Những cao bồi da màu làm nên phía Tây nước Mỹ

Nửa cuối thế kỷ XIX, Mỹ diễn ra cuộc di cư lớn về phía Tây vẫn còn hoang dã.

Willie Kennard, cựu quân nhân và cao bồi trở thành thống đốc da màu đầu tiên.

Willie Kennard, cựu quân nhân và cao bồi trở thành thống đốc da màu đầu tiên.

Một phần tư những người tham gia vào làn sóng mạo hiểm lập nghiệp này là người gốc Phi. Bất chấp hiện thực và tương lai bị người da trắng kỳ thị, xóa bỏ công trạng, họ vẫn tạo dựng danh vọng và để lại di sản đồ sộ cho hậu nhân muôn đời thán phục.

Đi tìm lịch sử thật

Tháng 1/1863, Tổng thống Mỹ đương nhiệm là ông Abraham Lincoln (1809 – 1865) ký Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ. Trừ các bang biên giới, toàn bộ các bang còn lại trong Mỹ phải thực thi văn lệnh trả tự do cho tất cả nô lệ.

Trước thời điểm này, chỉ tính riêng ở miền Nam, tổng số nô lệ đã tới 4 triệu người. Hầu hết là con cháu của người châu Phi bị bán tới phương Tây làm nô lệ trong kỷ nguyên buôn bán nô lệ qua Đại Tây Dương, hoạt động từ thế kỷ XVI – XIX.

Tự do là món quà lớn lao nhưng đi kèm theo nó là tương lai đầy thách thức. Người gốc Phi vừa thoát đời nô lệ không có nhà đất, tài sản nên bắt buộc phải lập nghiệp từ bàn tay trắng. Đúng lúc này, Chính phủ Mỹ khuyến khích khai khẩn phía Tây. Hàng trăm người đã mạo hiểm tham gia vào đoàn người Tây tiến và trong số họ có Willie Kennard (1832 – ?).

Ông Kennard là một cựu quân nhân. Thời còn trong quân đội, ông nổi tiếng có tài sử dụng mọi loại vũ khí, là chuyên gia huấn luyện sử dụng vũ khí và một trong những tay súng thiện xạ nhất. Năm 1874, ông lái xe đến đồi Yankee ở Colorado, một tiền đồn khai thác mỏ trong miền Tây đang sốt khai hoang lập nghiệp và xin vào làm cảnh sát trưởng.

Ngay khi nhìn thấy hồ sơ xin việc của ông Kennard, ban tuyển dụng đã phá ra cười đến chảy cả nước mắt. Họ nhếch mép thách ông Kennard bắt được Barney Casewit, kẻ tội phạm đã sát hại cảnh sát trưởng trước và hứa nếu ông bắt được hắn thì sẽ tuyển vào làm.

Ông Kennard thản nhiên nhận lời. Ban tuyển dụng liền cho biết luôn là gã Casewit đang chơi bài ở quán rượu nằm ngay bên kia đường. Ông Kennard đứng dậy, băng qua đường tiến thẳng vào trong quán và lớn giọng hỏi ai là Casewit. Gã Casewit vênh váo đứng dậy, 2 tay giơ 2 khẩu súng lục.

Trước khi gã kịp nổ súng, viên đạn từ khẩu súng của ông Kennard đã bắn văng cây súng trên tay hắn. Hai tên đồng phạm của gã Casewit vội vàng đứng bật dậy. Chỉ bằng một cái lia tay, ông Kennard bắn hạ cả hai.

Sự việc diễn ra chóng vánh và tất nhiên, ông Kennard thông qua “thử thách thử việc”. Từ vị trí cảnh sát trưởng, sau này ông thăng tiến lên làm Thống đốc Colorado lừng danh và là thống đốc da màu đầu tiên ở Mỹ.

Ngoài sự nghiệp chính trị, ông Kennard còn là một trong những nhà thám hiểm và thương nhân thành công. Bên cạnh ông, ở Colorado còn có các tên tuổi người gốc Phi thành danh khác như ông James Beckwourth - một trong những cư dân đầu tiên định cư tại pháo đài cổ Bent ở La Junta, bà Walker – triệu phú tự thân, nữ quân nhân Cathay Williams – người giả trai để gia nhập vào Đơn vị Bộ binh 38 và phục vụ suốt 2 năm mà không bị phát hiện, cho đến khi bị mắc bệnh đậu mùa…

Đặc biệt, Colorado còn là nơi “ông tổ của cao bồi da màu nước Mỹ”, Bose Ikard (1843 - 1929) viết nên trang sử tự hào nhất cho người gốc Phi. Ngay sau khi được giải phóng khỏi thân phận nô lệ, ông trở thành tay đua ngựa điêu luyện, cao bồi kiêm thám tử hiện trường của trang trại tiên phong Charles Goodnight.

Suốt nhiều năm, ông lênh khênh trên lưng ngựa lùa đàn gia súc qua Colorado theo đường mòn Goodnight-Loving dài 2.000 dặm, vượt qua những cơn bão, đụng độ với phiến quân, đua ngựa cùng với những tay đua nổi tiếng như Nat Love và cả những kẻ sống ngoài vòng pháp luật.

Bản thân Kennard cũng là một cao bồi xuất sắc. Ông từng cưỡi ngựa, đeo súng hộ tống các đoàn xe trong chiến tranh, trước khi trở thành thống đốc cũng từng làm vệ sĩ cho nhiều nhân vật quan trọng ở Colorado. Tuy nhiên, vì kỳ thị sắc tộc, lịch sử Mỹ cố ý quên những nhân vật gốc Phi góp phần định hình phía Tây này. Thời gian càng trôi qua, tên tuổi của họ càng có nguy cơ thất lạc.

 Bác sĩ Justina Ford cả đời đi thăm khám tại gia, đỡ đẻ cho gần 7.000 trẻ em.

Bác sĩ Justina Ford cả đời đi thăm khám tại gia, đỡ đẻ cho gần 7.000 trẻ em.

Thu thập và bảo tồn

Trái với sự thờ ơ của lịch sử Mỹ, cộng đồng người Mỹ gốc Phi nỗ lực ghi nhớ và bảo vệ tên tuổi cũng như công sức của những người đã định hình nên phía Tây. “Từ nhỏ, tôi đã được mẹ kể cho nghe các câu chuyện và luôn rất tự hào về thế hệ cha ông mình”, bà Daphne Rice-Allen, Chủ tịch của Trung tâm Di sản và Bảo tàng Mỹ gốc Phi phía Tây (Black American West Museum and Heritage Center - BAWMHC) cho biết.

BAWMHC là công trình của Paul Stewart, thợ cắt tóc và nhà sử học tự phong ở Denver, được thành lập vào năm 1971. Vì muốn hậu thế không quên công ơn của những người tiên phong mà từ thập niên 1960, ông Stewart đã tích cực sưu tầm các kỷ vật, cổ vật và đem trưng bày trong tiệm cắt tóc của mình.

Rất nhanh, tiệm cắt tóc của ông biến thành điểm hẹn của giáo viên, học sinh và cư dân địa phương. Vì khách ghé thăm quá đông, ông Stewart phải mua căn nhà ở khu dân cư Công viên Curtis ở Denver, chuyển các cổ vật đến đây và nó biến thành Bảo tàng BAWMHC.

 Paul Stewart, người sáng lập Bảo tàng BAWMHC lưu giữ lịch sử người da màu ở phía Tây nước Mỹ.

Paul Stewart, người sáng lập Bảo tàng BAWMHC lưu giữ lịch sử người da màu ở phía Tây nước Mỹ.

Thú vị là trước khi trở thành Bảo tàng BAWMHC, ngôi nhà này từng là chốn ở của Justina Ford, nữ bác sĩ da màu đầu tiên của Colorado. Bà Ford chuyển đến sống tại Colorado vào năm 1901.

Mặc dù bị bệnh viện từ chối nhận vào làm chỉ vì màu da đen, nhưng bà đã không bỏ nghề và trở thành bác sĩ thăm khám tại gia. Trong 50 năm hành nghề, bà đỡ đẻ cho gần 7.000 trẻ sơ sinh, thông thạo 7 thứ tiếng và mở đường sự nghiệp cho nhiều chuyên gia y tế da màu ở Colorado.

Ngày nay, bước vào BAWMHC là ngược thời gian du hành về kỷ nguyên cao bồi da màu. Trong nó trưng bày nhiều yên ngựa và dụng cụ cưỡi ngựa thuộc khoảng thời gian 1865 – 1885 cùng nhiều cổ vật khác.

“Nếu đến Colorado, xin bạn đừng quên ghé lại nơi này vì lịch sử rất quan trọng và lịch sử của người da màu cũng là một phần của lịch sử Mỹ”, bà Rice-Allen tha thiết mời.

Theo atlasobscura

Ninh Thị Thơ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhung-cao-boi-da-mau-lam-nen-phia-tay-nuoc-my-post693304.html