Những chiếc vòng tay của Thy Phụng

Năm 3 tuổi, cô bị bướu ổ bụng, phải mổ, nhưng để lại di chứng ảnh hưởng đến đôi chân và tâm lý suốt thời niên thiếu. Sau nhiều năm chữa trị, 18 tuổi được học may tại TP Hồ Chí Minh nhưng cô chỉ thực sự 'thoát' ra khỏi mặc cảm về số phận khoảng 10 năm nay. Đó là Bùi Xuân Thy Phụng, hiện cô đang đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Bảo Lộc.

Thy Phụng và công việc làm thêm lúc nhàn rỗi. Ảnh: Nhật Quân

Thy Phụng và công việc làm thêm lúc nhàn rỗi. Ảnh: Nhật Quân

Thy Phụng vốn yêu thích những công việc thủ công mang tính tỉ mỉ, như: đan, móc, kết hạt, xếp giấy… thành vòng tay, giỏ xách, bình hoa… Cô hài hước nói, mình thích mày mò làm những loại thủ công mà người khác ít thích làm, theo kiểu kết những mẫu hoa văn thật nhỏ, thật tỉ mỉ rồi kết thành dây trang sức, hoặc bọc vòng tay, gấp hạc giấy, gấp ngôi sao giấy…

Hai năm nay, Thy Phụng có thêm một công việc mới là làm vòng đeo tay kết chữ, từ một lần tình cờ làm giúp bạn kết một chiếc vòng có chữ. Cô rất thích, nên cứ lần mò tìm hiểu cách kết các chữ mình thích hay những chữ khách yêu cầu.Dần dần, cô thấy vui thích vì không chỉ kết chữ lên các loại vòng, mà qua đó còn là sự kết nối của cô và cộng đồng.

Với Phụng, kết vòng rất đơn giản, dễ thao tác. Nếu có sẵn sợi theo màu và loại chữ muốn kết lên vòng, thì từ 30-45 phút là có thể kết xong 1 chiếc vòng tay xinh xắn và lạ mắt.

Hiện tại, ngoài công việc hằng ngày là trực tại Văn phòng Hội Người khuyết tật TP Bảo Lộc, Thy Phụng nhận làm vòng tay gia công, kết chữ theo yêu cầu của khách.

Phụng cho biết, hiện giờ việc làm vòng tay kết chữ chưa nhiều, nên cô chỉ tranh thủ lúc Văn phòng vắng khách.

Dù vậy, Thy Phụng hy vọng, khi những chiếc vòng kết chữ này được nhiều người đón nhận, sẽ mở ra cơ hội việc làm, tạo thu nhập và niềm vui cho nhiều người khuyết tật khác. Phụng cũng mong có nhiều đơn hàng, để cô và các thành viên trong Hội có thể thành lập một tổ sản xuất nhỏ, cùng nhau vay vốn, mua sợi. Hiện tại, Phụng đã mày mò được nhiều kiểu kết, từ 3 dạng sợi lớn, trung, nhỏ, hoặc kết hợp 3 sợi theo kiểu 1 sợi lớn và 1 sợi nhỏ, 2 sợi nhỏ, 3 sợi nhỏ. Việc phối hạt với dây, Phụng có thể làm theo nhu cầu của khách.

Thậm chí, Thy Phụng nghĩ, kết vòng hay gấp hạc giấy hoặc ngôi sao giấy cũng có thể là hoạt động của các bé thiếu nhi trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa, giảm thời gian xem tivi hay chơi game điện thoại… Sản phẩm sẽ được “bán” cho cô Phụng để các bạn nhỏ gây quỹ, thực hiện phong trào “kế hoạch nhỏ”, vừa giúp các bé tìm hiểu một loại hình thủ công, vừa rèn luyện tính kiên nhẫn. Thy Phụng còn tham gia các buổi sinh hoạt quy mô nhỏ, quy tụ các em thiếu nhi cùng vẽ, cùng chơi trò chơi dân gian trong không gian ở khu dân cư và nhà thờ. Khi xếp hạc, hoặc ngôi sao bằng giấy, Thy Phụng cho biết cô thả vào trong cánh hạc hay cánh sao cả hy vọng, ước mơ của mình và những người cùng cảnh ngộ, và mong muốn đến một lúc nào đó những đều cô ấp ủ sẽ từ từ đi tới. Phụng tâm sự, khi tham gia công tác Hội, Phụng được học hỏi, hiểu biết, tự tin… Vì thế, cô đã dần dần thay đổi được chính mình, không còn nhút nhát, ngại ngùng giao tiếp như trước, nên cô muốn, cộng đồng người khuyết tật ai cũng có cơ hội như cô, để tâm hồn những người không may mắn được mở rộng, dễ dàng được đón nhận và hòa nhập với xã hội…

Phụng nhớ những ngày đầu tham gia công tác Hội, khi ấy rất khó thể hiện suy nghĩ với người đối diện, thậm chí là mặt đỏ bừng hoặc rớt nước mắt. Nhưng càng ngày, cô càng mạnh dạn hơn, học được nhiều kỹ năng, tránh được mặc cảm. Cũng từ kinh nghiệm của bản thân mình, Phụng đã gặp gỡ nhiều người, nói chuyện, chia sẻ, động viên, khuyến khích, giúp những người cùng cảnh ngộ thoát ra khỏi “vỏ bọc”, tạo động lực, niềm vui cho của chính mình.

Theo Chủ tịch Hội Người khuyết tật Bảo Lộc - Vũ Thị Nguyệt Ánh: Thy Phụng là một trong những người có sự chuyển biến rất rõ, khả năng tự học rất tốt. Mọi điều Phụng đạt được hôm nay là do năng khiếu và nỗ lực của riêng bạn, qua việc học hỏi trên mạng và giao tiếp xã hội. Hằng ngày, Phụng trực tại Văn phòng Hội, gặp gỡ và tìm hiểu nhu cầu của các anh chị hội viên và tham mưu kế hoạch hỗ trợ. Việc làm ra những sản phẩm thủ công, nhưng có tính ứng dụng và khá xinh xắn, phù hợp với sức khỏe, giúp tạo thu nhập cho bạn, cũng là điều rất đáng trân trọng.

Nhìn Thy Phụng với đôi nạng gỗ, có thể đóng mở cửa kéo của Văn phòng, điều khiển xe máy 4 bánh chạy bon bon trên đường phố Bảo Lộc, vui vẻ và tự tin, chúng tôi cũng cầu chúc cho Thy Phụng sẽ luôn rèn luyện bản thân để có một sức khỏe tốt, vượt lên chính mình, thực hiện được ước mơ, được bay như đôi cánh hạc và lấp lánh như những vì sao!

NHẬT QUÂN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/201911/nhung-chiec-vong-tay-cua-thy-phung-2975855/