Những chỉ số cần lưu ý trong nhóm ngân hàng

Trong hầu hết danh mục khuyến nghị đầu tư năm 2024 đều có cổ phiếu ngân hàng và thực tế cho thấy, cổ phiếu 'vua' mang lại mức sinh lời tốt. Sang năm 2025, nhóm ngành ngân hàng được dự báo mang lại mức tăng trưởng 15 - 20%.

2024 là một năm thành công đối với phần lớn các ngân hàng.

2024 là một năm thành công đối với phần lớn các ngân hàng.

Ngân hàng tập trung vào các chỉ số quan trọng

Thông tin về tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng luôn là dữ liệu được thị trường quan tâm, nhưng các ngân hàng không quá tập trung vào tăng trưởng tín dụng, mà chú trọng vào việc kiểm soát các chỉ số quan trọng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, các chuyên gia phân tích cho biết, họ đánh giá cao tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) thông qua báo cáo tài chính của VietinBank, bởi ngân hàng này tập trung vào tăng trưởng thông qua phát huy hệ sinh thái của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.

Chiến lược của VietinBank đặt trọng tâm vào cải thiện tỷ lệ CASA, tăng tỷ lệ thu nhập từ lãi và các nguồn thu khác. CASA của Ngân hàng đã tăng từ 19 - 20% lên mức cao mới là gần 23% chỉ sau một năm.

Trong những tháng đầu năm 2024, Vietcombank đối mặt với môi trường tăng trưởng tương đối rủi ro, nhưng vẫn quản trị tốt và hạn chế giải ngân tín dụng. Những tháng cuối năm, Ngân hàng mới đẩy mạnh giải ngân tín dụng để cải thiện tỷ lệ tăng trưởng.

Biên lãi ròng (NIM) của Vietcombank năm nay giảm từ 3,3% xuống 3%, một mức giảm đáng kể, nhưng vẫn nằm trong khả năng kiểm soát.

Đối với các ngân hàng tập trung vào cho vay doanh nghiệp, 2024 là một năm khá thành công. Điều này đến từ sự tăng trưởng đầu tư của khu vực FDI và tư nhân. Cụ thể, Techcombank, MB và HDBank đều đạt được kết quả tốt. Đặc biệt, MB Bank đã quản trị rủi ro hiệu quả, dù quý I/2024 có sự gia tăng nợ xấu từ các khoản vay tái cơ cấu.

Nhóm ngân hàng cho vay cá nhân như VPBank và TPBank gặp khó khăn hơn do nhu cầu tiêu dùng chưa hoàn toàn phục hồi. VPBank có tỷ lệ cho vay cá nhân rất cao (trên 90%), tập trung vào các khoản vay mua nhà, mua xe và tiêu dùng trả góp.

Đây là những nhu cầu thực của xã hội, nhưng nợ xấu và áp lực tăng trưởng khiến Ngân hàng phải kiểm soát rủi ro chặt chẽ hơn.

Mặc dù vậy, VPBank đã đẩy mạnh các gói vay ưu đãi và linh hoạt hơn trong quý cuối năm, giúp cải thiện tình hình. Trong khi đó, TPBank nỗ lực cải thiện trải nghiệm khách hàng và tỷ lệ CASA, dù tăng trưởng không cao.

Một lãnh đạo Vietcombank ước tính, tỷ lệ CASA của hệ thống ngân hàng dao động quanh mức 20% trong năm 2024, hồi phục từ vùng đáy 17,6% trong quý I/2023 nhờ lãi suất tiền gửi có kỳ hạn giảm nhanh, doanh nghiệp và cá nhân gia tăng lượng tiền mặt phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, cũng như một phần nhu cầu đầu tư khi các thị trường vàng, bất động sản sôi động hơn.

Mức sinh lời của cổ phiếu ngân hàng từ đầu năm đến cuối tháng 11/2024.

Mức sinh lời của cổ phiếu ngân hàng từ đầu năm đến cuối tháng 11/2024.

Mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt trong việc tìm kiếm và thu hút nguồn CASA ổn định từ khách hàng cá nhân, với những sản phẩm, sáng kiến mới liên tục được các ngân hàng đưa ra như tính năng auto-earning.

Theo đó, các ngân hàng ghi nhận lượng khách hàng cá nhân giao dịch thường xuyên lớn nhờ độ phủ mạng lưới, đẩy mạnh số hóa và tận dụng hệ sinh thái như Vietcombank, VietinBank, MBB, Techcombank, MSB duy trì được nguồn vốn huy động dồi dào và lợi thế chi phí vốn thấp.

“2024 là một năm thành công đối với phần lớn các ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng trong Top 15. Dù thị trường tăng trưởng không ổn định, cổ phiếu ngân hàng vẫn mang lại mức sinh lời khá tốt cho nhà đầu tư. Điều này khẳng định vị thế quan trọng và tiềm năng phát triển của ngành ngân hàng trong thời gian tới”, ông Lê Hoài Ân, CFA, nhà sáng lập IFSS chia sẻ.

Chiến lược phản ánh qua mức sinh lời

Những ngày cuối năm 2024, tâm lý chung của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán khá ảm đạm, với nhiều phiên đi ngang, chỉ số VN-Index dao động quanh mức 1.270 điểm.

Tuy nhiên, các cổ phiếu ngân hàng không hoàn toàn thể hiện sự u ám trong vận động. Sau tháng 11/2024 không có mã nào phá kỷ lục giá, từ đầu tháng 12, nhóm này đã có 4 lần phá kỷ lục giá, chia đều cho 2 mã HDBank (2 lần) và LPBank (2 lần).

Mirae Asset vừa đưa ra danh mục khuyến nghị đầu tư tháng 12/2024 với 10 cổ phiếu tiềm năng, trong đó có sự hiện diện 3 mã cổ phiếu ngân hàng. Cụ thể, Techcombank có tiềm năng tăng tới 22%.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, ngân hàng này ghi nhận tổng lợi nhuận trước thuế hơn 22.800 tỷ đồng, tăng trưởng 36,6% và hoàn thành 84,3% kế hoạch năm. Với cổ phiếu HDBank và MB, tiềm năng tăng giá lần lượt là 14% và 13%.

Trong diễn biến có liên quan, năm 2024, thị trường hay nhắc đến câu chuyện nhà đầu tư nước ngoài bán ròng cổ phiếu, nhưng thực tế khối ngoại bán rất ít cổ phiếu ngân hàng và vẫn duy trì một tỷ lệ đáng kể các cổ phiếu ngân hàng trong danh mục đầu tư.

Những cổ phiếu ngân hàng bị bán ròng chủ yếu thuộc nhóm chuyên cho vay cá nhân và mục tiêu bán thường xuất phát từ nhu cầu cơ cấu lại danh mục. Ví dụ, cổ phiếu của VPBank bị bán ròng trong năm 2023 và tiếp tục bị bán ra trong năm 2024; cổ phiếu VIB và BVBank cũng chịu tình cảnh tương tự.

Đánh giá việc thực thi chiến lược của các ngân hàng (Nguồn: Wiresearch).

Đánh giá việc thực thi chiến lược của các ngân hàng (Nguồn: Wiresearch).

Liên quan đến vấn đề này, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB nhận xét: “Các quỹ đầu tư rất nhạy bén với sự thay đổi trong xu hướng vĩ mô. Những ngân hàng có tỷ trọng lớn trong lĩnh vực cho vay cá nhân thường chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ các biến động kinh tế, đặc biệt là khi tiêu dùng chưa hoàn toàn phục hồi.

Nhìn chung, chiến lược đầu tư vào ngân hàng không chỉ dựa trên hiệu quả kinh doanh, mà còn phải cân nhắc đến các yếu tố vĩ mô và sự chuyển dịch trong dòng vốn quốc tế.

Đây là lý do tại sao nhóm ngân hàng quốc doanh và các ngân hàng có chiến lược tăng trưởng bền vững thường thu hút sự quan tâm lớn hơn từ các quỹ đầu tư, so với các ngân hàng tập trung vào tín dụng cá nhân”.

Ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh số, Công ty Chứng khoán VPBank cho biết, đặc điểm của nhóm cổ phiếu ngân hàng là bám rất sát với tăng trưởng của kinh tế. Khi kinh tế tăng trưởng chậm hoặc có nhiều rủi ro thì nhóm ngân hàng rất khó tăng trưởng.

Diễn biến hiện nay cho thấy, năm 2024 đã giải quyết được khá nhiều vấn đề rủi ro của nền kinh tế như thị trường bất động sản đang có nhiều tín hiệu tích cực, thị trường trái phiếu doanh nghiệp dần lấy lại được niềm tin...

“Đặc điểm chính của nhóm ngành ngân hàng đó là sau hai năm không có tăng trưởng nhiều thì hiện nay định giá đang ở mức thấp, tương đương với những thời điểm thấp nhất trong lịch sử. Với hiện trạng như vậy, nếu nói ngân hàng năm 2025 sẽ dẫn dắt thị trường có thể hơi khó, bởi nhóm dẫn dắt diện hiện nay là công nghệ, nhưng mức tăng trưởng cổ phiếu ngân hàng khoảng 15 - 20% là điều hoàn toàn có thể xảy ra”, ông Đức nói.

Nhuệ Mẫn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nhung-chi-so-can-luu-y-trong-nhom-ngan-hang-post359960.html