Những 'cánh tay nối dài' của ngành y
Với nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ban đầu cho người dân và tuyên truyền giáo dục sức khỏe tại cộng đồng, nhân viên y tế thôn, bản được xem là 'cánh tay nối dài' của ngành y tế. Tuy còn gặp không ít khó khăn, song đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản huyện Vĩnh Linh vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được Nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.
Hơn 20 năm gắn bó với công tác y tế thôn bản, chị Nguyễn Thị Chiến ở thôn Liêm Công Đông, xã Hiền Thành chưa quên những khó khăn, vất vả trong những năm đầu tham gia công tác này. Chị bộc bạch: “Trước đây tôi từng là giáo viên Trường Tiểu học Tân Lập, huyện Hướng Hóa. Đến năm 1992, sau khi chồng mất vì tai nạn giao thông, một mình nuôi hai con nhỏ quá khó khăn nên đành xin nghỉ việc và trở về quê. Năm 1999, tôi được cử làm công tác y tế thôn, năm 2001 tôi tham gia và hoàn thành xuất sắc khóa đào tạo dành cho nhân viên y tế thôn, bản trong thời gian 9 tháng”. Từ lớp học trở về, chị thường xuyên tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho người dân; vận động người dân giữ gìn vệ sinh chung. Với những hộ có con nhỏ trong độ tuổi tiêm chủng và phụ nữ mang thai, chị dành thời gian đến tận nhà tuyên truyền về lợi ích của chương trình tiêm chủng mở rộng, chương trình dinh dưỡng cho trẻ, chăm sóc cho bà mẹ mang thai… Với người cao tuổi, chị cũng trở thành người tư vấn sức khỏe thường xuyên. Ngoài ra, chị còn tham gia sơ, cấp cứu ban đầu cho nhiều trường hợp người dân không may bị chấn thương, tai nạn nhẹ… Sự nhiệt tình, trách nhiệm của chị đã góp phần đem lại kết quả tích cực khi nhiều năm qua thôn Liêm Công Đông có 100% trẻ em trong độ tuổi và phụ nữ mang thai đều được tiêm phòng đầy đủ. Đặc biệt, trên địa bàn thôn không có các dịch bệnh xảy ra.
Cũng giống như chị Chiến, chị Trần Khánh Ly, phụ trách y tế thôn Trường Kỳ, xã Vĩnh Tú tham gia công tác y tế thôn, bản từ năm 1998. Chị tâm sự: “Mặc dù tiền hỗ trợ cho nhân viên y tế thôn rất thấp, trước đây chỉ được vài chục nghìn đồng mỗi tháng và từ 3 năm trở lại đây được khoảng 450 ngàn đồng/tháng nhưng với trách nhiệm và sự tín nhiệm của bà con, mình vẫn làm việc hết mình, thường xuyên đến tận các gia đình để truyền thông, giáo dục, thăm khám sức khỏe, tư vấn kịp thời cho người dân đến trạm y tế xã, bệnh viện huyện khám và điều trị bệnh. Thấy địa phương mình không có dịch bệnh, người dân sống khỏe mạnh là mình quên hết những khó khăn và càng hăng say làm việc hơn”.
Vĩnh Linh hiện có 151 nhân viên y tế thôn, bản. Trong đó, số nhân viên được đào tạo chuyên môn từ 3 đến 9 tháng chiếm 90%. Đội ngũ này có nhiệm vụ chính là tuyên truyền các kiến thức bảo vệ sức khỏe cộng đồng; hướng dẫn thực hiện vệ sinh phòng bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, dinh dưỡng hợp lý; thực hiện sơ cứu ban đầu và chăm sóc các bệnh thông thường... Nhờ phát huy được vị trí, vai trò của đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản, những năm gần đây, trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, các loại dịch bệnh đã được khống chế, nhất là sốt rét, sốt xuất huyết, tiêu chảy. Tỉ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 98%. Phụ nữ mang thai thường xuyên được thăm khám trong suốt thai kỳ. Tình trạng phụ nữ sinh con tại nhà đã không còn, người dân ít nhất cũng đã tiếp cận với trạm y tế xã, chỉ trừ một vài trường hợp sản phụ trở dạ quá nhanh không kịp chuyển đến cơ sở y tế, khi ấy nhân viên y tế thôn, bản có mặt hỗ trợ kịp thời. Đặc biệt, cùng chung tay phòng, chống COVID-19, đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản đã tổ chức hàng trăm cuộc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; phối hợp có hiệu quả với trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện trong việc lấy mẫu xét nghiệm, theo dõi, chăm sóc y tế cho các đối tượng cách ly tại nhà theo quy định...
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh Đặng Văn Minh cho biết: “Đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản góp sức rất lớn trong việc tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh và thực hiện chăm sóc sức khỏe sinh sản bà mẹ, trẻ em. Mặc dù họ phải đảm nhiệm khối lượng công việc khá lớn, nhất là ở những xóm, bản vùng sâu giao thông đi lại khó khăn, nhưng với lòng nhiệt tình, yêu công việc họ đã trực tiếp triển khai các chương trình y tế đến tận người dân, đồng thời cũng là người có mặt đầu tiên mỗi khi người dân cần. Có thể coi đội ngũ này như “cánh tay nối dài”, đắc lực của ngành y tế, góp phần quan trọng nâng cao sức khỏe, chất lượng sống trong cộng đồng”.
Tuy nhiên, hiện nay hoạt động của nhân viên y tế thôn, bản ở huyện Vĩnh Linh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Nhất là vấn đề phụ cấp chưa thực sự tương xứng với công việc; một số nhân viên vừa mới được thay thế chưa được qua đào tạo; một bộ phận người dân vẫn chưa ý thức rõ trách nhiệm với cộng đồng trong phòng, chống dịch bệnh nên công tác tuyên truyền còn gặp khó khăn...
Việc duy trì và phát triển mạng lưới nhân viên y tế thôn, bản là hết sức cần thiết. Xuất phát từ thực tiễn, thời gian tới, huyện Vĩnh Linh tiếp tục phối hợp với ngành y tế tham mưu, đề xuất cới cấp có thẩm quyền có những chính sách phù hợp, tạo điều kiện để nhân viên y tế thôn, bản có thêm thu nhập. Thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo chuyên môn để nhân viên y tế thôn, bản được nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức mới, học hỏi kinh nghiệm. Đồng thời làm tốt công tác thi đua khen thưởng, xem đây làm động lực để đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản tiếp tục có những đóng góp tích cực trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân.