Những 'cây ATM gạo nghĩa tình' đầu tiên ở Đồng Nai
Ba ngày qua, hàng trăm người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Long Khánh và các tỉnh lân cận thuộc tỉnh Đồng Nai vui mừng đến nhận gạo từ 'cây ATM gạo' vừa mới đi vào hoạt động. Đây là 'cây ATM gạo' đầu tiên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đặt tại quán cơm tình thương 2.000 đồng ở thành phố Long Khánh do một số 'mạnh thường quân' cùng làm.
Ý tưởng thực hiện cây ATM gạo được bắt nguồn từ chị Nguyễn Thị Loan, Trưởng nhóm Cơm tình thương Long Khánh, kiêm chủ quán cơm tình thương 2.000 đồng. Chị Nguyễn Thị Loan cho biết, quán cơm tình thương 2.000 đồng chuyên nấu cơm phục vụ những người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với suất cơm chỉ 2.000 đồng.
Tuy nhiên, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, quán phải tạm ngừng hoạt động. Nhận thấy nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, lại đang trong giai đoạn mất việc làm, với mong muốn có thể giúp đỡ được phần nào những hoàn cảnh khó khăn đó, nhóm của chị Loan đã lên kế hoạch để lắp cây ATM gạo, phát gạo miễn phí cho người dân.
Biết được ý tưởng đó của nhóm chị Nguyễn Thị Loan, anh Lê Cao Trực, chủ cơ sở nước chấm Hoa Sen Long Khánh đã liên hệ với các cơ sở sản xuất “ATM gạo” để đặt hàng. Mỗi máy được báo giá khoảng 20 - 30 triệu đồng. Nhận thấy số tiền này quá lớn, với số tiền này có thể mua được 2 - 3 tấn gạo hỗ trợ người nghèo. Do đó, anh Lê Cao Trực đã bàn với những người cộng sự của mình, tự chế ra một cây ATM gạo với giá thành rẻ tặng cho quán cơm tình thương.
Trực tiếp sáng tạo ra cây ATM gạo, anh Võ Xuân Thắng, Trưởng Phòng Kỹ thuật cơ sở nước chấm Hoa Sen cho biết, sau khi nghiên cứu cơ chế hoạt động của các cây ATM gạo, bằng những vật liệu có sẵn, chỉ trong một buổi sáng, nhóm kỹ thuật của cơ sở đã lắp ráp thành công chiếc máy phát gạo tự động với giá thành rất rẻ, chưa tới 10 triệu đồng/máy.
Theo anh Võ Xuân Thắng, cơ chế hoạt động của máy rất đơn giản, chỉ cần một bồn chứa gạo khoảng 500kg, một ống nhựa để gạo chảy ra được gắn với van từ để tự ngắt lượng gạo cố định; một thiết bị hẹn giờ và nút khởi động có thể lắp ráp lại, bỏ gạo vào bồn và vận hành ngay. Máy có thể tùy chỉnh lượng gạo chảy ra, trung bình để chảy ra 2kg gạo máy sẽ mất khoảng 5 giây cho một lần bấm.
Chị Nguyễn Thị Loan cho biết, ngay khi biết quán cơm được lắp máy phát gạo tự động cho những người có hoàn cảnh khó khăn, nhiều “mạnh thường quân” đã tới ủng hộ với số lượng khoảng 2 tấn gạo. Trước mắt, quán cơm sẽ hỗ trợ người dân tới lấy gạo mỗi người 1,5kg trong 15 ngày liên tiếp. Trường hợp sắp tới có thêm nhiều “mạnh thường quân” ủng hộ hơn, quán sẽ tăng thêm số lượng gạo cho mỗi lần lấy và kéo dài thời gian hơn.
Bà Trần Thị Lợi (68 tuổi, quê Phú Yên, tạm trú tại thành phố Long Khánh, Đồng Nai) cho biết, bà cùng cháu gái 7 tuổi vào Long Khánh sống hơn 2 năm bằng nghề bán vé số. Vì tuổi cao, trước đây, mỗi ngày bà chỉ kiếm đủ tiền để ăn hằng ngày. Tuy nhiên vừa qua, Nhà nước tạm ngừng bán vé số, hai bà cháu đã nhiều ngày chưa được ăn cơm. “Được cho gạo miễn phí, tôi vui lắm, hôm nay, bà cháu tôi có cơm ăn rồi. Hy vọng sẽ có thêm nhiều người, làm được nhiều việc tốt để những hoàn cảnh khó khăn tương tự có thể vượt qua trong thời buổi khó khăn này”, bà Trần Thị Lợi bộc bạch.
“Cây ATM gạo” tại thành phố Long Khánh chỉ là một trong những “Cây ATM gạo nghĩa tình” được triển khai trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Theo Tỉnh Đoàn Đồng Nai, sắp tới sẽ có thêm hai “cây ATM gạo” nghĩa tình được triển khai trên địa bàn tỉnh. Đây là mô hình ATM gạo lưu động do Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Nai và Tỉnh Đoàn Đồng Nai phối hợp thực hiện.
Dự kiến, mỗi cây ATM gạo lưu động sẽ bắt đầu hoạt động từ ngày 19-4-2020 cho đến khi hết dịch. Một cây ATM gạo sẽ được đặt ở một điểm trong thời gian cố định, sau đó sẽ được di chuyển đến các địa phương khác để đảm bảo tới giúp đỡ được tất cả những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.