Những cây cầu nối liền bờ vui

Những ngày này, ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh..., nhiều cây cầu dân sinh mang tên LRAMP đã, đang chạy đua tiến độ để kịp hoàn thiện và đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão. Niềm vui dâng trào khi đi trên cây cầu mới - niềm mong ước bấy lâu không chỉ của hàng nghìn người dân mà còn cả kỳ vọng của địa phương và chủ đầu tư với mục tiêu kết nối giao thông nông thôn, xóa đói, giảm nghèo...

Cầu Thôn sát góp phần kết nối giao thông, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế.

Cầu Thôn sát góp phần kết nối giao thông, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế.

Thỏa niềm mong ước...

Không giấu được niềm vui, ông Hà Văn Tươm, 58 tuổi ở thôn Sát, xã Ban Công đứng chỉ tay về phía cây cầu bắc qua suối Nủa cho biết: Nếu như trước đây muốn đi sang bên kia suối hoặc ngược lại, người dân hai thôn phải đi theo cung đường vòng dài hơn 7 km. Còn khi thời tiết bình thường thì phải sử dụng bè đi lại, nhưng vào ngày mưa lũ thì tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Bây giờ có cầu mới, vui nhất là học sinh hai thôn Đông được đi lại thuận tiện, an toàn. Nhất là hình ảnh những chuyến xe công nông nườm nượp hằng ngày qua lại chở hàng nông sản cho bà con đưa đi tiêu thụ thấy mừng lắm.

“Nhưng có lẽ vui hơn là khi có cầu, người dân nơi đây đã “đi-lại” nương tựa vào nhau để cùng quyên góp đất, tiền xây dựng nhà văn hóa thôn, giúp cho bà con có chỗ sinh hoạt, giao lưu gắn kết tình làng nghĩa xóm”, ông Tươm phấn khởi nói.

Suối Nủa chảy qua bốn thôn của xã Ban Công chia cắt thành hai bên Đông-Tây. Bên phía thôn Đông khi chưa có cầu, khoảng hơn 1.000 nhân khẩu của hai thôn Đông phải lội suối để đi lại, vào mùa mưa bị cô lập hoàn toàn.

Theo ông Vi Văn Toản, Chủ tịch UBND xã Ban Công, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) chia sẻ: Cử tri xã cũng nhiều lần kiến nghị, mong muốn có cây cầu bắc qua suối, nhằm rút ngắn khoảng cách, thuận tiện và an toàn cho việc đi lại, giao thương của nhân dân trên địa bàn. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư lớn nên nhiều năm kiến nghị vẫn chưa được giải quyết.

Tưởng chừng như còn phải chờ đợi một thời gian dài nữa, nhưng niềm mong ước cuối cùng cũng đến với người dân Ban Công. Ngày 1-8-2018, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt dự án xây dựng công trình cầu Thôn Sát, bắc qua suối Nủa thuộc địa phận thôn Sát, xã Ban Công. Cầu được xây dựng kết cấu bê-tông cốt thép dự ứng lực, bề rộng cầu 3,5m... với tổng mức đầu tư hơn 3,7 tỷ đồng. Đây là công trình thuộc Dự án xây dựng cầu dân sinh và Quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) do Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ vốn vay, Tổng cục Đường bộ (TCĐB) làm chủ đầu tư.

Sau hơn 8 tháng thi công, ngày 30-4-2019 công trình được đưa vào sử dụng, không chỉ đáp ứng nguyện vọng nhân dân trên địa bàn xã Ban Công, mà còn góp phần kết nối giao thông, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) trên địa bàn huyện Bá Thước.

“Đây là một trong 24 cầu dân sinh (tổng mức đầu tư 187,11 tỷ đồng) thuộc dự án LRAMP được phê duyệt cho tỉnh Thanh Hóa nhằm thay thế những cây cầu treo cũ nát, mất an toàn giao thông, hoặc những nơi ngầm nước mùa mưa lũ gây nguy hiểm cho bà con khi lội suối đi lại...”, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa Nguyễn Văn Khiên cho biết.

Ngược vào các huyện miền núi Nghệ An, Hà Tĩnh, hàng chục cây cầu thuộc dự án LRAMP đã và đang được thi công, xây dựng mới, bước đầu làm thỏa lòng mong mỏi của người dân nơi đây.

Đứng trên cây cầu Tân Hồ xây bằng bê-tông cốt thép, trụ cứng... với tổng mức đầu tư 14,9 tỷ đồng đang được hoàn thiện để kịp bàn giao vào cuối tháng 10 này, ông Nguyễn Dung 71 tuổi, ở thôn Tân Hồ, xã Sơn Tân, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) chia sẻ, trước đây mỗi khi mưa lũ về, nước sông Ngàn Phố lên cao, chảy xiết rất nguy hiểm. Mỗi lần nhớ lại năm 2003, vụ bốn học sinh thôn Tân Hồ sang sông Ngàn Phố để tới trường thì không may đò bị lật úp làm các em bị chết đuối. Vụ tai nạn thương tâm làm cho người dân ở đây ám ảnh cho tới bây giờ…

Nhiều bà con ở thôn còn cho biết thêm, trước đây khi vào vụ sản xuất, người dân nơi đây phải gồng gánh giống, phân bón đi hơn chục km để sang bên kia trồng ngô, lúa, chè… thấy vất vả lắm. Từ ngày có cầu bắc qua sông Ngàn Phố thì mọi công việc đồng áng nhẹ đi rất nhiều, giờ làm một mẫu ruộng chỉ mất mấy ngày, không kéo dài như trước nữa...

Theo ông Trần Kim Chi, Chủ tịch UBND xã Sơn Tân, cầu vừa đưa vào sử dụng thì xe công nông, máy nông nghiệp đã đi lại chở hàng hóa, giúp cho người dân thỏa niềm mong ước… Với cao trình này thì cầu sẽ tránh được lũ lụt hằng năm, giúp giải tỏa được nỗi âu lo thường trực về sự mất an toàn cho người dân. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, nhất là vùng quy hoạch cây ăn quả của xã; đặc biệt phục vụ công tác phòng, chống bão lụt, cháy rừng, di dời dân, cứu hộ, cứu nạn… mùa mưa bão.

Để có được cây cầu mới này, không chỉ vốn vay mà còn có sự đồng thuận, đồng lòng của nhân dân ở thôn Tân Hồ đã tự nguyện hiến hàng nghìn mét đất và hoa màu, ngày công... với tổng giá trị hàng trăm triệu đồng; cùng với đó là sự chủ động đối ứng ngân sách của địa phương để hoàn thiện hệ thống đường dẫn, sớm đưa công trình vào sử dụng.

“Cây cầu không chỉ nối liền giao thông, nối những bờ vui mà còn nối liền sức dân thành một khối thống nhất”, ông Trần Đình Thân, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn khẳng định.

Cầu Tân Hồ đang hoàn thiện một số hạng mục cuối cùng để bàn giao vào cuối tháng 10.

Cầu Tân Hồ đang hoàn thiện một số hạng mục cuối cùng để bàn giao vào cuối tháng 10.

Nối tiếp những nhịp cầu yêu thương

Cùng đoàn công tác của TCĐB, Ban Quản lý dự án 4 (QLDA) đi kiểm tra các công trình cầu dân sinh ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... mới thấy hết hiệu quả về an sinh xã hội của dự án LRAMP.

Ông Trần Hữu Hải, Giám đốc Ban QLDA 4 (TCĐB) cho biết: Trong những năm qua, với nguồn vốn của dự án LRAMP đã giúp các địa phương xây hàng nghìn cây cầu dân sinh ở những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc khó khăn, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để phát triển KT-XH, nhất là công tác bảo đảm an toàn cho ngươi dân đi lại vào mùa mưa bão.

Dự án LRAMP được hình thành trên cơ sở Quyết định số 2529/QĐ-TTg ngày 31-12-2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình xây dựng cầu dân sinh bảo đảm an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2014-2020 và Quyết định số 330/QĐ-TTg ngày 2-3-2016 với nội dung chủ trương đầu tư sẽ xây dựng khoảng 2.174 cầu (trong số 4.145 cầu dân sinh) ở 50 tỉnh, thành phố.

Theo báo cáo kết quả của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến nay dự án đã khởi công 1.972/2.174 cầu, hoàn thành 1.200 cầu. Dự kiến, đến hết năm 2019 sẽ hoàn thành khoảng 1.800 cầu, vượt chỉ tiêu (1.600 cầu)...

Đánh giá về vấn đề này, Tổng Cục trưởng Đường bộ Nguyễn Văn Huyện cho biết: Kết quả đạt được của dự án LRAMP mới chỉ là bước đầu so với nhu cầu thực tế rất lớn, trong khi ngân sách của các địa phương mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ.

“Trên cơ sở kiến nghị của UBND các tỉnh, thành về nhu cầu tiếp tục đầu tư mở rộng chương trình LRAMP giai đoạn hai, nhằm góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, mới đây TCĐB đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải có ý kiến với WB tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ các khoản vay với lãi suất ưu đãi, đồng thời hỗ trợ tìm kiếm nguồn vốn ưu đãi để thực hiện dự án”, ông Huyện kiến nghị.

Công trình xây dựng cầu dân sinh đã, đang tăng tính kết nối liên vùng đồng bộ giữa các khu vực lân cận và rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, tạo động lực phát triển kinh tế của địa phương. Đồng thời phát huy hiệu quả chương trình mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tạo động lực phát triển văn hóa, xã hội cho các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

HƯƠNG TRÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41925102-nhung-cay-cau-noi-lien-bo-vui.html