Những chiến binh thầm lặng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, đội ngũ phi công, tiếp viên hàng không được ví như những chiến binh thầm lặng, họ đã bất chấp nguy hiểm cận kề để xung phong thực hiện những chuyến bay 'giải cứu', để đưa đồng bào xa quê trở về an toàn. Họ chính là biểu tượng của tinh thần 'Người bay cũng là người lính, luôn sẵn sàng khi Tổ quốc gọi tên'.
Đón đồng bào từ vùng dịch về là nhiệm vụ thiêng liêng
“Máy bay của chúng ta đã hạ cánh tại sân bay quốc tế Vân Đồn, Việt Nam. Bây giờ là 18h45 ngày 8/5 giờ Hà Nội... Đọc phát thanh bài đọc chào khách như thường lệ, công việc tôi đã làm 17 năm qua trên cương vị là Tiếp viên trưởng của chuyến bay nhưng sao vẫn thấy nghẹn lời, thậm chí còn vấp khi đọc những dòng chữ hết sức bình thường quen thuộc ấy.
Cảm xúc của tôi lúc đó thực sự vinh dự, tự hào khi đã hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổ quốc giao phó” – Đó là những chia sẻ của Tiếp viên Phan Trà My sau khi thực hiện chuyến bay đưa hơn 340 công dân Việt từ Mỹ về nước an toàn trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp tại quốc gia này.
Theo Tiếp viên Phan Trà My, đây là một trong những chuyến bay “giải cứu” dài và phức tạp mà Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) thực hiện, bởi Mỹ không phải điểm đến thường lệ của Vietnam Airlines và là đường bay dài có tổng chiều dài hành trình bay thẳng hai chiều không điểm dừng hơn 25.000 km nên hành trình xin phép, cấp phép bay gặp nhiều khó khăn. Nhằm đảm bảo an toàn bay, đảm bảo thời gian nghỉ ngơi, sức khỏe của tổ bay, Vietnam Airlines đã huy động số lượng thành viên tổ bay gần gấp đôi, lên tới gần 30 người, gồm 8 phi công, 16 tiếp viên và 02 nhân viên kỹ thuật, 02 nhân viên mặt đất để thực hiện các nghiệp vụ hành khách, hành lý, kiểm tra kỹ thuật cần thiết ngay tại sân bay ở Mỹ.
Ở chiều bay từ Mỹ về Việt Nam, toàn bộ phi hành đoàn phải mặc đồ bảo hộ, đeo kính chắn giọt bắn, khẩu trang N95 trong suốt 20 tiếng để đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh. “Chúng tôi phải dùng bút dạ viết tên nhau trên ngực áo và phía sau lưng để có thể gọi nhau vì ai cũng giống ai, rất khó để phân biệt được. Phải mặc bộ trang phục bất đắc dĩ này, tuy có bất tiện, có vướng víu khó chịu nhưng 20 tiếng có là gì so với các y tá, bác sĩ trong bệnh viện phải mặc triền miên từ ngày này qua ngày khác.
Hay các nhân viên làm việc trong khu cách ly tập trung phải tiếp xúc hàng trăm, hàng nghìn người mang nguy cơ lây nhiễm từ nhiều nơi. So với các chiến sỹ bộ đội phục vụ tại những nơi cách ly còn phải nằm lán, tranh thủ chợp mắt khi vẫn mặc bộ quân phục trên người thì việc mặc bảo hộ như chúng tôi vẫn còn là điều hạnh phúc” - Tiếp viên Phan Trà My bày tỏ.
Nhớ lại chuyến bay “giải cứu” đầu tiên của Vietnam Airlines đưa 30 công dân Việt Nam tại Vũ Hán (Trung Quốc) về nước an toàn trong thời điểm Vũ Hán đang là tâm điểm của dịch bệnh Covid-19, Cơ trưởng Hoàng Đình Trang chia sẻ: “Trước khi lên đường, nhiều thành viên phi hành đoàn không tránh khỏi những suy nghĩ, băn khoăn về khả năng lây nhiễm dịch bệnh, thậm chí có người còn không tiết lộ việc mình thực hiện chuyến bay đặc biệt này với gia đình để người thân không lo lắng.
Mặc dù hiểu rõ những khó khăn phải đối mặt, nhưng chúng tôi đều nhận thức từ trong tâm rằng: “Đưa đồng bào từ vùng dịch đang hết sức căng thẳng trở về quê hương an toàn, khỏe mạnh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, thiêng liêng, mang đến niềm vui, niềm hạnh phúc, sự an tâm cho hàng chục gia đình, hàng trăm con người. Đó còn là nhiệm vụ quốc gia mà Đảng, Nhà nước giao phó và được hàng chục triệu người dân Việt Nam quan tâm, kỳ vọng. Với những động lực như vậy, phi hành đoàn, đều là những người tự nguyện xung phong, đã lên đường với tinh thần “Người bay cũng là người lính, luôn sẵn sàng khi Tổ quốc gọi tên” và “không để đồng bào mình bị bỏ lại phía sau”.
Kiên cường chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh
Trên những chuyến bay “giải cứu”, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh luôn tiềm ẩn và thực tế có những tiếp viên hàng không đã nhiễm Covid-19. Nhưng với tinh thần, ý chí và nghị lực của những chiến binh, họ đã chiến thắng dịch bệnh và tiếp tục theo những “con chim sắt” tung bay trên bầu trời. Câu chuyện của Tiếp viên Lê Thị Quyên là một minh chứng điển hình. Chị được phát hiện nhiễm Covid-19 sau khi thực hiện chuyến bay VN54 từ London (Anh) về Hà Nội vào đầu tháng 3/2020. Thời điểm đó, ở Anh dịch bệnh bắt đầu bùng phát mạnh.
“Khi biết mình là F1, tôi khá bất ngờ và có chút hoang mang vì không nghĩ Covid-19 gần mình đến như vậy. Cho đến khi có kết quả dương tính, tôi cảm thấy chút hụt hẫng vì đó là lúc tôi sắp được về nhà sau thời gian cách ly. Chưa bao giờ tôi cảm thấy rối bời và có cảm xúc phức tạp chồng chất đến với mình cùng một lúc như vậy. Tôi bắt đầu lo sợ cho bố mẹ, đồng nghiệp cùng phòng cách ly với khả năng lây nhiễm cao, với những người cùng làm việc, bạn bè đã tiếp xúc và thậm chí cả những người chưa gặp mặt bao giờ trong tòa nhà, khu phố. Dẫu biết rằng đó chỉ là tai nạn thôi nhưng tôi cảm thấy áy náy vì mình mà cuộc sống của rất nhiều người trở nên xáo trộn. Sau những cảm xúc đó tôi đã lấy lại tinh thần và nghĩ rằng nếu như lúc đó mình quá lo lắng hay suy sụp thì sẽ là cơ hội để virus phát tán và tấn công cơ thể mình nhiều hơn. Việc cần làm lúc đó là tập trung điều trị và chiến đấu với Covid-19” – Tiếp viên Lê Thị Quyên bày tỏ.
Ít ai biết rằng, những ngày điều trị tại Bệnh Viện Nhiệt đới Trung ương 2, nữ tiếp viên trẻ này đã rất dũng cảm khi tình nguyện tham gia thử phác đồ điều trị SARS-CoV-2 mới theo đề nghị của cơ quan y tế. Theo lời Tiếp viên Lê Thị Quyên, sẵn có con virus lạ trong người, chị tự nguyện tham gia thử thuốc dù lúc đó chỉ có số ít bệnh nhân đồng ý thử nghiệm vì lo lắng những rủi ro, những tác dụng phụ mà thuốc thử nghiệm mang lại. Lúc đó chị chỉ nghĩ trong trường hợp có vấn đề gì về sức khỏe, chắc chắn các y bác sỹ sẽ can thiệp kịp thời. Quyết định của chị cuối cùng đã được đền đáp. Sau khi sử dụng phác đồ điều trị và thuốc mới, tình hình bệnh của chị có tiến triển tốt. Việc điều trị thuốc mới đã được chứng minh bằng kết quả xét nghiệm âm tính 3 lần và chị trở thành một trong những ca nhiễm Covid-19 được điều trị khỏi hoàn toàn.
“Tôi vỡ òa vui sướng vì được đi làm trở lại sau 3 tháng điều trị khỏi bệnh, cảm giác đó có lẽ rất giống với cảm giác ngày đầu tới trường của các em học sinh sau thời gian cách ly xã hội. Một cảm giác khác cũng len lỏi trong tâm trí tôi là lo lắng đồng nghiệp, hành khách e ngại khi tiếp xúc với mình. Tuy nhiên, mọi thứ đều tan biến khi tôi bước lên máy bay, không có khoảng cách nào và mọi thứ đều ổn” - Tiếp viên Lê Thị Quyên chia sẻ.