Những cánh tay 'nối dài'

Thời gian qua, những người có uy tín được coi là cánh tay 'nối dài' của cấp ủy đảng, chính quyền trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân.

“Mình vì mọi người...”

Bà Đào Thị Dung (dân tộc Tày) ở xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng là 1 trong 17 người có uy tín là nữ của tỉnh Lào Cai giai đoạn 2018 - 2021. Hiện nay, bà Dung là Trưởng thôn Đồng Lục kiêm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn. Trong cương vị là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, bà đã góp phần đưa chi hội từ yếu kém trở thành tập thể mạnh. Thời gian đầu, số lượng phụ nữ tham gia chi hội rất ít, khoảng 25 hội viên (năm 2000), bà Dung dành nhiều thời gian, công sức đến từng nhà vận động chị em tham gia chi hội, đến nay Chi hội Phụ nữ thôn Đồng Lục đã có 117 hội viên.

Từ khi số lượng hội viên tăng, các phong trào của chi hội cũng phát triển mạnh. Tham gia chi hội, chị em học hỏi nhau từ cách dạy con, nấu nhiều món ăn ngon, đến các phương pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng, chống bạo lực gia đình, kế hoạch hóa gia đình, vệ sinh đường làng, ngõ xóm... Để thu hút ngày càng nhiều chị em tham gia chi hội, bà Dung tích cực giúp hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư phát triển kinh tế. Hiện nay, Chi hội Phụ nữ thôn Đồng Lục có gần 100 hội viên được Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho vay hơn 5,5 tỷ đồng. Nhờ đó, hội viên có vốn đầu tư phát triển kinh tế, nhiều hộ đã thoát nghèo. Tính từ năm 2016 đến nay, thôn Đồng Lục đã giảm từ 65 hộ nghèo, cận nghèo xuống còn 27 hộ, trong đó chỉ còn 8 hộ nghèo.

Với tinh thần “Mình vì mọi người”, bà Đào Thị Dung còn vận động người dân ủng hộ, giúp đỡ những hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở trong thôn. Trong năm 2020, bà vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài thôn hỗ trợ, xây dựng được 2 căn nhà cho 2 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong thôn. Bà Hà Thị Mẩy, 1 trong 2 hộ được hỗ trợ xây nhà mới bộc bạch: Hoàn cảnh của gia đình rất khó khăn, tôi sống cùng người con bị bệnh tâm thần nhiều năm, nhờ có bà Dung và người dân trong thôn nhiệt tình giúp đỡ, mẹ con tôi đã được ở trong căn nhà xây kiên cố.

Không chỉ bà Mẩy mà nhiều người dân trong thôn cũng vui mừng vì làm được việc có ý nghĩa. Nhờ sự đóng góp của cán bộ thôn, người có uy tín Đào Thị Dung, tình cảm người dân trong thôn ngày càng bền chặt, mọi người đoàn kết, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

“Có sức khỏe là có tất cả”

Từng công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bát Xát, nay đã nghỉ hưu và sống tại thôn Tả Ngảo, ông Tẩn A Liều (dân tộc Dao) là người có uy tín của xã Bản Qua, huyện Bát Xát. Là bác sĩ về hưu, ông Liều luôn gương mẫu, đi đầu trong công tác vận động người dân bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, giữ gìn vệ sinh nhà ở, thôn xóm.

Trước đây, nhiều người trong thôn vẫn còn thói quen mời thầy cúng về nhà cúng mỗi khi bị ốm, đau. Từ khi được ông Liều tuyên truyền, người dân trong thôn đã thay đổi nhận thức, khi bị đau, ốm thì đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh. Ông Tẩn A Liều cho biết: Một số người nhận thức còn hạn chế nên không quan tâm tới sức khỏe của bản thân và gia đình. Nhiều người khi bị bệnh nặng mới vội vàng đến bệnh viện thì đã muộn. Dù nghỉ hưu nhưng tôi vẫn muốn cống hiến, giúp người dân ở Tả Ngảo thay đổi nhận thức, biết quan tâm, quý trọng sức khỏe của mình và những người xung quanh nhiều hơn, bởi có sức khỏe là có tất cả...

Trong vai trò là Trưởng ban Công tác mặt trận thôn, ông Tẩn A Liều đã vận động người dân hưởng ứng các phong trào thi đua do xã phát động, nhất là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; động viên con em trong độ tuổi đến trường, xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Hằng năm, ông Liều phối hợp với các tổ chức đoàn thể của thôn vận động, tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình tới người dân trong thôn, đồng thời đưa các nội dung của Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới vào các quy ước, hương ước của thôn nhằm từng bước thay đổi nhận thức của người dân, đẩy lùi, xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu.

Nhờ những đóng góp đó, ông Tẩn A Liều đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích trong phong trào thi đua bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2013 - 2014.

Trăn trở vì người nghèo

Ông Lý Tả Lềnh, Tổ trưởng tổ dân phố số 3, phường Cầu Mây, thị xã Sa Pa là người uy tín của đồng bào người Mông tại địa phương. Ông Lềnh luôn được bà con trong tổ dân phố tin yêu, quý mến.

Năm 2015, ông Lềnh thôi giữ chức Phó Chủ tịch HĐND xã Lao Chải (nay là phường Cầu Mây). Dù được nghỉ ngơi, nhưng khi thấy bà con tín nhiệm, ông tiếp tục giữ chức Tổ trưởng tổ dân phố số 3. Tham gia công tác tại địa phương, ông luôn nhiệt tình, tận tâm giúp đỡ bà con và là tấm gương sáng để người dân học tập.

Nhận thức của người dân trong tổ dân phố số 3 còn hạn chế, nhiều phong tục, tập quán lạc hậu, đặc biệt là tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn tồn tại. “Các gia đình người Mông cho phép con cái lấy nhau rất sớm, đa phần thiếu nữ chưa học hết THCS đã phải về nhà chồng. Tình trạng tảo hôn, thậm chí hôn nhân cận huyết thống đã từng trở thành nỗi nhức nhối trên vùng đất này”, ông Lềnh cho biết. Thế nhưng, với sự quyết tâm của chính quyền, đoàn thể ở địa phương và sự nỗ lực, nhiệt tình của ông Lềnh trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tổ dân phố số 3 không còn trường hợp hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn cũng giảm đáng kể. Ông còn tích cực vận động bà con không dựng nhà trên đất nông nghiệp, xâm lấn ruộng bậc thang - danh thắng quốc gia.

Tổ dân phố số 3 có 84 hộ, người dân chủ yếu sống bằng nông nghiệp, đến nay vẫn còn 20 hộ nghèo và cận nghèo. Người dân vẫn duy trì phương thức canh tác cũ, không mang lại hiệu quả kinh tế cao, đây là nỗi trăn trở của ông Lềnh. Với suy nghĩ bản thân phải tự tìm hướng đi mới, làm gương cho người dân noi theo, năm 2016, gia đình ông là hộ đầu tiên của xã Lao Chải (tên cũ khi chưa sáp nhập) trồng thử 200 cây lê Tai nung. Đến nay, cây lê đã cho thu hoạch 2 vụ quả. Mặc dù năng suất chưa cao, nhưng việc ông Lềnh mạnh dạn trồng thử nghiệm giống cây mới đã giúp người dân thay đổi cách nghĩ trong phát triển kinh tế. Một số hộ làm theo ông Lềnh, đưa những giống cây có giá trị kinh tế cao về trồng...

Ông Lý Tả Lềnh chia sẻ thêm: Chỉ nói tốt thì bà con sẽ không nghe nên mình phải làm. Mặc dù con đường giúp người dân thoát nghèo còn nhiều gian nan nhưng tôi vẫn luôn nỗ lực để mang những điều tốt đẹp đến với người dân.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/210769-nhung-canh-tay-noi-dai