúy Quỳnh đã nảy ý tưởng về một ca khúc đặc biệt dành tặng lực lượng này. Với sự phối hợp của nhạc sĩ Đỗ Tiến Nam, ca khúc “Những cánh chim tiếp lửa” nhanh chóng ra đời.
“Ý tưởng hình thành, giai điệu, ca từ cứ thế tuôn trào trong dòng chảy của suy nghĩ biết ơn nên chúng tôi nhanh chóng hoàn thành được ca khúc. Chưa bao giờ không khí làm việc lại khẩn trương và sục sôi đến thế. Sự tự hào, lòng biết ơn, cảm xúc tri ân của chúng tôi luôn đầy ắp trong suốt hành trình từ sáng tác cho tới tập luyện, vỡ bài cùng ca sĩ” - Đại úy Đặng Thúy Quỳnh chia sẻ.
Trong chương trình “Những cánh chim tiếp lửa”, khi ca khúc vang lên đã tạo nhiều bất ngờ, không chỉ với khán giả mà còn với chính các cựu binh công an dày dạn kinh nghiệm nơi chiến trường năm nào. Bản nhạc ca khúc cũng đã được ê-kíp trao tặng các khách mời đặc biệt của chương trình ngay trên sân khấu, là lời cảm ơn trân trọng nhất, thể hiện sự tri ân của thế hệ trẻ hôm nay đối với những cán bộ lão thành của lực lượng Công an chi viện miền Nam - lực lượng anh hùng.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/nhung-canh-chim-tiep-lua-639681/