Những cặp vợ chồng hòa hạnh phúc cá nhân với niềm vui cộng đồng
Không chỉ dành tình yêu thương chăm sóc gia đình nhỏ của chính mình, nhiều cặp vợ chồng còn cùng nhau chia sẻ tình thương, hỗ trợ rất nhiều mảnh đời còn khó khăn, để hạnh phúc hôn nhân được hòa vào hạnh phúc cộng đồng.
Sẻ chia từng bát cơm đến người khốn khó
Trong những tháng ngày dịch bệnh, thiếu thốn của năm 2021, nhiều người không khỏi xúc động trước hình ảnh một cặp vợ chồng tất bật từ sáng tới tối để phân phát gần 3 tấn thịt heo, hơn 1 tấn thịt gà và hơn 50 tấn rau củ quả, đảm bảo số thực phẩm này tươi ngon nhất khi đến tay các hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch COVID-19. Đó là anh Lê Thanh Tùng và chị Đào Thị Thơm - hai “Mạnh Thường Quân” của thời hiện đại.
Thời điểm ấy, nhiều người rơi vào cảnh thất nghiệp, khó khăn chồng chất. Anh Lê Thanh Tùng - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Đông Trường Sơn không phải ngoại lệ. Khi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp tại TP HCM, anh Tùng đã phải quyết định cho công ty dừng sản xuất. Tuy nhiên, trong thời gian ngừng sản xuất, anh vẫn lo đầy đủ chế độ cho công nhân yên tâm ở nhà chống dịch. Anh Tùng, chị Thơm khi ấy mới thành lập Công ty Gạo Thơm Hà Nội, cũng lao đao khi dịch ập tới. Tuy nhiên, bản thân vợ chồng anh Tùng vẫn không ngừng nghĩ cách hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Hai anh chị đã có những hỗ trợ rất thiết thực tới cộng đồng dựa trên thế mạnh của mình là lương thực, thực phẩm. Công ty gạo của vợ chồng anh Tùng dù còn nhiều khó khăn nhưng luôn bán gạo với giá thấp hơn đáng kể so với thị trường. Do đó, nhiều đội thiện nguyện, bếp ăn từ thiện,… đã chọn Công ty gạo của vợ chồng anh chị làm đầu mối cung cấp gạo để họ làm từ thiện.
Bên cạnh đó, từ đầu dịch tới nay vợ chồng anh Tùng cũng đã xuất kho hàng chục tấn gạo để phát miễn phí hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP HCM. Vợ chồng anh Tùng còn vận động nhiều mối quan hệ thân thiết để xin hỗ trợ và nhiều lần nhận được xe chở hàng trăm tấn rau củ quả từ Bình Phước tới giao cho để phân phát cho người dân tại TP HCM bởi các đơn vị như Công ty TNHH Nhung Phong, Hội từ thiện Hải Sơn A Cọp, các cán bộ lãnh đạo UBND thị xã Phước Long (tỉnh Bình Phước).
Ở dốc bên kia cuộc đời nhưng một cặp vợ chồng khác cũng cùng chung khao khát giúp đời, giúp người thông qua những bữa ăn. Đó là vợ chồng ông Hoàng Mạnh Cơ (71 tuổi) và bà Trần Cẩm Tuyến (70 tuổi) với quán cơm chay 0 đồng trong một con ngõ nhỏ ở Hà Nội. Ít ai biết rằng, cơm chay 0 đồng là tâm nguyện suốt nhiều năm cuộc đời của hai vợ chồng bà Tuyến. Mãi đến khi cả hai bước sang độ U70, mong ước này mới thành hiện thực. Mỗi ngày ông bà cùng nhau có mặt tại quán từ 7 giờ sáng để bắt đầu công việc. Bà Tuyến dù bị tiểu đường hơn 16 năm nay cũng chẳng nề hà chuyện bếp núc, chỉn chu tự tay nấu từng món ăn chay. Bà chân thành chia sẻ: “Đây là quán cơm chay 0 đồng đầu tiên ở Hà Nội, tôi muốn phát tâm của mình đến với mọi người. Để nhà nhà biết hướng thiện, biết ăn chay, trăm họ được hưởng thái bình”.
Từ ngày quán cơm chay 0 đồng mở cửa phục vụ, thực khách xa gần nô nức kéo nhau đến thưởng thức. Trong đó, có cả những người thu nhập thấp, dân lao động hay người làm văn phòng gần khu vực. Nhiều người biết tới việc thiện mà ông bà đang làm, tự tìm đến xin được đóng góp. Của ít lòng nhiều, người tài trợ gạo, muối, rau củ, người thì quyên góp tiền bạc.
Trong quán cơm chay của 2 ông bà, những tiếng gọi “u”, “thầy” cứ vang lên đầy thân mật từ những tình nguyện viên và khách quen. Có lẽ, chính nhờ sự gần gũi này mà thực khách thấy ấm lòng lạ kỳ, nhiều lúc mọi người không ai bảo ai, tự ở lại dọn rửa quán.
Hay ngay trong tâm dịch, người Sài Gòn ấm lòng với chuyện đôi vợ chồng bà Nguyễn Thị My, 70 tuổi và ông Trần Văn Hồng, 86 tuổi mỗi ngày nấu hơn 100 hộp cơm chay đặt trước nhà ở số 203 đường Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh tặng những người khó khăn.
Ở tuổi gần đất xa trời, các ông bà cụ ấy hoàn toàn có thể lựa chọn cuộc sống thảnh thơi dưỡng già, quây quần bên con cháu khi điều kiện vật chất đã đầy đủ. Vậy nhưng, họ chọn cách phụng sự xã hội, gieo mầm thiện trong cuộc đời. Và chính lúc cho đi là khi họ nhận lại “quả ngọt” từ sự thương yêu, trân trọng của cuộc đời.
Những trái tim “khuyết” nhưng không “tật”
Không may mắn có được cơ thể lành lặn như nhiều người, vợ chồng chị Nguyễn Hà Trường - anh Tô Như Quân (phường Đại Nài - TP Hà Tĩnh) vẫn đầy nghị lực vươn lên trong cuộc sống, đồng thời mang niềm vui, sự sẻ chia đến nhiều mảnh đời bất hạnh. Chị Hà Trường lớn lên với một bên chân bị dị tật, không thể đi lại bình thường, còn anh Quân phải di chuyển bằng xe lăn 10 năm nay sau một tai nạn khi anh vừa tròn 20 tuổi. Hai con người bất hạnh gặp nhau và rồi nên duyên vợ chồng nhờ sự đồng cảm, sẻ chia và chung niềm đam mê làm thiện nguyện.
Anh chị thường xuyên liên hệ với các thành viên trong nhóm bạn khuyết tật để tìm hiểu người cần sự giúp đỡ. Sau khi tìm hiểu kĩ càng, hai vợ chồng đăng bài kêu gọi qua các tổ chức, cá nhân trên trang Facebook. Từ sự kết nối đó, rất nhiều hoàn cảnh ốm đau, bệnh tật, khó khăn trong cuộc sống đã được cộng đồng hỗ trợ, như trường hợp của chị Dương Thị Thanh Vân (xã Thạch Hưng – TP Hà Tĩnh) mắc ung thư vú 6 năm nay, em gái thì mù hai mắt, bị liệt nằm một chỗ, kinh tế gia đình kiệt quệ. Nhờ sự kết nối của vợ chồng chị Hà, anh Quân, nhiều cá nhân, tổ chức đã quyên góp được một phần kinh phí để chị Vân đi chữa bệnh. Chị Vân không khỏi xúc động trước tấm lòng cao cả của vợ chồng chị Trường: “Cuộc đời lấy đi của anh chị đôi chân lành lặn nhưng bù lại một trái tim ấm áp. Dù tật nguyền nhưng anh chị không chỉ sống cho bản thân mình mà còn sống cho những người kém may mắn khác. Tôi cảm phục vô cùng!”.
Không chỉ vậy, hai vợ chồng còn tham gia các đợt tình nguyện đến với bệnh nhân nghèo đang điều trị tại các bệnh viện. Với những trường hợp chưa kêu gọi được, anh chị thậm chí còn trích một phần thu nhập ít ỏi của mình để giúp đỡ họ. Chị Hà Trường tâm sự: “Dù bệnh tật hành hạ nhưng chúng tôi vẫn còn may mắn hơn nhiều người. Trong khả năng có thể và bằng cái tâm của mình, chúng tôi chỉ muốn góp một phần nhỏ để họ vơi bớt khó khăn trong cuộc sống”.
Nghị lực sống và tấm lòng thiện nguyện của người phụ nữ tật nguyền đã mang lại niềm tin vào cuộc sống cho nhiều mảnh đời bất hạnh. Trên hành trình thiện nguyện ấy, chị cũng đã tìm được tình yêu, hạnh phúc đích thực của cuộc đời mình. Và hơn thế, anh chị đã cùng nắm tay nhau đi qua giông bão cuộc đời, cùng nhau viết nên những câu chuyện tử tế.
Cặp đôi ông Phan Đức Long và bà Bùi Thị Hồng Nga là một câu chuyện rất đẹp của người vợ 64 tuổi cả đời ngồi xe lăn dạy tiếng Anh miễn phí cho con em người khuyết tật, còn người chồng 71 tuổi cần mẫn đẩy xe lăn cùng vợ trên khắp nẻo đường thiện nguyện. 30 năm qua, "nghề" chính của ông Long là giúp vợ đi mua đồ, kêu gọi từ thiện, xây nhà cho người nghèo… Theo ông, điểm nhấn của cuộc đời là do được bà Nga thương yêu, tin tưởng chọn làm người đứng sau xe lăn của mình, lăn đến nhiều nước trên thế giới, tham dự nhiều cuộc họp quốc tế rất quan trọng và ý nghĩa với người khuyết tật. Tuy không có con đẻ, hai ông bà lại có tới 30 đứa con nuôi, con kết nghĩa ở khắp các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.
30 năm qua, dù phải ngồi trên xe lăn nhưng vợ chồng bà Bùi Thị Hồng Nga vẫn được nhiều người ngưỡng mộ vì không chỉ dạy nghề, dạy tiếng Anh cho người khuyết tật mà còn vận động cho những người không may mắn được 4.000 xe lăn, 700 xe lắc và hơn 1.000 cây gậy cho người mù, xây 5 căn nhà tình thương, một cây cầu ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ - nơi có nhiều người khuyết tật sinh sống.
“Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”. Những cặp vợ chồng ấy với tấm lòng “vàng” không chỉ lan tỏa tình yêu thương bao la đến với cộng đồng mà còn vun đắp tình cảm dành cho nhau, cùng nhau vượt qua những khó khăn, vất vả khi cùng đi trên con đường thiện nguyện, làm đẹp cho cuộc đời.