Những cánh thư ấm lòng thầy trò vùng lũ
Trên các chuyến hàng 'tương thân tương ái' từ khắp mọi miền Tổ quốc đổ về miền Trung, có những cánh thư, tấm thiệp đầy ý nghĩa của học trò Thủ đô gửi đến những người bạn chưa từng gặp mặt ở vùng lũ.
“Cố lên nhé, miền Trung”
Trong chuyến hàng của Câu lạc bộ nhà báo giáo dục tại Hà Nội vào miền Trung sau đợt lũ lớn năm 2020, cùng với những vật dụng cần thiết cho nhà trường, thầy cô, học sinh, có những cánh thư tay, tấm thiệp của học sinh trường THCS Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) gửi tới học sinh trường THCS An Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình). Những tấm thiệp đầy sắc màu, được trang trí cẩn thận và nét bút hiện lên sự sẻ chia, động viên, như thay lời tiếp thêm động lực đến vùng lũ.
Quảng Bình những ngày sau lũ là những đợt nắng. Nắng chiếu lên những thân cây, ngôi nhà làm hằn rõ vệt nước ngập phủ rêu vẫn còn in dấu. Nắng dãi trên những gốc rạ, đợt lúa ngả nghiêng trong sình lầy, xen lẫn mùi ngai ngái của bùn đất. THCS An Ninh là ngôi trường nằm trong vùng trũng nhất của huyện Quảng Ninh, thầy hiệu trưởng đón chúng tôi bằng nụ cười hiền hậu trên khuôn mặt sạm đen. Thầy Từ Công Khánh chỉ mốc nước của 2 đợt lũ khiến trường gần như bị hủy hoại toàn bộ cơ sở vật chất, cho biết: “Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy lũ nhanh và lớn đến vậy. Dường như không một nhà nào chạy kịp. Sau một đêm, hoặc một buổi thôi, nước lũ dâng nhanh, thầy cô chỉ kịp chạy lấy người”.
Trong những tập vở, chiếc bút, chúng tôi đưa đến thầy, có những cánh thư tay của học sinh trường THCS Chu Văn An. Nâng niu những lá thư, thầy xúc động: “Món quà đặc biệt này sẽ khiến thầy và trò nhà trường được kết nối, sẻ chia và nhận được sự đồng cảm lớn. Học sinh cũng học được bài học về sự động viên trong lúc gian khó”.
Ngay tại sân trường, bên cạnh những quyển sách giáo khoa, tấm vở thơm mùi mới là những bức thư đầy màu sắc, những con hạc giấy của học sinh Thủ đô được các em học sinh trường THCS An Ninh truyền tay nhau đọc. Tôi thoáng nghe thấy: “Tớ đọc xong rồi, đổi đi”.
Bức thư được ký tên “Bạn từ miền Bắc: Nguyễn Minh Lý” viết: “Gửi các bạn đang ở vùng bị lũ lụt và sạt lở đất ở miền Trung. Khi nghe tin miền Trung bị cơn bão số 9 càn quét, tớ đã rất lo lắng. Cơn bão này thật kinh khủng nhỉ? Nhưng may là nó cũng qua rồi. Đợt vừa rồi, tớ nghe nói miền Trung các cậu bị thiệt hại về nhà cửa và trường học rất nặng nề. Vậy nên chúng tớ, mỗi người đã quyên góp ít tiền để ủng hộ các cậu. Cố lên nhé, miền Trung!”.
Người bạn từ miền Bắc này cũng không quên gửi lời chúc: “Chúc các cậu đạt được điểm mình mong muốn trong học kỳ này và nhanh chóng vượt qua mùa bão lũ nhé”. Những cánh hạc đầy màu sắc, chở những tình cảm, hy vọng đến với bạn bè được nhiều học sinh nâng niu trao nhau. Hình ảnh này đã khiến nhiều giáo viên không khỏi xúc động.
Cô Trần Thị Hồng Đóa, giáo viên dạy Hóa học trường THCS An Ninh chia sẻ: “Có lẽ, trong mất mát, điều mà chúng tôi nhận được là tình cảm trong sáng của thầy và trò miền Bắc. Khó khăn sẽ còn nhưng đi cùng với đó là những sự động viên chân thành. Chúng tôi biết mình không đơn độc”. Nhiều tấm thiệp được trình bày công phu, đặc sắc và như một kỷ niệm đẹp của mỗi học trò. Trong đó, có cả những trái tim ấm áp của các giáo viên gửi tới đồng nghiệp.
Giáo viên chủ nhiệm 7A9, Nguyễn Thị Kim Anh (trường THPT Chu Văn An-TâyHồ,HàNội)đãlàm bài thơ: Hết mưa trời sẽ nắng Giông bão rồi cũng tan Với muôn vàn gian nan Cùng vượt qua thử thách Rồi tiếng cười khanh khách Của trẻ thơ ùa về Hoa rồi cũng sẽ nở Vun hàng vạn ước mơ Yêu miền Trung trung dũng.
Bài học về sự sẻ chia tiếp nối
Tham gia cùng đoàn công tác mang hàng hóa cứu trợ vào miền Trung, cô Trịnh Thị Diệu Hằng, Phó Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An cho biết: “Đối tượng là học sinh, vì thế chúng tôi mong muốn các em có những kết nối chân thật. Tình cảm ấy sẽ thông qua những vật dụng mà ở lứa tuổi học trò các con tự làm. Vì thế, những tấm thiệp, cánh hạc giấy, thư tay đã được làm trong giờ sinh hoạt lớp của toàn nhà trường. Giáo viên không chỉ hướng dẫn học sinh làm mà còn khơi gợi cho các em về ý tưởng thực hiện và trực tiếp làm những tấm thiệp gửi tới đồng nghiệp miền Trung. Việc làm này đã được toàn bộ giáo viên và học sinh nhà trường ủng hộ”.
Cô Diệu Hằng đã tự tay trao đi những tấm thiệp, những cánh thư của học trò trường mình đến học sinh trường THCS An Ninh. Chứng kiến sự chăm chú, hào hứng của học sinh trường THCS An Ninh, cô Diệu Hằng biết rằng, lời “hiệu triệu” của Ban giám hiệu đã đúng và trúng vào tình cảm, tâm lý lứa tuổi học trò. Sự kết nối thể hiện rõ khi thầy Từ Công Khánh cho biết sẽ khuyến khích học sinh trường THCS An Ninh viết thư hồi đáp. Chỉ sau 3 tuần lễ, những cánh thư từ học sinh vùng lũ mang tựa đề “Cám ơn”, “Xin cám ơn”, “Thank you”... đã đến với trường THCS Chu Văn An.
Bạn Võ Văn Thanh Cường, học sinh lớp 7, trường THCS An Ninh, viết: “Hôm nay mình viết thư này để cảm ơn các bạn về những món quà cả về tinh thần lẫn vật chất mà các bạn đã mang đến cho mình. Những món quà của các bạn đã hỗ trợ và động viên mình rất nhiều trong giai đoạn mình khó khăn nhất. Cảm ơn các bạn rất nhiều vì đã đồng hành cùng mình trong giai đoạn khó khăn vừa rồi”.
Bức thư được viết gần dịp 20/11, cậu học sinh này cũng không quên chúc các thầy cô của trường bạn với nội dung: “Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới, mình kính chúc các bạn và tất cả các thầy, cô giáo có một ngày vui vẻ, may mắn và hạnh phúc bên gia đình”.
Những bức thư ấy đã được dán trên bảng tin của nhà trường Chu Văn An để thầy cô và học trò cùng trao đổi về bài học của sự sẻ chia và tiếp nối. Những cánh thư, những món quà đã không chỉ dừng lại ở việc trao đi, nhận lại. Sự sẻ chia là những sợi dây kết nối tình bạn, tình đồng bào, góp sức lan tỏa tình yêu thương trong tâm hồn trong sáng của mỗi học trò, tạo động lực mạnh mẽ chiến thắng mọi thử thách, thiên tai.