Những 'cánh tay nối dài' của Iran kiềm chế Israel như thế nào?

Trong hàng thập kỷ, Iran đã xây dựng một mạng lưới các nhóm vũ trang và chính phủ liên minh chống Mỹ và Israel. Mạng lưới này giúp duy trì sự hiện diện mạnh mẽ của Iran tại các khu vực chiến lược ở Trung Đông mà không cần can dự trực tiếp.

Vị trí Iran và các nhóm trong "trục kháng chiến" (màu xám) ở Trung Đông.

Thách thức "trục kháng chiến" tạo ra với Israel

"Trục kháng chiến" là một mạng lưới bao gồm các nhóm vũ trang và chính phủ được Tehran hậu thuẫn nhằm mục đích đối phó với các đối thủ trong khu vực, đặc biệt là Mỹ và Israel. Mạng lưới này không chỉ hoạt động tại Dải Gaza, Lebanon, mà còn lan rộng ra Iraq, Syria và Yemen. Các tổ chức trong mạng lưới hoạt động một cách độc lập nhưng có chung một mục tiêu. "Trục kháng chiến" được Iran hỗ trợ đáng kể về tài chính quân sự và chính trị để đạt mục tiêu chung.

Lịch sử hình thành "trục kháng chiến" có thể được tính từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Iran trở thành nước Cộng hòa Hồi giáo sau cuộc cách mạng lật đổ chính quyền của vua Mohammad Reza Pahlavi. Các giáo sĩ Hồi giáo có ảnh hưởng của Iran đẩy mạnh truyền bá tư tưởng chống Israel.

Ngày 1/2/1979, Giáo chủ Iran Ruhollah Khomeini trở về nước sau một thời gian dài sống lưu vong. Ba tuần sau , ông tuyên bố cắt đứt quan hệ với Israel và ra lệnh biến Đại sứ quán Israel thành trụ sở của Tổ chức Giải phóng Palestine.

Để đối phó Israel, Iran được cho là đã xây dựng nhiều nhóm vũ trang trong "trục kháng chiến". Một số nhóm được thành lập bởi Iran, số khác gia nhập mạng lưới nhờ sự hỗ trợ của Tehran. Mặc dù mức độ kiểm soát của Iran đối với từng nhóm khác nhau, nhưng các mục tiêu chiến lược của các nhóm này thường phù hợp với lợi ích của Iran.

Iran được cho là đã dành một khoản tiền lớn để duy trì và phát triển các nhóm vũ trang trong "trục kháng chiến". Theo một số ước tính, Iran đã chi khoảng 16 tỷ USD kể từ năm 2012 để hỗ trợ các lực lượng như Hezbollah, Hamas, và các nhóm dân quân tại Iraq, Syria và Yemen. Đặc biệt, Hezbollah nhận được khoảng 700 triệu USD mỗi năm từ Iran, trong khi các nhóm như Hamas và Jihad Hồi giáo Palestine cũng nhận được hàng trăm triệu USD.

Mặc dù số tiền này là không nhỏ, Iran cho rằng lợi ích mà họ thu được từ các lực lượng trong "trục kháng chiến" vượt xa chi phí đã bỏ ra. Phó Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Ali Fadavi, từng nói số tiền Iran chi là "không đáng kể so với những thành tựu đã đạt được trong khu vực".

Nhờ mạng lưới rộng khắp, các nhóm trong "trục kháng chiến" của Iran buộc Israel phải duy trì sự hiện diện quân sự trên nhiều mặt trận, làm giảm khả năng tập trung lực lượng vào một khu vực cụ thể. Điều này tạo ra một thách thức lớn về mặt chiến lược cho Israel trong việc phòng thủ và tấn công.

Hezbollah tại Lebanon: Đối tác chiến lược của Iran

Hezbollah là nhóm vũ trang Shia thành lập vào năm 1982 sau cuộc chiến tranh Israel - Lebanon. Nhóm này được hỗ trợ thành lập bởi Đặc nhiệm Quds của Iran – nhánh đặc biệt của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Tehran, Hezbollah đã trở thành lực lượng quân sự và chính trị hàng đầu tại Lebanon, với khoảng 100.000 chiến binh.

Các thành viên lực lượng Hezbollah tham dự một sự kiện ở Lebanon năm 2019. Ảnh: Reuters.

Hezbollah không chỉ là một nhóm vũ trang mà còn được Iran coi là đối tác chiến lược quan trọng trong chiến lược đối phó với Israel và Mỹ. Hezbollah đã tham gia nhiều cuộc xung đột trong khu vực và duy trì mối quan hệ mật thiết với các nhóm vũ trang khác trong "trục kháng chiến", hỗ trợ huấn luyện và cung cấp vũ khí cho các nhóm này.

Hamas: Mối quan hệ phức tạp giữa Sunni và Shia

Mặc dù Hamas là một nhóm vũ trang Hồi giáo Sunni, tổ chức này đã thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với Iran, một quốc gia Hồi giáo Shia. Hamas được thành lập vào năm 1987 trong bối cảnh cuộc khởi nghĩa Intifada của người Palestine và đã trở thành một trong những lực lượng vũ trang mạnh nhất tại Dải Gaza. Iran đã cung cấp hỗ trợ tài chính và quân sự cho Hamas, đặc biệt là sau khi nhóm này giành quyền kiểm soát Gaza vào năm 2007.

Mối quan hệ giữa Iran và Hamas từng bị ảnh hưởng do cuộc nội chiến Syria khi Hamas ủng hộ lực lượng nổi dậy chống lại chính quyền Assad – đồng minh của Iran. Tuy nhiên, cả hai bên đã vượt qua những bất đồng để hợp tác trong việc đối phó với kẻ thù chung là Israel.

Lực lượng Shia tại Iraq: Cánh tay nối dài của Iran

Lực lượng người Shia thân Iran diễu hành ở thủ đô Baghdad, Iraq năm 2014. Ảnh: Reuters.

Tại Iraq, Iran duy trì mối quan hệ với nhiều nhóm dân quân Shia mạnh mẽ. Một số nhóm này như Kata'ib Hezbollah, Asa'ib Ahl al-Haq, và Harakat al-Nujaba được thành lập bởi IRGC. Các nhóm này có vai trò quan trọng trong việc đối phó với sự hiện diện của Mỹ tại Iraq. Mặc dù tầm ảnh hưởng của Iran đối với các nhóm này đã suy yếu sau khi chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm Quds, Qassem Soleimani bị sát hại vào năm 2020, Iran vẫn duy trì quan hệ với các nhóm vũ trang này.

Kể từ sau cái chết của Soleimani, các nhóm dân quân Shia đã dần khẳng định sự tự chủ nhiều hơn, đôi khi có hành động mà Iran khó kiểm soát. Điều này cho thấy mối quan hệ giữa Tehran và các lực lượng này đôi khi mang tính linh hoạt, phụ thuộc vào tình hình chính trị nội bộ tại Iraq.

Syria: Đồng minh chiến lược của Iran

Syria là quốc gia duy nhất trong "trục kháng chiến" mà chính phủ đứng về phía Iran. Ảnh: AFP.

Syria là quốc gia duy nhất trong "trục kháng chiến" mà chính phủ đứng về phía Iran. Quan hệ giữa Tehran và chính quyền của Tổng thống Bashal al-Assad đã hình thành từ thập niên 1980, khi Syria ủng hộ Iran trong cuộc chiến tranh với Iraq. Từ khi cuộc nội chiến Syria nổ ra, Iran đã cung cấp hỗ trợ quân sự quan trọng cho chính quyền Assad, gửi hàng trăm cố vấn và hàng ngàn chiến binh từ các lực lượng dân quân như Lữ đoàn Fatemiyun và Lữ đoàn Zainabiyun.

Mặc dù Iran có ảnh hưởng lớn tại Syria, chính quyền Assad vẫn giữ quyền tự chủ trong các quyết định chiến lược để phục vụ lợi ích quốc gia.

Houthi tại Yemen: Đồng minh mới của Iran

Lực lượng Houthi, một nhóm Hồi giáo dòng Shia tại Yemen, đã trở thành đồng minh của Iran sau khi nhóm này lật đổ chính phủ Yemen vào năm 2015. Mối quan hệ giữa Iran và Houthi đã trở nên chặt chẽ hơn khi Iran cung cấp vũ khí và huấn luyện cho lực lượng này, giúp họ giành được nhiều lợi thế trong cuộc chiến chống lại Ả Rập Saudi và các lực lượng liên minh.

Houthi đã tiến hành nhiều cuộc tấn công vào các mục tiêu quốc tế tại khu vực, bao gồm các tàu thương mại trên Biển Đỏ và các cơ sở quân sự của Mỹ. Mặc dù Iran không kiểm soát hoàn toàn Houthi, hai bên vẫn có chung mục tiêu là chống lại Ả Rập Saudi và Israel.

Đăng Nguyễn - Tổng hợp

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/suc-manh-ngoai-bien-gioi-cua-iran-204241710050006915.htm