Những cây cầu lòng dân mong đợi

Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều công trình, dự án phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã được đầu tư và đưa vào sử dụng. Từ đó góp phần quan trọng trong việc kết nối giao thông, phát triển kinh tế địa phương, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Trong số đó, những cây cầu mà dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản địa phương (gọi tắt là dự án LRAMP) do Bộ Giao thông Vận tải hỗ trợ đầu tư cho tỉnh Bình Thuận không chỉ là một trong những điều kiện góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà lớn hơn là những cây cầu lòng dân mong đợi từ Đảng và Nhà nước.

Những cây cầu lòng dân mong đợi

Những năm trước đây khi chưa có cầu, người dân thôn Phú Thái, xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc và một số khu vực lân cận phải lội ngang qua suối để vào khu vực canh tác, sản xuất phía bên trong. Việc đi lại rất khó khăn, nhất là thời điểm mùa mưa. Những hôm mưa lớn, hồ sông Quao xả lũ thì giao thông tại khu vực này gần như bị tê liệt. Đã có nhiều trường hợp bị chết đuối khi qua suối vì nước lũ về đột ngột. Sau nhiều năm kiến nghị lên ngành chức năng các cấp, đầu năm 2018 công trình cầu Nha Đam đã được Nhà nước đầu tư và triển khai xây dựng. Cầu có chiều dài gần 70m, giá trị xây lắp 2,7 tỷ đồng do Ban quản lý dự án 8 thuộc Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư và hoàn thành khoảng 15 tháng sau đó. Kể từ khi đưa vào sử dụng, cầu Nha Đam đã phát huy hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân lưu thông dễ dàng. Chị Đặng Thị Thanh Nhung – người dân xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc chia sẻ: “Giờ có cầu rồi, bà con qua lại an toàn; việc vận chuyển nông sản cũng thuận tiện hơn và không bị thương lái ép giá. Bà con ở đây rất cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm xây dựng công trình có ý nghĩa như vậy”.

Với một nơi còn nhiều khó khăn như ở xã Sông Bình, huyện Bắc Bình thì việc được Nhà nước đầu tư những cây cầu vững chắc cũng là mong muốn của họ từ bao đời nay. Bởi, ở một số thôn, điều kiện giao thông rất khó khăn, địa bàn có nhiều sông, suối. Thời điểm mùa nắng, nước sông, suối cạn còn đi lại được; nhưng tới mùa mưa lũ thì không hề dễ dàng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng vì nước lớn, chảy xiết. Khi 2 cây cầu Sông Ly và Suối Dẻ được đầu tư và hoàn thành đã mang lại niềm vui cho họ. Ông Lồ A Tống - thôn Tân Sơn - xã Sông Bình, huyện Bắc Bình phấn khởi chia sẻ: “Từ ngày có cầu, bà con không còn vất vả như trước. Đối với học sinh, bữa nay các em có thể tự đạp xe tới trường, chứ cha mẹ không phải chở giống như trước nữa”.

Cũng như nhiều địa phương khác, trước đây tình hình giao thông ở các vùng quê, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Bình Thuận gặp không ít khó khăn. Những chiếc cầu treo cũ nát, tạm bợ bắc qua sông, qua suối nhưng lại là những con đường độc đạo, nằm trên các tuyến đường huyết mạch phục vụ đi lại, sản xuất của người dân các địa phương. Thậm chí ở nhiều nơi, người dân phải trèo đèo, băng qua sông, qua suối vào các khu vực sản xuất hay qua xã khác để buôn bán trao đổi hàng hóa… Để giải quyết khó khăn ấy, những năm qua tỉnh đã đẩy mạnh việc đầu tư hạ tầng cơ sở, trong đó có các công trình cầu dân sinh tạo điều kiện thuận lợi để người dân lưu thông, trao đổi phát triển kinh tế. Đặc biệt, cuối năm 2017, dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản địa phương (LRAMP) được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt tại 51 tỉnh, thành đã chính thức được khởi công. Tại Bình Thuận, dự án được chia làm 4 hợp phần, gồm 48 công trình cầu, cống, với tổng vốn đầu tư 90,25 tỷ đồng. Theo Ban quản lý dự án và đầu tư xây dựng công trình giao thông (Sở Giao thông Vận tải), trong quá trình triển khai thực hiện dự án, ngành chức năng của tỉnh đã cùng với các địa phương khảo sát nhu cầu bức xúc cần phải xây cầu ở các vùng nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn để đăng ký với Bộ Giao thông Vận tải đầu tư, đảm bảo các tiêu chí theo quy định. Sau gần 3 năm rưỡi triển khai xây dựng, đến nay các công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần phát triển hạ tầng, giảm gánh nặng cho địa phương trong việc huy động nguồn vốn ngân sách để xây dựng công trình giao thông.

Những cây cầu ấy đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc tạo điều kiện thuận lợi, rút ngắn khoảng cách địa lý ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo đà xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế ở vùng còn nhiều khó khăn. Những cây cầu ấy thực sự là những cây cầu mà lòng dân mong đợi.

Được biết UBND tỉnh Bình Thuận đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục quan tâm bổ sung danh mục đầu tư cầu, cống dân sinh trên địa bàn tỉnh vào dự án LRAMP giai đoạn II. Thời gian thực hiện dự kiến từ 2021 đến 2025 với tổng số 43 cầu, cống. Dự án quan trọng này sẽ tiếp tục tạo cơ hội cho các vùng miền núi, dân tộc thiểu số cải thiện về chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông.

Xuân Huy

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/chinh-tri/nhung-cay-cau-long-dan-mong-doi-136404.html