Những câu hỏi còn bỏ ngỏ xung quanh vụ rơi máy bay Jeju Air tại Hàn Quốc

Ngày 29/12, các chuyên gia hàng không cho biết có nhiều nghi vấn xoay quanh vụ rơi máy bay của hãng hàng không Jeju Air khiến 197 trên tổng số 181 người trên máy bay thiệt mạng.

Những câu hỏi bỏ ngỏ

Hiện giới chức Hàn Quốc đang điều tra vụ tai nạn máy bay trong đó tập trung vào 2 khả năng như máy bay va chạm với chim hoặc điều kiện thời tiết xấu. Hiện nay có nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh vụ tai nạn này.

Theo hãng tin Reuters, việc máy bay Boeing 737-800 không bung bánh đáp khi hạ cánh cùng các thông tin về khả năng va chạm với chim đều làm dấy lên nhiều nghi vấn.

Trong đoạn video phát trên truyền thông địa phương, khi xảy ra vụ tại nạn, máy bay này đã trượt dài trên đường băng mà không hạ bánh đáp sau đó đâm vào tường, bùng cháy dữ dội.

Hình ảnh chiếc máy bay của hãng hàng không Jeju Air hạ cánh bằng bụng xuống sân bay Muan của Hàn Quốc (Ảnh: Reuters).

Hình ảnh chiếc máy bay của hãng hàng không Jeju Air hạ cánh bằng bụng xuống sân bay Muan của Hàn Quốc (Ảnh: Reuters).

"Tại sao máy bay lại lao nhanh đến vậy? Tại sao cánh lật không mở? Tại sao bánh đáp không hạ xuống?", ông Gregory Alegi, chuyên gia hàng không và cựu giảng viên tại Học viện Không quân Italy, nêu câu hỏi.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Joo Jong-wan cho biết đường băng dài 2.800m nơi máy bay hạ cánh không được coi là yếu tố gây ra vụ tai nạn. Bên cạnh đó, những bức tường xây ở hai đầu đường băng đều tuân thủ tiêu chuẩn.

Song, ông Christian Beckert, chuyên gia an toàn bay và phi công của Lufthansa cho rằng, đoạn video ghi lại cảnh máy bay gặp nạn cho thấy hầu hết hệ thống phanh máy bay không được kích hoạt khiến máy bay gặp vấn đề trong quá trình hạ cánh.

Theo ông, nếu hệ thống bánh đáp ở trạng thái thu vào mà va chạm với chim thì khó có thể gây hư hỏng bánh đáp. Trong trường hợp va chạm với chim xảy ra khi bánh lái đã hạ xuống thì rất khó để thu lại.

"Việc máy bay hạ cánh mà không hạ bánh đáp là vô cùng hiếm hoi và bất thường vì máy bay được trang bị hệ thống độc lập, qua đó có thể hạ bánh đáp bằng một hệ thống thay thế," ông Beckert nói thêm.

Theo quy định hàng không toàn cầu, Hàn Quốc sẽ là quốc gia đứng đầu cuộc điều tra dân sự liên quan đến vụ rơi máy bay của hãng hàng không Jeju Air. Ngoài ra, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ cũng sẽ tham gia vào cuộc điều tra vì máy bay gặp nạn được sản xuất tại Mỹ.

Các chuyên gia cho biết tai nạn hàng không thường do nhiều yếu tố và có thể mất vài tháng để xâu chuỗi sự kiện.

Va chạm với chim khó có thể là nguyên nhân chính?

Theo giới chức Hàn Quốc, trước khi xảy ra tai nạn khoảng vài phút, đài kiểm soát không lưu đã phát cảnh báo máy bay va chạm với chim. Phi công trên máy bay cũng phát tín hiệu khẩn cấp (May Day) trước khi cố tìm cách hạ cánh.

"Máy bay va chạm với chim hay gặp vấn đề về hệ thống hạ cánh không phải là hiếm xảy ra. Dù va chạm với chim xảy ra nhiều hơn nhưng thường không gây ra sự cố nghiêm trọng khiến máy bay bị rơi", ông Geoffrey Thomas, biên tập viên của tờ Airline News, đánh giá.

Hiện trường nơi máy bay gặp nạn (Ảnh: Reuters)

Hiện trường nơi máy bay gặp nạn (Ảnh: Reuters)

Theo ông Geoffrey Dell, chuyên gia an toàn hàng không Australia, nếu có một đàn chim hút vào động cơ thì có thể ảnh hưởng đến động cơ trên máy bay xấu số. Song, điều đó không làm động cơ máy bay ngừng hoạt động ngay lập tức và các phi công hoàn toàn có đủ thời gian để phản ứng.

Chuyên gia hàng không Italy Gregory Alegi cho rằng, khó có thể lấy nguyên nhân máy bay va phải chim để giải thích quy mô quá nghiêm trọng của vụ việc.

"Tất nhiên, khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra nhưng với hậu quả quá lớn như thế này thì khó có thể coi đó là nguyên nhân trực tiếp", ông Alegi nhận định.

Trong một diễn biến có liên quan, giới chức Bộ Giao thông Vận tải Hàn Quốc thông tin, các phi công đã cố gắng hạ cánh xuống đường băng theo hướng ngược lại.

Điểm bất thường này đã khiến các nhà điều tra phải đặt thêm nhiều câu hỏi liên quan đến nguyên nhân vụ tai nạn, ông Marco Chan, giảng viên cao cấp về hoạt động hàng không tại Đại học New Buckinghamshire cho biết.

"Động thái thay đổi hướng được thực hiện khá muộn, làm tăng khối lượng công việc của các nhà điều tra. Ở giai đoạn này, vẫn còn rất nhiều câu hỏi cần giải đáp", ông Chan nói thêm.

Giới chức Hàn Quốc thông tin, cả hai phi công trên chiếc máy bay của hãng hàng không Jeju Air đều là người giàu kinh nghiệm.

Cụ thể, cơ trưởng của chiếc máy bay Boeing 737-800 đã đảm nhận vị trí này từ năm 2019 và có 6.823 giờ bay. Cơ phó đã làm việc ở vị trí này từ năm 2023 và có khoảng 1.650 giờ bay.

Chiếc Boeing 737-800 là một trong những dòng máy bay thân hẹp được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới với hồ sơ an toàn được đánh giá khá tốt. Dòng máy bay này được phát triển từ trước khi biến thể dòng MAX gặp rất nhiều bê bối về an toàn bay của Boeing, ra đời.

Khánh An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nhung-cau-hoi-con-bo-ngo-xung-quanh-vu-roi-may-bay-jeju-air-tai-han-quoc-192241230072600962.htm