Những cao tốc nào nối sân bay Long Thành với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam?
Dự án sân bay quốc tế Long Thành có công suất thiết kế 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm sau khi hoàn tất 3 giai đoạn vào năm 2040. Để tạo thuận lợi cho việc kết nối với sân bay Long Thành, hàng loạt tuyến cao tốc, các dự án giao thông trọng điểm cũng đã và đang được triển khai thi công.
5 tuyến cao tốc
Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu có tổng chiều dài 77,8km, chia thành 2 dự án thành phần. Cao tốc này vừa được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất đầu tư công, tổng vốn 17.837 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu vận tải Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Dự án có tổng chiều dài hơn 53km, điểm đầu kết nối tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), điểm cuối giao với quốc lộ 56 thuộc TP. Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Cao tốc này dự kiến hoàn thành năm 2025, giúp giảm tải quốc lộ 51 và đồng bộ các tuyến đường khác trên hành lang vận tải TPHCM-Vũng Tàu.
Khi hoàn thành dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu sẽ góp phần rất lớn vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và cả vùng Đông Nam Bộ. Đồng thời, bảo đảm kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành để hình thành hệ thống giao thông kết nối liên vùng.
Cao tốc Long Thành-Dầu Giây dài 55km với 4 làn xe là tuyến đường quan trọng giúp kết nối TPHCM với các tỉnh Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Cao tốc này đã rút ngắn thời gian đi lại giữa các khu vực, đem lại lợi ích kinh tế lớn trong vùng.
Tuy nhiên, trước tình trạng quá tải của tuyến đường này, Bộ Giao thông Vận tải đồng ý mở rộng 24km từ nút giao An Phú (thành phố Thủ Đức, TPHCM) đến huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) lên 8 làn xe vào năm 2025, nguồn vốn hơn 9.800 tỷ đồng. Sau năm 2040, đoạn này sẽ được mở rộng lên 10 làn xe. Riêng 31km từ Long Thành đi Dầu Giây sẽ giữ nguyên quy mô 4 làn xe vì có thể đáp ứng nhu cầu lưu thông đến năm 2040.
Cao tốc Long Thành - Bến Lức được khởi công tháng 7/2014, dài 47km đi qua các tỉnh Long An, TPHCM và Đồng Nai với tổng mức đầu tư 31.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch ban đầu, dự án này sẽ thông xe vào cuối năm 2018 nhưng do thiếu vốn và vướng mặt bằng nên bị trễ tiến độ. Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt điều chỉnh dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành với mốc hoàn thành cuối năm 2023.
Cao tốc hoàn thành sẽ giúp kết nối giao thương giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu long và Đông Nam Bộ. Đặc biệt, khi sân bay Long Thành hoạt động, tuyến đường sẽ giảm tải cho cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây.
Cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết dài 99km đi qua hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Dự án phân kỳ giai đoạn một với 4 làn xe, thiết kế 120 km/h, tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng. Giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 4 làn xe, dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2022. Khi hoàn thành, cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội với trục cao tốc Bắc Nam.
Cao tốc Dầu Giây -Đà Lạt dài hơn 200km từ thị trấn Dầu Giây (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) đến đầu đường cao tốc Liên Khương-Đà Lạt (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng), được chia ra làm 3 dự án thành phần.
Thứ nhất, dự án từ Dầu Giây đến Tân Phú dài 60km qua các huyện Thống Nhất, Định Quán và huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai), tổng kinh phí 6.400 tỷ đồng. Tuyến đường thiết kế 4 làn xe, tốc độ 80-100 km/h.
Thứ hai, dự án từ Tân Phú đi Bảo Lộc dài 67km với 18.000 tỷ đồng. Tuyến đường sẽ đi qua các huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai), Đạ Huoai, Đạ Tẻl, Bảo Lâm và TP.Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng). Giai đoạn đầu, đường rộng 17m, vận tốc thiết kế 80 km/h. Thứ ba là dự án từ Bảo Lộc đi Liên Khương dài 73km với 12.000 tỷ đồng, thiết kế đường 4 làn xe, tốc độ 100 km/h.
Dự kiến, cao tốc này sẽ được khởi công trong quý 3/2022 và hoàn thành năm 2025. Khi toàn tuyến cao tốc hoàn thành, giao thông kết nối miền Đông Nam Bộ với Tây Nguyên trở nên thuận lợi hơn, giảm tải cho quốc lộ 20, rút ngắn thời gian đi lại giữa hai khu vực.
Lo thiếu đất đắp đường
Ngoài ra, để xây dựng mạng lưới giao thông kết nối với cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai cũng có 4 dự án giao thông trọng điểm cũng sẽ được triển khai thực hiện trong thời gian tới, gồm dự án nâng cấp mở rộng 3 tuyến đường tỉnh 769, 772, 773 và dự án xây dựng mới đường tỉnh 770B.
Bộ Giao thông Vận tải và Đồng Nai cũng đã quy hoạch nhiều dự án giao thông kết nối sân bay Long Thành như đường Vành đai 3, Vành đai 4, đường sắt trên cao, ĐT 319, Hương lộ 2, đường kết nối từ sân bay ra cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây...
Theo dự báo, khi các dự án này được khởi động thực hiện, nhu cầu về nguồn đất san lấp phục vụ thi công là rất lớn. Ông Vũ Xuân Dự, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở GTVT Đồng Nai cho hay, chỉ tính riêng 8 dự án giao thông do Trung ương và tỉnh triển khai thì nguồn đất san lấp cần đáp ứng đã lên tới gần 23 triệu m3. Còn ông Ngô Thế Ân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết, trong năm 2022, đơn vị sẽ triển khai thực hiện 14 dự án. Các dự án này có nhu cầu về nguồn đất san lấp khoảng 8 triệu m3.
Hiện nay, trên địa bàn Đồng Nai có 107 khu vực với tổng diện tích hơn 1.000ha được quy hoạch để khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, chủ yếu là các mỏ đất san lấp. Các khu vực này có trữ lượng dự báo khoảng 59 triệu m3 đất san lấp. Ông Phạm Hữu Nghĩa, Trưởng phòng Tài nguyên, Sở TNMT Đồng Nai cho biết, sở đã tham mưu UBND tỉnh khoanh định thêm 94 khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp. Các khu vực được khoanh định không đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp có tổng diện tích khoảng 565ha.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, 2021-2025 là giai đoạn có nhiều công trình hạ tầng trọng điểm của Trung ương, của tỉnh sẽ được triển khai. Do đó, nhu cầu về nguồn vật liệu san lấp, đặc biệt là đất san lấp là rất lớn. Do đó, Đồng Nai phải tính toán, rà soát, cân đối lại nhu cầu để bổ sung vào quy hoạch, thực hiện khai thác các mỏ đất san lấp phục vụ các dự án, tránh trường hợp bị động khi các dự án này đi vào triển khai xây dựng.