Những câu chuyện của người làm nghề báo
Tháng 6 về, những câu chuyện của người làm nghề báo lại được gợi nhớ, sẻ chia. Đó là những chuyến đi, cuộc gặp gỡ thú vị với nhân vật và cả những cảm xúc vui, buồn, đồng cảm, thấu hiểu, ngưỡng mộ,... đan xen, dệt nên bức tranh sinh động về chuyện nghề báo. Có những câu chuyện cứ khắc sâu, truyền cảm hứng mạnh mẽ đến những người làm báo để họ thêm yêu và tự hào với nghề mình chọn.
Hết mình với nghề
17 năm gắn bó với nghề báo, chị Như Huỳnh - phóng viên Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh huyện Đức Huệ, tỉnh Long An lưu giữ rất nhiều câu chuyện ấn tượng về nghề. Với chị Như Huỳnh, những câu chuyện nghề càng nhiều thì tình yêu nghề trong chị càng lớn, bởi chị được khẳng định bản thân, sống hết mình với đam mê và khám phá nhiều điều thú vị mà chỉ có nghề báo mang lại.
"Chân ướt chân ráo" bước vào nghề thời huyện biên giới Đức Huệ còn nhiều khó khăn nhưng chị Như Huỳnh vẫn kiên trì bám trụ, học hỏi từng ngày để trưởng thành hơn trong nghề và cuộc sống. Nhớ lại chuyện ngày xưa, chị Như Huỳnh kể: “Những ngày đầu đi làm, tôi cảm thấy bỡ ngỡ lắm nhưng được những người đi trước nhiệt tình hỗ trợ, giúp đỡ nên dần quen với công việc và tự tin hơn. Ngày ấy, phương tiện kỹ thuật còn khó khăn, quay phim bằng băng nên mỗi lần quay xong sự kiện, tôi lấy cuốn băng gửi xe đò đến đài tỉnh, rồi đợi xe đò gửi trả cuốn băng về”.
Thời điểm ấy, đường sá ở huyện Đức Huệ còn nhiều khó khăn. Những con đường đất đỏ, bụi mù mịt vào mùa nắng hay sình lầy, trơn trượt vào mùa mưa làm những chuyến đi tác nghiệp của chị Như Huỳnh thêm gian nan, vất vả. “Những lần tới địa điểm tác nghiệp, quần áo, đầu tóc bị bụi phủ đỏ là bình thường. Lúc ấy, tôi không còn quan tâm bề ngoài xấu, đẹp nữa, chỉ phủi bớt bụi rồi bắt tay ngay vào công việc” - chị Như Huỳnh tâm sự.
Những câu chuyện “dở khóc, dở cười” cũng trở thành kỷ niệm đẹp. Chị Như Huỳnh hào hứng kể tiếp, có lần đi tin sự kiện ngoài trời nhưng gặp mưa lớn. Chị và đồng nghiệp trùm áo mưa tác nghiệp nhưng quan trọng nhất là bảo vệ máy quay, máy ảnh không bị ướt. Mỗi lần gặp tình huống như vậy, chị lại lo lắng không biết máy móc có bị ướt không hay hình ảnh sự kiện có bảo đảm không. Rồi về đến nhà thấy tất cả đều ổn, chị mới thở phào nhẹ nhõm.
Hay gần đây nhất là thời điểm dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, lực lượng tuyến đầu, trong đó có những người làm báo cũng xông pha “ra trận”. Chị Như Huỳnh thổ lộ: “Khi đó sợ thì cũng sợ nhưng vì nhiệm vụ tuyên truyền, mình phải dấn thân nhưng vẫn chú trọng việc giữ khoảng cách, bảo đảm an toàn cho bản thân. Có lần đi quay sự kiện, vô tình tiếp xúc với F0 nên phải vào cơ quan cách ly. Vừa lo cho sức khỏe của gia đình, vừa sống xa con nhưng đã chọn nghề thì phải chấp nhận và hy vọng tất cả sẽ ổn. Khi xét nghiệm âm tính, tôi tiếp tục trở lại công việc”.
Không chỉ những khó khăn, vất vả làm nên những câu chuyện ấn tượng mà những niềm vui trong công việc cũng đọng lại khá sâu trong thời gian làm báo của chị Như Huỳnh. Đó là sự nhiệt tình, vui vẻ, chân thành của những người từng gặp. “Các cô, bác nông dân chân chất, hiền lành, mến khách hay các anh bộ đội vui tính, nhiệt tình,... đã truyền cho tôi thêm năng lượng tích cực. Họ là những mảng màu giúp công việc và cuộc sống của tôi thêm tươi đẹp, hạnh phúc” - chị Như Huỳnh tâm sự.
Những câu chuyện nghề cứ tiếp nối nhau giúp chị Như Huỳnh ngày càng bồi đắp tình yêu và sống hết mình với nghề. Bởi, vui, buồn hay khó khăn mà nghề mang lại điều là những trải nghiệm thú vị với chị.
Được học hỏi nhiều điều từ nhân vật
Với nhà báo Huỳnh Thị Thúy Phương (bút danh Quế Lâm), Báo Long An, mỗi chuyến đi là một hành trình thú vị và là một câu chuyện đặc biệt mà chỉ nghề báo mới mang lại được. Dù được gặp gỡ những người rất mực đời thường hoặc người nổi tiếng hay người tài giỏi, nhà báo Quế Lâm đều trân trọng và được truyền năng lượng tích cực từ cách nghĩ, cách làm của họ.
Gần 10 năm gắn bó với nghề, khoảng thời gian không dài nhưng cũng không ngắn để nhà báo Quế Lâm tích lũy cho mình “kho” chuyện nghề thú vị. Khi chọn nghề báo, Quế Lâm chọn cho mình những chuyến đi và được gặp gỡ, làm quen thêm nhiều người lạ. Một nhân vật mà Quế Lâm rất ngưỡng mộ và quý mến là cựu chiến binh già Trần Văn Mão (xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa). “Bị thương tật 71% và trải qua căn bệnh ung thư nhưng ông Mão vẫn lạc quan, yêu đời và luôn nghĩ về những điều tích cực trong cuộc sống. Có lẽ nhờ vậy mà ông chiến thắng bệnh tật để giữ lại nụ cười thật tươi, thật hào sảng cho mình. Sự hiền lành, chất phác và đặc biệt là cách đón nhận khó khăn để rồi vượt qua nó một cách nhẹ tênh của ông làm tôi thán phục. Và tôi nhận thấy rằng, những khó khăn của mình dường như nhỏ bé lại và yêu đời hơn” - Quế Lâm trải lòng.
Một câu chuyện nghề khác mà có lẽ rất khó để Quế Lâm quên là chuyến hành trình gặp gỡ, trò chuyện cùng anh Quách Duy Thịnh - chủ nhân homestay Maison du Pays de Bến Tre. Biết đến anh Thịnh qua lời kể của người quen, vậy là Quế Lâm bị lôi cuốn về lối tư duy, cách làm du lịch của anh Thịnh. Dù nhân vật ở ngoài tỉnh nhưng Quế Lâm không ngại xa xôi mà ngược lại, rất trông chờ về chuyến đi và cuộc gặp gỡ với anh Thịnh. Chuyến hành trình khoảng 60km từ nhà đến nơi ở của nhân vật và đi theo hướng dẫn của Google Maps được thực hiện trong sự hào hứng. Bởi, Quế Lâm được trải nghiệm cung đường mới, biết thêm nhiều địa điểm trước nay chỉ nghe qua mà chưa đặt chân tới. Đến nơi, được gặp nhân vật, lắng nghe những câu chuyện khởi nghiệp, nghị lực vươn lên, sự tử tế trong cách làm nghề,... làm Quế Lâm thêm trân quý nhân vật.
“Anh ấy tự hào về quê hương và muốn quảng bá nó một cách chân quê, xinh đẹp nhất có thể đến khách du lịch. Có những lúc khó khăn, túng thiếu nhưng anh ấy không bỏ cuộc mà tìm giải pháp để tháo gỡ. Cùng là người trẻ nhưng anh ấy làm được rất nhiều điều hay bởi dám nghĩ, dám làm và lấy sự tử tế, uy tín làm đầu trong kinh doanh. Có lẽ đó cũng là bí quyết giúp anh ấy thành công và được mọi người quý mến. Và anh ấy cũng truyền đến tôi nhiều năng lượng tích cực để tôi nỗ lực, cố gắng hơn với nghề mình chọn, đặc biệt là có cái nhìn mới, bao dung hơn với mọi việc” - Quế Lâm chia sẻ.
Nghề cho những người làm báo những câu chuyện và kỷ niệm quý giá của riêng mình. Dù các nhân vật là ai, họ cũng có những điều đáng để học hỏi để người làm báo hoàn thiện hơn, yêu nghề hơn và có những tác phẩm hay, cảm xúc giúp truyền tải những điều tích cực đến độc giả./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nhung-cau-chuyen-cua-nguoi-lam-nghe-bao-a137351.html