Những 'chiến binh' bảo vệ rùa biển

Sau khi làm tình nguyện viên bảo tồn rùa biển, Hồ Hữu Toàn (30 tuổi, ngụ TP HCM) cảm thấy 'giàu có hơn gấp ngàn lần' nhờ những trải nghiệm vô giá

Bảo tồn rùa biển là một trong những hoạt động của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), bắt đầu diễn ra từ Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), sau đó mở rộng đến Vườn Quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận), Khu Bảo tồn biển Hòn Cau (Bình Thuận).

Tâm huyết với công việc

Hồ Hữu Toàn là tình nguyện viên (TNV) bảo tồn rùa biển IUCN đợt 6 - 2024 ở Khu Bảo tồn hòn Bảy Cạnh - Vườn Quốc gia Côn Đảo.

Để chính thức là thành viên của chương trình, anh đã trải qua vòng tuyển chọn gắt gao để chứng minh kiến thức về rùa biển và nhiệt huyết, sự cam kết với hoạt động. TNV dậy từ tờ mờ sáng để canh trực rùa, đợi rùa đẻ, lấp hố, đánh dấu hố, khi rùa đẻ xong thì dời về hồ ấp trứng… Quỹ thời gian ngủ của TNV rất ít. Qua hoạt động tình nguyện, Hữu Toàn càng thấu hiểu vất vả của lực lượng kiểm lâm nơi đây. "Nếu chỉ yêu thiên nhiên là chưa đủ. Để làm tốt công việc, cần có năng lượng, sức bền, duy trì được lịch sinh hoạt với múi giờ riêng - mà tôi gọi đó là múi giờ rùa biển" - Hữu Toàn nhấn mạnh. Không dừng ở sự hiểu biết đặc tính sinh học và đời sống rùa biển, các bạn trẻ còn thể hiện khả năng thích ứng với điều kiện sống thiếu thốn về mặt vật chất và có kinh nghiệm hoạt động cộng đồng trước đó là lợi thế.

Không riêng gì Hữu Toàn, Lê Thị Ba (28 tuổi, bác sĩ y học cổ truyền) đã xin nghỉ phép nửa tháng để tham gia chương trình. Xuất phát từ Hà Nội, Lê Thị Ba trải qua 2 chặng bay đến Côn Đảo. 12 ngày gắn bó với thiên nhiên, con người ở đây như thước phim đẹp. Cô nhớ khoảnh khắc quan sát rùa mẹ đẻ trứng vào đêm đầu tiên ra hòn Bảy Cạnh. Rùa mẹ từng bước lên bờ, lựa chỗ, lùa cát và đẻ trứng. Phải mất rất nhiều thời gian thì rùa mẹ mới trưởng thành và quay lại chính nơi nó được sinh ra để thực hiện thiên chức. Dù đã đọc sách báo, xem video song khi trực tiếp chứng kiến cảnh ấy, Ba rất xúc động. Thời khắc rùa con về với biển cũng khiến Ba ấn tượng. "Nghe được tiếng sóng và tìm được nơi mình thuộc về, bé rùa dành mọi sức lực để bơi ra biển. Lúc ấy, tôi thấy quy luật tự nhiên thật diệu kỳ" - Ba kể.

Đội tình nguyện viên bảo tồn rùa biển IUCN đợt 6 - 2024 đến từ nhiều lĩnh vực song đều có chung tình yêu thiên nhiên. Ảnh: NAM BÙI

Đội tình nguyện viên bảo tồn rùa biển IUCN đợt 6 - 2024 đến từ nhiều lĩnh vực song đều có chung tình yêu thiên nhiên. Ảnh: NAM BÙI

Vượt qua chính mình

Trong vòng đời của mình, rùa biển phải đối mặt với nhiều mối đe dọa từ hoạt động đánh bắt thủy sản và ô nhiễm môi trường… Thống kê cho thấy cứ 1.000 rùa con được nở ra thì chỉ có 1 con sống sót, trưởng thành và sau đó quay lại bãi đẻ.

Những mẹ rùa đã vượt qua hành trình thật gian khổ và vẫn ghi nhớ nơi mình sinh ra để có thể quay trở về đẻ trứng. Ảnh: MINH HIỀN

Những mẹ rùa đã vượt qua hành trình thật gian khổ và vẫn ghi nhớ nơi mình sinh ra để có thể quay trở về đẻ trứng. Ảnh: MINH HIỀN

Chương trình TNV bảo tồn rùa biển góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, bắt đầu từ các TNV. Mỗi TNV trở về cuộc sống thường nhật đều thật sự trở thành "đại sứ rùa biển", giúp mọi người hiểu hơn về bảo tồn rùa biển, bảo tồn môi trường biển và đa dạng sinh học nói chung.

Lê Thị Ba cho biết những điều tuyệt vời cô nhận được khi trở thành TNV rất khó kể hết. Dù thường xuyên tham gia các dự án xã hội, song đây là lần đầu, đối tượng hướng đến là những chú rùa biển. Ba còn vượt qua nỗi sợ cá nhân: bóng tối. Hoạt động bảo tồn rùa biển đa số diễn ra ban đêm. Bóng tối ôm lấy rùa mẹ, cho rùa mẹ cảm giác an toàn và khiến bầu trời sao rạng rỡ hơn, các giác quan khác của cô nhạy bén hơn. Sau mỗi ca trực, cô dần thay đổi. "Tôi có thể tự lần theo dấu chân và theo dõi từng bước chuyển biến của rùa mẹ khi lên bãi, lắng nghe âm thanh đào hố, biết rùa mẹ di chuyển nặng nhọc. Tôi đã vượt qua được chính mình" - Ba nói.

Được sống, sinh hoạt trên đảo, hòa mình vào thiên nhiên, cùng các TNV khác và kiểm lâm hết mình cho công tác bảo tồn rùa biển càng truyền thêm cảm hứng sống tích cực cho bạn trẻ. "Tôi thấy may mắn khi tận hưởng trọn vẹn hành trình làm TNV bảo tồn rùa biển" - Toàn tâm sự.

Khi xác định mục tiêu thì những khó khăn không còn là rào cản với các TNV. Mặt khác, kết hợp cùng các cá nhân đầy tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết cũng là cơ hội cho Toàn học hỏi, trưởng thành hơn. Anh liên tục có nhiều bài viết trên trang cá nhân thu hút đông đảo sự chú ý. Trong đó, anh đúc kết thông tin, kinh nghiệm hữu ích và sẵn lòng hỗ trợ các bạn trẻ khác tiếp bước hoạt động này.

Những chú rùa con nhỏ bé nhưng thật mạnh mẽ trước biển lớn - nơi mà chúng thuộc về. Ảnh: Mã Háo

Những chú rùa con nhỏ bé nhưng thật mạnh mẽ trước biển lớn - nơi mà chúng thuộc về. Ảnh: Mã Háo

Ngày đầu tiên tới hòn Bảy Cạnh, cả đoàn cật lực phối hợp vận chuyển vật dụng. Ảnh: Kim Tâm

Ngày đầu tiên tới hòn Bảy Cạnh, cả đoàn cật lực phối hợp vận chuyển vật dụng. Ảnh: Kim Tâm

Những bạn trẻ kề vai sát cánh, hỗ trợ nhau thực hiện các nhiệm vụ của TNV Bảo tồn rùa biển. Ảnh Mã Háo

Những bạn trẻ kề vai sát cánh, hỗ trợ nhau thực hiện các nhiệm vụ của TNV Bảo tồn rùa biển. Ảnh Mã Háo

Khép lại hành trình, các TNV lưu luyến chia tay lực lượng kiểm lâm. Ảnh: Mã Háo

Khép lại hành trình, các TNV lưu luyến chia tay lực lượng kiểm lâm. Ảnh: Mã Háo

Hạ Vy

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhung-chien-binh-bao-ve-rua-bien-19624091420084047.htm