Những chi tiết bí ẩn trong vụ người vợ mất tích khi đang đi xuất khẩu lao động cùng chồng
Trong một lần ra mua đồ cùng với người bạn, chị Hoài bất ngờ mất tích. Anh Lợi đi tìm kiếm khắp nơi nhưng gần 3 tháng qua vẫn không thấy tung tích vợ.
Mấy ngày nay, anh Nguyễn Công Lợi (SN 1994), trú tại xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An vẫn tiếp tục "vác" lá đơn kêu cứu tới gõ cửa các cơ quan chức năng, các tổ chức Việt Nam – Trung Quốc mà anh biết được, để nhờ giúp đỡ tìm người vợ là chị Nguyễn Thị Hoài (SN 1998) mất tích bí ẩn tại Trung Quốc cách đây 3 tháng.
Anh Lợi kể, vợ chồng anh lấy nhau đã được 3 năm nhưng vẫn chưa có con. Gia đình anh đã nghèo, gia đình chị còn khó khăn hơn. Thấy việc ở chung với mẹ trong khi công việc không ổn định mãi cũng không được, anh mới bàn với chị tìm cách đi Trung Quốc làm ăn, kiếm ít vốn để sau này về lập nghiệp.
Ngày 6/4, vợ chồng anh được một người quen giới thiệu đi sang Trung Quốc làm việc. Sau khi sang nước bạn, anh chị làm việc tại một xưởng sản xuất dép ở huyện Mục Lụi, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Dù công việc vất vả, nhưng hai vợ chồng vẫn động viên nhau cố gắng để kiếm tiền, sớm mong trở về quê hương.
Tuy nhiên, chỉ khoảng 1 tháng sau, vào ngày 2/5, sau khi tan làm, hai vợ chồng ăn cơm tối xong thì lên giường ngồi chơi. Đến khoảng 19h, một người trong xưởng tên Nguyễn Thị Bình, trú huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An rủ vợ anh Lợi ra ngoài mua sắm một ít đồ dùng cá nhân.
Nghĩ bạn gái với nhau, cùng quê nên chị Hoài vui vẻ đồng ý. Tuy nhiên, hơn 3 tiếng sau không thấy vợ về, anh Lợi đã gọi điện thoại cho người đi cùng chị Hoài. Điều đáng nói, người đi cùng cũng không biết chị Hoài đi đâu.
“Hai vợ chồng có một chiếc điện thoại do tôi cầm, thời điểm rời xưởng thì Hoài không mang theo giấy tờ tùy thân, trên người cũng chỉ mặc một chiếc quần short và áo ngắn tay. Vì vậy, không còn cách nào khác, tôi với mọi người trong xưởng mới tỏa ra đi tìm chị Bình. Đến lúc tìm thấy thì Bình trả lời vòng vo, chỉ đến khi tôi dọa đưa lên công an thì Bình mới khai sự thật”, anh Lợi kể.
Theo lời kể của chị Nguyễn Thị Bình, người chồng này mới biết, vào thời điểm chị Hoài đi mua đồ có gặp một đối tượng tên Lê Mạnh Ch. (SN 1988, quê Hải Dương). Kẻ này cũng từng làm một thời gian tại xưởng sản xuất dép, nhưng do nghiện ma túy nên đã bị ông chủ đuổi đi. Tuy nhiên, do quen biết với các công nhân nơi đây nên thỉnh thoảng Ch. vẫn hay đến chơi.
“Khi gặp vợ tôi cùng Bình, thì Chính đã rủ cả 2 lên một chiếc xe ô tô. Tuy nhiên khi vừa bước lên thì Ch. xô Bình xuống, rồi bắt vợ tôi bỏ chạy. Cho đến giờ thì không biết vợ tôi đang ở đâu nữa”, anh Lợi thở dài.
Tìm mọi cách để hỏi về thông tin người vợ không được, anh Nguyễn Công Lợi đã báo Công an Trung Quốc nhờ giúp đỡ. Tại đây, đơn vị này đã lập biên bản sự việc rồi bảo anh Lợi trở về chờ đợi, thế nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có kết quả.
Đau đớn hơn, người chủ xưởng sợ bị liên lụy nên đã đuổi việc anh Lợi, không còn cách nào khác người chồng khốn khổ phải xếp đồ trở về nước trong sự thất vọng tràn trề. Chuyến đi làm lần này, anh không những không có tiền, còn mất đi người vợ xinh đẹp.
Anh Lợi khẳng định, vợ chồng anh mới sang, không quen biết gì đối tượng Chính. Thỉnh thoảng có gặp nhau cùng gật đầu chào, chứ chưa bao giờ nói chuyện hay tiếp xúc riêng. Vì vậy, không có chuyện vợ anh “tự nguyện” đi theo kẻ này. Ngoài ra, vợ anh cũng không gây thù oán với ai nên khả năng bị người khác trả thù là không thể xảy ra.
“Do thiếu hiểu biết nên vợ chồng chúng tôi không đi xuất khẩu lao động thông qua công ty hay đơn vị nào, mà đi bằng con đường “chui” từ những mối quen biết. Tại nơi vợ chồng làm việc đều là những người Việt Nam sang, chúng tôi ăn tại xưởng, ngủ ở đây và hạn chế ra ngoài. Vì vậy, từ khi sang cho đến khi vợ tôi mất tích thì cả hai đều không gây thù oán hay xích mích gì với những người trong xưởng cả”, anh Lợi khẳng định.
Trước việc trên, anh Lợi khẳng định vợ mình đã bị một số đối tượng bắt cóc. Vì vậy, hơn 3 tháng qua, anh Lợi chưa được ngủ trọn giấc, bởi mỗi lần đặt lưng xuống thì hình ảnh người vợ lại xuất hiện.
“Tôi không sợ vất vả, mệt mỏi, chỉ hi vọng tìm được vợ. Tôi đã gửi đơn khắp các cơ quan chức năng, các đơn vị có thẩm quyền, các tổ chức ở cả Trung Quốc và Việt Nam,… nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin gì. Số tiền bỏ ra đến nay cũng hơn 100 triệu rồi, nhưng không còn cách nào khác tôi vẫn phải vay mượn để đi tìm vợ”, anh Lợi thở dài.
Ông Nguyễn Văn Duẩn, Trưởng Công an xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn cho hay, đã tiếp nhận trình báo của gia đình về việc chị Nguyễn Thị Hoài mất tích nhiều tháng qua khi đang làm việc ở Trung Quốc. Tuy nhiên, do sự việc vượt quá thẩm quyền nên công an xã này đã hướng dẫn gia đình hoàn tất các thủ tục để gửi đơn lên các cấp cao hơn.