Những chính sách kinh tế - xã hội nổi bật có hiệu lực từ tháng 4/2025
Từ tháng 4/2025, nhiều chính sách quan trọng trong lĩnh vực kinh tế và xã hội chính thức có hiệu lực, trong đó nổi bật là thí điểm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất, phân bổ vốn đầu tư công, quản lý kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững...
Thí điểm triển khai dự án nhà ở thương mại
Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết số 171/2024/QH15 về việc thí điểm triển khai các dự án nhà ở thương mại thông qua hình thức thỏa thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc sử dụng đất hợp pháp sẵn có. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/4/2025 và được áp dụng trong 5 năm.
Một trong những điểm đáng chú ý tại khoản 3 Điều 3 của Nghị quyết là quy định cho phép các tổ chức kinh doanh bất động sản được nhận chuyển quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở để triển khai dự án, với điều kiện phải được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua.

Để được triển khai trong khuôn khổ thí điểm, các dự án phải đáp ứng nhiều tiêu chí chặt chẽ: Phạm vi khu đất, thửa đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; đồng thời phải phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được địa phương phê duyệt.
Ngoài ra, các chủ đầu tư phải đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan đến đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đầu tư và các quy định pháp lý có liên quan khác.
Đặc biệt, trong trường hợp khu đất thuộc diện đất quốc phòng hoặc an ninh đã được quy hoạch đưa ra khỏi chức năng đặc thù, ngoài việc đáp ứng các điều kiện chung, dự án còn phải có văn bản chấp thuận của Bộ Quốc phòng (đối với đất quốc phòng) hoặc Bộ Công an (đối với đất an ninh).
Chính sách thí điểm này được kỳ vọng sẽ tạo ra khung pháp lý linh hoạt hơn cho việc khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ phát triển nhà ở, đồng thời góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh hơn trong giai đoạn tới.
Quy định mới về phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2026-2030
Nghị quyết số 70/2025/UBTVQH15 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành đã đặt ra những nguyên tắc, tiêu chí và định mức quan trọng trong việc phân bổ vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước cho giai đoạn 2026-2030. Có hiệu lực từ ngày 1/4/2025, Nghị quyết nhấn mạnh yêu cầu phân bổ vốn theo hướng tập trung, hiệu quả, tránh dàn trải và đảm bảo công khai, minh bạch. Đây được xem là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm định hướng đầu tư công phục vụ mục tiêu phát triển bền vững và cân bằng giữa các vùng miền.

Việc phân bổ vốn phải tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước, đồng thời khuyến khích huy động các nguồn lực ngoài ngân sách. Những lĩnh vực được ưu tiên bao gồm: Công trình giao thông liên vùng, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, an ninh nguồn nước và các dự án đầu tư công cấp bách. Nghị quyết cũng yêu cầu giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương và bộ, ngành triển khai nhanh các dự án đã được phê duyệt.
Nghị quyết quy định rõ thứ tự ưu tiên trong phân bổ vốn: Từ các dự án cấp bách, chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, đến hoàn trả vốn ứng trước và thanh toán nợ đọng xây dựng. Các chương trình sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài và dự án PPP cũng được ưu tiên trong danh sách phân bổ. Việc xác định thứ tự này nhằm bảo đảm hiệu quả đầu tư, tránh tình trạng chậm trễ hoặc đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm.
Một điểm đáng chú ý trong Nghị quyết là cam kết tăng cường phân bổ vốn cho các vùng miền núi, biên giới, hải đảo - nơi còn nhiều hạn chế về hạ tầng và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Việc ưu tiên này nhằm góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, nâng cao chất lượng sống cho người dân, đồng thời thúc đẩy kết nối vùng và liên kết kinh tế quốc gia.
Giai đoạn 2026-2030, ngân sách Trung ương sẽ dành tối đa không quá 30% để bổ sung có mục tiêu cho các địa phương, phần còn lại được phân bổ cho các bộ, cơ quan Trung ương theo ngành, lĩnh vực. Việc phân bổ này không bao gồm vốn các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia và vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. Các bộ, ngành chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch cụ thể, phân bổ vốn đến từng dự án đúng quy định, phù hợp với định hướng ưu tiên đã được nêu trong Nghị quyết.
Quản lý, thúc đẩy hiệu quả kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững
Từ ngày 20/4/2025, Thông tư số 09/2025/TT-BTC của Bộ Tài chính chính thức có hiệu lực, quy định rõ cơ chế quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước để triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025.

Thông tư này xác lập những nội dung chi cụ thể nhằm thúc đẩy hệ sinh thái kinh doanh bền vững, bao gồm: Xây dựng tài liệu chuyên sâu; kết nối doanh nghiệp với các tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư; lan tỏa kinh nghiệm thực tiễn; tổ chức các khóa bồi dưỡng nâng cao nhận thức; và xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hướng đến phát triển bền vững.
Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng tiêu chí bền vững theo Chương trình 167 và quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP. Việc xác định nội dung và đối tượng hỗ trợ sẽ do các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện theo đúng quy định hiện hành. Mức hỗ trợ áp dụng theo định mức cao nhất được nêu trong Nghị định 80, trong khi cơ chế phân bổ và sử dụng kinh phí được hướng dẫn tại Thông tư số 52/2023/TT-BTC.
Việc ban hành Thông tư 09/2025/TT-BTC không chỉ góp phần hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững, mà còn là động lực để cộng đồng doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, đổi mới mô hình kinh doanh, thích ứng với xu hướng phát triển bền vững trong nước và quốc tế.
Quy định về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước
Nghị định số 44/2025/NĐ-CP, quy định về quản lý lao động, tiền lương, thù lao và tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2025. Đây là bước hoàn thiện cơ chế trả lương theo hướng gắn với năng suất, hiệu quả kinh doanh và đặc thù ngành nghề.

Theo đó, việc chi trả lương, thưởng phải bảo đảm công khai, minh bạch, phản ánh đúng mức độ đóng góp của người lao động và ban điều hành. Quỹ tiền lương được xác định theo 2 phương pháp: Dựa trên mức lương bình quân hoặc đơn giá tiền lương ổn định, với điều kiện doanh nghiệp đã hoạt động đủ thời gian tối thiểu. Mỗi doanh nghiệp sẽ linh hoạt lựa chọn phương pháp phù hợp, thậm chí có thể áp dụng riêng cho từng lĩnh vực hoạt động nếu đủ điều kiện tách bạch các chỉ tiêu.
Đáng chú ý, mức lương của Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc (trừ trường hợp thuê ngoài) không được vượt quá 10 lần mức lương bình quân của người lao động. Quy chế trả lương phải được tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động, đối thoại tại nơi làm việc và báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu trước khi thực hiện.
Nghị định cũng quy định cụ thể mức lương cơ bản của thành viên Hội đồng thành viên và Kiểm soát viên chuyên trách theo từng nhóm, căn cứ vào kế hoạch và kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm. Đây là cơ sở để đảm bảo sự công bằng, khuyến khích đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động tại các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ vốn.