Những câu chuyện rớt nước mắt về các y bác sĩ giữa tâm dịch Vũ Hán

Khi dịch viêm phổi Vũ Hán do virus corona tiếp tục lan rộng, các bác sĩ và nhân viên y tế đã làm việc không mệt mỏi. Nhiều người hy sinh giấc ngủ, thời gian với gia đình, có người thậm chí đã hy sinh cả mạng sống.

Ngày 6/2, Bệnh viện trung ương Vũ Hán đã xác nhận bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong những bác sĩ đầu tiên cảnh báo về dịch corona ở Vũ Hán đã qua đời ở tuổi 34 vì nhiễm virus corona. Rất nhiều người đã gọi bác sĩ Lý là "bác sĩ anh hùng", bày tỏ lòng biết ơn và cổ vũ anh vượt qua căn bệnh. Nhưng cuối cùng vị bác sĩ ở Vũ Hán đã không thể chiến thắng được nCoV.

Thời điểm biết mình bị nhiễm bệnh, bác sĩ Lý tới một khách sạn bên ngoài để tự cách ly để không ảnh hưởng tói sức khỏe của bố mẹ và người vợ đang mang thai của mình. Tới ngày 12/1, Lý nhập viện điều trị và được chuyển tới phòng cách ly hô hấp rồi chuyển biến xấu. Trong thời gian nằm viện, mặc dù hết sức mệt mỏi nhưng Lý vẫn cố gắng trò chuyện qua điện thoại với vợ mỗi ngày. Tuy nhiên, anh đã không qua khỏi, để lại bố mẹ và người vợ đang mang thai cũng nhiễm bệnh.

Tổ chức Y tế Thế giới đã chia sẻ trên Twitter trước sự ra đi của bác sĩ Lý : "Chúng tôi rất đau buồn vì sự qua đời của bác sĩ Lý Văn Lượng. Chúng ta cần phải trân trọng những cống hiến của bác sĩ trong đợt dịch bệnh corona".

Ngày 5/2 vừa qua, truyền thông Trung Quốc cho biết bác sĩ Tống Anh Kiệt, sinh năm 1992, đã đột ngột qua đời sau 10 ngày làm việc tại tuyến đầu đối phó virus corona chủng mới. Chiến đấu ở tuyến đầu trong suốt 10 ngày 9 đêm, lúc nửa đêm 3/2, Tống Anh Kiệt quay lại ký túc xá nghỉ ngơi thì đột ngột qua đời khi tuổi đời mới 28.

Trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, nhiều người bất ngờ và thương tiếc khi đọc được thông tin một bác sĩ trẻ tuổi như Tống Anh Kiệt đã ra đi trong cuộc chiến với dịch bệnh. "Anh ấy còn trẻ như vậy mà", "Anh ấy mới 28 tuổi", "Anh ấy là anh hùng", "Thật đau lòng", "Anh là bác sĩ tốt"...

Mới đây, bác sĩ Chen Jun, phó giám đốc của phòng thí nghiệm tại Bệnh viện phổi Vũ Hán, chia sẻ về tình trạng viêm nhiễm đáng lo ngại của đôi bàn tay mình khi mỗi ngày ông dành hơn 12 tiếng làm việc trong phòng thí nghiệm ở Vũ Hán giữa dịch bệnh do virus corona.

Vì phải thường xuyên đeo các thiết bị bảo hộ mọi lúc khi tiếp xúc gần với virus, đôi bàn tay của bác sĩ Chen đã dần dần chuyển sang màu đỏ và sưng tấy nghiêm trọng do phát ban sau thời gian dài không tiếp xúc với không khí.

Mới đây, một đoạn video ghi lại cảnh bé gái 9 tuổi rơi nước mắt khi không thể ôm lấy người mẹ làm y tá đã thu hút sự chú ý từ cư dân mạng. Mẹ của cô bé là Liu Haiyan, làm y tá tuyến đầu ở Phù Câu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Khi dịch bệnh corona bùng nổ, cô Liu đã phải làm việc liên tục, không thể trở về nhà từ ngày mùng 1 Tết.

Chồng của Haiyan cho biết từ khi vợ chuyển hẳn vào bệnh viện để ngăn ngừa dịch, con gái 9 tuổi ở nhà luôn mong nhớ mẹ trở về. Vào ngày 31/1, hai bố con đã đã nấu một món ăn Haiyan thích và cùng mang đến bệnh viện. Cô con gái rất muốn được ôm mẹ, Haiyan cũng rất nhớ thương con nhưng vì lo sợ có thể lây nhiễm virus corona sang con, Haiyan đã không dám đến gần. Hình ảnh hai mẹ con gửi một cái ôm không khí từ xa tới nhau khiến những người xung quanh rơm rớm nước mắt.

Bác sĩ Xu Guoliang bật khóc khi tiễn vợ làm y tá lên đường đi Vũ Hán. Với cương vị bác sĩ, anh Xu Guoliang biết vợ là một y tá có kinh nghiệm, nên hỗ trợ mọi người chống dịch bệnh. Nhưng là một người chồng, anh rất lo lắng cho sức khỏe và sự an nguy của cô.

Hình ảnh đôi tay nứt nẻ đến rướm máu và bức thư gửi bố mẹ ở quê nhà của nữ y tá Hồ Bội (22 tuổi, làm việc tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng tỉnh Hồ Nam) khiến dân mạng cảm động. Trong lá thư, Hồ Bội cho biết cô đã ở trong khu vực cách ly của bệnh viện 4 ngày. Trong khoảng thời gian đó, những việc cô cần làm cứ lặp đi lặp lại: đeo dụng cụ bảo hộ, phun thuốc khử trùng và chăm sóc người bệnh.

Việc thường xuyên sử dụng kính bảo hộ, gang tay trong thời gian dài, khiến khuôn mặt của nhiều bác sĩ tại tâm dịch Vũ Hán bị rướm máu, sưng đỏ, thậm chí biến dạng. Gương mặt in vết hằn của đồ bảo hộ của một y tá làm việc tại Bệnh viện Trung Nam, Đại học Vũ Hán.

Ảnh đôi tay sưng phồng của nhân viên y tế sau một ngày dài làm việc ở Vũ Hán.

Hình ảnh Luo Aihong, y tá trưởng của Bệnh viện Xiangya thuộc Đại học Trung Nam, người vừa rời khỏi phòng cách ly, sau lớp kính và khẩu trang bảo hộ, khuôn mặt cô cũng chứa đầy những vết “sẹo”.

Bệnh nhân đông gây quá tải, bệnh viện không đủ sức chứa khiến cho đội ngũ bác sĩ, y tá ở tâm dịch Vũ Hán (Trung Quốc) bị quá tải, làm việc hết công suất đến mệt lả. Không còn giường để nằm, chẳng còn chỗ nào có thể ngả lưng, những thiên thần áo trắng đã phải bất chấp cả sàn nhà bẩn, ghế tựa chèn ép cột sống lưng để vùi mình vào vài phút chợp mắt ngắn ngủi.

Nữ y tá 30 tuổi Chan Xia, y tá tại Bệnh viện Renmin, Đại học Vũ Hán, đã quyết định cạo đi mái tóc dài của mình tránh lây nhiễm chéo, đồng thời tiết kiệm thời gian khi mặc và cởi bỏ bộ đồ bảo vệ khi điều trị cho các bệnh nhân. Shan Xia là một y tá đang làm việc tại tâm dịch Corona Vũ Hán. Ảnh: Internet.

Video "Thực hư thông tin du khách Trung Quốc bị nhiễm virus corona". Nguồn: VTC Now.

Thảo Nguyên (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/khoe-dep/nhung-cau-chuyen-rot-nuoc-mat-ve-cac-y-bac-si-giua-tam-dich-vu-han-1339184.html