Những chiếc giường tre nặng tình Tổ quốc, thắm nghĩa đồng bào - Bài 1

Những thợ mộc không chuyên

Hơn hai chục ngày kể từ khi đại dịch Covid-19 lây lan vào Bình Phước, mỗi ngày trôi qua lại có thêm thật nhiều những hành động đẹp của nhân dân trong cuộc chiến chống dịch. Khắp mọi nơi trên vùng đất Bình Phước giàu truyền thống cách mạng, mỗi người lại có cách đóng góp của riêng mình. Từ ý tưởng đơn lẻ, những chiếc giường đơn sơ nhưng thắm đượm nghĩa tình mà người dân tự tay đóng gửi đến các khu cách ly đã trở thành một phong trào đang lan tỏa mạnh mẽ ở huyện Hớn Quản.

Lần đầu làm thợ mộc

Tại nhà anh Nguyễn Văn Châu ở ấp Sóc Ruộng 2, xã Tân Quan, huyện Hớn Quản, giữa buổi trưa hè, tiếng cưa, tiếng đục đẽo, tiếng bào gỗ rộn rã một khoảng sân… Những âm thanh ấy cùng với tiếng cười nói vui vẻ đã tạo nên sự khác biệt giữa không gian tĩnh lặng của những ngày giãn cách.

Nét mặt rạng ngời, nụ cười hạnh phúc của già làng Điểu Phụng (ấp Sóc Răng, xã Thanh Bình) khi cùng nhân dân đóng giường gửi tặng khu cách ly

Nét mặt rạng ngời, nụ cười hạnh phúc của già làng Điểu Phụng (ấp Sóc Răng, xã Thanh Bình) khi cùng nhân dân đóng giường gửi tặng khu cách ly

Những người thợ mộc không chuyên của xóm đang cùng nhau đóng giường để gửi tặng các khu cách ly. Những đôi tay vốn hàng ngày chỉ quen thuộc với việc cầm cuốc, cầm dao cạo mủ cao su thì giờ đây cũng dần quen với việc cầm cưa, cầm đục. Vừa làm vừa nói chuyện, anh Châu cho biết: “Tôi là công nhân cạo mủ cao su. Trong thời gian này, dịch bệnh bùng phát mạnh nên phải nghỉ cạo ở nhà. Thấy ban ấp vận động bà con đóng giường gửi cho khu cách ly, tôi thấy ý nghĩa nên rủ mọi người về nhà làm cho rộng rãi, thoáng mát”.

Dưới cái nắng gay gắt của những ngày tháng bảy, những đôi vai rắn chắc của “cánh thợ mộc” không chuyên bóng nhẫy mồ hôi. Những chiếc giường đơn sơ nhưng rất vững chắc được đóng từ tre, gỗ của đồng bào đang dần hoàn thiện. Không bao lâu nữa, những chiếc giường này sẽ được chuyển đến các khu cách ly phòng chống dịch. “Đã mấy ngày rồi chưa được một giấc ngủ trưa, nhưng cứ nghĩ đến sự vất vả của những người nơi tuyến đầu chống dịch, nghĩ đến những người trong khu cách ly thì chúng tôi quên hết mệt nhọc” - anh Châu tiếp lời.

Tất cả đều tự nguyện

Từ lúc biết anh Châu và một số người trong ấp có ý định đóng giường hỗ trợ khu cách ly, nhiều người trong ấp đã tự nguyện đến tham gia, đóng góp. Ai có tre góp tre, ai có gỗ góp gỗ, không góp tre, góp gỗ thì góp xe kéo, góp công đi chặt cây. Một xưởng cưa trong ấp cũng tự nguyện cắt, xẻ gỗ miễn phí để bà con làm vật liệu đóng giường. Anh Phạm Văn Viên, ấp Sóc Ruộng 2, xã Tân Quan, một trong những người thợ được mọi người đánh giá là “có tay nghề nhất” tự hào nói:“Trước đây tôi cũng biết sơ sơ nghề mộc, giờ thì thấy thật hữu ích. Công việc này có ích cho xã hội, kịp thời giúp đỡ những người không may phải ở trong khu cách ly nên mình tự nguyện cùng anh em làm”.

Với những phụ nữ trong ấp khi không thể làm thay công việc nặng nhọc của đàn ông thì họ lại có cách giúp đỡ, động viên khác. Bà Phạm Thị May, ấp Sóc Ruộng 2, xã Tân Quan vui vẻ nói: “Chúng tôi chỉ vận động 1 buổi chiều mà đã đủ vật liệu để đóng 5 cái giường như thế này. Khi anh em bắt tay vào làm, để động viên tinh thần, chị em chúng tôi mỗi người một tay, khi thì mớ trái cây, vài chai nước ngọt, ly nước chanh để gửi đến các anh. Thời điểm này, do không thể tập trung đông người nên đa số chúng tôi nhờ chị trưởng ấp đi chống dịch ngang qua thì cầm đến cho các anh”.

Mỗi người một việc, người dân ấp Sóc Ruộng 2, xã Tân Quan, huyện Hớn Quản đang khẩn trương hoàn thiện để những chiếc giường sớm được đưa đến khu cách ly tập trung

Mỗi người một việc, người dân ấp Sóc Ruộng 2, xã Tân Quan, huyện Hớn Quản đang khẩn trương hoàn thiện để những chiếc giường sớm được đưa đến khu cách ly tập trung

Gửi yêu thương vào khu cách ly

Đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, khác với những lần trước đó, đợt dịch lần này nguy hiểm, lây lan nhanh và phức tạp hơn. Và, từ thực tiễn cho thấy, trong cuộc chiến với đại dịch Covdi-19 sẽ không một loại vắc xin nào hiệu quả bằng ý thức của người dân, cũng không một giải pháp nào chống dịch hiệu quả bằng sự đồng lòng sẻ chia và tinh thần, trách nhiệm của nhân dân.

Với sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, chưa đầy 3 ngày, chỉ tính riêng xã Tân Quan đã có 12 chiếc giường bằng gỗ và tre được hoàn thành. Chị Trần Thu Phương, Phó chủ tịch UBND xã Tân Quan cho biết: “Với những chiếc giường nghĩa tình này, cán bộ và nhân dân Tân Quan muốn gửi gắm những tình cảm yêu thương của mình đến tuyến đầu chống dịch, nhất là những người trong các khu cách ly. Chúng tôi mong các anh chị hãy vững tin, lạc quan vì phía sau vẫn luôn có chúng tôi. Chúng ta sẽ đoàn kết, sát cánh để cùng nhau chung sức đẩy lùi dịch bệnh”.

Sau hơn một năm đồng lòng, hợp sức chống dịch, ngày 30-6-2021, phòng tuyến chống dịch của Bình Phước đã bị xuyên thủng, tính đến 11 giờ 10 phút ngày 23-7, toàn tỉnh đã ghi nhận 129 ca dương tính với SARS-CoV-2.

Dịch Covid-19 đã và đang gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân nói chung, người dân trong vùng dịch và những người trong khu cách ly nói riêng. Để chia sẻ những khó khăn ấy, hơn lúc nào hết tinh thần đoàn kết một lòng, tình yêu thương, nghĩa đồng bào của người dân Việt lại được khơi dậy. Những chiếc giường tre, giường gỗ do chính nhân dân các xã ở huyện Hớn Quản làm ra là minh chứng cụ thể, sinh động nhất, thiết thực nhất về tình người, tình đoàn kết dân tộc. Những “món quà” ý nghĩa này là động lực to lớn, cổ vũ lực lượng tuyến đầu chống dịch và sưởi ấm tinh thần cho những người trong khu cách ly. Rồi đây, dịch bệnh chắc chắn sẽ qua đi, nhưng nghĩa đồng bào sẽ còn đọng mãi.

Quang Xuân

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/125411/nhung-chiec-giuong-tre-nang-tinh-to-quoc-tham-nghia-dong-bao-bai-1