Những cây cầu nối đôi bờ ấm no

Tháng 10/1991, tỉnh Lào Cai tái lập, những cán bộ, đảng viên làm công tác giao thông - xây dựng lên Lào Cai mang theo khát khao và niềm tin bắt đầu công cuộc tái thiết vùng quê mới nơi biên cương Tổ quốc.

Cầu Ngòi Nhù (xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng) được xây dựng bên cạnh đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Cầu Ngòi Nhù (xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng) được xây dựng bên cạnh đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Tuy nhiên, thời điểm đó, hàng loạt khó khăn chồng chất do hạ tầng xuống cấp trầm trọng: Đường sắt chưa kịp khôi phục hoàn toàn; 56/180 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm; 7/10 huyện, thị chưa có đường điện và điện lưới quốc gia… Với chủ trương bằng mọi giá phải xây dựng được các tuyến giao thông huyết mạch, nhất là những cây cầu kết nối các địa phương trong tỉnh, tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này. Chính vì thế, sau 10 năm tái lập tỉnh, nhiều tuyến đường huyết mạch và cây cầu đã được thông xe, đến năm 2000 chỉ còn 17 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm, 2.300 km đường liên thôn đã mở đến thôn, bản...

Khi Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai, Khu Công nghiệp Tằng Loỏng, Khu Du lịch Sa Pa được quan tâm xây dựng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của sản xuất trong tỉnh, nhu cầu lưu thông hàng hóa tăng mỗi ngày tiếp tục đặt ra sức ép mới cho hệ thống cầu, đường trên địa bàn tỉnh. Ông Phạm Ngọc Lương, nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (nay là Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh), người từng có nhiều năm tham gia triển khai Đề án xây dựng và phát triển giao thông tỉnh Lào Cai giai đoạn 2000 - 2010 nhớ lại: Những năm đầu tái lập tỉnh, Lào Cai được Chính phủ quan tâm đầu tư xây dựng khu kinh tế cửa khẩu với kỳ vọng là cầu nối hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đòi hỏi kết cấu hạ tầng giao thông phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu vận tải, trong đó cầu được ưu tiên đầu tư xây dựng trước. Khi được tỉnh giao nhiệm vụ khảo sát thi công, Ban Giám đốc Sở Giao thông vận tải rất vui mừng nhưng cũng lo lắng bởi việc thiết kế, xây dựng, kiểm định cầu trên địa bàn tỉnh miền núi như Lào Cai gặp nhiều khó khăn. Việc thiết kế phải vừa đảm bảo kỹ thuật, tiết kiệm vốn, vừa không để xảy ra sai sót...

“Làm cầu sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ mở đường, đặc biệt là giao thông nông thôn. Những người trong ngành hiểu sâu sắc cốt lõi vấn đề đó nên cứ hợp long một cây cầu nối hai bờ sông Hồng hoặc sông Chảy là mang thêm niềm vui cho người dân địa phương. Chúng tôi đặc biệt xúc động khi hợp long cầu Bản Mế nơi thượng nguồn sông Chảy nối huyện Si Ma Cai với huyện Mường Khương; cầu Bắc Cuông nối trung tâm huyện Bảo Yên với xã Vĩnh Yên và các xã bên kia sông Chảy… có rất đông đồng bào dân tộc địa phương ra xem, hò reo cổ vũ công nhân thi công” - ông Phạm Ngọc Lương kể.

Ông Chu Ngọc Hải, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh cũng chia sẻ với phóng viên: Khi được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư xây dựng cầu Làng Giàng - cây cầu thứ 8 bắc qua sông Hồng - anh em trong đơn vị rất vui. Đây là cây cầu có ý nghĩa đặc biệt bởi trước đây khi lên thăm Lào Cai, đi qua cầu Làng Giàng cũ, Bác Hồ đã căn dặn nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai, sau này đất nước thống nhất, Lào Cai cần xây dựng cây cầu khác to đẹp hơn. Được giao trọng trách thiết kế, xây dựng lại cầu Làng Giàng, các cán bộ, kỹ sư trong đơn vị ý thức rõ vinh dự và trách nhiệm, luôn nhắc nhở nhau nâng cao chất lượng thi công. Cầu Làng Giàng mới sau khi hoàn thành sẽ có nhịp chính dài nhất trong các cây cầu trên địa bàn tỉnh Lào Cai (120 m/nhịp), được thiết kế phục vụ tàu, thuyền đi lại trên sông Hồng theo quy hoạch phát triển vận tải đường thủy. Ngày nay, với điều kiện kỹ thuật hiện đại, vật tư đầy đủ, càng phải đảm bảo kỹ thuật thi công và đúng tiến độ, sớm đưa cầu vào sử dụng.

Trên công trường thi công cầu Làng Giàng.

Trên công trường thi công cầu Làng Giàng.

Ông Hồng Trọng Dự (89 tuổi), trú tại thôn Làng Giàng, xã Thái Niên (Bảo Thắng) nguyên là công nhân Ga Làng Giàng từng được phân công gác ghi chờ chuyến tàu chở Bác Hồ lên thăm Lào Cai năm 1958. Ông cũng là người đã chứng kiến các kỹ sư và chuyên gia nước ngoài chỉ đạo và giám sát làm cầu Làng Giàng cũ, nay nhìn các kỹ sư, công nhân của ngành giao thông Lào Cai thi công cầu mới với nhiều thiết bị hiện đại cứ tấm tắc khen: Công nhân làm cầu của Lào Cai bây giờ giỏi quá, có nhiều máy móc hiện đại, nhìn mô hình cây cầu mới mà các kỹ sư dựng bằng mô hình 3D thấy đẹp thật…

Góp thêm câu chuyện, anh Hồng Trọng Nam, con trai ông Dự cũng hồ hởi nói: Tuyến đường mới mở từ xã Vạn Hòa (thành phố Lào Cai) đi Bảo Hà (Bảo Yên) qua Thái Niên quê tôi và cây cầu Làng Giàng xây xong sẽ giúp xã Thái Niên phát triển, bởi đã bao đời nay, người dân phải chịu cảnh đò ngang cách trở. Rồi đây, nông sản từ vùng bãi đất ven sông Hồng sẽ được đưa qua cầu Làng Giàng sang thành phố Lào Cai, lên Sa Pa, đi Trung Quốc tiêu thụ thuận lợi hơn. Vậy nên khi Nhà nước triển khai dự án làm đường, làm cầu, gia đình tôi sẵn sàng giao đất và căn nhà xây để giải phóng mặt bằng…

Cầu Bến Chuân nối hai xã Tân Dương - Xuân Hòa, huyện Bảo Yên).

Cầu Bến Chuân nối hai xã Tân Dương - Xuân Hòa, huyện Bảo Yên).

Ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Sở Giao thông vận tải - Xây dựng Lào Cai, cho biết: Chỉ tính trên hai dòng sông lớn trải dài từ biên giới qua lưu vực tỉnh là sông Hồng và sông Chảy, trong 30 năm qua đã có 16 cây cầu được xây dựng. Sông Hồng có 8 cây cầu: Kim Thành, Cốc Lếu, Phố Mới, Giang Đông, Làng Giàng, Phố Lu 1, 2, Bảo Hà, tới đây sẽ có thêm cầu Phú Thịnh và cầu Bản Vược. Trên sông Chảy có 8 cây cầu: Bản Mế, Cốc Ly, Bảo Nhai, Nậm Tông, Phố Ràng, Thượng Hà, Bắc Cuông, Bến Cóc. Đó là chưa tính cả chục cây cầu bắc qua các ngòi lớn như cầu Sơn Hà, cầu Khe Lếch bắc qua ngòi Nhù; cầu Gia Phú 1, 2 bắc qua ngòi Bo; các cây cầu bắc qua ngòi Đường, ngòi Đum… Đặc biệt, thực hiện Chương trình 135 của Chính phủ và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Lào Cai đã đầu tư xây dựng hàng trăm cây cầu lớn nhỏ, góp phần rút ngắn khoảng cách vận chuyển hàng hóa, nông sản, học sinh đến trường gần hơn...

Những cây cầu được xây dựng đưa vào sử dụng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân. Giờ đây, có thêm những cây cầu lớn trên tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai để Lào Cai gần hơn với Thủ đô Hà Nội, cảng Hải Phòng và cầu Kim Thành nối Lào Cai (Việt Nam) với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã tôn thêm vị thế cầu nối trên tuyến hành lang kinh tế phía Bắc của đất nước trong hội nhập và phát triển. Đó là niềm tự hào của những người có công tạo nên những cây cầu của Lào Cai - góp vào thành tựu của tỉnh sau 30 năm tái lập.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/347548-nhung-cay-cau-noi-doi-bo-am-no