Những cánh đồng muối nổi tiếng ở miền Trung

Những cánh đồng muối được kết tinh từ giọt ngọc biển trải dài quanh dọc đường bờ biển, đẹp và lộng lẫy, đặc biệt vào những buổi sớm tinh mơ. Hãy cùng khám phá vẻ đẹp của 4 nơi sản xuất muối lớn nhất Việt Nam dưới đây nhé.

1. Cà Ná (Ninh Thuận)

Cá Nà nằm ở huyện Thuận Nam, giáp ranh giữa Ninh Thuận và Bình Thuận, cách thành phố Phan Rang khoảng 30km về phía Nam. Nơi đây được xem là kho muối lớn nhất cả nước với diện tích cánh đồng muối lên đến 1.000 ha trải dọc bờ biển.

Hình ảnh những người nông dân chất phác, mộc mạc, ngày ngày hăng say lao động trên những cánh đồng muối mang lại cảm giác bình yên. Do điều kiện thời tiết vô cùng thuận lợi, không những nghề làm muối phát triển mà các ngành du lịch, dịch vụ khác diễn ra cũng rất sôi nổi.

Dựa vào các gộp đá trên bờ, người ta đắp thành những ô ruộng muối rộng đến hàng chục ha mỗi ô.

Mùa làm muối bắt đầu từ khoảng tháng 12 đến hết tháng 8 Âm lịch, trùng với thời điểm mùa khô hàng năm. Từ khoảng năm 2017, diêm dân làm muối làm muối trên nền ruộng lót bạt thay cho nền đất. Bởi vậy, muối kết tinh dài ngày hơn nên có chất lượng tốt hơn.

Bờ biển Ninh Thuận dài 105 km nhiều nắng, gió cho hạt muối mặn đậm đà mà thanh. Muối Cà Ná được giới chuyên môn đánh giá là loại muối tốt nhất ở Đông Nam Á. Nước mắm Cà Ná thơm ngon nổi tiếng xa gần, cũng một phần nhờ hạt muối nguyên chất này.

Ngoài ra, Cà Ná còn là điểm du lịch lý tưởng với nhiều bãi tắm hoang sơ, trong xanh, phong cảnh hữu tình...

2. Sa Huỳnh (Quảng Ngãi)

Đồng muối Sa Huỳnh thuộc huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi, có diện tích hơn 110 ha. Theo các nhà sử học, ruộng muối Sa Huỳnh được hình thành từ thế kỷ 19, cánh đồng muối Sa Huỳnh trở thành một trong những vựa muối quan trọng ở miền Trung.

Những ngày đầu hạ, biển trong xanh, cánh đồng muối trắng tinh lấp lánh dưới ánh nắng, tạo nên khung cảnh hút hồn du khách.

Đến Sa Huỳnh vào khoảng thời gian từ tháng 12 năm này đến tháng 5 năm sau, bạn sẽ được trải nghiệm quy trình làm muối, cảm nhận vị mặn mòi từ biển cả và nhịp sống bình dị của diêm dân Sa Huỳnh.

Từ sáng đến chiều, diêm dân đã có mặt trên đồng để thực hiện quy trình làm muối. Dựa theo con nước thủy triều lên, họ dẫn nước từ kênh, mương vào ruộng. Nắng lên, nước biển dần kết tinh thành muối. Muốn hạt muối trắng ngần, to, óng ánh, diêm dân phải phơi nước mặn qua 3 nắng rồi mới thu hoạch.

3. Hòn Khói (Khánh Hòa)

Thiên nhiên ưu đãi cho Khánh Hòa bờ biển trải rộng, nghề làm muối tại đây vì thế được hình thành và phát triển mạnh. Diêm dân Hòn Khói, Ninh Hòa, chủ yếu là phụ nữ, người tạo nên những "núi" muối khổng lồ, nổi bật giữa thiên nhiên biển cả.

Mùa làm muối thường bắt đầu vào tháng 3, kết thúc đến tháng 9. Đến vào dịp này, du khách sẽ được tìm hiểu về quy trình sản xuất muối thủ công ở Ninh Hòa.

Buổi sáng, nhìn từ xa, ruộng muối trải dài nhấp nhô như những đỉnh núi nhỏ được phủ bởi lớp tuyết mịn màng. Khi hoàng hôn buông xuống, ruộng muối tựa tấm gương khổng lồ phản chiếu trời nhuộm sắc hồng tím, hút hồn giới nhiếp ảnh cùng những tâm hồn lãng mạn.

Hòn Khói đẹp mê người vẫn thường xuyên xuất hiện trong tác phẩm của các nhiếp ảnh gia. Hòn Khói xứng đáng được xếp trong danh sách những cánh đồng muối miền Trung du khách nên đến một lần.

4. Phương Cựu (Ninh Thuận)

Phương Cựu thuộc huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, nằm cách thành phố Phan Rang chỉ 15km. Đây được xem như một trong những làng muối lớn nhất miền Trung. Tới đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một cảnh đẹp huyền ảo, lung linh và bình yên dưới ánh nắng của bình minh lẫn hoàng hôn.

Nếu may mắn đến vào dịp thu hoạch muối ở Phượng Cựu, du khách sẽ được thưởng thức bức tranh sống động, hòa quyện giữa trời, biển, con người nhỏ bé.

Mùa làm muối ở Phương Cựu bắt đầu từ khoảng tháng 12 đến tháng 5 năm sau. Nếu may mắn đến vào dịp thu hoạch muối, du khách sẽ được thưởng thức bức tranh sống động, hòa quyện giữa trời, biển, con người nhỏ bé.

Một ngày làm muối của diêm dân bắt đầu từ sáng sớm. Họ sẽ bắt đầu với việc dẫn nước biển vào những thửa ruộng, sau một thời gian bốc hơi để lại những hạt muối trên cánh đồng. Sau đấy, muối sẽ được cào thành gò nhỏ cho khô sau đó thu gom về các kho trữ muối thô, rồi được đưa về các nhà máy để làm sạch.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-canh-dong-muoi-noi-tieng-o-mien-trung-post128614.html