Những cây cầu xuống cấp 'chờ' sửa chữa

Theo rà soát thống kê ban đầu của Sở Giao thông vận tải, hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều cầu và ngầm tràn trên các tuyến đường liên xã, liên thôn, tỉnh lộ đang xuống cấp cần được sớm đầu tư sửa chữa hoặc xây dựng mới để đảm bảo phương tiện lưu thông và an toàn cho người dân, nhất là trong mùa mưa bão.

 Cầu treo thôn Na Lo, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà.

Cầu treo thôn Na Lo, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà.

Cầu treo tại thôn Na Lo, xã Tà Chải (huyện Bắc Hà) đã bị đứt cáp chống rung, cáp chủ bị chùng, hư hỏng mặt cầu, quang đeo và lan can cầu. Anh Vàng Văn Thắng, người dân thôn Na Lo cho biết cây cầu đã bị hỏng khoảng 5 năm nay. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền nhưng vẫn chưa được sửa chữa. Chính quyền địa phương cũng đã cắm biển cấm xe ô tô không được qua lại vì cáp cầu không còn an toàn. Thiết nghĩ với sự phát triển của địa phương, cây cầu treo nhỏ này đã không còn phù hợp bởi nhu cầu đi lại của người dân ngày cao. Thêm vào đó, để các hộ dân có thể xây dựng nhà ở, phát triển kinh tế thì cần có cầu cứng, cầu bê tông mới có thể đảm bảo về lâu dài.

 Cầu treo thôn Na Lo đã đứt cáp chống rung.

Cầu treo thôn Na Lo đã đứt cáp chống rung.

Cầu treo tại thôn Sùng Hoảng, xã Phìn Ngan (huyện Bát Xát) cũng đã không còn đảm bảo để phục vụ Nhân dân đi lại. Cách đây 2 năm, chính quyền địa phương đã đổ bê tông mặt đường 3m nối từ cầu vào trung tâm thôn Sùng Hoảng và thôn Suối Chải để phục vụ đi lại cho hơn 200 hộ dân. Ông Vàng A Khé, Phó Chủ tịch UBND xã Phìn Ngan cho rằng trong khi đường nối đến cầu Sùng Hoảng đã có thể phục vụ ô tô qua lại thì mặt cầu rộng 2m chỉ có thể cho xe máy đi qua, điều này khiến việc phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa bị, vận chuyển vật liệu để xây dựng cho các thôn trên gặp rất nhiều khó khăn. Trước thực tế cầu quá bé và cũng đã hư hỏng nhiều, nhất là trụ cầu đã gỉ, mòn và được đổ bê tông chèn tạm thời, chính quyền và Nhân dân địa phương rất mong muốn các cấp quan tâm đầu tư xây dựng cầu mới để phục vụ phát triển kinh tế của địa phương và đi lại của người dân.

 Cầu Sùng Hoảng vừa hỏng, vừa nhỏ không còn đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Cầu Sùng Hoảng vừa hỏng, vừa nhỏ không còn đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Còn tại thị xã Sa Pa, theo rà soát, trên địa bàn có tới 22 cây cầu treo đã bị hỏng và cần được sửa chữa. Sau khi rà soát, UBND thị xã đã báo cáo và đề xuất chủ trương đầu tư sửa chữa với cấp trên để được xem xét.

Báo cáo nêu rõ, tại thị xã Sa Pa do địa hình chia cắt nên có nhiều cầu treo dân sinh được đầu tư từ những năm 2000 trở lại đây. Qua thời gian sử dụng và khai thác, cầu treo đã xuống cấp khiến việc đi lại của Nhân dân tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Trong số các cầu xuống cấp trên có cầu treo thôn Sín Chải, xã Hoàng Liên hiện đã hư hỏng nặng phần dầm, hệ thống dầm, mặt cầu và lan can. Anh Vàng A Tinh, người dân thôn Sín Chải cho biết: Cây cầu đang phục vụ đi lại của 107 hộ dân trong thôn và khu vực lân cận. Cầu hư hỏng đã hơn 2 năm nên người dân rất mong cầu sớm được sửa chữa.

 Cầu Sín Chải (xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa) hỏng nặng, tiềm ẩn nguy hiểm.

Cầu Sín Chải (xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa) hỏng nặng, tiềm ẩn nguy hiểm.

Ông Phan Tuấn Sơn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Sa Pa nhận định: Việc triển khai sửa chữa cầu treo trên địa bàn thị xã là cần thiết nhằm góp phần nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo an toàn giao thông, nhất là các đoạn đường đi qua các điểm du lịch cộng đồng, tạo hướng kết nối thuận tiện từ các thôn, bản ra trung tâm xã, phường và thị xã.

Đại diện Ban Quản lý dự án và đầu tư xây dựng thị xã Sa Pa cũng cho biết việc sửa các cây cầu đã được HĐND huyện phê duyệt chủ trương đầu tư bằng 2 nguồn vốn chính là ngân sách Trung ương và tiền thu sử dụng đất ngân sách thị xã.

Theo rà soát của Sở Giao thông vận tải tỉnh, toàn tỉnh có 3 cầu, ngầm tràn trên đường tỉnh lộ cần được được sửa chữa. Đối với đường huyện, đường xã có 33 cầu treo cần được sửa chữa, xây dựng mới. Số cầu cứng, ngầm tràn cần sửa chữa, xây dựng mới là 22.

Ông Trần Xuân Hiện, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Sau khi rà soát, sở đã tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các ngành thành lập đoàn liên ngành tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng các cầu, ngầm tràn đã bị hư hỏng cần được sửa chữa, xây dựng mới, qua đó làm cơ sở báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Ngành giao thông cũng tham mưu một số nội dung xử lý trước mắt như: Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố cần chủ động xây dựng phương án, kế hoạch phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ; thường xuyên bố trí người trực, theo dõi cập nhập thông tin về tình hình mưa bão, hướng dẫn Nhân dân qua lại tại những vị trí giao thông xung yếu, nguy hiểm để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản; thực hiện nghiêm túc công tác sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống cầu, ngầm tràn được giao quản lý đảm bảo chất lượng theo đúng quy định. Tiếp tục công tác tuần đường, kiểm tra cầu để kịp thời phát hiện các hư hỏng, sự cố công trình, đặc biệt đối với các cầu có nhiều nguy cơ hư hỏng như các cầu sử dụng gối cầu cao su đã khai thác nhiều năm... Kiểm tra thường xuyên, định kỳ để đánh giá tình trạng gối, ụ chống va xô trên đỉnh mố trụ, nhất là cầu bê tông cốt thép, bê tông cốt thép dự ứng lực có sử dụng gối cầu cao su để sớm phát hiện hư hỏng, dịch chuyển gối, các dấu hiệu bất thường để kịp thời xử lý. Tổ chức rà soát, nắm bắt hiện trạng các tuyến đường và các công trình cầu, ngầm ở vùng thường xuyên bị ngập lụt. Kiểm tra, sửa chữa, bổ sung các cột thủy chí, các biển cảnh báo nguy hiểm tại những vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông khi xảy ra thiên tai, mưa lũ.

Đối với các cầu, ngầm tràn đã bị hư hỏng xuống cấp, trước mắt đề nghị tổ chức cắm biển hạn chế tải trọng và biển cảnh báo người dân khi qua lại để đảm bảo an toàn; phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra, đánh giá các hư hỏng để báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định trong thời gian sớm nhất.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nhung-cay-cau-xuong-cap-cho-sua-chua-post386458.html