Những 'chiến binh' động vật tiêu biểu trong thế chiến
Trong hai cuộc chiến tranh thế giới, nhiều chiến binh động vật đã có những đóng góp không nhỏ, dù trực tiếp hay gián tiếp, vào các chiến tích của quân đội các nước và được ghi công xứng đáng.
Trong hai cuộc chiến tranh thế giới, nhiều chiến binh động vật đã có những đóng góp không nhỏ, dù trực tiếp hay gián tiếp, vào các chiến tích của quân đội các nước và được ghi công xứng đáng.
1. Cô lợn Tirpitz
Tirpitz được coi là linh vật của tàu tuần dương hạng nhẹ HMS Glasgow của Hải quân Hoàng gia Anh trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Tirpitz ban đầu được nuôi trên tàu tuần dương SMS Dresden của Đế quốc Đức cho đến khi nó bị chìm vào tháng 3-1915. Tirpitz bị bỏ rơi cùng con tàu, nhưng đã trốn thoát và bơi ra khỏi con tàu đang chìm.
Cô lợn Tirpitz cùng các thủy thủ trên tàu HMS Glasgow. Ảnh: The Guardian
May mắn thay, cô lợn này được thủy thủ đoàn trên tàu HMS Glasgow đang hoạt động gần đó phát hiện và một trong những thủy thủ đã nhảy xuống để cứu con vật lên. Thủy thủ đoàn đã trao cho Tirpitz một Huân chương Thập tự Sắt “giả” vì đã “dũng cảm” ở lại trên tàu SMS Dresden trong khi những người chủ của nó sợ hãi chạy thoát thân.
Tirpitz ở trên con tàu Anh này khoảng một năm và “nhiệm vụ” chính của cô lợn là mua vui cho các thủy thủ. Hiện nay, đầu của Tirpitz đã được nhồi bông và trưng bày tại Bảo tàng Chiến tranh Hoàng gia ở London.
2. Chú chó Jack
Chú chó Jack là “người bạn” thân thiết gắn với tên tuổi của nữ y tá người Anh Edith Cavell. Năm 1907, Cavell được cử làm y tá của Bệnh viện Berkendael ở thủ đô Brussels, Bỉ. Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, quân Đức tràn vào Bỉ. Trong tình hình chiến sự diễn ra ác liệt, Bệnh viện Berkendael được Hội Chữ thập đỏ quốc tế sử dụng làm nơi cứu chữa cho thương binh. Những binh lính của phe Hiệp ước gồm Anh, Pháp, Nga sau khi được chữa trị vết thương, thường được người của bệnh viện giúp trốn ra ngoài để khỏi rơi vào tay quân đội đế quốc Đức.
Bà Edith Cavell cùng chú chó Jack (đứng). Ảnh: IWM
Cavell là người tích cực nhất trong hoạt động đầy nguy hiểm đó. Bà hay dẫn Jack đi dạo để thám thính trước. Chú chó có lúc còn đánh lạc hướng đối phương. Bà Edith Cavell cùng chú chó Jack đã đưa hơn 200 binh sĩ phe Hiệp ước trốn thoát thành công đến nơi an toàn. Tuy nhiên, hành động đó khiến bà trở thành tội phạm trong mắt quân Đức. Cavell bị bắt vào ngày 3-8-1915 và bị xử tử vào ngày 12-10 năm đó.
Jack sau đó được Công chúa Bỉ Mary de Croy nhận nuôi và qua đời vào năm 1923. Xác của Jack được nhồi bông và trưng bày tại Bảo tàng Chiến tranh Hoàng gia ở London.
3. Ngựa Warrior
Warrior là con ngựa của Đại úy Jack Seely thuộc Lữ đoàn kỵ binh Canada trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Tại thời điểm này, nhiều loại vũ khí, máy móc xuất hiện khiến lực lượng kỵ binh dần trở nên “thất sủng”. Tuy nhiên, Đại úy Seely lại nghĩ ngược lại. Cưỡi trên lưng chú ngựa Warrior, Đại úy Seely coi các cuộc tiến công bằng kỵ binh là hiện thân cao nhất của tinh thần chiến đấu và lòng dũng cảm.
Đại úy Jack Seely và ngựa Warrior. Ảnh: onthewight.com
Đại úy Seely và Warrior đã dẫn đầu một cánh quân của Lữ đoàn kỵ binh Canada trong trận Moreuil Wood (30-3-1918) bên bờ sông Avre của Pháp, buộc Sư đoàn 23 Saxon của Đế quốc Đức phải rút khỏi Moreuil Wood. Mặc dù vậy, phía Canada cũng chịu thương vong lớn với 1/4 số người và 1/2 số ngựa thiệt mạng. Dẫu vậy, Warrior đã đưa chủ của mình đi qua trận đánh mà không bị thương. Warrior được mệnh danh là “con ngựa mà quân đế quốc Đức không thể giết”.
Vào năm 2014, kỷ niệm 100 năm Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, ngựa Warrior đã được truy tặng Huân chương Dickin - phần thường cao quý nhất dành cho động vật có công với con người trong thời kỳ chiến tranh hoặc xung đột, được thành lập từ năm 1943 của Hiệp hội Động vật từ thiện Anh (PDSA).
4. Cô voi Lizzie
Lizzie là một con voi gốc Ấn Độ trong gánh xiếc William Sedgwick của doanh nhân William Charles Augustus Sedgwick ở thành phố Sheffield, Anh. Chiến tranh thế giới thứ nhất ập đến khiến đời sống kinh tế - xã hội của “lục địa già” thay đổi 360 độ, trong đó nghề diễn xiếc thú cũng “thất nghiệp” triền miên.
Voi Lizzie kéo xe hàng trong một nhà máy. Ảnh: BBC
Trước đây, ngựa thường được sử dụng trong công việc kéo xe hoặc vận chuyển hàng trong các nhà máy sản xuất vũ khí. Do chiến tranh cần huy động hết số ngựa ra chiến trường nên Lizzie lúc đó đang “rảnh rỗi” nên được thuê đến một nhà máy vũ khí ở thành phố Manchester để thay thế vị trí mà những chú ngựa để lại. Lizzie được mang một đôi giày da đặc biệt để bảo vệ chân của mình khỏi các mảnh kim loại.
Không ai biết số phận của Lizzie sau chiến tranh, tuy nhiên, một số người cho biết, chú voi này tiếp tục làm việc tại một trang trại trong khu vực. Cũng có thông tin cho rằng cô voi này trở về gia đình Sedgwick. Để ghi nhớ đóng góp của Lizzie, chính quyền thành phố Sheffield đặt tên cô voi cho một chiếc xe buýt thuộc sở giao thông.
5. Chú chim bồ câu Gustav
Câu nói “thời thế tạo anh hùng” hoàn toàn tương ứng với trường hợp này. Gustav là một trong những chú chim bồ câu được nhắc đến nhiều trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Ngày 6-6-1944, khi cuộc đổ bộ Normandy diễn ra, 2 chú chim đưa thư là Gustav và Taylor được đưa lên tàu của quân Đồng minh ở ngoài khơi bờ biển Normandy trong bối cảnh hạm đội không thể sử dụng radio liên lạc. Montague Taylor, phóng viên hãng Reuters - người nhận Gustav từ người huấn luyện Harry Halsey, đã thả chú chim bồ câu này ra. Trong khoảng 5 tiếng 16 phút, Gustav bay tới căn cứ Thorney Island của Không quân Hoàng gia Anh, cách vị trí hạm đội tới 240km để truyền tin rằng quân Đồng minh đã đổ bộ.
Chim bồ câu Gustav được trao Huân chương Dickin. Ảnh: classicwarbirds.co.uk
Đáng nói, Gustav đã vượt qua quãng đường dài với sức gió cản tới 48km/giờ chỉ trong thời gian ngắn (nếu so với quãng đường). Nội dung tin nhắn mà Gustav vận chuyển tạm dịch là: “Chúng tôi chỉ cách bãi biển 32km. Nhóm đầu tiên đã đổ bộ lúc 7 giờ 50. Tín hiệu cho thấy không có sự chống trả của đối phương trên bãi biển. Không thấy máy bay địch”.
Gustav cũng được tặng Huân chương Dickin vì thành tích “đưa thông tin đầu tiên về tình hình bãi biển Normandy hôm 6-6-1944”. Sau này, Gustav và một số chú chim bồ câu khác được dựng đài tưởng niệm tại Bảo tàng D-Day ở Portsmouth, Anh.
6. Chú chó Gunner
Vào lúc 10 giờ ngày 19-2-1942, phát xít Nhật trút bom xuống thành phố Darwin, thủ phủ lãnh thổ phía Bắc của Australia, tức hơn hai tháng sau khi thả bom xuống Trân Châu Cảng của Mỹ. Sau trận tấn công ban đầu khiến 8 tàu chìm và 37 tàu bị hư hỏng nặng, các binh lính đi tìm người bị thương trong đống đổ nát.
Trong phòng ăn tập thể bị phá hủy, binh nhì Percy Westcott tìm thấy một chú chó chăn cừu Australia 6 tháng tuổi bị gẫy chân và đang rên rỉ. Anh đặt tên chú chó này là Gunner và lấy số hiệu là 0000. Từ đó trở đi, Westcott và Gunner là “đôi bạn” thân thiết.
Chú chó Gunner. Ảnh: lant.nt.gov.au
Khi chân Gunner bắt đầu lành, chú theo Westcott làm nhiệm vụ hằng ngày. Vào một buổi sáng, khi các binh lính đang sửa một số máy bay ở sân bay, Gunner bắt đầu sủa và nhảy lên xuống liên hồi. Ban đầu, họ không chú ý tới Gunner, nhưng chỉ vài phút sau, các phi đội máy bay phát xít Nhật ập đến và lại bắt đầu dội bom Darwin. May mắn thay, các binh lính và Gunner đã vào nơi an toàn kịp thời. Hai ngày sau, Gunner lại sủa om sòm. Lần này, các binh sĩ lập tức tìm nơi trú ẩn và chuẩn bị cho cuộc tấn công sắp tới.
Theo thống kê, từ tháng 12-1942 đến tháng 11-1943, Darwin bị không kích hơn 60 lần. Lần nào Gunner cũng cảnh báo trước, cứu được vô số mạng sống. Một điều tuyệt vời nữa là Gunner không bao giờ sủa khi máy bay của Không quân Hoàng gia Australia cất cánh hoặc quay về sân bay. Tuy nhiên, không rõ số phận Gunner ra sao sau khi chiến tranh kết thúc.
7. Chú gấu Wojtek
Wojtek, có nghĩa là một người lính vui vẻ, được sinh ra ở Iran và được nhận nuôi bởi Đại đội Cung cấp pháo binh số 22 của quân đội Ba Lan vào khoảng tháng 4-1942. Năm 1943, đơn vị của Wojtek nhận lệnh chuẩn bị tham gia chiến dịch của quân Đồng minh chống phát xít ở Naples, Italy. Các quan chức quân Đồng minh đã từ chối không cho chú lên tàu vì không phải là một thành viên chính thức trong quân đội. Vậy là những người lính Ba Lan đã tạo số hiệu, quân hàm binh nhì, sổ tay cùng những thứ khác cho chú gấu của họ.
Binh sĩ Ba Lan huấn luyện Wojtek để trở thành chiến binh động vật thực thụ. Ảnh: IWM
Vào thời điểm ở Italy, Wojtek đã là một chú gấu trưởng thành, cao lớn. Wojtek tham gia vào trận chiến đẫm máu Monte Cassino, một trong những trận nổi tiếng nhất của cuộc chiến, với vai trò là người lính tải đạn. Nhờ sự dũng cảm của Wojtek trên chiến trường, quân đội Ba Lan đưa chú trở thành biểu tượng chính thức và sau này lấy làm huy hiệu của Đại đội Cung cấp pháo binh số 22. Khi chiến tranh kết thúc vào năm 1945, Wojtek nghỉ hưu tại Sở thú Edinburgh, Scotland. Chú qua đời vào ngày 2-12-1963.
Có một thành phố nhỏ ở Ba Lan mang tên Wojtek và thậm chí chú còn có nguyên cả một bộ phim tài liệu về chiến công của mình.
8. Cô chó Judy
Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Judy - một cô chó săn thuần chủng của Anh với lông trắng điểm đen - trở thành động vật duy nhất được xác nhận là tù binh chiến tranh, có cả giấy tờ đàng hoàng.
Judy là một cô chó trên tàu pháo HMS Grasshopper của Hải quân Hoàng gia Anh hoạt động ở khu vực Thái Bình Dương trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Khi tàu bị phát xít Nhật đánh chìm ngoài khơi Sumatra của Indonesia, Judy và thủy thủ đoàn bị quân phát xít Nhật bắt giữ và giam giữ làm tù binh chiến tranh. Trong thời gian bị cầm tù, Judy được Frank Williams, kỹ sư điện tín trên tàu nhận nuôi, thường chia sẻ khẩu phần ăn ít ỏi của mình với cô chó. Williams thậm chí còn cố gắng bảo vệ mạng sống của cô ấy, để Judy chính thức đăng ký làm tù binh, mang số hiệu 81A. Judy cũng giúp đỡ các tù binh bằng cách sủa và gầm gừ để đánh lạc hướng lính canh khi họ đánh tù binh và thường rời trại tìm thức ăn về cho những tù nhân bị bỏ đói.
Binh sĩ Anh bên chó Judy. Ảnh: MWD News
Khi chiến tranh kết thúc, Williams và Judy được trả tự do rồi cùng nhau trở về Anh. Judy được trao Huân chương Dickin năm 1946. Sau đó, Williams đưa cô chó này cùng sang Đông Phi. Năm 1950, Judy qua đời khi không qua khỏi sau một cuộc phẫu thuật. Williams đã chôn cất, lập mộ cho Judy và ngày nay ngôi mộ đó vẫn còn ở Tanzania. Williams chia sẻ rằng mỗi ngày trong trại tù, anh cảm ơn Chúa vì đã trao Judy cho mình, bởi nó đã cho anh một lý do để tiếp tục sống. Anh từng chia sẻ: “Tất cả những gì tôi phải làm là nhìn Judy, nhìn vào đôi mắt đỏ ngầu, mệt mỏi đó. Và tôi sẽ tự hỏi rằng điều gì sẽ xảy ra với nó nếu tôi không may chết đi?”
MINH ANH (tổng hợp từ IWM, War History Online)