Những câu chuyện của các cựu chiến binh gặp lại đồng đội xưa trong ngày lễ lớn
Trong đêm 26/4 tại lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng Bà Rịa - Vũng Tàu diễn ra tại Công viên Bà Rịa, những nhân chứng lịch sử năm xưa đã hội ngộ, kể lại ký ức một thời hoa lửa với niềm xúc động khó tả.
Tham dự lễ có Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các Mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động và hàng chục ngàn bà con nhân dân tham dự lễ.

Đại tướng Phan Văn Giang tham dự lễ kỷ niệm.
Mở đầu câu chuyện về những năm tháng khốc liệt, bà Đặng Diễm Thúy, năm nay 74 tuổi ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai chia sẻ, bà tham gia cách mạng từ năm 13 tuổi với vai trò văn công, mang lời ca tiếng hát động viên tinh thần các cán bộ chiến sĩ, nhân dân.
Bà kể những ngày hoạt động tại Bà Rịa, bà cùng đồng đội phục vụ bà con và các chiến sĩ ở Minh Đạm, Phước Hải trong cảnh mưa bom bão đạn ác liệt.

Bà Đặng Diễm Thúy (bìa trái) vui mừng gặp lại đồng đội sau bao năm xa cách.
Sau năm 1972, bà về Biên Hòa tiếp tục công tác và lần trở lại này bà phấn khởi khi được gặp lại đồng đội năm xưa, được đứng trên sân khấu, cùng Đoàn văn công Bà Rịa - Long Khánh trình diễn.
Trong niềm vui hội ngộ, bà kể, ngày trước mỗi khi đoàn văn công biểu diễn, bà con nơi rừng núi dũng cảm đến xem, ai nấy đều phấn khởi. "Trước khi dự lễ kỷ niệm, tôi cùng đồng đội đã đến nghĩa trang thắp nén nhang cho các anh chị đã ngã xuống. Sau 50 năm hòa bình, mọi thứ đã khác nhưng tình cảm của người lính người đồng đội vẫn còn đó.

Bà Nguyễn Thị Hồng Sen không cầm được nước mắt khi nhớ lại thời khắc ba của bà hi sinh.
Cạnh đó, bà Nguyễn Thị Hồng Sen, quê gốc Quảng Trị cũng đang hướng về sân khấu để dõi theo các đồng dội. Bà chia sẻ năm 7 tuổi bà theo cha vào miền Nam, đến năm 13 tuổi đã vào rừng tham gia kháng chiến.
Bà từng sống trong những ngày bom đạn ác liệt ở Long Đất, Minh Đạm, từng chứng kiến cảnh địch bắn phá quân ta xuyên núi rừng. Nỗi đau lớn nhất là năm 1969, ba của bà hy sinh tại Xuyên Mộc.
"Lúc đó khốc liệt lắm, nghe tin ba hy sinh tôi rất muốn đến gặp nhưng đường sá cách trở dù chỉ từ Bà Rịa đến Xuyên Mộc vẫn không thể đi. Giờ hòa bình đi xe chỉ mất mấy chục phút còn hồi đó đi lại phải có giao liên nhưng bom đạn ác liệt lắm nên chẳng thể đi", nói đến đây bà nghẹn lại, khóe mắt đỏ hoe.
Bà kể đến nay vẫn nhớ như in những người bạn năm xưa, nhiều người, nay mới có dịp gặp lại. Dù tuổi đã 77, có cháu nội, cháu ngoại, bà Sen vẫn tự hào nhắc lại những năm tháng cất lời ca tiếng hát giữa chiến trường khốc liệt, cho dù nay đôi chân đau yếu không thể múa được nữa.


Chú Trần Văn Thẳng (thứ 2 từ phải qua) cùng chú Từ Đức Hòa (ảnh phải) rủ nhau đến tham dự lễ.
Còn ông Trần Văn Thẳng, 73 tuổi, từng chiến đấu trong Tiểu đoàn 445, từng tham gia tiếp quản Ty Chiêu Hồi Bà Rịa trong ngày giải phóng. Ông kể, những năm tháng ấy gian khổ vô cùng sống trong rừng, đói khát, chỉ có măng rừng cầm cự, ra ngoài thì lo bị phục kích. Những lần trinh sát, chú cùng đại đội bám dân, được bà con cho gì ăn nấy.
Những trận chiến ác liệt nhất ở Láng Xiêm (Xuyên Mộc) vẫn còn in đậm trong ký ức chú, với chín mảnh bom găm vào lưng còn để lại vết sẹo đến bây giờ. Vượt qua tất cả, ông vẫn kiên cường, cùng đồng đội lập đội xe tiến về ngày giải phóng.

Chú Trần Văn Thẳng, 73 tuổi mắt đượm buồn khi nhắc đến đồng đội đã ngã xuống.
Cụ ông Từ Đức Hòa, năm nay đã 81 tuổi, từng chiến đấu khắp các chiến trường Minh Long, Buôn Ma Thuột, núi Bà Đen, Bình Giã kể, trận chiến tại Ngã ba Dầu Giây, Bàu Hàm, Long Khánh năm ấy ác liệt, hai bên chiếm đi chiếm lại từng mét đất. Ngày ấy, sống trong cùng thôn với bạn bè, chú cùng anh em rủ nhau lên đường chiến đấu, góp sức cho hòa bình hôm nay.
Dẫu thời gian đã phủ bạc mái đầu, dẫu chiến tranh đã lùi xa, nhưng trong ánh mắt những cựu chiến binh hôm nay, vẫn cháy sáng một niềm tự hào họ đã sống, chiến đấu, cống hiến tuổi thanh xuân cho độc lập tự do của quê hương.


Hàng chục ngàn người dân đội mưa dự lễ kỷ niệm.
Mặc dù thời tiết mưa tầm tã ngày càng lớn nhưng tất cả mọi người vẫn không rời vị trí, đội mưa để cùng chào đón sự kiện lớn của tỉnh nhà.
Cuộc tiến công giải phóng Bà Rịa - Vũng Tàu diễn ra trong 2 giai đoạn: giai đoạn 1 giải phóng thị xã Bà Rịa và toàn tỉnh Phước Tuy, giai đoạn 2 giải phóng Vũng Tàu.
Đúng 17h ngày 26/4/1975, Sư đoàn Sao Vàng nổ súng mở màn, xe tăng xuất kích từ Núi Dinh, phối hợp bộ binh tiến công vào thị xã Bà Rịa. Sáng 27/4, lá cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam tung bay trên nóc dinh Tỉnh trưởng, địch tháo chạy hỗn loạn về Vũng Tàu. Đến 15h cùng ngày, các cơ quan nội ô và Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp được chiếm lĩnh, thị xã Bà Rịa hoàn toàn giải phóng.
Cùng lúc, các chi khu Xuyên Mộc, Long Điền, Đất Đỏ lần lượt tiến công và giải phóng trong ngày 27/4. Bộ đội tỉnh, huyện và lực lượng du kích phối hợp đánh tan quân địch, giải phóng các xã Phước Thạnh, Phước Thọ, Phước Hòa Long, Phước Lợi. Đến 10h ngày 28/4/1975, huyện Long Đất được giải phóng hoàn toàn.