Khánh Sơn với khát vọng vươn tầm - Kỳ 1: Sức sống mới trên vùng cao
Hơn 13 năm nỗ lực phấn đấu, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện miền núi Khánh Sơn đã đạt được quả ngọt trên hành trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Thành quả ấy đã góp phần tạo nền móng vững chắc để huyện hướng đến mục tiêu cao hơn: Xây dựng Khánh Sơn trở thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng như định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 09 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Kỳ 1: Sức sống mới trên vùng cao
Những năm qua, với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, cùng sự nỗ lực của người dân, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên. Huyện đang tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả chương trình xây dựng NTM.
Đất lành đơm quả ngọt
Theo dòng sông Tô Hạp chảy ngược về phía tây, từ xã Ba Cụm Nam qua Ba Cụm Bắc đến thị trấn Tô Hạp, đi Sơn Trung, Sơn Hiệp, Sơn Bình, Sơn Lâm, Thành Sơn, xe chúng tôi bon bon trên những cung đường nhựa phẳng lì đến trung tâm các xã, đường bê tông đến tận các khu dân cư, khu sản xuất. Cơn mưa đầu mùa mang lại sức sống cho những vườn sầu riêng, bưởi da xanh, chôm chôm, măng cụt… xanh mướt. Đường từ đỉnh Đèo Khánh Sơn và xã đặc biệt khó khăn Ba Cụm Nam đã thấy thấp thoáng trong vườn cây trái xum xuê là những homestay dập dìu du khách mỗi dịp cuối tuần. Trong vườn sầu riêng bạt ngàn khắp huyện, đây đó xuất hiện ngày càng nhiều ngôi biệt thự to đẹp, vững chãi. Những chiếc ô tô đắt tiền của các ông chủ vườn sầu riêng dọc ngang trên tuyến đường… Trò chuyện với người dân địa phương, chúng tôi thấy trong ánh mắt họ ánh lên niềm vui khi Khánh Sơn đã chuyển mình đi lên, cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn ngày càng được cải thiện.
Tìm đến thôn Tà Giang 2 (xã Thành Sơn), nơi lãnh đạo huyện khẳng định là thôn nghèo nhất của xã nghèo nhất huyện Khánh Sơn, chúng tôi được ông Cao Cường - một người Raglai vừa thoát nghèo ở địa phương mời ghé thăm căn nhà khang trang của gia đình ông được xây từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước và vốn tích góp của gia đình. Ông Cường chia sẻ: “Tà Giang 2 là địa bàn xa nhất, khó khăn nhất của xã. Cách nay chừng 10 năm, đi lại rất khó khăn, cuộc sống của người dân thiếu thốn đủ bề, xã phải thường xuyên phát gạo cứu đói giáp hạt... Hơn 10 năm xây dựng NTM, Tà Giang 2 khác lắm, điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt… đều có đủ; đời sống kinh tế của người dân phát triển hơn nhiều nhờ vào việc chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, nhất là cây sầu riêng”. Ông Cường khấp khởi mừng khi năm nay gia đình ông đã có được căn nhà khang trang, 120 cây sầu riêng sẽ cho thu hoạch, đàn bò tăng nhanh về số lượng, nay đã lên 20 con… Cuộc sống ấm no, hạnh phúc không còn là mơ ước mà đã thành hiện thực với gia đình ông Cường và nhiều gia đình khác. Chỉ cách đây chừng 5 năm, thôn này có hơn 90% hộ nghèo, nhưng nay số hộ nghèo đã giảm còn chưa đầy một nửa trong tổng số 185 hộ của thôn.
Với những già làng ở vùng cao Khánh Sơn, chưa bao giờ diện mạo của nông thôn miền núi Khánh Sơn lại khang trang như bây giờ. Già làng Cao Đảm ở thôn Xóm Cỏ (xã Sơn Bình) kể với chúng tôi về những năm tháng hào hùng của Xóm Cỏ, của Khánh Sơn khi là căn cứ cách mạng của tỉnh, với những trận đánh oai hùng khiến quân thù khiếp vía. Già làng Cao Đảm tự hào: “Hòa bình lập lại, Khánh Sơn từng bước chiến thắng “giặc dốt”, “giặc đói”, không lẽ chịu thua “giặc nghèo”. Nhà nước đã có nhiều chương trình, chính sách để đầu tư cho nông thôn, cho người miền núi, phải biết phát huy để xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc. Để mỗi người dân Khánh Sơn thực sự tự hào về truyền thống, quê hương ngày càng giàu đẹp của mình”.
- Chỉ dựa vào sự đầu tư của Nhà nước, liệu cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) có thực sự thay đổi được không, thưa già? - chúng tôi hỏi.
- Sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước như cái ao cá - cần câu. Câu con cá gì, được nhiều hay ít thì mỗi người phải tự chọn lấy. Tôi tâm đắc khi chủ thể của chương trình xây dựng NTM chính là người dân nông thôn. Trong khi Trung ương, tỉnh dành nhiều sự quan tâm đối với ĐBDTTS ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, không cớ gì người dân địa phương lại đứng ngoài cuộc. Điều làm tôi vui hơn cả là mấy năm nay, nhiều nông dân là người DTTS trở thành những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Ngẫm nghĩ lại, những hộ ĐBDTTS đi xe hơi, ở nhà to, con cái học đại học cũng nhờ thoát ra khỏi tâm lý trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, biết tự mình vươn lên - già làng Cao Đảm trả lời.
Qua các xã Sơn Bình, Sơn Hiệp, chúng tôi được nhiều người dân địa phương khoe rằng: Không lâu nữa, Sơn Bình và Sơn Hiệp từ những xã đặc biệt khó khăn sẽ đạt chuẩn NTM. UBND 2 xã đã họp dân, thông báo mới đây đã có đoàn kiểm tra của tỉnh về rà soát rồi, quyết tâm năm nay về đích NTM. Nghe chúng tôi hỏi cuộc sống bây giờ khác xưa thế nào? Nhiều người dân ở 2 địa phương này đều khẳng định: Thay đổi nhiều lắm! Từ chỗ thiếu ăn đến nay đã đủ ăn, đủ mặc, còn có của để dành; số hộ nghèo giảm nhiều, nhà nào dột nát thì được Nhà nước hỗ trợ xây, chỉ tập trung phát triển kinh tế thôi. Truyền thống văn hóa của ĐBDTTS được gìn giữ, phát huy; đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, nhà cửa khang trang; trẻ em đến tuổi được chăm lo học hành, người già ốm đau được chăm sóc sức khỏe ngay tại trạm xá xã, bệnh viện huyện; thậm chí đồng bào còn được lắp wifi miễn phí để kết nối với thế giới.
Khát vọng thành hiện thực
Phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao đời sống của ĐBDTTS ở khu vực nông thôn 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là tâm huyết, mong muốn của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh các thời kỳ.
Khánh Hòa là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi, tập trung đầu tư cho các địa phương miền núi, trong đó có huyện Khánh Sơn. Tuy nhiên, chênh lệch giữa miền núi và miền xuôi vẫn còn khá xa; đời sống của người dân vùng cao vẫn gặp nhiều khó khăn; đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo ở các địa phương này còn rất lớn, chất lượng cuộc sống còn thấp… “Khánh Sơn có nhiều tiềm năng, lợi thế, nhất là về nông nghiệp và du lịch để phát triển vươn tầm. Đây là khát vọng chung của đồng bào các dân tộc huyện Khánh Sơn. Khát vọng này được tiếp thêm động lực khi các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về phát triển tỉnh Khánh Hòa đều có chung định hướng, cơ chế đặc thù để tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư cho Khánh Sơn và Khánh Vĩnh phát triển nhanh, bền vững, trở thành “tiểu đô thị sinh thái núi rừng”", ông Đinh Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn chia sẻ.
Để góp phần hiện thực hóa khát vọng, địa phương tập trung huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng. Nhiều công trình trọng điểm với tổng mức đầu tư lên đến 500 tỷ đồng từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia đang được huyện đẩy nhanh tiến độ, như: Kè chống sạt lở sông Tô Hạp; xây dựng tuyến đường từ thôn Tha Mang; xây dựng cầu Sơn Trung; nâng cấp, mở rộng đường liên xã Sơn Bình đi xã Sơn Hiệp; xây dựng tuyến đường từ thị trấn Tô Hạp đi thôn Hòn Dung, xã Sơn Hiệp; xây dựng tuyến đường từ thôn Dốc Gạo đi thôn Xóm Cỏ, xã Sơn Bình; xây dựng đường liên xã Thành Sơn đi xã Sơn Lâm; xây dựng cầu Hợp tác xã Ba Cụm Bắc… Đặc biệt, con đường kết nối Khánh Sơn - Khánh Vĩnh đã được khởi công, phá thế độc đạo cho cao nguyên Tô Hạp, mở thêm nhiều không gian và điều kiện phát triển. Thực địa ngắm nhìn các công trình đang triển khai, chúng tôi mường tượng khi những công trình này đưa vào khai thác sẽ làm thay đổi toàn diện, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Cơ sở hạ tầng phát triển còn mở ra cơ hội lớn cho người dân giao thương, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống.
Để thấy được mình đang ở đâu trên con đường xây dựng NTM, Huyện ủy Khánh Sơn đã tiến hành sơ kết giữa giai đoạn thực hiện Nghị quyết số 08/2021 của Tỉnh ủy về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Qua đó, địa phương xác định để xóa huyện trắng xã NTM thì phải đột phá vào các khâu trọng yếu như: Tiêu chí thu nhập, nghèo đa chiều, tiếp tục đầu tư cho tiêu chí y tế, môi trường và an toàn thực phẩm. Đây là những tiêu chí mà 7/7 xã xây dựng NTM của huyện khó đạt.
Những ngày ở Khánh Sơn tìm hiểu về xây dựng NTM, chúng tôi phấn khởi khi những buôn làng vùng sâu, vùng xa đã bừng lên sức sống mới. Diện mạo nông thôn miền núi ở Khánh Sơn ngày càng khang trang nhờ nguồn lực đầu tư của Trung ương, của tỉnh. Khát vọng phát triển của huyện đang dần trở thành hiện thực khi nếp nghĩ, cách làm của ĐBDTTS đã thay đổi nhiều. Những thay đổi ấy tạo nên sức sống mới ngay trong chính mỗi gia đình để từ đó chung tay, chung sức kiến tạo vùng đất này trở thành nơi đáng sống của đồng bào các dân tộc huyện Khánh Sơn.
Nghị quyết số 08 của Tỉnh ủy về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu đối với Khánh Sơn đến cuối năm 2025 không còn xã dưới 15 tiêu chí, có 1/7 xã đạt chuẩn NTM. Đến nay, Khánh Sơn đã có 2 xã Sơn Bình và Sơn Hiệp đạt 15/19 tiêu chí xây dựng NTM; Sơn Trung đạt 14/19 tiêu chí; Ba Cụm Bắc và Thành Sơn đạt 13/19 tiêu chí; Sơn Lâm và Ba Cụm Nam đạt 12/19 tiêu chí.
HẢI LĂNG - HỒNG ĐĂNG