Những câu chuyện từ cửa khẩu Cha Lo
Tại Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, tổ công tác thuộc Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phối hợp tiếp nhận và bàn giao công dân cho các địa phương thuộc hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.
Từ ngày 18-3, thực hiện quyết định của Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình, tổ công tác gồm 18 thành viên trong đó có Đại úy Trần Trung Hiếu, Trợ lý Ban Doanh trại, Phòng Hậu cần, được điều động tăng cường lên Cửa khẩu quốc tế Cha Lo thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận và bàn giao công dân Việt Nam trở về nước cho các địa phương thuộc hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Vừa đặt chân đến cửa khẩu, anh thực sự bất ngờ bởi dòng người đông đúc, đứng, ngồi khắp nơi.
Kể từ đó, công việc cứ diễn ra liên tục, gần như không có thời gian ngơi nghỉ. Đại úy Trần Trung Hiếu kể: "Từ 15 giờ, chúng tôi bắt đầu tiếp nhận công dân, sau đó lên danh sách phân loại theo tỉnh, huyện, xã. Anh em gọi tên từng người, chỉ dẫn lên xe đậu sẵn. Thời gian xếp người, làm công tác chuẩn bị trung bình hết khoảng 5 giờ. Ngoài lý do công dân nhập cảnh quá nhiều, một số bà con vì quá lo lắng nên cứ thấy xe nào trống chỗ là lên, anh em lại phải lui tới gọi tên, đi tìm. Rồi việc kiểm tra giấy tờ, nhất là hộ chiếu từng người cũng mất khá nhiều thời gian...".
Mỗi chuyến bàn giao công dân bắt đầu từ khoảng 21 giờ ngày hôm trước và kết thúc vào khoảng 11 giờ ngày hôm sau. Lực lượng, phương tiện bàn giao được chia thành hai đoàn, mỗi đoàn có khoảng 15 xe các loại, gồm: Xe cảnh sát giao thông dẫn đường, hai xe quân sự chở cán bộ nhận và bàn giao, số còn lại là xe khách chở công dân. Cứ đến địa phương hay điểm cách ly nào thì dừng lại làm thủ tục, kiểm đếm, bàn giao người, giấy tờ, hộ chiếu. Đại úy Nguyễn Bá Tình, Trợ lý thanh niên Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình cho biết, việc bàn giao công dân ở Nghệ An thường kết thúc sớm hơn bởi chỉ diễn ra tại các điểm cách ly tập trung. Còn với Hà Tĩnh, do địa phương thành lập các điểm cách ly theo từng huyện, xã nên quá trình di chuyển hầu như không bỏ sót bất cứ một điểm nào. "Mỗi ngày di chuyển hàng trăm ki-lô-mét nên ai cũng mệt và thiếu ngủ. Nhưng vất vả nhất là anh em lái xe, họ luôn phải căng mình lên để điều khiển phương tiện, trong khi mọi người ngồi trên xe còn có thể tranh thủ chợp mắt", Đại úy Nguyễn Bá Tình cho biết.
Đến thời điểm này, tổ công tác đã bàn giao hơn 4.600 công dân cho các địa phương thuộc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh bảo đảm an toàn, không để xảy ra việc thất lạc giấy tờ. Để hoàn thành nhiệm vụ, với từng thành viên, đến bữa ăn cũng thất thường, tắm giặt cũng qua loa, thời gian gọi điện về thăm hỏi người thân cũng chỉ tranh thủ được vài phút. Đó là chưa kể đến những trường hợp có người thân nằm viện, ốm đau như Thượng tá QNCN Đặng Cương (Trợ lý Phòng Kỹ thuật) có bố ốm nặng nhưng cũng không thể về chăm sóc, phụ giúp gia đình...
Trung úy QNCN Bùi Mạnh Long là một trong 4 lái xe tham gia làm nhiệm vụ trong đợt này. Anh cho biết, trung bình mỗi ngày, một người phải điều khiển phương tiện di chuyển hơn 600km, có ngày lên đến hơn 800km. "Tổng cộng 4 xe đã di chuyển hơn 40.000km, một kỷ lục được 4 anh em thiết lập mà tôi nghĩ còn lâu mới bị phá".
Do tính chất công việc, nhất là áp lực về mặt thời gian nên hầu hết thành viên trong tổ công tác không có dịp để trò chuyện, tâm tình, hỏi han mọi người. Tuy vậy, anh em vẫn luôn cảm nhận được tình cảm ấm áp mà bà con dành tặng, dù khoảnh khắc gặp gỡ và chia tay chỉ trong vội vàng, chốc lát. Đại úy Nguyễn Bá Tình tâm sự: "Khoảng 5 giờ ngày 26-3, sau khi hoàn tất thủ tục bàn giao các công dân tại huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), lúc xe sắp lăn bánh, nhìn qua kính chiếu hậu, tôi thấy một cụ già chậm rãi đi tới, vẫy tay gọi với: "Con chờ bà vài phút, cháu nội bà đang trên đường đến đây. Bà gửi con ít đồ ăn dùng tạm đỡ đói, vất vả cả đêm rồi, anh em đã được ăn uống mô". Tôi đã lặng người vì xúc động. Chỉ có tình người, tình quân dân ấm áp trong khó khăn càng khiến tất cả trở nên gần gũi, thân quen".