Những câu chuyện đẹp giữa đời thường
Tuy điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, công việc bận rộn nhưng bác sĩ Trịnh Đức Thiện, Trạm trưởng Trạm Y tế xã A Vao, huyện Đakrông; cô giáo Nguyễn Thị Hải Vân, ở xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ; cô gái nghèo bán vé số Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, ở Phường 3, thành phố Đông Hà đã viết lên những câu chuyện đẹp giữa đời thường. Họ đã làm những công việc xuất phát từ tâm như nhận nuôi ăn, ở cho hàng chục học sinh miền núi xa nhà, nhặt rác làm đẹp đường làng ngõ xóm, nhiệt tình tham gia công tác thiện nguyện để giúp đỡ người nghèo, người yếu thế...
“A Vộ, A Dạ” của những học sinh vùng cao
Đến thôn A Vao, xã A Vao, huyện Đakrông khi trời đã xế trưa, loay hoay hỏi nhà của bác sĩ Trịnh Đức Thiện (52 tuổi), Trạm trưởng Trạm Y tế A Vao thì gặp ngay những em học sinh đang được vợ chồng bác sĩ Thiện nuôi ăn, ở trong nhà đã nhiều năm nay. Căn nhà nhỏ cấp 4 của vợ chồng bác sĩ Thiện nằm giữa những căn nhà sàn ở đầu thôn A Vao. Nhà không mấy rộng rãi nhưng trung bình mỗi năm, vợ chồng bác sĩ Thiện nhận nuôi ăn, ở khoảng 10 học sinh. Các thế hệ học sinh ở trong ngôi nhà này đều gọi bác sĩ Thiện là A Vộ (tiếng Pa Kô nghĩa là ông) và chị Hoàng Thị Thương (38 tuổi), vợ bác sĩ Thiện là A Dạ (tiếng Pa Kô nghĩa là bà).
Năm 1998, anh Thiện (quê ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế) được phân công về công tác tại Trạm Y tế xã A Vao, huyện Đakrông. Suốt 22 năm công tác nơi đây, bác sĩ Thiện đã ghi dấu ấn với người dân bằng sự tận tâm, nhiệt huyết. Ông không chỉ góp phần đẩy lùi hủ tục chữa bệnh bằng cách cúng bái mê tín mà còn cưu mang, giúp đỡ người dân và học sinh nghèo.
Xuất phát từ thực tế hằng ngày thấy học sinh các bản xa đi mất vài tiếng đồng hồ mới đến được trường học, rồi cũng ngần ấy thời gian trèo đèo lội suối đi bộ về nhà nên bác sĩ Thiện đã bàn bạc với vợ mình nhận các em học sinh ở các bản xa về nuôi ăn, ở trong nhà cho các em đỡ vất vả. “Vợ chồng tôi kinh tế chẳng có gì khấm khá, nhà cũng không mấy rộng rãi gì, lại nuôi 2 đứa con ăn học nhưng chúng tôi quyết nhận các cháu học sinh xa nhà về đây ăn, ở để các cháu theo đuổi con chữ. Vợ chồng tôi đều sinh ra, lớn lên trong nghèo khó nên hiểu được nỗi vất vả của các em học sinh xa nhà. Từ năm 2015 đến nay, vợ chồng tôi đã nhận nuôi ăn, ở miễn phí cho 40 học sinh ở các bản xa của xã A Vao như: Kỳ Nơi, A Sau, Ba Lin. Biết là thêm người thêm khó nhưng 5 năm qua vợ chồng tôi chưa một ngày nào để các cháu thiếu ăn, thiếu ngủ, thiếu sách vở, áo quần”, bác sĩ Trịnh Đức Thiện chia sẻ.
Năm nay, vợ chồng bác sĩ Thiện nhận nuôi 8 em học sinh ở các bản xa trường từ 20 - 25 km. Nhà có 3 gian, bác sĩ Thiện dành gian phòng khách rộng nhất để chia khu vực cho các em học sinh nam, nữ ở riêng biệt và bố trí góc học tập rất khoa học. Rồi sắm phản, giường, chăn, nệm để các em ngủ, nghỉ ngơi. Gian giữa hẹp nhất, là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi của vợ chồng bác sĩ Thiện và các con. Gian bếp khá rộng là nơi sinh hoạt chung của cả gia đình và các em học sinh. Được bác sĩ Thiện và vợ giúp đỡ, chỉ dạy tận tình như con, cháu trong nhà nên em nào cũng ngoan, thân thiện. Để các em phát huy tính tự lập, rèn luyện trong học tập, đạo đức lối sống, bác sĩ Thiện cùng vợ thường xuyên chia sẻ tâm tư, tình cảm, nắm bắt ưu nhược điểm của từng em để giúp các em tiến bộ. Ngoài ra, vợ chồng bác sĩ còn dạy các em làm bếp, dọn vệ sinh và các kỹ năng sống, nhận thức về cái xấu để tránh vấp ngã. Vì thế, các em sống ở đây đều tuân thủ tốt những quy tắc ứng xử, sinh hoạt như không đi chơi đêm khuya, không tham gia cùng nhóm bạn lêu lỏng, tránh xa các tệ nạn xã hội, không hút thuốc, uống bia, rượu... “Cha mẹ các cháu rất kỳ vọng, tin tưởng khi đưa các cháu về đây gửi gắm vợ chồng tôi nên chúng tôi phải chăm sóc, dạy bảo các cháu điều hay lẽ phải, mong sao các cháu sau này trở thành người có ích cho gia đình, xã hội”, anh Trịnh Đức Thiện tâm sự.
Tình nguyện nhặt rác làm đẹp thôn xóm
Xuất phát từ việc đi thể dục buổi sáng để rèn luyện sức khỏe, cô giáo Nguyễn Thị Hải Vân (37 tuổi), ở thôn Cu Hoan, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, hiện là giáo viên dạy môn Hóa học, Trường Tiểu học và THCS Lê Thế Hiếu (xã Cam Chính, huyện Cam Lộ) đã tranh thủ nhặt rác thải trên những tuyến đường mình đi qua để vệ sinh môi trường, làm đẹp thôn, xóm.
Suốt 3 năm qua, hầu như ngày nào cô giáo Hải Vân cũng thức dậy vào lúc 4 giờ 30 phút, chuẩn bị dụng cụ như bao tay, kẹp nhặt rác, bao gai đựng rác, đeo khẩu trang, đầu đội đèn pin rồi vừa đi bộ, vừa nhặt rác trên các con đường của xã Cam Nghĩa. Hôm nào thứ 7, chủ nhật hay ngày nghỉ thì việc nhặt rác kéo dài từ tờ mờ sáng đến vài giờ sau. Mỗi lần đi bộ nhặt rác, cô giáo Hải Vân nhặt từ 1 - 2 bao gai lớn rác thải như chai nhựa, bao bì đựng đồ ăn vặt, giấy, túi ni lông...
Những ngày đầu vừa đi bộ, vừa nhặt rác, nhiều người tò mò trước việc làm của cô. Nghĩ rằng việc làm của mình có ích cho xã hội nên cô giáo Hải Vân vẫn duy trì đều đặn. Ngay từ đầu, việc làm đó của cô giáo nhận được sự ủng hộ, chung tay của chồng mình. Và người dân nơi đây đã dần quen với hình ảnh hai vợ chồng giáo viên dậy từ tờ mờ sáng đi thể dục và nhặt rác. Chồng soi đèn pin, vợ nhặt rác và cứ thế họ đi quanh các trục đường trong thôn rồi quay về bỏ vào điểm tập kết rác thải. Chỉ trong một thời gian ngắn, người dân trong thôn, xã, thậm chí là người dân vùng Cùa (gồm xã Cam Chính và Cam Nghĩa) biết đến việc làm ý nghĩa của cô giáo Hải Vân và dành cho cô lời khen ngợi. Nhiều người dân và chị em phụ nữ trong thôn, xã thấy việc vừa đi bộ, vừa nhặt rác để làm đẹp thôn, xóm của chị Hải Vân rất ý nghĩa nên đã tham gia cùng. “Tôi rất vui khi việc làm ý nghĩa của mình đã tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư, trường học. Thời gian tới tôi và một số chị em phụ nữ sẽ kêu gọi, vận động thêm nhiều người tham gia nhằm chung tay xây dựng quê hương ngày càng xanh, sạch, đẹp”, cô giáo Hải Vân chia sẻ.
Cô gái bán vé số đam mê thiện nguyện
Dẫu lấy việc bán vé xổ số dạo làm kế sinh nhai và đang nhận trợ cấp xã hội nhưng 3 năm qua, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (34 tuổi), ở Khu phố 1, Phường 3, TP. Đông Hà vẫn hăng hái tham gia vào các diễn đàn thiện nguyện.
“Năm 2017, thông qua mạng xã hội, em biết đến các nhóm, diễn đàn thiện nguyện và thấy các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng rất ý nghĩa nên xin tham gia vào Diễn đàn Tuổi trẻ Quảng Trị rồi gắn kết đến bây giờ. Em muốn được góp một phần sức lực nhỏ bé cùng các thành viên trong diễn đàn làm những việc có ý nghĩa cho xã hội”, Mỹ Hạnh bộc bạch.
Khi sinh ra, Mỹ Hạnh chưa tròn 1 kg. Đến 34 năm sau, cô gái này chỉ cao vỏn vẹn 1,35 m, nặng 43 kg. Từ nhỏ, Mỹ Hạnh phát triển thể chất chậm hơn bạn bè cùng trang lứa nhưng luôn chăm chỉ, chịu khó học tập, phụ giúp gia đình mưu sinh. Lúc tuổi 13, 14 tuổi, Hạnh đã ra chợ Phường 3 và các điểm chợ lẻ phụ mẹ bán rau do nhà trồng để mưu sinh. Lớn lên, Hạnh không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình nên xin tách hộ ra ở riêng trong khuôn viên nhà. Nhà của Hạnh bây giờ được cải tạo lại từ nhà máy xay xát gạo của bố mẹ. Hằng ngày, Mỹ Hạnh đi bán vé số bằng chiếc xe đạp cũ. Cô gái bé nhỏ ấy cứ rong ruổi khắp các con phố trên địa bàn thành phố Đông Hà. Chỉ trừ khi đau ốm hay có việc quan trọng Mỹ Hạnh mới nghỉ bán vé số. Nghề này đem lại cho em thu nhập từ 100 - 120 nghìn đồng/ngày. Số tiền ấy, Hạnh dùng để trang trải cuộc sống và tích cóp để sửa lại căn nhà nhỏ.
Sức khỏe yếu, lại phải tất bật mưu sinh lo cho bản thân nhưng hầu như tháng nào Mỹ Hạnh cũng tham gia đầy đủ các hoạt động thiện nguyện của Diễn đàn Tuổi trẻ Quảng Trị. Việc Mỹ Hạnh làm chỉ là phụ giúp các thành viên trong diễn đàn nhặt, rửa rau, gọt củ quả, vo gạo, quét bếp... nhưng lúc nào cô cũng làm tròn nhiệm vụ của mình, chia sẻ công việc cho các thành viên. Mỗi khi Diễn đàn Tuổi trẻ Quảng Trị tổ chức nấu cháo theo kế hoạch của chương trình “Nồi cháo Nhân tâm”, Mỹ Hạnh luôn thức dậy từ 3 giờ sáng, đạp xe về điểm nấu để phụ giúp các thành viên. Sau đó, Hạnh theo đoàn đi phát cháo cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh. Tầm 6 giờ sáng, công việc phát cháo miễn phí cho bệnh nhân đã xong, Mỹ Hạnh đạp xe về đại lý vé xổ số kiến thiết quen thuộc để lấy vé đi bán. Đặc biệt, cô gái bé nhỏ này đã từng đặt chân đến các bản làng xa xôi ở huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa để tham gia các hoạt động thiện nguyện vì trẻ em vùng cao. Những lúc như thế, Hạnh thấy lòng mình ấm áp vô cùng, thấy yêu đời, yêu người nhiều hơn.
Với em, đem lại niềm vui cho người khác cũng chính là đem lại niềm vui cho chính mình.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=154439