Những cây cầu giảm nghèo ở huyện vùng biên Mường Lát

Không chỉ kết nối, mở hướng giao thương, buôn bán thuận lợi, những cây cầu dân sinh đã và đang được xây dựng, đi vào hoạt động nối liền đôi bờ sông Mã ở huyện vùng cao biên giới Mường Lát còn tạo điều kiện thuận lợi kết nối vùng miền, đảm bảo an toàn cho người dân, tạo sự thông suốt để phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế, hướng đến xóa đói, giảm nghèo.

Cầu Chiềng Nưa, cây cầu có vai trò quan trọng trong kết nối giao thương của huyện Mường Lát với các vùng lân cận.

Cầu Chiềng Nưa, cây cầu có vai trò quan trọng trong kết nối giao thương của huyện Mường Lát với các vùng lân cận.

Là huyện vùng cao biên giới của tỉnh, Mường Lát có địa hình đồi núi cao, độ dốc lớn, mặt bằng dân trí không đồng đều, tập quán canh tác còn manh mún, lạc hậu, một số hủ tục còn nặng nề. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng yếu kém, giao thông đi lại khó khăn, nhiều thôn, bản sinh sống rải rác ở hai bên bờ sông Mã, mỗi lần mưa lũ thường bị sạt lở, chia cắt, cô lập... khiến bà con gặp nhiều khó khăn trong đời sống sinh hoạt. Với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, sự đồng lòng, vững tin của Nhân dân, tận dụng những nguồn vốn đầu tư của Trung ương, của tỉnh, huyện đã tập trung xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, xây mới nhiều cây cầu cứng giúp mở rộng, liên kết các vùng miền, góp phần hướng đến mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững.

Nhiều năm về trước, người dân sinh sống ở các bản xa xôi thuộc xã Mường Lý, Trung Lý dọc bờ sông Mã thường được gọi vui là bản “cô đơn”. Nguyên nhân chính vì chưa có cầu cứng, việc đi lại của bà con gặp nhiều khó khăn. Phương tiện kết nối giao thương cũng chỉ là những chuyến đò ngang, bè, mảng thô sơ, chắp vá tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Đặc biệt, mỗi khi mùa mưa lũ về, các bản thường bị cô lập, chia cắt. Kinh tế tự cung, tự cấp, phụ thuộc vào các sản vật từ rừng cộng thêm điều kiện giao thông không thuận lợi khiến cuộc sống nơi đây cứ mãi chìm trong đói nghèo, lạc hậu.

Năm 2017, niềm vui đến với bà con và chính quyền địa phương khi cây cầu cứng Chiềng Nưa - một trong những hạng mục quan trọng thuộc dự án tuyến đường nối miền Tây Thanh Hóa, bắc qua sông Mã, nối bản Chiềng Nưa (xã Mường Lý) với bản Xa Lao (xã Trung Lý) có chiều dài 278m, rộng 8m, giá trị xây lắp hơn 71 tỷ đồng từ nguồn Trái phiếu Chính phủ khánh thành, đi vào hoạt động. Có cầu, người dân ai nấy đều phấn khởi, lạc quan; giao thương, đi lại buôn bán dễ dàng, thuận tiện hơn. Sản phẩm nông - lâm nghiệp làm ra không còn bị ép giá, khó khăn vận chuyển như trước nữa.

Từ ngày có cầu Chiềng Nưa, người dân phát triển kinh doanh, buôn bán, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo.

Từ ngày có cầu Chiềng Nưa, người dân phát triển kinh doanh, buôn bán, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo.

“Chiềng Nưa hiện có 72 hộ với 315 nhân khẩu, trong đó đồng bào Thái chiếm phần lớn, trước đây kinh tế của bà con phụ thuộc chủ yếu vào cây lúa, sắn, khai thác lâm sản phụ, cộng thêm giao thông đi lại không thuận tiện, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao. Từ ngày cây cầu đi vào hoạt động, góp phần tạo điều kiện cho các loại hình phương tiện đi từ thị trấn Mường Lát về Quan Hóa và các huyện khác rút ngắn được 20km đường núi so với đường Hồi Xuân - Tén Tằn. Đồng thời, tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống người dân; mở ra cơ hội cho việc tập trung phát triển kinh tế, kinh doanh, buôn bán. Riêng bà con bản Chiềng Nưa, nhờ giao thông thuận tiện, các hộ dân tập trung sản xuất, kinh doanh, buôn bán; có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, kiên cố, mua sắm các thiết bị phục vụ sinh hoạt hiện đại như ti vi, tủ lạnh, máy giặt... Nếu trước đây, cả bản 100% đều thuộc diện hộ nghèo thì nay chỉ còn 1 hộ nghèo, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được nâng cao”, ông Lò Văn Ngôn, bí thư kiêm trưởng bản Chiềng Nưa cho biết.

Không chỉ có cầu Chiềng Nưa, những năm qua, trên địa bàn huyện Mường Lát đã có nhiều cây cầu được đầu tư xây dựng, như: Cầu cứng thị trấn Mường Lát đi xã Tam Chung, Mường Lý kết nối đường tỉnh 521Đ; cầu treo bản Đoàn Kết kết nối Quốc lộ 15C tại bản Buốn (thị trấn Mường Lát) đi bản Đoàn Kết, bản Lát (thị trấn Mường Lát); cầu cứng từ thị trấn Mường Lát đi bản Pom Khuông (Tam Chung) thuộc đường Chim – Pom Khuông kết nối Quốc lộ 15C từ bản Chi, xã Nhi Sơn đi thị trấn Mường Lát... ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt, đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện, góp phần thúc đẩy giao lưu, thông thương với các địa phương khác được thuận tiện hơn...

Đồng chí Hà Văn Ca, Bí thư Huyện ủy Mường Lát, cho biết: Mường Lát là huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh, với đặc thù địa hình đồi núi phức tạp, có dòng sông Mã chảy qua huyện với chiều dài khoảng 40 – 50km. Đây là địa bàn gặp nhiều khó khăn trong phát triển hệ thống giao thông, xóa đói, giảm nghèo, gìn giữ an ninh trật tự, an ninh biên giới. Sau nhiều năm nỗ lực, thực hiện hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án chính sách của Nhà nước, của tỉnh, vùng giáp biên nay đã đổi thay. Giao thông đi lại thuận lợi, kết nối nhiều địa phương trong tỉnh, các thôn bản khó khăn trước đây không có đường ô tô, giờ đây đã có đường bê tông kiên cố. Điện lưới phủ khắp nhiều bản làng, hệ thống trường lớp học, trạm y tế cũng đã được đầu tư khang trang. Đặc biệt, những cây cầu cứng đã, đang được xây dựng, đưa vào sử dụng trên địa bàn huyện vừa qua có ý nghĩa lớn, giúp người dân đi lại an toàn, thuận tiện, xóa bỏ chia cắt cộng đồng, kết nối giữa các vùng nhằm góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương...

Bài và ảnh: Lê Viết

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nhung-cay-cau-giam-ngheo-nbsp-o-huyen-vung-bien-muong-lat-32554.htm