Những chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 2
Tổ chức khám sức khỏe cho người học ít nhất 1 năm/lần; Đánh giá học viên giáo dục thường xuyên; Danh mục vị trí công tác định kỳ chuyển đổi trong ngành giáo dục… là những chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 2.
Đánh giá học viên giáo dục thường xuyên
Thông tư 43/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học viên theo học Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông.
Thông tư nêu rõ yêu cầu đánh giá là bảo đảm tính chính xác, toàn diện, công bằng, trung thực và khách quan. Đánh giá vì sự tiến bộ của học viên; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong rèn luyện và học tập của học viên; không so sánh học viên với nhau.
Hình thức đánh giá gồm có đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số.
Đánh giá bằng nhận xét: Giáo viên dùng hình thức nói hoặc viết để nhận xét việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học viên; nhận xét sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của học viên trong quá trình rèn luyện và học tập; đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học viên.
Đánh giá bằng điểm số: Được sử dụng trong đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì thông qua các hình thức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học viên phù hợp với đặc thù của môn học. Kết quả học tập theo môn học được đánh giá bằng điểm số theo thang điểm 10, nếu sử dụng thang điểm khác thì phải quy đổi về thang điểm 10.
Điểm trung bình môn học kỳ (ĐTBmhk) được sử dụng để đánh giá kết quả học tập của học viên trong từng học kì, điểm trung bình môn cả năm (ĐTBmcn) được sử dụng để đánh giá kết quả học tập của học viên trong cả năm học. Kết quả học tập của học viên trong từng học kì và cả năm học được đánh giá theo 1 trong 4 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/2/2022 và thực hiện theo lộ trình sau:
- Từ năm học 2021 - 2022 đối với lớp 6
- Từ năm học 2022 - 2023 đối với lớp 7 và lớp 10
- Từ năm học 2023 - 2024 đối với lớp 8 và lớp 11
- Từ năm học 2024 - 2025 đối với lớp 9 và lớp 12.
Danh mục vị trí công tác định kỳ chuyển đổi trong ngành giáo dục
Theo Thông tư 41/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ và thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực giáo dục tại chính quyền địa phương
Theo đó, các vị trí công tác về tham mưu, tổ chức ra đề thi, tổ chức thi, chọn học sinh giỏi, tuyển sinh trung học phổ thông, cao đẳng ngành giáo dục mầm non, đại học, thạc sỹ, tiến sỹ… thực hiện định kỳ chuyển đổi từ 3 năm đến 5 năm.
Quy định này có hiệu lực từ 14/2/2022.
Khám sức khỏe cho sinh viên ít nhất 1 lần/năm học
Thông tư 33/2021/TT-BYT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về công tác y tế trường học trong cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 15/2/2022.
Trong đó, Thông tư quy định tổ chức khám sức khỏe cho người học khi mới nhập học và định kỳ ít nhất một năm một lần trong mỗi năm học. Thực hiện theo dõi, kiểm tra sức khỏe người học, phát hiện các yếu tố nguy cơ sức khỏe, bệnh tật để dự phòng, điều trị hoặc chuyển tuyến điều trị theo quy định của pháp luật.
Triển khai các biện pháp vệ sinh phòng, chống dịch bệnh trong cơ sở giáo dục. Tư vấn cho người học về các vấn đề liên quan đến bệnh tật, yếu tố nguy cơ sức khỏe, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng hợp lý, phát triển thể chất, tinh thần và hoạt động thể lực. Hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống tai nạn, thương tích trong quá trình học tập, thực hành.
Không ép buộc thầy cô thi giáo viên dạy giỏi
Từ ngày 12/2, Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT về Hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cơ sở giáo dục phổ thông có hiệu lực.
Theo đó, quy định nguyên tắc tổ chức hội thi là dựa trên sự tự nguyện của giáo viên, không ép buộc, không tạo áp lực cho thầy, cô tham gia; đảm bảo tính trung thực, dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan và đảm bảo thực chất; đảm bảo đúng quy định của chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành.
Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường, huyện được tổ chức theo chu kỳ 2 năm/lần, cấp tỉnh 4 năm/lần.
Số lượng giáo viên tham dự hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi các cấp do hiệu trưởng trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ; hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông; trưởng phòng GD&ĐT; giám đốc sở GD&ĐT quyết định theo phân cấp quản lý, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, điều kiện cơ sở vật chất, ngân sách của địa phương hàng năm.
Trưởng phòng GD&ĐT quy định cụ thể số lượng giáo viên mầm non tham dự hội thi cấp trường đối với các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập.
5 hình thức cử đoàn ra nước ngoài của Bộ GD&ĐT
Thông tư 23/2019/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung quy chế quản lý việc ra nước ngoài của cán bộ, công chức và viên chức có hiệu lực từ ngày 10/2.
Theo đó, thông tư bổ sung một hình thức cử đoàn ra nước ngoài. Như vậy, tổng cộng có 5 hình thức.
Hình thức thứ nhất là đoàn tháp tùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đoàn liên ngành.
Hình thức thứ hai là đoàn do lãnh đạo bộ làm trưởng đoàn đi thăm chính thức các nước; tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế; đàm phán, họp liên Chính phủ trong khuôn khổ các hiệp định, nghị định thư, thỏa thuận hợp tác đã ký giữa Bộ GD&ĐT với các nước, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế và khu vực.
Hình thức thứ ba là đoàn tham dự hội nghị, hội thảo khoa học; các khóa bồi dưỡng ngắn hạn dưới 180 ngày; hoạt động giao lưu văn hóa, trại hè; cuộc thi quốc tế.
Đoàn đi khảo sát, trao đổi kinh nghiệm; tham gia các hội chợ, triển lãm giáo dục quốc tế trong kế hoạch của các chương trình, dự án hoặc tham gia các hoạt động khác thuộc lĩnh vực giáo dục thuộc hình thức thứ tư.
Hình thức thứ năm là công chức, viên chức tham dự hội nghị, hội thảo, diễn đàn, đàm phán quốc tế, tham dự họp liên Chính phủ; tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn; các hoạt động giao lưu văn hóa, trại hè, đại hội thể thao, cuộc thi quốc tế.
Ngày 15/2, Thông tư 26/2019/TT-BGDĐT quy định về quản lý, vận hành và sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên sẽ có hiệu lực.
Thông tư quy định việc triển khai các mã định danh trên cơ sở dữ liệu ngành áp dụng đối với giáo viên, học sinh, nhân viên và cán bộ cơ sở giáo dục.
Cụ thể, mỗi đối tượng có một mã định danh, gồm 20 ký tự, do hệ thống cơ sở dữ liệu ngành cấp tự động trong lần tạo lập hồ sơ đầu tiên trên cơ sở các thông tin bắt buộc khai báo.
Trường hợp giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục chuyển công tác, ngừng làm việc, thôi việc sẽ không xóa hồ sơ, mã định danh mà cập nhật trạng thái, thông tin hồ sơ điện tử.
Trường hợp học sinh nghỉ học, thôi học hoặc chuyển đi không xóa hồ sơ, mã định danh mà cập nhật trạng thái, thông tin hồ sơ điện tử của học sinh.
Trường hợp tiếp nhận học sinh chuyển đến sẽ cập nhật thông tin trên hồ sơ điện tử của học sinh theo mã định danh đã được cấp.
Văn bằng trình độ tương đương
Cũng từ ngày 15/2, Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục Đại học sửa đổi có hiệu lực, trong đó có quy định về hệ thống văn bằng giáo dục đại học. Hệ thống này gồm bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương.
Bằng cử nhân cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo trình độ đại học theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 6 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam và các quy định cụ thể, hợp pháp của cơ sở đào tạo.
Bằng thạc sĩ cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam và các quy định cụ thể, hợp pháp của cơ sở đào tạo.
Bằng tiến sĩ cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 8 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam và các quy định cụ thể, hợp pháp của cơ sở đào tạo.
Văn bằng đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù thuộc hệ thống giáo dục đại học bao gồm bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền, bằng dược sĩ, bằng bác sĩ thú y, bằng kỹ sư, bằng kiến trúc sư, và một số văn bằng khác theo quy định riêng của Chính phủ.
Chứng chỉ đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học đã hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp do bộ, cơ quan ngang bộ quy định hoặc cấp cho người học dự thi đạt yêu cầu cấp chứng chỉ, phù hợp với quy định về cấp chứng chỉ trong hệ thống giáo dục quốc dân.