Những chiến sỹ Điện Biên trên quê hương cách mạng Cao Bằng (kỳ 8)

Kỳ 8: Hồi ức người lính Điện Biên

Sau nhiều lần kiên trì thuyết phục, chúng tôi mới có cơ hội được gặp gỡ người lính Điện Biên năm xưa - Đại tá Nông Đức Hiếu ở xóm Nà Niền, xã Đức Long, huyện Hòa An, bởi năm nay ông đã bước vào cái tuổi 96, mắt mờ, chân chậm, nên các con cháu lo ông mệt và không còn nhớ gì nhiều về chuyện của những năm tháng đã qua. Nhưng khi gặp ông, nỗi lo đó đã rơi ngoài khung cửa vì khi nhắc đến hai chữ Điện Biên, ông như trở thành một con người khác dù câu chuyện phần nhiều đều qua sự hỗ trợ của anh Nông Nguyễn Thượng - con trai ông, đã khắc họa lên ký ức của một người lính quả cảm, can trường năm xưa.

Đại tá Nông Đức Hiếu cùng các con cháu.

Đại tá Nông Đức Hiếu cùng các con cháu.

Một đời binh nghiệp

Sinh năm 1928, với truyền thống yêu nước của gia đình, quê hương, năm 1945, chàng thanh niên Nông Đức Hiếu tham gia Đoàn Thanh niên cứu quốc; năm 1946, tròn 18 tuổi xung phong đi bộ đội, tham gia lực lượng bộ binh, thuộc Trung đoàn chủ lực 74 Cao Bằng. Nhiệt huyết, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, năm 1948, ông Hiếu được kết nạp Đảng.

Năm 1949, tại xã Đức Long, huyện Hòa An (Cao Bằng), Trung đoàn 174 được thành lập gồm 3 tiểu đoàn bộ binh: Tiểu đoàn 251, Tiểu đoàn 249, Tiểu đoàn 255; một Tiểu đoàn pháo 253; 6 đại đội binh chủng chiến đấu và cơ quan Trung đoàn bộ. Cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn lúc này được lựa chọn từ những người con ưu tú của Trung đoàn 72 Bắc Kạn, Trung đoàn 74 Cao Bằng, Trung đoàn 28 Lạng Sơn. Ông Hiếu vinh dự là biên chế của Trung đoàn 174.

Tháng 6/1950, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên giới. Ngày 7/7/1950, Bộ Tổng Tư lệnh ra mệnh lệnh về chiến dịch Biên giới Cao - Lạng, mục đích tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng một phần biên giới, mở đường thông với các nước xã hội chủ nghĩa, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc. Chiến dịch do Bộ Tổng Tư lệnh trực tiếp tổ chức, chỉ huy; đồng chí Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy chiến dịch. Ngày 16/9/1950, quân ta đánh trận mở đầu, diệt cụm cứ điểm Đông Khê. Ông Hiếu được tham gia chiến dịch Biên giới, đánh đồn Đông Khê. Đúng 10 giờ ngày 18/9/1950, Trung đoàn 174 và Trung đoàn 209 hoàn toàn làm chủ phố Đông Khê, cứ điểm Đông Khê hoàn toàn bị tiêu diệt. Sau 54 giờ chiến đấu, ta tiêu diệt và bắt sống 300 tên địch, bắn rơi 1 máy bay, thu toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang của địch.

Sau chiến thắng của Chiến dịch Biên giới, ông Hiếu cùng các đồng đội Trung đoàn 174 Cao - Bắc - Lạng, thuộc Đại đoàn 316 hành quân tham gia chiến dịch Tây Bắc. Năm 1952, ông bị thương trong một trận đánh; sau khi bình phục tiếp tục tham gia chiến đấu. Chiến dịch Tây Bắc thắng lợi, Trung đoàn 174 nằm trong đội hình Sư đoàn 316 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Thực hiện phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”, Trung đoàn 174 được giao nhiệm vụ đánh cứ điểm đồi A1. Trận tiến công tiêu diệt địch trên đồi A1 là một trong những trận đánh ác liệt nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, là dấu mốc quan trọng làm nên chiến thắng của quân và dân ta, tạo nên cơn địa chấn toàn cầu. Trong suốt 38 ngày đêm, lúc tiến công, khi phòng ngự, giành giật với quân thù từng tấc đất, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 174 đã vượt qua muôn vàn hy sinh gian khổ, dầm mình trong mưa bom bão đạn, người này ngã xuống, người khác xông lên quết tâm quét sạch quân thù, giành chiến thắng vẻ vang.

Sau chiến thắng Điện Biên phủ, Trung đoàn 174 nằm trong đội hình Sư đoàn trở lại Điện Biên Phủ tham gia xây dựng Tây Bắc thành căn cứ địa cách mạng vững chắc của cách mạng Việt Nam. Từ tháng 7/1954 - 1958, ông Hiếu là Chính trị viên phó tiểu đoàn, trưởng tiểu ban Bảo vệ Khu công an vũ trang Tây Bắc; sau đó đi học lớp công an sơ cấp khóa 7. Năm 1961, ông được cử đi Liên Xô học; về nước ông nhận công tác tại tỉnh Sơn La với cương vị Phó Ty Công an Sơn La... Thời gian tiếp theo, ông Hiếu trải qua nhiều chức vụ và vị trí công tác, ở cương vị nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng danh chiến sỹ Điện Biên.

Từ tháng 1/1979, ông quay trở lại quê hương công tác, là Chính ủy Công an vũ trang Cao Bằng kiêm Phó Trưởng ty công an... Năm 1992, ông nghỉ hưu.

Còn mãi những chiến công

Cả một đời binh nghiệp, tham gia chiến đấu và công tác khắp nơi, mọi gánh nặng gia đình nơi hậu phương ông dều dồn lên vai người vợ. Bởi với ông Hiếu, sau những chuyến đi về vội vã là những nhiệm vụ mới đầy khó khăn thử thách do Đảng và tổ chức giao phó. Vợ ông là một phụ nữ tảo tần, giác ngộ và tham gia cách mạng từ sớm. Trước khi lập gia đình, bà tham gia Hội Phụ nữ cứu quốc, là dân công hỏa tuyến phục vụ Chiến dịch Đông Khê. Sau ở nhà làm ruộng, gánh vác việc gia đình, nuôi con, thay chồng chăm sóc bố mẹ. Bà luôn gác lại những nỗi lòng riêng để trở thành điểm tựa tinh thần, nguồn động viên to lớn cho chồng yên tâm công tác. Bà là Lão thành cách mạng; hiện đã rời xa ông trở về với tổ tiên.

Ông Hiếu có 5 người con, anh Nông Nguyễn Thượng là người con trai duy nhất cũng theo nghiệp bố, công tác trong ngành Công an và hiện nay đã nghỉ hưu.

Ông Hiếu và các đồng đội về thăm Chiến trường Điện Biên Phủ năm 2004.

Ông Hiếu và các đồng đội về thăm Chiến trường Điện Biên Phủ năm 2004.

Năm nay, bước sang tuổi 96, với 76 năm tuổi Đảng, sức khỏe ông Hiếu suy giảm nhiều, lúc nhớ lúc quên. Người lính già thường thích ngồi một mình với những khoảng lặng trầm tư suy nghĩ. Có thể ông đang hồi tưởng về quá khứ, về một thời tuổi trẻ, về những năm tháng gian khổ và oanh liệt của mình, nhớ những đêm hành quân dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù… Nhớ về những đồng chí, đồng đội đã kề vai sát cánh trong mỗi trận chiến, ranh giới của sự sống và cái chết mong manh nhưng họ luôn yêu thương, sát cánh bên nhau cùng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, quyết tâm chiến đấu giành độc lập và tự do cho Tổ quốc... Những lúc như vậy, con cháu không ai dám làm phiền ông, bởi họ biết ông đang đắm mình trong những ký ức đẹp một thời hoa lửa, ký ức đó đã ăn sâu vào con tim, trí óc của ông.

Những năm trước khi còn sức khỏe, ông Hiếu cũng đã về thăm chiến trường xưa, được gặp gỡ những đồng đội cũ.

Nhìn người lính già trầm ngâm, chúng tôi tự nhủ, không giấy bút và ngôn từ nào có thể lột tả và lược ghi được hết những năm tháng hào hùng đó, chỉ biết rằng, tình yêu và khát vọng cống hiến, khát vọng hòa bình của triệu triệu thanh xuân năm ấy đã bùng cháy mãnh liệt, nở hoa tô thắm màu cờ Tổ quốc, mang lại sự ấm no, hạnh phúc cho đất nước hôm nay.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Đình Lê thăm, tặng quà ông Nông Đức Hiếu nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Đình Lê thăm, tặng quà ông Nông Đức Hiếu nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Cả một đời cống hiến cho cách mạng, ông Hiếu được Đảng, nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Bằng khen của Bộ Tư lệnh Sư đoàn 316 về thành tích phục vụ Chiến dịch Điện Biên phủ; Huân chương Chiến thắng hạng Ba; Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng 1, 2, 3… Đáng tiếc nhất là cuốn hồi ký do chính ông ghi lại từng chi tiết từng giai đoạn của lịch sử mà ông là người trong cuộc đã bị mất.

... Hoan hô chiến sĩ Điện Biên

Chiến sĩ anh hùng

Đầu nung lửa sắt

Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt

Máu trộn bùn non

Gan không núng

Chí không mòn!

(Tố Hữu)

Chiến dịch Điện Biên Phủ năm đó, quê hương cội nguồn cách mạng Cao Bằng có hàng nghìn con em tham gia chiến đấu trong chiến dịch, trong đó, nhiều người đã anh dũng hy sinh nằm lại lòng chảo Điện Biên đầy nắng và gió. Họ đã hy sinh cả tuổi xuân cho Tổ quốc bởi lý tưởng đó được hun đúc bằng truyền thống yêu nước bốn nghìn năm lịch sử của dân tộc. Sau 70 năm, cả tỉnh còn 16 chiến sỹ Điện Biên đều ở cái tuổi “xưa nay hiếm” từ 91 - 96 tuổi, các ông là những tấm gương sáng, pho sử sống để thế hệ trẻ noi theo và học tập về tinh thần quả cảm, tất cả vì đất nước, vì nhân dân. Sự đóng góp của ông Hiếu và các chiến sỹ Điện Biên năm đó được ghi vào trang sử vàng oanh liệt của dân tộc như một bản trường ca bất diệt vang mãi đến muôn đời sau.

Kỳ 1: Vinh quang người chiến sỹ Trung đoàn Pháo cao xạ 367

Kỳ 2: Tự hào chiến sỹ Điện Biên anh hùng

Kỳ 3: Nhớ về một thời hoa lửa

Kỳ 4: Tự hào được giúp việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại chiến trường Điện Biên

Kỳ 5: Người góp phần làm “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”

Kỳ 6: Thanh xuân gửi trọn chiến trường Điện Biên

Kỳ 7: Gặp người lái xe trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Trang Nguyễn

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nhung-chien-sy-dien-bien-tren-que-huong-cach-mang-cao-bang-ky-8-3168732.html