Những cảnh đời éo le của người Palestine tị nạn tại Ai Cập

Cairo, thủ đô Ai Cập, hiện là nơi sinh sống của hàng chục nghìn người Palestine chạy trốn cuộc chiến ở Gaza. Họ có rất ít triển vọng việc làm, tiền tiết kiệm ngày càng cạn kiệt và không có cách nào để cho con em mình theo học tại các trường công lập địa phương.

Những ký ức vỡ vụn về Gaza

Ở Gaza, những người Palestine này sở hữu vườn cây ô liu, nhà máy, cửa hàng, những ngôi nhà mà họ đã xây dựng và chăm sóc trong nhiều thập kỷ. Họ có những kỷ niệm gắn liền với những bức ảnh gia đình, trong những món đồ trang trí, trong những chiếc khăn choàng thêu. Họ có xe hơi để lái, những lớp học để tham dự, bãi biển chỉ cách vài phút.

Bây giờ, tại thủ đô Cairo của Ai Cập, nơi hàng chục ngàn người Palestine đang nương náu để trốn chiến tranh. Họ ở trong những căn hộ thuê chật chội với cửa sổ nhìn ra những... bức tường bê tông. Họ có ít triển vọng việc làm, tiền tiết kiệm ngày càng cạn kiệt và không có trường học cho trẻ em - một thế giới mới mà họ biết là an toàn, nhưng hầu như không có cảm giác về tương lai.

Hơn 1 triệu người Palestine tại Gaza phải rời bỏ nhà cửa, quê hương để đi lánh nạn. Ảnh: WSJ

Hơn 1 triệu người Palestine tại Gaza phải rời bỏ nhà cửa, quê hương để đi lánh nạn. Ảnh: WSJ

Nếu không có địa vị pháp lý tại Ai Cập hoặc không rõ khi nào Gaza có thể trở lại cuộc sống bình thường, hầu hết mọi người đều bế tắc trong những câu hỏi: Sẽ xây dựng cuộc sống ở đây, thử vận may ở một quốc gia thứ ba hoặc có kế hoạch trở về nhà?

Về mặt vật lý, người Palestine đang ở Ai Cập. Về mặt tinh thần, họ đang níu giữ ký ức về một Gaza không còn tồn tại nữa.

“Chúng tôi mong rằng đây chỉ là một giai đoạn tạm thời trong cuộc sống”, bà Nahla al-Bashti, người đã đến Ai Cập cùng gia đình từ Gaza vào tháng 12, cho biết.

Trong cơn tuyệt vọng vì thu nhập, gần đây người phụ nữ 60 tuổi này bắt đầu bán mật lựu và các loại thực phẩm Palestine khác từ căn bếp nhỏ mà bà đang thuê. Những lúc rảnh, bà lại nhớ những cây ăn quả trong sân cũ của mình ở Gaza. "Chúng tôi muốn lấy lại cuộc sống thực sự của mình", bà nói. "Tôi cảm thấy ngột ngạt".

Nhưng, giai đoạn này tạm thời như thế nào vẫn là một câu hỏi ngỏ. Đối với người dân Gaza, Ai Cập là vùng đất bất ổn - một quốc gia tuyên bố ủng hộ sự nghiệp của người Palestine và lên án cuộc chiến ở Gaza, nhưng sự cảnh giác đối với Hamas đã khiến họ, cùng với Israel, phong tỏa vùng lãnh thổ nghèo đói này trong suốt 17 năm.

Dù Ai Cập là tuyến đường quan trọng cung cấp viện trợ nhân đạo cho Gaza trong suốt cuộc chiến, các quan chức nước này vẫn kiên quyết phản đối việc cho phép một lượng lớn người tị nạn Palestine nhập cảnh, với lo ngại rằng họ có thể đe dọa an ninh quốc gia và việc di tản người dân khỏi Gaza sẽ phá hỏng triển vọng về một nhà nước Palestine trong tương lai.

Trăm ngàn người tị nạn, trăm ngàn số phận éo le

Bất chấp sự kiểm soát chặt chẽ đó, đại sứ Palestine tại Cairo cho biết, vẫn có tới 100.000 người dân Gaza đã vượt biên thành công, thông qua các mối quan hệ, trả tiền cho “cò” và một số khác là người bị thương nặng hoặc bệnh nặng được Chính phủ Ai Cập tài trợ để điều trị.

Người phụ nữ cùng con trai ngồi chờ giấy phép nhập cảnh vào Ai Cập qua cửa khẩu biên giới Rafah, phía nam Dải Gaza. Ảnh: Reuters

Người phụ nữ cùng con trai ngồi chờ giấy phép nhập cảnh vào Ai Cập qua cửa khẩu biên giới Rafah, phía nam Dải Gaza. Ảnh: Reuters

Khi Shereen Sabbah và gia đình bước qua biên giới, người phụ nữ 25 tuổi, một phiên dịch viên đến từ Gaza, cho biết cô cảm thấy trĩu nặng khi phải rời bỏ quê hương. Họ sắp trở thành người vô gia cư. Không bạn bè. Không việc làm. “Cảm giác như bị thứ gì đó cắn xé từ bên trong vậy”, Shereen Sabbah cho biết.

Ngôi nhà mà Sabbah và các chị em cô lớn lên đã bị phá hủy, cùng với những vườn ô liu và cam quýt xung quanh. Điều đó cũng xảy ra với doanh nghiệp của anh rể cô, một gara sửa xe. Tiền tiết kiệm của họ gần như đã cạn kiệt. Nhưng, họ còn may mắn đến được Ai Cập. Cha mẹ và những anh chị em khác của họ vẫn đang phải né tránh bom đạn ở Gaza.

“Về cơ bản, bạn không có tương lai, không có quá khứ, không có gì cả”, chị gái của Shereen, Fatma Shaban, 31 tuổi, buồn bã nói.

Mọi thứ ở Ai Cập đều có cảm giác lạ lẫm. Người Palestine đã trải qua một thời gian dài không có thịt, trái cây hoặc rau quả, không có điện, không có vòi sen. Sự phong phú của Ai Cập, sự an toàn của vùng đất này, đã gây sốc với họ. Nhưng, họ không thể quên rằng gia đình họ ở Gaza không có những thứ đó.

“Trong cuộc chiến mà chúng tôi đã trải qua, mối quan tâm duy nhất của chúng tôi là tìm kiếm thức ăn và sống sót. Và rồi, chúng tôi ở một thế giới khác, nơi mọi người đang sống cuộc sống bình thường”, Husam al-Batniji, 28 tuổi, một kiến trúc sư đã chạy trốn khỏi Gaza đến Cairo cùng với gia đình, nói. “Và, chúng tôi tự hỏi, tại sao chúng tôi cũng không thể sống một cuộc sống bình thường như thế?”.

Sự mất kết nối về mặt cảm xúc của người Palestine được phản ánh qua tình trạng bấp bênh về mặt pháp lý của họ ở Ai Cập.

Sau khi thị thực du lịch 45 ngày mà hầu hết du khách được cấp hết hạn, người Palestine không thể xin giấy tờ cư trú để mở tài khoản ngân hàng và doanh nghiệp, xin thị thực vào các quốc gia khác hoặc cho con em mình vào trường công lập Ai Cập. Họ cũng không thể chính thức đăng ký với cơ quan Liên hợp quốc hỗ trợ người tị nạn ở Ai Cập từ Syria, Sudan và những nơi khác. Ai Cập chưa đồng ý tiếp nhận người Palestine, Rula Amin - phát ngôn viên của cơ quan này cho biết.

Cơ quan Liên hợp quốc hỗ trợ người Palestine (UNRWA) không có đủ tư cách pháp lý để hoạt động tại Ai Cập. Kể từ khi cuộc chiến hiện tại bắt đầu, không có quốc gia nào chấp nhận số lượng lớn người Palestine để tái định cư hoặc tị nạn lâu dài.

Kiến trúc sư Husam al-Batniji (28 tuổi) đã chạy trốn khỏi Gaza đến Cairo cùng gia đình.Ảnh: New York Times

Kiến trúc sư Husam al-Batniji (28 tuổi) đã chạy trốn khỏi Gaza đến Cairo cùng gia đình.Ảnh: New York Times

Các nước Arab lo ngại Israel sẽ cố biến cuộc lưu vong của người dân Gaza thành cuộc trục xuất vĩnh viễn, gây ra những phức tạp về chính trị và an ninh và đe dọa đến tương lai của nhà nước Palestine.

Vì những lý do tương tự, các nước phương Tây công khai nói rằng người dân Gaza nên được phép ở lại Gaza và tình cảm bài nhập cư trong nước cũng có thể khiến việc tiếp nhận số lượng lớn trở nên khó khăn.

Trong trường hợp Ai Cập, các nhà lãnh đạo tại Cairo lo ngại rằng người dân Gaza di dời đến Bán đảo Sinai của nước này, nơi giáp ranh với Gaza và Israel, sẽ trở nên cực đoan. Nỗi lo sợ là những người này có thể gia nhập các nhóm chiến binh Sinai hiện có đã gây khó khăn cho Ai Cập trong nhiều năm hoặc tấn công Israel từ đất Ai Cập.

Bao giờ cho đến ngày về?

Ở Cairo, người Palestine gần như chẳng sở hữu gì ngoài một ít quần áo và những chiếc điện thoại mà họ kiểm tra, gần như liên tục, để đảm bảo rằng gia đình họ ở Gaza vẫn còn sống. Bà Al-Bashti liên tục xem xét kỹ lưỡng những bức ảnh về khu phố cũ của mình trên bản tin, trong cơn hoảng loạn. Bể nước vẫn còn đó chứ? Vậy thì ngôi nhà của họ hẳn vẫn ổn, bà tự nhủ, cho đến khi người thân gửi cho bà một bức ảnh về đống đổ nát ở khu nhà ấy.

Bà nói: “Khi tôi mua thứ gì đó ở Cairo, tôi thường nghĩ, ồ, tôi sẽ dùng nó trong vườn nhà mình, và rồi tôi nhớ ra, chúng tôi không còn vườn nữa".

Điều đáng buồn là những tổn thất ngày càng tăng lên ở Gaza.

Hàng chục người thân của Al-Batnijis đã thiệt mạng trong chiến tranh. Họ để lại một nhà máy và cửa hàng trang sức cùng những ngôi nhà nhiều thế hệ mà cha của anh đã dành một phần tư thế kỷ để xây dựng.

Ở Ai Cập, cha của Al-Batnijis không có vốn để mở nhà máy và không có tâm trí để bắt đầu lại, người thanh niên Palestine cho biết. Vì vậy, họ phải xoay xở kiếm sống bằng mọi cách có thể. Anh trai của Al-Batnijis bán quần áo cũ. Bản thân Al-Batniji làm việc tự do trực tuyến cho các công ty kiến trúc.

Nhờ các tình nguyện viên Ai Cập, Fatma Sabbah đã nhận được lời mời tuyển dụng từ một công ty Ai Cập. Nhưng, sau chuyến đi xe buýt đầu tiên đầy bối rối kéo dài 2,5 giờ, bà đã bỏ cuộc: Đường đi quá xa và những đứa con bị sang chấn tinh thần của cô cần mẹ ở nhà, người phụ nữ Palestine 31 tuổi nói.

Hai đứa con 12 tuổi và 10 tuổi của Fatma Shaban sắp bắt đầu học trực tuyến tại một trường học ở Bờ Tây. Nhưng, với việc cả nhà chỉ có một chiếc máy tính xách tay và người lớn cũng cần thiết bị để làm việc, bọn trẻ sẽ phải học bù 8 tháng học bị gián đoạn từ điện thoại của cha mẹ.

Nhận ra nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh Palestine về việc học của con em mình, các tình nguyện viên Ai Cập gần đây đã mở một trung tâm học tập tại Cairo cho khoảng 350 trẻ em chạy trốn khỏi Gaza trong chiến tranh. Người sáng lập trung tâm, Israa Ali, đã sớm nhận ra rằng họ cần thiết kế các lớp học có tính đến chấn thương tâm lý và phải có các nhà trị liệu túc trực.

Ba chị em Ola Sabbah (33 tuổi), Fatma Shaban (31 tuổi) và Shereen Sabbah (25 tuổi) rời bỏ nhà cửa ở Gaza, chuyển đến Ai Cập vào tháng 5, bỏ lại gia đình phía sau. Ảnh: New York Times

Ba chị em Ola Sabbah (33 tuổi), Fatma Shaban (31 tuổi) và Shereen Sabbah (25 tuổi) rời bỏ nhà cửa ở Gaza, chuyển đến Ai Cập vào tháng 5, bỏ lại gia đình phía sau. Ảnh: New York Times

Một bé gái đã suy sụp khi nói về gia đình mình - hầu hết là đã chết hoặc mất tích, trong khi vẽ - Israa Ali cho biết. Những đứa trẻ khác nhảy khỏi ghế giữa giờ học, khi chúng cảm thấy anh chị em của mình không được an toàn.

“Chỉ trong một tích tắc, chúng có thể bị kích động bởi bất cứ điều gì”, Israa Ali nói. “Bạn sẽ không bao giờ hiểu rằng bạn đang ở cùng phòng với một đứa trẻ được kéo ra khỏi đống đổ nát và trong quá trình đó, đã mất đi 3 anh chị em và cha mẹ của chúng”.

Người Palestine ở Ai Cập luôn tranh luận về việc ở lại hay quay về. Nếu họ quay về, liệu sẽ có trường học không? Hay điện, nước? Fatma Sabbah muốn tìm kiếm sự ổn định ở một quốc gia khác, có thể là ở Vùng Vịnh, dù không có cách nào để xin thị thực. Nhưng, cô vẫn hy vọng sẽ quay trở lại Gaza vào một ngày nào đó.

“Vấn đề không phải ở Gaza. Tôi vẫn yêu Gaza. Vấn đề là ở tương lai của con cái tôi. Phải mất bao lâu để xây dựng lại Gaza? Nhiều năm, nhiều thập kỷ, nhiều tháng? Bạn không bao giờ biết được”, Fatma Shaban nói với ánh mắt trĩu nặng tuyệt vọng.

Quang Anh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/nhung-canh-doi-eo-le-cua-nguoi-palestine-ti-nan-tai-ai-cap-i739042/