Những chiến sĩ Công an hết mình bảo vệ động vật hoang dã
Động vật hoang dã (ĐVHD) quý hiếm đang có nguy cơ ngày một tuyệt chủng tại Việt Nam. Bảo vệ chúng trong môi trường tự nhiên, tránh nạn nuôi nhốt, săn bắt, buôn bán không chỉ thể hiện tình yêu động vật mà còn là trách nhiệm của chúng ta với xã hội, với môi trường sinh thái.
Câu chuyện những chiến sĩ Công an vừa được vinh danh tại lễ trao giải Cống hiến bảo vệ động vật hoang dã 2019 do Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức ngày 2-12 đã ghi nhận những đóng góp của lực lượng thực thi pháp luật trong việc đấu tranh với tội phạm ĐVHD, bảo vệ những loài động vật nằm trong sách đỏ.
Gặp Thiếu tá Lưu Phước Nguyên, Phó Đội trưởng Đội 2, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Quảng Nam tại lễ trao giải, chia sẻ với tôi về giải thưởng “Cán bộ thực thi pháp luật xuất sắc”, anh cho biết: Tội phạm ĐVHD ở Quảng Nam tương đối phức tạp, có quy mô lớn, liên tỉnh, chuyên nghiệp.
Với trách nhiệm của mình, dù xác định đây là nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi phải tập trung đầu tư suy nghĩ, nhưng với quyết tâm đến cùng, trong mỗi vụ án, mục tiêu cao nhất của chúng tôi phải bắt được đối tượng cầm đầu, qua đó khởi tố, điều tra, đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật để tạo tính răn đe.
Quảng Nam tiếp giáp với nước bạn Lào, tỉnh Kom Tum, cửa khẩu Đăk Ốc, có quốc lộ 1A là nơi các đối tượng thường vận chuyển ĐVHD đi qua. Năm 2018, qua theo dõi các cơ sở gây nuôi trang trại ĐVHD trên địa bàn, Thiếu tá Lưu Phước Nguyên phát hiện hồ trang trại của bà Phạm Thị Thuận (huyện Thăng Bình) thu mua ĐVHD của người dân các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Kon Tum, biên giới Lào, sau đó móc nối với các trang trại nuôi động vật ở miền Tây, hợp thức hóa giấy vận chuyển thông hành chuyển ra các tỉnh phía Bắc. Sau một thời gian theo dõi, khi có đủ chứng cứ, anh và đồng đội đã ập vào trang trại của bà Thuận, phát hiện tại đây cất giữ 13 cá thể rắn hổ mang chúa, kiểm tra mở rộng phát hiện thêm 290 cá thể rùa, rắn giáo, đều nằm trong danh sách ĐVHD nguy cấp.
Năm 2019, tội phạm ĐVHD tiếp tục có diễn biến phức tạp, qua theo dõi địa bàn biên giới Lào, đường mòn Hồ Chí Minh, Thiếu tá Lưu Phước Nguyên tiếp tục phát hiện đối tượng Chung Nguyệt (SN 1974, trú tại xã Chà Val, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) trực tiếp mua tê tê và rùa hộp trán vàng miền Trung từ người dân ở huyện Nam Giang và Lào, sau đó bán lại cho đối tượng Đinh Thị Sinh (SN 1978, trú tại thị trấn Thành Mỹ, huyện Nam Giang) và Hồ Văn Lý (SN 1989, trú tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng).
Nhận thấy hoạt động buôn bán, vận chuyển ĐVHD của các đối tượng liên quan đến nhiều tỉnh, rất tinh vi, xảo quyệt, có tính tổ chức và có sự đối phó với lực lượng chức năng, Thiếu tá Lưu Phước Nguyên đã tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Nam xác lập chuyên án để tập trung lực lượng đấu tranh.
Theo lời kể của Thiếu tá Lưu Phước Nguyên, suốt hơn một tháng, không kể ngày đêm, anh bám sát địa bàn để theo dõi quy luật hoạt động của các đối tượng trong chuyên án. Có những hôm mưa, gió lạnh, anh phải nằm giữa vùng núi huyện Nam Giang cả ngày và thường xuyên đi xe máy gần 70km đường núi hiểm trở để bám theo các đối tượng.
Nhờ đó, anh đã xác định được Hồ Văn Lý đóng vai trò chủ mưu cầm đầu đường dây. Lý tập kết tê tê, rùa tại nhà mẹ ruột là bà Lê Thị Quí ở xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc để vận chuyển đi TP Đà Nẵng và các tỉnh phía Bắc tiêu thụ. Anh báo cáo Ban chuyên án, sau đó xây dựng kế hoạch phá án tỉ mỉ.
Trưa 19-10, Ban chuyên án đã quyết định phá án. Anh cùng đồng đội đột xuất kiểm tra nhà bà Lê Thị Quí, phát hiện bà Quí tàng trữ 5 cá thể tê tê và 1 cá thể rùa trán vàng miền Trung thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Tiếp tục điều tra mở rộng chuyên án, các trinh sát phát hiện tại nhà ông Chung Nguyệt tàng trữ 1 cá thể tê tê và tại nhà của bà Đinh Thị Sinh nuôi nhốt trái phép 15 cá thể rùa hộp trán vàng miền Trung, 4 cá thể rùa Sa Nhân còn sống và 12 cá thể chồn, 3 cá thể thỏ rừng.
Cùng nhận giải thưởng “Cán bộ thực thi pháp luật xuất sắc” là Trung tá Nguyễn Minh Tiến, Đội trưởng Đội 2, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Kiên Giang.
Khác với Thiếu tá Lưu Phước Nguyên, những vụ án mà Trung tá Nguyễn Tiến Minh tham gia triệt phá phần nhiều lại ở trên biển. Anh là người đã trực tiếp trinh sát, nằm bắt thông tin và phát hiện 2 vụ nuôi nhốt rùa biển trái phép, bắt 4 đối tượng, tạo điều kiện cho cơ quan chức năng lần đầu tiên đưa hành vi nuôi nhốt rùa biển trái phép ra xét xử trước pháp luật.
Theo chia sẻ của anh, vụ án nuôi nhốt rùa biển xảy ra tại huyện đảo Phú Quốc khá ấn tượng. Khi nhận được nguồn tin lúc đó tại Kiên Giang đang có bão, gió cấp 7, 8 trên biển Đông, nếu không triển khai truy bắt thì vụ án sẽ “chìm xuồng”, tang vật có mất.
Không quản ngại mưa bão, anh và đồng đội đến nơi an toàn, bắt 1 đối tượng có hành vi nuôi nhốt 12 cá thể rùa biển. Tiếp tục mở rộng vụ án, đã bắt được đối tượng đồng phạm. Vụ án đã được điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, mang lại ý nghĩa răn đe, phòng ngừa tội phạm về rùa biển nói riêng và ĐVHD nói chung.
Trò chuyện với các anh, ấn tượng của tôi về họ là sự tận tâm và trách nhiệm trong công việc. Được biết, Thiếu tá Lưu Phước Nguyên 4 năm liền (từ 2016-2019) đều đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua; Trung tá Nguyễn Minh Tiến 3 năm liên tiếp (2017-2019) là Chiến sĩ thi đua; năm 2019 anh được Bộ trưởng Bộ Công an tặng 2 Bằng khen.
Theo bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc ENV, lễ trao giải Cống hiến Bảo ĐVHD nhằm vinh danh những cá nhân, cơ quan thực thi pháp luật có nhiều đóng góp và đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận trong công tác đấu tranh, bảo vệ ĐVHD. Đây là lần thứ 3 giải thưởng được tổ chức, ENV nhận được gần 40 đề cử từ các cá nhân và tập thể trong cả nước. Hội đồng chấm giải đã lựa chọn 3 tập thể và 4 cá nhận để trao giải ở 5 hạng mục được lựa. Đội 2, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Hà Tĩnh được trao giải thưởng “Cơ quan thực thi pháp luật xuất sắc”.