Những chiếc điện thoại chợt im lặng sau động đất Thổ Nhĩ Kỳ
Sanliurfa, thành phố lớn ở phía Nam của Thổ Nhĩ Kỳ, là một trong những nơi chịu ảnh hưởng lớn của trận động đất vào hôm 7/2, khiến hàng nghìn người thiệt mạng.
Hàng dài những chiếc ôtô di chuyển về phía bắc, thoát khỏi thành phố Sanliurfa hoang tàn, chở theo nhiều người dân ra khỏi khu vực tâm chấn của trận động đất mạnh nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều thập kỷ.
AFP mô tả cảnh tượng ở phía bên kia đường, một gia đình đang đi bộ dưới cơn mưa lạnh ngắt, tất cả đồ đạc được để trong chiếc xe đẩy. Những người này đang tìm một nơi trú ẩn an toàn để ở lại qua đêm.
Sanliurfa, một thành phố lớn ở phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ, nằm trong khu vực tâm chấn của trận động đất vào hôm 6/2. Trận động đất này đã khiến hơn 4.000 người thiệt mạng tại khu vực miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Thảm họa này đã khiến gần 3.500 tòa nhà sụp đổ ở 10 tỉnh của Thổ Nhĩ Kỳ, khiến hơn 11.000 người bị thương. Trong khi đó, vẫn còn nhiều người đang bị kẹt dưới đống đổ nát. Trận động đất đã tạo ra sự phá hủy trên quy mô lớn chưa từng thấy trong nhiều năm.
Những chiếc điện thoại im lặng
Có thể thấy rõ sự tàn phá mà trận động đất đã gây ra khi nhìn vào khung cảnh tại một trong những con đường chính ở thành phố Sanliurfa, nơi hàng chục nhân viên cứu hộ đang cố gắng đưa người sống sót ra khỏi tòa nhà 7 tầng bị sụp đổ trong thảm họa hôm 6/2.
Có ít nhất 30 người đã thiệt mạng ở tỉnh Sanliurfa, nơi 200 tòa nhà đã sụp đổ dưới làn sóng xung kích từ trận động đất mạnh 7,8 độ richter.
Omer El Cuneyd hy vọng rằng số người thương vong sẽ không tiếp tục tăng trong những ngày tới.
"Có những gia đình mà tôi quen biết vẫn đang bị chôn vùi dưới đống đổ nát", Omer, một sinh viên 20 tuổi người Syria cho biết.
"Tới 11h hôm qua, bạn tôi vẫn còn đang trả lời điện thoại. Nhưng giờ đây cô không còn nhấc máy nữa. Cô ấy đang ở dưới đống đổ nát nhưng chiếc điện thoại có thể đã hết pin", Omer chia sẻ, cố gắng giữ sự lạc quan.
"Chúng tôi sẽ ở lại đây"
Nhưng nhiệm vụ trước mắt Omer không hề đơn giản. Trước mặt anh là một chiếc sofa bị phá hủy, một chiếc ghế gãy và những tấm rèm bị rách, dấu hiệu của một cuộc sống thanh bình trước thảm họa ngày 6/2.
Hàng chục người cố gắng để nâng những tấm bê tông lớn, đồng thời nghe ngóng và tìm kiếm dấu hiệu của những người còn sống sót. Đôi lúc, họ sẽ dừng tay để nghe tiếng kêu hay âm thanh phát ra từ đống đổ nát với tâm trạng mệt mỏi trộn lẫn với sự lo lắng và hy vọng.
Omer cho biết anh cùng những người bạn sẽ ở lại đây cả đêm dù trời có mưa hay thời tiết trở nên lạnh giá hơn. "Tôi buộc phải làm điều này", anh cho biết.
Cách đó một quãng đường đi bộ ngắn, Emin Kacmaz đang ngồi bên cạnh một ngọn lửa tự chế nhỏ cùng với ba người bạn bên ngoài căn hộ của họ.
Khoác những chiếc chăn cũ nát, Emin và những người bạn đang canh gác cửa hàng đã bị phá hủy của họ. Những cửa sổ lớn của cửa hàng đã bị đập vỡ và các cột trụ cũng xuất hiện vết nứt. Tòa nhà cao 7 tầng đang đứng trước nguy cơ sụp đổ.
"Tòa nhà này không an toàn", Emin, 30 tuổi, chia sẻ nhưng khẳng định anh sẽ không rời đi.
"Chúng tôi sẽ ở lại đây cả đêm. Cửa hàng này là kế sinh nhai của chúng tôi", anh khẳng định.
"Mọi người đều cảm thấy sợ hãi"
Trên cùng con đường, cách nơi anh Emin đang ngồi một vài trăm mét là bãi để xe nơi Mustafa Koyuncu, 55 tuổi, cùng vợ và 5 người con đang ngồi trong chiếc xe màu trắng của họ.
Giống như nhiều người khác, gia đình của ông Koyuncu không có ý định di chuyển đến nơi trú ẩn.
"Chúng tôi chờ ở đây vì không thể trở về nhà. Chính phủ không cho phép người dân vào trong các tòa nhà để đảm bảo an toàn", ông Koyuncu chia sẻ.
Koyuncu vẫn giữ hy vọng rằng gia đình của ông sẽ được trở về nhà vào cuối ngày 6/2. Nhưng nếu điều này không xảy ra, ông cùng vợ và con sẽ đến nhà thờ Hồi giáo trong khu vực. Giống với các tòa nhà công cộng khác, nơi đây đã được chuyển đổi thành chỗ trú ẩn cho người dân.
"Tòa nhà của chúng tôi vẫn còn chắc chắn và an toàn", ông Koyuncu khẳng định.
Những câu nói đảm bảo của Koyuncu nhanh chóng biến mất sau khi con gái ông lên tiếng. "Có ai mà không sợ hãi vào lúc này. Mọi người đều đang cảm thấy sợ hãi", ông thừa nhận.