Những chính sách giáo dục nổi bật nào có hiệu lực từ tháng 3/2020?
Quy định về lựa chọn sách giáo khoa, mỗi giảng viên cần có diện tích làm việc 10m2, Hình thức đào tạo sẽ được ghi trên phụ lục văn bằng giáo dục đại học... là những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ đầu tháng 3/2020.
Hình thức đào tạo sẽ được ghi trên phụ lục văn bằng giáo dục đại học
Đây là nội dung nổi bật tại Thông tư 27/2019/TT-BGDĐT quy định nội dung chính ghi trên văn bằng và phụ lục văn bằng giáo dục đại học và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3.
Theo đó, bên cạnh văn bằng giáo dục đại học, sẽ cấp kèm theo phụ lục văn bằng, gồm các nội dung chính sau đây: Thông tin về người được cấp văn bằng: họ, chữ đệm, tên, ngày tháng năm sin;
Thông tin về văn bằng: tên cơ sở giáo dục đại học cấp bằng, chuyên ngành đào tạo, ngày nhập học, ngôn ngữ đào tạo, thời gian đào tạo, trình độ đào tạo theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam, hình thức đào tạo.
Thông tin về nội dung, kết quả học tập (nếu có): tên học phần hoặc môn học, số tín chỉ của từng học phần hoặc môn học, điểm học phần hoặc môn học, tổng số tín chỉ tích lũy, điểm trung bình, tên và kết quả luận văn, luận án, điểm xếp hạng tốt nghiệp.
Trường hợp văn bằng được cấp khi các tín chỉ tích lũy ở những cơ sở đào tạo khác nhau, cần ghi rõ tên môn học, số tín chỉ của từng môn học được công nhận để xét tốt nghiệp và tên cơ sở đào tạo.
Thông tin kết nối với văn bằng: mã số sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh;..
Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ cở giáo dục phổ thông
Sau khi lấy ý kiến từ ngày 30/11/2019 đến ngày 30/1/2020 về bản Dự thảo, Bộ GD&ĐT đã chính thức ban hành Thông tư số 01/2020/TT - BGDĐT "Hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông", có hiệu lực từ 15/3.
Tổ chuyên môn tổ chức nghiên cứu, thảo luận và đánh giá sách giáo khoa của các môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa. Giáo viên bỏ phiếu kín lựa chọn một đầu sách giáo khoa cho mỗi môn học thuộc phạm vi đánh giá, lựa chọn của tổ chuyên môn.
Tổ chuyên môn báo cáo Hội đồng danh mục sách giáo khoa được lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự số phiếu đồng ý lựa chọn từ cao xuống thấp. Danh mục sách giáo khoa được lựa chọn có chữ ký của tổ trưởng tổ chuyên môn và các giáo viên trong tổ chuyên môn.
Hội đồng họp, thảo luận, đánh giá sách giáo khoa trên cơ sở danh mục sách giáo khoa do các tổ chuyên môn đề xuất lựa chọn. Hội đồng bỏ phiếu kín lựa chọn sách giáo khoa. Sách giáo khoa được lựa chọn phải được trên 1/2 (một phần hai) số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn.
Trường hợp sách giáo khoa không được trên 1/2 (một phần hai) số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn, Hội đồng thảo luận, phân tích các sách giáo khoa với các tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa và bỏ phiếu lựa chọn lại.
Quy định mỗi giáo sư cần có diện tích làm việc 18m2
Có hiệu lực từ ngày 27/3/2020, Thông tư 03/2020/TT-BGDĐT quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Cụ thể, diện tích làm việc của giáo sư, phó giáo sư, giảng viên chính, giảng viên được quy định như sau:
Mỗi giáo sư cần có diện tích làm việc 18m2; Mỗi phó giáo sư cần có diện tích làm việc 15m2; Mỗi giảng viên chính, giảng viên cần có diện tích làm việc 10m2.
Về phòng nghỉ cho giảng viên: Mỗi 20 phòng học cần có 1 phòng nghỉ cho giảng viên. Diện tích chuyên dùng của phòng nghỉ cho giảng viên là 3m2/giảng viên, với diện tích không nhỏ hơn 24m2/phòng.
Bên cạnh đó, mỗi cơ sở đào tạo có tối thiểu 1 hội trường với quy mô từ 250 chỗ trở lên, có tối thiểu 1 giảng đường với quy mô từ 200 chỗ trở lên. Đảm bảo số phòng thí nghiệm, phòng thực hành, xưởng/trại thực hành đáp ứng quy mô, chuyên ngành đào tạo của cơ sở đào tạo. Mỗi cơ sở đào tạo có tối thiểu 1 thư viện, 1 ký túc xá. Mỗi cơ sở đào tạo có tối thiểu 1 trạm y tế, với tổng diện tích chuyên dùng là 300m2…
Đánh giá chất lượng chương trình đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng và trung cấp sư phạm
Theo Thông tư 02/2020/TT-BGDĐT, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngay 23/3.
Mục đích ban hành tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo là để trường sử dụng tiêu chuẩn để tự đánh giá toàn bộ hoạt động liên quan đến chương trình đào tạo nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạc giáo viên và giải trình với các cơ quan chức năng, xã hội về thực trạng chất lượng đào tạo của từng chương trình đào tạo cụ thể.
Ngoài ra, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục sử dụng tiêu chuẩn để đánh giá ngoài và công nhận hoặc không công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đối với các chương trình đào tạo. Tổ chức, cá nhân khác có cơ sở để nhận định, đánh giá và tham gia phản biện xã hội đối với chương trình đào tạo giáo viên của trường mà họ quan tâm.
Trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng phụ cấp thâm niên
Trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng phụ cấp thâm niên theo Nghị định 14/2020/NĐ-CP của Chính phủ . Mức trợ cấp được tính bằng (lương hưu tháng x 10%) x số năm được tính trợ cấp với nguồn kinh phí do ngân sách trung ương bảo đảm theo quy định. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3.
Nghị định cũng quy định, những nhà giáo này phải đủ các điều kiện như: Trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành và tham gia đóng BHXH từ 5 năm (đủ 60 tháng) trở lên; nghỉ hưu trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-1994 đến 31-5-2011; đang hưởng lương hưu tại thời điểm ngày 1/1/2012.
Trường hợp bị tạm dừng hưởng lương hưu theo quy định của Luật BHXH thì được hưởng trợ cấp sau khi được hưởng lại lương hưu.