Những 'chiến binh' phòng dịch Covid-19

Những ngày qua, cán bộ, nhân viên y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã và đang khẩn trương, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Thành viên đội đáp ứng nhanh tuyến tỉnh phun thuốc khử trùng tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh)

Thành viên đội đáp ứng nhanh tuyến tỉnh phun thuốc khử trùng tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh)

Cùng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra, những ngày qua, cán bộ, nhân viên y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã và đang khẩn trương, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Sẵn sàng ở tuyến đầu

"Làm công tác phòng chống dịch là bất cứ khi nào có trường hợp nghi ngờ, lãnh đạo điều động là chúng tôi phải lên đường ngay", anh Đào Văn Thành, Phó Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - ký sinh trùng - côn trùng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) chia sẻ. Đó là lúc chẳng ai nghĩ đến nguy cơ cao, chỉ biết mình cần phải thực hiện ngay nhiệm vụ điều tra, giám sát và xử lý một cách tốt nhất để khống chế dịch bệnh.

Anh Thành kể hơn 9 giờ tối ngày 26.1 (mùng 2 Tết), anh và các cán bộ, nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nhận được thông tin Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận một bệnh nhi 10 tuổi người Trung Quốc bị vật vã, khó thở. Chỉ ít phút sau các cán bộ, nhân viên y tế đã có mặt đầy đủ tại trung tâm để đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện nhiệm vụ.

Anh Cao Xuân An, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - ký sinh trùng - côn trùng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) nhớ lại: "Lúc đó chưa có kết quả xét nghiệm nên không biết bệnh nhân có mắc chủng mới của virus Corona hay loại virus nào khác. Phải đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm rất cao khi đi vào môi trường bệnh nhân từng tiếp xúc để điều tra, xác minh nên không tránh khỏi lo sợ vì đây là dịch loại A đặc biệt nguy hiểm".

Dù vậy họ vẫn nhanh chóng trang bị đồ bảo hộ đầy đủ trước khi thực hiện mọi nhiệm vụ. Sau khâu điều tra, giám sát, các cán bộ, nhân viên y tế của trung tâm phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Gia Lộc và Trung tâm Y tế TP Hải Dương tiến hành phun dung dịch khử khuẩn tại tất cả các địa điểm bệnh nhân từng tiếp xúc. Đến hơn 3 giờ sáng mùng 3 Tết, các cán bộ, nhân viên y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh mới xong việc. Ngay trong đêm mùng 2 Tết, trung tâm cũng báo cáo điều tra trường hợp nghi nhiễm Covid-19 đầu tiên của tỉnh lên Sở Y tế.

 Đội đáp ứng nhanh tuyến tỉnh khẩn trương chuẩn bị thiết bị, vật tư y tế lên đường thực hiện nhiệm vụ

Đội đáp ứng nhanh tuyến tỉnh khẩn trương chuẩn bị thiết bị, vật tư y tế lên đường thực hiện nhiệm vụ

Không có ngày nghỉ

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong một ngày trung tuần tháng 2, các thành viên của hai đội đáp ứng nhanh tuyến tỉnh với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm và các sự kiện y tế công cộng trên địa bàn tỉnh do Sở Y tế thành lập đang tích cực phun thuốc khử khuẩn. Thành viên của các đội này phần lớn là cán bộ, nhân viên thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và một số khác thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Với chiếc máy phun thuốc kích cỡ lớn và trọng lượng khoảng 25 kg, các thành viên của đội phải di chuyển liên tục để phun khử khuẩn mọi ngóc ngách trong Khoa Truyền nhiễm. Khi chạy, chiếc máy tạo độ rung và áp lực lớn trên vai người sử dụng. Vì vậy, sau mỗi lần phun thuốc, nhiều người trong đội bị đau nhừ vùng vai.

Từ ngày 26.1-10.2, hai đội đáp ứng nhanh tuyến tỉnh định kỳ phun thuốc 2 ngày một lần tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh. Sau ngày 10.2, do có nhiều tín hiệu tốt trong công tác phòng chống dịch bệnh nên các đội tạm dừng phun thuốc. Ngoài các địa điểm này, hai đội đáp ứng nhanh tuyến tỉnh đã phối hợp với các đội đáp ứng nhanh tuyến huyện để điều tra, xác minh, triển khai biện pháp dự phòng với các trường hợp nghi ngờ mắc dịch bệnh truyền nhiễm trong tỉnh, đặc biệt với 17 trường hợp bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19.

Từ trước Tết đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh duy trì trực 24/7. Khi cần thiết có thể huy động đội đáp ứng nhanh tập hợp quân số sau 10 phút để khẩn trương triển khai nhiệm vụ. Không chỉ làm việc xuyên Tết, hầu hết thành viên của đội đáp ứng nhanh không có ngày nghỉ cuối tuần.

"Làm nghề này thì phải xác định sống chung với dịch bất kể đêm tối, lễ, Tết hay ngày nghỉ. Cán bộ, nhân viên y tế ở đây đều không quản ngại khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, góp sức vào kết quả chung trong công tác phòng chống dịch", anh Cao Xuân An nói.

VIỆT QUỲNH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/y-te/nhung-chien-binh-phong-dich-covid-19-128193