Những chiếc máy tính

Tốt nghiệp đại học năm 1983, về công tác tại một sở của tỉnh, ấy vậy mà mãi tới những năm cuối của thế kỷ XX, tôi bắt đầu được tiếp xúc với máy vi tính. Chiếc máy cũ kỹ, cọc cạch, chạy rất chậm và thường bị treo, bị lỗi và là tài sản chung của cả phòng.

Là trưởng phòng cấp sở, bao nhiêu năm, tôi chỉ ghi chép, tính toán tổng hợp bằng tay vào giấy. Đó là tất cả khả năng và yêu cầu mang tính phổ quát của nền hành chính lúc ấy. Cả phòng chỉ được trang bị 1 chiếc máy tính cũ nhưng như thế đã là điều rất mừng. Trong giờ làm việc, tôi phải nhường máy cho mấy cậu kỹ sư, cử nhân mới ra trường có ngón nghề tin học; bản thân cũng chỉ dám ngó... cho biết. Lúc rảnh việc thì nhờ mấy đồng nghiệp trẻ chỉ bày cho đôi chút, gọi là tập tành khám phá. Ngoài giờ, thường là ban đêm đến cơ quan, tôi tập mở máy, đóng máy, gõ chữ, làm quen với các lệnh, cũng start, shut down, enter, esc… các thứ. Gặp lúc máy đứng, máy treo, lỗi chữ, lỗi dòng thì phải vật nhau với cái máy ấy cả buổi đến toát mồ hôi; bí quá thì bí mật gọi cho anh bạn giỏi vi tính chỉ hộ.

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Lại nhớ chuyện liên quan đến nhà thơ Văn Công Hùng-bạn tôi. Có lẽ xuất phát từ nhu cầu viết, đam mê chữ, cày chữ nuôi con mà anh bỏ thời gian tìm hiểu sâu về máy vi tính, đến mức giỏi như... chuyên gia. Hồi mới tách tỉnh, anh mua lại cái máy vi tính cũ (loại máy bàn) chuyên thiết kế vẽ các loại của một họa sĩ thân quen được điều đi Kon Tum. Cái máy tính ấy như “bảo vật trứ danh” hiếm có cá nhân nào tậu được. Sau quá trình nâng ram, cài đặt các thứ, máy chạy như ngựa, cho ra tiền... như nước. Anh thuộc số ít những người viết biết dùng máy vi tính đầu tiên.

2. Tôi thì từ khi đi học trên ghế nhà trường, chưa bao giờ được nhìn thấy cái máy vi tính kỳ diệu ấy. Nhỏ, đi học cấp II chỉ được học cái bàn tính làm bằng gỗ. Nó cũng là công cụ tính toán, nhưng phải gạt bằng tay. Các nhà buôn, người bán cửa hàng, thư ký đội sản xuất, kế toán hợp tác xã… mới có và mới biết dùng cái bàn tính bằng gỗ ấy. Nhìn những ngón tay của họ gạt qua gạt lại tanh tách trên bàn tính như múa, tôi cứ tròn xoe mắt thán phục. Cái bàn tính gỗ quý, càng tính càng loáng bóng nhẵn trơn.

Học trò thì làm cái bàn tính bằng tre, khung gỗ. Trên cái khung gỗ nhỏ hình chữ nhật, chia làm 2 ngăn, 1 ngăn lớn, 1 ngăn nhỏ. Trên đó khoan lỗ luồn qua những thanh tre vót tròn lẳn. Mỗi thanh tre chui qua hai phần lớn và nhỏ của cái khung chữ nhật, có khoảng cách đều nhau và vừa tầm các con lăn nhỏ cũng bằng tre, gọi là hòn tịch hoặc con tịch. Hòn tịch của học trò là những lóng tre nhỏ, cắt khúc đều nhau cỡ 0,5 cm, có lỗ rỗng để xâu cái que qua được. Mỗi que tre, bên ô lớn được luồn 5 hòn tịch, bên ô nhỏ luồn 3 hòn tịch. Trước khi tính toán, tất cả các hòn tịch được gạt hết về bên trái. Khi tính thì đưa ngón tay gạt dần các hòn tịch về bên phải theo sự tăng giảm của con số trong phép tính. Cứ 5 hòn tịch bên ô lớn (gồm 5 hòn), bằng 1 hòn tịch bên ô nhỏ (gồm 3 hòn). Theo chiều dọc bàn tịch, từ trên xuống giá trị các hòn tịch được tăng dần… Chỉ có thế mà cả hàng ngàn năm, người ta cộng trừ được tất tần tật mọi thứ, với số lượng bất kể lớn nhỏ, độ chính xác cao, lại nhanh gấp hàng trăm lần đếm que, bấm đốt ngón tay, thắt nút.

3. Sau này thì có các loại máy tính casio chạy pin, tiện dụng gấp hàng trăm lần bàn tính. Đó là bước nhảy kỳ diệu trước thời excel của máy vi tính. Máy vi tính sau này hầu như được cá nhân hóa. Khi đã có sự phổ biến của máy tính, mỗi máy đều có khóa bằng mật mã chỉ riêng người dùng mới mở được. Sướng nhất là người viết! Cái máy vi tính hỗ trợ biến ảo văn bản như thần. Từ cắt xóa sửa văn bản, chỉnh trang phông chữ, đến thêm bớt câu văn, rồi thay đổi kết cấu trang viết, copy, lưu bài, gửi bài… như những phép màu.

Sau này, tôi mua chiếc máy tính xách tay loại nhỏ theo sở thích và cơ động trong công việc cũng như việc riêng. Chỉ với cái máy rất riêng ấy, tôi mới có nhiều cảm hứng ghi chép, viết tài liệu và làm mọi việc trên đó. Giờ đây, nhớ lại hồi kỳ cọc tập tành đánh vật với cái máy cổ lỗ của một phòng cấp sở thời xa xưa ấy, mới thấy cuộc sống ngày một đổi thay đến nhường nào.

NHÂN SƠN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nhung-chiec-may-tinh-post242570.html