Những câu hỏi thường gặp về tiêu chảy nhiễm trùng

Tiêu chảy nhiễm trùng do nhiều nguyên nhân gây ra như nhiễm virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng, ngộ độc thực phẩm... Vì thế người bị tiêu chảy nhiễm trùng luôn băn khoăn, lo lắng tự hỏi như khi nào đi khám bác sĩ, bệnh này có thể tự điều trị tại nhà không, chữa bệnh có tốn kém không?...

Nội dung

1. Tiêu chảy nhiễm trùng có nguy hiểm không?

2 . Đông y có chữa được tiêu chảy nhiễm trùng không?

3. Khi nào nên đi khám khi bị tiêu chảy?

4. Có thể tự điều trị tiêu chảy nhiễm trùng tại nhà không?

5. Người bị tiêu chảy nhiễm trùng không nên ăn gì?

6. Chi phí điều trị tiêu chảy nhiễm trùng?

1. Tiêu chảy nhiễm trùng có nguy hiểm không?

Đa số trường hợp tiêu chảy nhiễm trùng đều không nguy hiểm, thường giảm dần và khỏi trong vài ngày khi áp dụng những biện pháp điều trị tại nhà.

Tuy nhiên, tiêu chảy có thể dẫn đến mất nước nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ em và người cao tuổi. Nếu bạn bị tiêu chảy kèm theo các triệu chứng sau, hãy đi khám ngay:

Tiêu chảy có thể dẫn đến mất nước, đau bụng nghiêm trọng.

Tiêu chảy có thể dẫn đến mất nước, đau bụng nghiêm trọng.

Đi ngoài phân lỏng nhiều hơn 10 lần trong ngày.
Có máu trong phân.
Sốt cao (trên 38°C).
Đau bụng dữ dội.
Nôn mửa nhiều.
Mệt mỏi đến mức không thể đi lại hoặc làm việc.
Có dấu hiệu mất nước như khát nước nhiều, miệng khô, tiểu ít, nước tiểu sẫm màu...

2 . Đông y có chữa được tiêu chảy nhiễm trùng không?

Trong nền y học phương Đông, có những bài thuốc có thể điều trị tiêu chảy nhiễm trùng đơn thuần hiệu quả. Khi người bệnh bị tiêu chảy nặng – hơn 8 lần trong một ngày, làm mất nước, mất điện giải… có biến chứng nhiễm độc thần kinh, bệnh nhân cần đến bệnh viện gấp để được điều trị theo y học hiện đại càng sớm càng tốt.

Điều trị tiêu chảy nhiễm trùng trong Đông y.

Điều trị tiêu chảy nhiễm trùng trong Đông y.

Trong Đông y, bệnh nhân bị tiêu chảy nhiễm trùng do nhiễm vi trùng, nhiễm vi khuẩn có các biểu hiện như đau bụng, đại tiện lỏng, hậu môn cảm thấy nóng, phân có mùi và màu vàng thâm, sốt, nước tiểu vàng đỏ, mệt mỏi vật vã, khát nước, đôi khi nôn mửa...

2.1. Trị tiêu chảy bằng sắn dây, cam thảo và lá mã đề

Cần chuẩn bị những nguyên liệu như sau: 50g sắn dây, cam thảo dây và mã đề mỗi loại 20g.

Cách thực hiện như sau:

Rửa lại những nguyên liệu trên cho sạch sẽ. Sắc tất cả với khoảng 400ml nước cho tới khi lượng nước còn lại 1 nửa thì có thể dùng. Đối với người lớn chia ra sử dụng 2 lần mỗi ngày. Đối với trẻ em chia ra sử dụng 3 – 4 lần mỗi ngày.

2.2. Trị tiêu chảy bằng sắn dây, cam thảo, kim ngân hoa và rau má

Cần chuẩn bị những nguyên liệu như sau: Sắn dây, kim ngân hoa, rau má, hậu phác mỗi loại 12 g; mã đề, cam thảo dây, hoàng liên mỗi loại 10 g.

Cách thực hiện rất đơn giản như sau:

Cần rửa lại những nguyên liệu trên cho sạch sẽ bụi bẩn. Sắc tất cả với khoảng 500ml nước cho tới khi lượng nước còn lại phân nửa thì có thể dùng được. Người lớn uống chia ra uống 2 – 3 lần mỗi ngày sẽ giảm tiêu chảy hiệu quả.

2.3. Trị tiêu chảy cho trẻ với chuối tiêu xanh

Đối với Đông y, chữa tiêu chảy cho trẻ nhỏ bằng chuối tiêu xanh rất hiệu quả như sau: Gọt mỏng lớp vỏ xanh bên ngoài của quả chuối tiêu, xay nhuyễn rồi nấu cùng với cháo cho trẻ ăn, chứng tiêu chảy của trẻ sẽ giảm hẳn.

2.4. Trị tiêu chảy bằng búp non của quả ổi

Thu một vài búp ổi non, rửa sạch bụi bẩn và sắc lấy nước uống. Chứng tiêu chảy sẽ cầm hiệu quả.

2.5. Trị tiêu chảy bằng củ gừng tươi và trà khô

Gừng nổi tiếng với khả năng chống viêm hiệu quả, làm ấm cơ thể, cách chế biến phương thuốc này đơn giản như sau:

Chuẩn bị 100g củ gừng tươi gọt vỏ và rửa sạch, 1 ít trà khô và 15ml giấm gạo nguyên chất. Cho củ gừng tươi và trà khô đun với khoảng 800ml nước cho tới khi còn khoảng 600ml. Thêm khoảng 15ml giấm gạo vào sau đó tắt bếp. Người lớn chia ra uống 3 lần mỗi ngày, trị tiêu chảy rất hiệu quả.

2.6. Trị tiêu chảy bằng hương nhu, mã đề, hoắc hương và mộc thông

Chuẩn bị những nguyên liệu như sau: Hương nhu, hoắc hương và mộc thông mỗi loại 20 g, cúc tần 28g. Đem đi sắc chữa hiệu quả người nóng, khát nước, tiêu chảy và nước tiểu có màu vàng hiệu quả.

2.7. Trị tiêu chảy với rau má, lá mơ, búp ổi, mã đề, sắn dây và bạch biển đậu

Cần chuẩn bị những nguyên liệu như sau: Rau má tươi, lá mơ tươi mỗi loại 200 g, búp ổi, mã đề tươi, sắn dây mỗi loại 50 g và 40g bạch biển đậu. Cách thực hiện như sau:

Rau má, mã đề, lá mơ tươi rửa sạch và ép lấy nước sau đó sấy khô lấy bột. Sắn dây, bạch biển đậu sao cho vàng và tán mịn. Búp ổi sao sơ sau đó sấy ròn và tán mịn. Trộn tất cả thành bột và bảo quản trong lọ kín. Người lớn uống 1 – 2 thìa cà phê một lần. Trẻ em ½ – 1 thìa cho một lần. Lấy đúng lượng cần dùng pha với nước đun sôi để nguội.

2.8. Sử dụng thuốc kết hợp với châm cứu trị tiêu chảy

Khi sử dụng những bài thuốc trên, bệnh nhân có thể kết hợp châm cứu hoặc day các huyệt đại trường du, nội đình, hợp cốc, âm lăng tuyền, quan nguyên, khúc trì và túc tam lý…

3. Khi nào nên đi khám khi bị tiêu chảy?

Người bị tiêu chảy nhiễm trùng nên đi khám nếu tiêu chảy kéo dài hơn 3 ngày, có máu trong phân, sốt cao (trên 38°C), đau bụng dữ dội, nôn mửa nhiều, mệt mỏi đến mức không thể đi lại hoặc làm việc và có dấu hiệu mất nước như khát nước nhiều, miệng khô, tiểu ít, nước tiểu sẫm màu...

4. Có thể tự điều trị tiêu chảy nhiễm trùng tại nhà không?

Hầu hết các trường hợp tiêu chảy nhiễm trùng đều có thể tự điều trị tại nhà bằng cách bù nước và chất điện giải, nghỉ ngơi đầy đủ và áp dụng chế độ ăn uống hợp lý. Tuy nhiên, bạn nên đi khám nếu có các triệu chứng nghiêm trọng như đã nêu ở trên.

Sữa chua, sữa lợi khuẩn giúp tăng cường sức đề kháng bảo vệ đường ruột.

Sữa chua, sữa lợi khuẩn giúp tăng cường sức đề kháng bảo vệ đường ruột.

5. Người bị tiêu chảy nhiễm trùng không nên ăn gì?

Nhiều người bệnh tiêu chảy nhiễm trùng là quan tâm những món không nên ăn trong thời gian này để giúp cơ thể mau hồi phục về trạng thái bình thường. Một số thực phẩm nên kiêng ăn khi bị tiêu chảy nhiễm trùng:

Thực phẩm nhiều dầu mỡ như các món chiên xào, thịt mỡ sẽ gây tình trạng đầy hơi, khó tiêu và tăng kích thích co bóp của ruột khiến tình trạng tiêu chảy kéo dài hơn. Hạn chế ăn các loại bánh kẹo ngọt vì cũng có thể gây kích thích đường ruột.

Người bị tiêu chảy nhiễm trùng hạn chế các loại thực phẩm dầu mỡ.

Người bị tiêu chảy nhiễm trùng hạn chế các loại thực phẩm dầu mỡ.

Thức ăn sống, chưa chín thường chứa nhiều vi khuẩn, virus, ký sinh trùng gây hại cho đường ruột đặc biệt đối với người đang bị tiêu chảy với hệ tiêu hóa yếu.
Rau củ quả nhiều xơ dù rất tốt nhưng không phù hợp với người bị tiêu chảy. Vì những loại rau củ quả này không chỉ dễ sinh khí, khó tiêu mà lượng bã nhiều còn khiến ruột phải tăng cường co bóp, hoạt động và điều này khiến hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn khi bị tiêu chảy nhiễm trùng.
Sữa chứa thành phần lactose không nên dùng đối với trường hợp nghi ngờ tiêu chảy do dị ứng lactose. Thay vào đó có thể sử dụng sữa không chứa lactose hoặc nước gạo, nước cơm để đảm bảo an toàn cho đường ruột.
Thức ăn cay, nóng tạo cảm giác kích thích tăng nhu động ruột từ đó không chỉ gây khó chịu dạ dày mà còn khiến tiêu chảy nghiêm trọng hơn.
Rượu bia hoặc thức uống có cồn thường có hàm lượng carbohydrate cao và có hiện tượng lên men khi đưa vào cơ thể. Điều này khiến ruột sẽ tích tụ nhiều khí gây đầy hơi, đi ngoài nhiều hơn.

6. Chi phí điều trị tiêu chảy nhiễm trùng?

Khám tiêu chảy nhiễm trùng có thể khám tại khoa Tiêu hóa hoặc khám Nội khoa tại các Bệnh viện Đa khoa. Mức giá khám chữa bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: mức độ bệnh, phương pháp điều trị và cơ sở y tế, bảo hiểm y tế và giá dịch vụ được áp dụng theo quy định của Nhà nước. Dưới đây là một số chi phí mang tính chất tham khảo:

- Khám bệnh:

Khám BHYT: theo quy định mức giá dịch vụ khám bệnh Bảo hiểm y tế, căn cứ vào cơ sở y tế (bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I, bệnh viện hạng II, bệnh viện hạng III, bệnh viện hạng IV, trạm y tế xã...).
Khám dịch vụ: 300.000 - 500.000 đồng.

- Xét nghiệm: Giá xét nghiệm tùy thuộc vào loại xét nghiệm cụ thể.

Xét nghiệm máu: 50.000 - 200.000 đồng/xét nghiệm; Xét nghiệm phân: 30.000 - 100.000 đồng/xét nghiệm.

- Chẩn đoán hình ảnh:

Giá chẩn đoán hình ảnh tùy thuộc vào loại hình chẩn đoán và mức độ phức tạp.
Siêu âm bụng: 150.000 - 300.000 đồng; Chụp X-quang: 100.000 - 200.000 đồng.

- Nội soi:

Nội soi dạ dày: 1.200.000 - 1.500.000 đồng
Nội soi đại tràng: 1.500.000 - 2.000.000 đồng

BS CKI Phạm Thị Hồng Lam

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-cau-hoi-thuong-gap-ve-tieu-chay-nhiem-trung-169240703082626259.htm